Nhà thơ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (1889-1939) đã để lại một dấu ấn lớn trong nền văn học Việt Nam với sự nghiệp thơ trác tuyệt và một cuộc đời thật phong phú những sự kiện cũng như những giai thoại đã ảnh hưởng sâu xa đến nhiều thế hệ nhà thơ Việt Nam. Nhà thơ Ngô Quân Miện (1926-2008), trong một tác phẩm in lúc cuối đời đã dành đến ba bài viết về Tản Đà – nhà thơ mà ông hằng ngưỡng mộ và có vinh dự là người cùng quê cũng như được gần gũi nhiều từ những năm thơ ấu. Chúng tôi trân trọng giới thiệu một bài viết của nhà thơ Ngô Quân Miện, cũng là dịp để chúng ta cùng tưởng nhớ đến hai bậc tài hoa của quê hương núi Tản sông Đà. Cũng xin trân trọng cám ơn nhà thơ Vân Long đã có nhã ý chuyển đến cho chúng tôi bài viết này.


 

Người chán đời ấy là thi sĩ Tản Đà, người đồng hương lớn của tôi mà tôi luôn ngưỡng mộ. Chính ông, trong cuộc sống, đã có lúc tìm cái chết bằng cách tuyệt thực, và trong văn học, đã viết ra những câu thơ chán đời, những câu thơ buồn hay nhất trong thời của ông.


Trong cuộc sống riêng tư, ông đã trải qua nhiều cảnh huống rất đáng buồn. Chú bé Nguyễn Khắc Hiếu lên ba tuổi thì bố là Án sát Nguyễn Danh Kế chết, gia đình bỗng chốc lâm vào cảnh sa sút. Lên bốn, mẹ đẻ là Nhữ Thị Nghiêm, cô đào hát nổi danh ở phố Hàng Thao, Nam Định đã bỏ đứa con trai nhỏ lại cho gia đình nhà chồng, mang theo đứa con gái, trở lại xóm bình khang! Vì thế, từ nhỏ, Hiếu đã rất buồn vì người mẹ. Được người anh con mẹ già là Đốc học, phó bảng Nguyễn Tái Tích nuôi cho ăn học. Đến năm mười chín tuổi, chàng ấm sinh vừa bắt đầu yêu, mê cô gái họ Đỗ ở phố Hàng Bồ – Hà Nội thì bị thất vọng ngay, vì ông anh bảo: “Nhà ta nghèo như thế, lấy đâu được xe song mã mà cưới!”.


Đến năm 1912, thi hỏng liền hai khoa: Thi Hương ở trường Nam và thi vào trường Hậu bổ ở Hà Nội. Những nỗi thất vọng dồn dập thành nỗi tuyệt vọng, lại đúng vào lúc cô gái Hàng Bồ lên xe hoa về nhà chồng. Bấy giờ thì cái câu hỏi: “Đời đáng chán hay không đáng chán?” ông chẳng phải chờ “Cất chén quỳnh riêng hỏi bạn tri âm” cũng tự thấy quá rõ rồi. Mang cái tâm sự ấy, ông lên chùa Non Tiên ở Mỹ Đức, Hà Đông, tế nàng Chiêu Quân. Trong Giấc mộng lớn, Tản Đà đã ghi lại; “Mà chùa Non Tiên là chỗ dùng thân người yếm thế!”. Ít lâu sau, ông về ấp Cổ Đằng ở Sơn Tây. Ở đây, ông cảm thấy: “Cái bụng chán đời đến cực điểm, sau quyết mong tịch cốc để từ trần!”. Tịch cốc là nhịn cơm, ông nhịn cơm mấy hôm liền, “sầu khổ không thể chịu được nữa”, nên phải uống rượu, mà toàn rượu suông. Rồi ông anh – chỗ dựa vững chắc lâu nay – cũng mất, rồi con trai của ông ấy là Tú tài Nguyễn Cống Ngọ (Thân sinh của nhà thơ Nguyễn Văn Phúc) cũng bị bệnh chết. Chỉ trong khoảng mấy năm trời, những nỗi buồn phiền chồng chất, đúng như có lần ông đã viết:


“Sầu không có mối, chém sao cho đứt, sầu không có khối, đập sao cho tan!”. Mối sầu ấy, khối sầu ấy chính là mạch nguồn đầy ắp từ đó trào nên thơ ông. Nỗi thất tình đầu tiên đã khiến ông thốt ra: Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi/ Trần thế em đây chán nữa rồi! (Khối tình con)


Trong bài thơ Chơi Hòa Bình, nỗi đau vì tình lại như đè lên cả tâm hồn và thể xác: Vì ai cho tớ phải lênh đênh/ Nặng lắm ai ơi một gánh tình!/ Non Tượng trời cho bao tuổi lẻ/ Sông Đà ai vặn một dòng quanh.


