Thuộc thế hệ nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ, Thanh Quế chuyển động không ngừng, từ thơ, truyện ngắn đến tiểu thuyết, bút ký, chân dung văn nghệ. Ở lĩnh vực nào, cây bút sinh năm 1945, quê Tuy An, Phú Yên này cũng chứng tỏ sự sắc sảo, tinh tường. Vậy mà nhà thơ Thanh Quế, nguyên Ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam, vẫn chưa hài lòng với chính mình. Và tác phẩm mà ông ưng ý dường như vẫn còn ở chân trời xa…

Nhà thơ Thanh Quế

* Thưa nhà thơ Thanh Quế, đọc các tác phẩm của ông, những người yêu văn chương nhận ra rằng chiến tranh là đề tài lớn, xuyên suốt nhiều trang viết. Điều gì khiến ông tâm đắc mảng đề tài này đến vậy?


– Sau khi học xong đại học, tôi trở thành phóng viên chiến trường, sống cùng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Trong chiến tranh, tôi gắn bó nhiều nhất với hai vùng: Quảng Đà và Phú Yên. Tôi được nhân dân, bộ đội nuôi và cứu mạng nên cần phải viết để trả “món nợ” đó. Và chiến tranh là đề tài tôi am hiểu nhất. Ở tuổi này mà viết những đề tài mới cũng rất khó nhọc.


* Thơ ông có giọng điệu riêng với những tầng sâu ý nghĩa, song vẫn giữ được nét dung dị. Làm thế nào đạt được điều đó, thưa nhà thơ?


– Tôi viết đúng là mình. Khi thấy thơ mình “lai” một giọng khác, của người A, người B, người C… thì tôi bỏ. Tất nhiên mình không thể giữ hoài một lối viết mà phải phát triển, nhưng vẫn phải đúng “giọng” của mình. Tôi viết đúng là mình nhất.


* Có ý kiến cho rằng thơ hay thì người ta mới thuộc và nhớ, nhưng cũng có quan niệm rằng bây giờ, những người yêu thi ca chỉ cần cảm nhận và nhớ cái tứ hay, không cần thuộc vanh vách cả bài. Ông theo “trường phái” nào?


– Tôi thích thơ được người ta nhớ, nếu không nhớ câu chữ thì nhớ cái tứ. Cho nên tôi thích phát triển ý tưởng, để người ta nhớ ý tưởng. Tôi cố gắng chăm chút cái tứ. Cách làm đó hơi cổ điển, nói như nhà thơ Trúc Thông: Thanh Quế phấn đấu hiện đại thơ theo cách cổ điển. Tôi chủ trương có cái tứ thì mới viết và lấy toàn bài làm chính, chứ thơ tôi ít có được câu hay. Quan niệm “câu hay” của tôi là tứ hay, có chất triết lý, ví như hai câu thơ của Chế Lan Viên: “Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn!”.


Tôi đang làm tập thơ mới “Nơi phòng đợi”, gồm 45 bài. Tôi quan niệm: Mỗi người chúng ta đang sống tức là đang ngồi ở phòng đợi để đi vô căn phòng vĩnh cửu. Rất nhiều người ngồi ở phòng đợi vẫn tranh giành nhau từng tí một, mà họ quên rằng sẽ có một tiếng gọi như búa bổ tới mình. Cuộc sống hiện tại của chúng ta chính là phòng đợi để đi vào vĩnh cửu.


* Mấy mươi năm nặng nợ với văn chương, bây giờ nhìn lại, có “món nợ” nào mà ông chưa trả được?


– “Nợ” nhân dân tôi vẫn chưa trả được.


* Ông đã viết nhiều thế cơ mà!


– Viết nhiều nhưng vẫn không ăn thua, bởi vì mình chỉ có khả năng chứ tài năng thì ít. Có thể anh chỉ viết một quyển sách hay một bộ sách thôi, nhưng nói được nhiều vấn đề lớn của nhân dân. Về văn xuôi, tôi chưa có quyển nào viết về nhân dân thật xúc động, thật hay, cho nên tôi còn “nợ”, mà chắc sẽ không trả được. Thơ cũng vậy, có người thích bài này, có người thích bài kia nhưng tôi chưa ưng lòng với bài nào. Những nhà thơ cực lớn của thế giới cũng chỉ có vài bài hay thôi. Mình đã có vài bài hay chưa? Chưa có!


* Trong số các cây bút người Phú Yên thế hệ sau, có cây bút nào làm ông cảm mến trang viết của họ?


– Huỳnh Văn Quốc có một tập truyện vừa đọc rất được. Tôi cũng thích một số truyện ngắn của Huỳnh Thạch Thảo. Thảo viết có giọng riêng, tình cảm hòa trong thiên nhiên. Phải có giọng riêng thì mới nhớ được.


* Xin cảm ơn nhà thơ!


Nguồn BÁO PHÚ YÊN