Tại sao con sông ở đây lại vặn dòng chứ không phải uốn khúc như ta thường thấy? Chúng ta nhìn trên bản đồ thì thấy cả ba con sông Lô, Thao, Đà như ba sợi dây song song từ thượng nguồn Tây Bắc chảy chéo xuống phía Đông nam. Riêng sông Đà đến đúng thị xã Hòa Bình thì lại có một đoạn chảy ngược thẳng lên phía Bắc để đổ vào sông Thao. Vì vậy, đã có thơ chữ Hán: “Chúng thủy giai Đông tẩu, Đà giang độc Bắc lưu”. Nghĩa là mọi con sông đều chảy về phía Đông, chỉ có sông Đà chảy về phía Bắc. Đúng cái chỗ ấy ở Hòa Bình là chỗ nhà thơ thất tình đã đến và với nỗi đau của mình, ông đã nhìn thấy con sông bị vặn đi hệt như khúc ruột của mình lúc ấy đang bị ai vặn!


Bài Thúy Kiều lúc ra tu chùa Hoàn Thư là một tiếng thở dài vì mãi không sao thoát ra khỏi nỗi buồn cứ vây riết lấy mình: Sự đời lắm lúc nghĩ buồn tênh/ Can nợ chi theo mãi với tình/ …Cái số đoạn trường sao quái lạ/ Khéo xoay xoay tít mãi mù xanh.


Trong bài Hơn nhau một chén rượu mời, có chen hai câu chữ Hán nói thẳng ra là đã chán hết mọi sự đời, không úp mở gì nữa: Hồi đầu yếm tận nhân gian sự/ Vô lực nan tùng đế khuyết du.


Nghĩa là: Ngoảnh đầu lại, chán hết mọi việc ở cõi trần. Không có cánh, khó mà lên chơi cửa nhà trời! Thực ra, câu thứ nhất, Tản Đà đã mượn ý của bài tựa Bồ Tùng Linh  để nói nỗi chán đời của mình, câu ấy ở trong bài tựa của Liêu Trai chí dị “Cô vọng ngôn chi cô thính chi” mà ông đã dịch là “nói láo mà chơi, nghe láo chơi”. Thời ấy, công khai nói ra giữa thi đàn nỗi chán đời của mình cũng là một điều độc đáo của ông.


Bài thơ chán đời hay nhất của ông, có lẽ là bài Tế Chiêu Quân. Bài này viết bằng chữ Hán, được nhà thơ trào phúng Nễ Xuyên Nguyễn Thiện Kế, tức ông Huyện móm, anh rể nhà thơ, cũng là một người bạn tri kỷ của ông, dịch ra quốc ngữ. Bài thơ khóc cho số phận nàng cung nhân đẹp tuyệt trần của vua Hán bị gả sang Hồ nên đã tự sát, có những câu hay đến mức buồn chết người – sát nhân sầu, như chữ mà Lý Bạch đã có lần dùng: … Mả xanh còn dấu còn căm/ Suối vàng lạnh lẽo cô nằm với ai/ … Khóc than nước mắt ròng ròng/ Xương không còn vết, giận không có kỳ.


Tản Đà đã lấy nỗi đau của Chiêu Quân để nói nỗi đau của mình, và đã gắn số phận của mình với số phận của nàng: … Trời Nam thằng kiết là tôi/ Chùa Tiên, đất khách, khóc người bên Ngô/ Cô với tôi, tôi với cô/ Trước sân lễ bạc có mồ nào đây/ Hồn cô vì có ở đây/ Cho tôi theo với lên mây cũng đành!


Nhà thơ Xuân Diệu đã đánh giá Tản Đà là “người tiêu biểu nhất đưa ra cái Buồn, cái Sầu của chủ nghĩa lãng mạn và đưa ra bằng những văn thơ hay mà những thi sĩ cùng thời với mình không bì nổi”. Vì cái sầu ấy mà có người cho thơ Tản Đà là tiêu cực! Về ý kiến này, Xuân Diệu cũng đã lý giải rõ ràng: “Khi đọc thơ văn trong văn học truyền thống trước khi có chính quyền cách mạng, nếu chúng ta thấy ở đâu có Sầu là vội hô lên tiêu cực, nếu chúng ta không hiểu cái sầu trong văn học cũ là chúng ta đánh mất cái chìa khóa, không hiểu gì sất! Trước Cách mạng vô sản, dân chủ nhân dân, là phạm trù các xã hội có giai cấp, vui vẻ, phấn chấn, hứng khởi thế nào được” (Tuyển tập Tản Đà, NXB Văn học 1986).


 

Chúng ta cũng còn thấy rằng: Thơ Tản Đà không chỉ có cái sầu riêng tư mà còn có cả cái sầu thế sự, cái sầu mang tính xã hội rất rõ, đó là cái buồn vì xã hội ông đang sống, thời buổi ông đang trải qua có biết bao điều đáng buồn, đáng chán. Cái sầu thế sự này, thơ ông đã nói lên được một cách thấm thía, tài tình: Cuộc nhân thế, câu cười tiếng khóc/ Nghề sinh nhai lối dọc, đường ngang/ Đầu xanh ai điểm hơi sương/ Những e cùng thẹn, những thương cùng sầu. (Nói chuyện với ảnh – 1916).


Người có tư cách thì làm sao mà không thẹn, không sầu được trước cảnh: Luân thường đổ nát, phong hóa suy/ Tiết nghĩa rẻ rúng, ân tình ly. (Trần ai tri kỷ).


Chính cái sầu riêng tư đã lên đến cực điểm là muốn quyên sinh đã dồn Tản Đà vào bước đường cùng khiến con người vốn có hoài bão và có tài đã nhận thức ra phải tự mình vượt lên tìm lối thoát, và trong quá trình ấy lại càng cảm nhận được cái buồn thế sự và ý thức được trách nhiệm của mình trước xã hội. Trong Giấc mộng lớn, ông đã viết “Cái tình cảm bi thương trong gia đình, hợp một cái cảnh ngộ bần hàn của thân thế, khiến cho kẻ chán đời chẳng được thời lại phải tùy thời mà sinh nhai lối dọc đường ngang”. Thế là ông bắt tay hành động. Năm 1917, ông đã soạn và đạo diễn các vở ca kịch Tây Thi, Thiên Thai, Dương Quý Phi, Người cá với các rạp Thắng Ý ở Hà Nội và Nguyễn Đình Cao ở Hải Phòng. Rồi mấy năm liền, tìm cách vay mượn, in được một loạt những cuốn sách: Khối tình con, Giấc mộng con, Khối tình (chính) Khối tình (phụ), Đài gương kinh truyện, Lên sáu, Lên tám. Cuộc kiếm ăn khá chật vật nhưng cũng nhờ những vở kịch, những cuốn sách đó mà nói lên được những nỗi niềm, những ước vọng của mình. Cũng lúc đó, trong mấy năm liền, ông để thì giờ vào hai việc: đi chơi và học. Đi chơi rất nhiều tỉnh ở Bắc, Trung, Nam, vừa để giải trí, vừa để lo công việc làm văn, làm báo. Học bằng cách đọc rất nhiều sách Tân thư của Trung Quốc dịch từ sách của các nước Thái Tây để biết nhiều cái mới trên thế giới. Những cuộc đi và học ấy càng giúp cho ông thấy rõ, hiểu rõ đồng bào mình hơn, đất nước mình và xã hội mình đang sống hơn, cũng lại mở rộng tầm nhìn xa rộng hơn sang các chân trời khác. Cũng nhờ vậy, là một nhà nho, nhưng Tản Đà lại có được những ý tưởng và cảm xúc mới, so với nhiều nhà nho cùng thời.


Từ cái trữ tình lúc đầu còn nặng về riêng tư, ông đã dần dần mở rộng ra cái trữ tình xã hội, theo cách nói ngày nay là trữ tình công dân, rung động và cảm khái nhiều và sâu sắc về những vấn đề liên quan đến vận mệnh của nhân dân, của Tổ quốc trong đó có mình. Từ đó trong thơ ông, cả hai thứ trữ tình xen kẽ và tương tác lẫn nhau. Cái trữ tình của ông mang tính nhân bản sâu sắc.


Tản Đà luôn luôn ôm ấp hoài bão được lo toan, gánh vác việc đời, việc dân, việc nước, cả việc thế giới nữa, mặc dầu cuộc mưu sinh vô cùng chật vật: Khắp bốn phương trời không thước đất/ Địa cầu những muốn ghé bên vai. (Khai bút – 1920).


Đọc câu trên đất, ngày nay chúng ta có thể nghĩ đến hình tượng thần Atlas đỡ cả bầu trời trên vai mình, nhưng thời Tản Đà, đó là một tứ thơ rất mới! Rồi: Lo nước, lo nhà, lo thế giới/ Còn thêm lo nợ nghĩ chưa ra/ (Khai bút – 1921).


Và: Lửa đốt lòng son câu thế sự/ Gương soi tóc trắng nỗi sầu tư.  (Ngày xuân tương tự).


Trong nhiều bài thơ, Tản Đà thường hay nói đến nỗi lo bạc đầu. Quả thật, ông là người bạc đầu rất sớm. Mới hơn bốn mươi tuổi mà người làng đã gọi là cụ Ấm. Ông bắt đầu thể hiện được rất rõ cái hoài bão muốn gánh vác việc đời, việc nước từ lúc nắm lấy được một phương tiện hữu hiệu để hoạt động, đó là từ năm 1921, ông làm chủ bút báo Hữu Thanh. Trong bài “Đề báo Hữu Thanh” số đầu ra mắt bạn đọc, có những câu: Tạp chí ra đời gọi Hữu Thanh/ Chim tìm tiếng bạn mượn đề danh/ … Hai mươi nhăm triệu đồng thanh cả/ Hữu ái mong ai một chút tình.


Hữu Thanh, chữ Hán nghĩa là tiếng bạn. Ông muốn lấy đây làm chỗ cất tiếng gọi đàn, để 25 triệu đồng bào cùng một lòng vun đắp sự nghiệp chung. Bìa báo có vẽ ba cô gái Bắc, Trung, Nam đứng nhìn một đàn chim cùng bay lượn. Dưới tranh đề mấy câu thơ: Trung, Nam, Bắc, chị cùng em/ Chị em trông đó, con chim gọi đàn/ Chim kia còn biết gọi đàn/ Chút tình hữu ái chị bàn cùng em.


Ngòi bút Tản Đà có cái tài là những bài thơ kêu gọi như vậy vẫn đầy tình cảm tha thiết dễ khiến người đọc động lòng. Tờ báo này là cơ quan của “Hội Ái Hữu Trung Bắc Kỳ nông công thương tương tế”, nhóm Nguyễn Huy Lợi và Nguyễn Mạnh Bổng mời Tản Đà ra làm chủ bút. Nhưng, chỉ được sáu tháng, ông không đồng ý kiến với nhóm đó về phương hướng và nội dung báo nên bỏ đi. Ông hoạt động mạnh nhất là thời kỳ An Nam tạp chí (A.N.T.C). Năm 1926 tờ báo ra đời có bài thơ Sông Cái thuyền nan ví tờ báo là chiếc thuyền nan mà ông là người chèo lái, ý muốn nói lên cái ước vọng được chèo chống việc đời, việc nước: Nghìn trùng sóng gió ba khoang nứa/ Bốn mặt non sông một mái chèo.


Trong một bài thơ mừng Tết 1927, ông viết: Tết năm Đinh Mão ta mừng xuân/ Ta có thơ mừng khắp quốc dân/ Trước biết ái quốc, sau hợp quần.


Ông chúc các giới đồng bào làm những việc “công ích”, giúp “đồng bang”, rồi chúc nước nhà: Trời Nam hoa thảo xuân vô tận/ Đất Bắc giang sơn vận bất cùng.


Trên mặt báo này ông chĩa ngọn bút nhọn sắc vào những kẻ quan lại đục khoét, bòn rút của dân đen. Như bài Nhắn Từ Đạm đả kích tên tuần phủ Ninh Bình khét tiếng ăn của đút đã vô liêm sỉ cho đục vào đá núi Non Nước một bài thơ Nôm: Trăng gió vui cùng hắn/ Lầm than mặc kệ ai/ Ham chơi non với nước/ Có phúc được ngồi dai!


Hắn còn cho đục vết hai bàn chân của mình trên đá. Tản Đà thấy thế, phẫn nộ, bèn thuê thợ khắc ngay bên cạnh đó bài thơ dưới đây, sau đó cho đăng lên báo: Năm ngoái, năm xưa đục mấy vần/ Năm nay, quan lại đục hai chân/ Khen cho đá cũng bền gan thật/ Đứng mãi cho quan đục mấy lần. (A.N.T.C – 1926)


Tản Đà biết tin tuần phủ Vĩnh Yên là Đào Trọng Vận, nhận một vụ kiện đã ăn đút gần ba nghìn đồng. Số tiền ấy vào năm 1927 có giá trị rất lớn. Ông đã gợi ý cho Ngô Tiếp viết truyện Tờ di chúc nói về vụ này, rồi ông viết bài thơ Cảm đề mỉa mai: Hơi đồng đã sạch mồm ông lớn/ Mặt sắt còn bia miệng thế gian!


Đặc biệt đáng chú ý là bài thơ ông viết về vụ ăn hối lộ của Tri phủ Anh Sơn (Nghệ An): Thái Bình chưa dứt tiếng kêu oan/ Lại tiếng kêu trời ở Nghệ An/ Một phủ Anh Sơn trong mấy tháng/ Mà tay Phan Tử lấy ba ngàn/ Cùng phường dối nước quân ăn cắp/ Cũng lũ tàn dân giống hại đàn/ Lạnh lẽo hơi sương tòa tạp chí/ Lệ ai giàn giụa với giang sơn! (Cảm đề – A.N.T.C -1927).


Đây không phải là bài thơ đả kích thông thường mà là một bài thơ trữ tình đầy lòng nhân ái. Nhà thơ yêu thương và xót xa đồng bào chân thành từ đáy lòng và căm ghét bọn tham quan ô lại tận xương tủy, cho nên khi nói đến đồng bào thì lời thơ thống thiết đầy xúc động, khi nói về bọn quan lại gian ác thì mỗi câu như một mũi dùi nhọn sắc đâm vào tâm can chúng. Đây là một loại trữ tình mang tính xã hội sâu sắc.


Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xương cho biết thì A.N.T.C số 10 năm 1927, có bài văn Một cuộc chiến tranh khởi đầu từ năm Đinh Mão (tức năm 1927), trong đó Tản Đà sắp xếp các lực lượng quốc dân thành các đạo quân tiến trên mặt trận văn hóa – kinh tế mưu cầu tương lai dân tộc. Vì thế, báo bị chính quyền Pháp bắt đình bản. Nhưng rồi Tản Đà cũng đã xoay xở mọi cách cho tờ báo được tái bản lần thứ hai, thứ ba, cho đến lần thứ năm. Nếu ở thời kỳ Hữu Thanh, nhà thơ mới chỉ cất tiếng chim gọi đàn thì ở thời kỳ đầu của A.N.T.C ông đã dám chèo lái con thuyền nan trên sông Cái, và sau này ông đã nói lên hoài bão muốn đứng trên Chiếc tàu An – Nam: Bốn bể năm châu náo cuộc đời/ Con tàu bảo quốc chị em ơi/ … Hỏi thăm Âu, Mỹ không bờ bến/ Mở máy quay guồng quá độ chơi!


Đến đây thì ta thấy cái tầm nhìn, tầm nghĩ của nhà nho đã vượt hẳn trước đây, muốn được mắt thấy tai nghe những nền văn minh Âu – Mỹ ở các châu lục khác. Ấy thế mà ông vẫn khiêm nhường nói mình là “hủ nho!”.


Trong A.N.T.C số 25 năm 1932, có in Bài ca cổ bản. Hồi ấy Tản Đà lên Lao Kay tìm Nguyễn Công Hoan nhưng không gặp – Nhân lúc anh em công chức người Việt tổ chức diễn kịch giúp đồng bào Nghệ Tĩnh bị hạn hán và bão lốc, ông viết luôn bài ca này để hát ngay trong buổi diễn: Quanh vùng Nghệ Tĩnh liền nhau/ Nắng thiêu đồng mạ, hư hại vườn rau/ Dân tình khó khăn, đói cùng nhau// … Nhìn người hơn, ngắm vào ta/ chung lòng hợp dạ, xum bọc giống nhà/ Giống Tiên Rồng may mà…


Có năm, dân các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Bình bị lụt lớn, ông đã có bài Khuyên người giúp dân bị lụt rất thống thiết trước cảnh đồng bào bị khốn cùng: … Lệ đầy vơi, tình chia phối/ Bồng bế con thơ bán khắp nơi/ Năm hào một đứa trẻ lên sáu/ Cha còn sống, con bồ côi…/ … Hai chữ đồng bào ân nghĩa nặng/ Đùm nhau lành rách hỡi ai ơi!


Hai chữ đồng bào ân nghĩa nặng. Có lẽ từ trước chưa có ai nói về một nội dung tình cảm và đạo lý của hai chữ “đồng bào” thấm thía như vậy. Đó là tiếng thổn thức từ một trái tim chân thành yêu thương nhân dân mình như người cùng máu mủ ruột rà. Đây cũng là một bài thơ nữa tiêu biểu cho cái trữ tình xã hội của thơ Tản Đà.


Có một hiện tượng này nữa trong thơ yêu nước của Tản Đà mà không thể bỏ qua được, ấy là một loạt bốn bài thơ Bức địa đồ rách. Ở đây, cái trách nhiệm thiêng liêng của mỗi người dân phải kế tiếp gìn giữ, bồi đắp giang sơn, đất nước mà cha ông xưa đã để lại luôn luôn là nỗi day dứt trong lòng ông: … Biết bao lúc mới công gìn giữ/ Sao đến bây giờ rách tả tơi. (Bài 1 – Tập Còn chơi – 1921).


… Còn sông, còn núi, còn ta đó/ Có lúc ta bồi, các bạn coi. (Bài 2 – Đông Pháp thời báo)


Những bài này viết trên Đông Pháp thời báo của Diệp Văn Kỳ vào những năm sau khi An Nam tạp chí bị đình bản lần thứ nhất (1927), ông tạm thời vào Nam cộng tác với ông Diệp.


Cũng không thể không nhắc lại bài thơ nổi tiếng Thề non nước ông viết từ năm 1920. Tác giả mượn mô-típ “nguyện nước thề non” của tình yêu đôi lứa để nói lên tình yêu tha thiết đối với non sông, Tổ quốc. Những từ non non, nước nước được láy đi láy lại một cách nhuần nhị như một nỗi niềm canh cánh bên lòng, cảm xúc đằm thắm khó quên. Đây là một bài thơ trữ tình lớn, có thể coi như một bài Kinh cầu nguyện thuộc lòng của nhiều người Việt Nam yêu nước trong nhiều năm đất nước bị thực dân thống trị: … Dù cho sông cạn đá mòn/ Còn non, còn nước hãy còn thề xưa.


Có thể nói thơ Tản Đà, nếu trong bước đầu, còn nhiều nặng nề về trữ tình riêng tư thì càng về sau, từ khi vượt qua được khủng hoảng tinh thần dữ dội ấy, đã ngày càng mở rộng ra phía trữ tình công dân, trữ tình xã hội, rung động và cảm khái nhiều về số phận của nhân dân và vận mệnh của Tổ quốc. Nói cho thật đúng thì không nên tách rời hai loại trữ tình ấy. Cái yêu, cái sầu, cái mộng, cái ngông cả riêng và chung thường hòa quyện với nhau rất tinh tế trong thơ ông. Ông là nhà thơ rất thành thực với chính bản thân mình nên trữ tình riêng tư của ông rất thấm thía mà trữ tình công dân cũng rất sâu nặng.


Thơ Tản Đà đã khẳng định ông là một nhà thơ trữ tình lớn và một nhà yêu nước đầy tâm huyết.

 

Theo Tạp chí Thơ, Hội nhà văn Việt Nam