Ấy là một điều bí ẩn. Kể từ khi Blaise Cendrars xuất hiện trong thế giới thi ca Pháp, Câu chuyện truyền kỳ của Novgorode chiếm vị trí đầu tiên trong số các tác phẩm của ông. Từ năm này qua năm khác, từ 1912 với Phục sinh ở Nữu-ước tới 1959 với Films sans images, tựa sách huyền hoặc này, kèm theo ghi chú “không bán” hoặc “tuyệt bản”, vẫn có ghi ở đầu các thư tịch do chính tác giả thiết lập.
Những xác định về tác phẩm ông đưa ra sau này có thay đổi, cả về số trang lẫn về bản văn hay thời hiệu. Tuy nhiên, những xác định xưa nhất, trong Séquences vào năm 1913 và trong La guerre au Luxembourg vào năm 1916, nêu lên những điều bất biến: đó là một cuốn sách “do R.R. dịch sang tiếng Nga dựa trên bản thảo của tác giả, in chữ trắng trên giấy đen, tại Moscou, (nhà xuất bản) Sozonoff, 1909. Một cuốn khổ “in-12″ vuông.”. Số in được chỉ rõ: mười bốn bản.
“Tôi đã khởi sự viết vào năm mười tám tuổi ở Saint-Pétersbourg”, Blaise đã nói thế nhiều lần và nhất là trong một cuộc phỏng vấn vào năm 1956. Vậy là, từ 1905, ông là “thi sĩ tập sự”, như ông tự gọi mình như thế vào năm 1919, khi nhớ tới cái quá khứ ở Nga, trong cuốn Le lotissement du ciel.
Thế nhưng cái cuốn sách đầu tiên thời danh kia không một ai từng thấy hoặc được đọc bao giờ. Chính Blaise cũng quả quyết rằng mình không bao giờ có lấy một bản “chẳng khác nào tôi không có một song bản của những gì mình viết”. Vậy thời ấy là một cuốn sách đã thất lạc, đã bị huỷ? Tác phẩm mờ dần, trở thành một bóng ma ám ảnh.
Dĩ nhiên là vấn nạn được đặt ra. Câu chuyện truyền kỳ của Novgorode thực sự có hay không? Nhiều nhà bình luận đã nghi ngờ. Những người khác đỡ bi quan hơn, say mê hơn, khởi sự tìm kiếm, ở Liên Xô trong lúc lọt vào được văn khố thực là khó khăn, và mới đây ở nước Nga khi các Thư viện Công cộng ở Saint-Pétersbourg và Moscou mở ra rộng rãi hơn cho các nhà khảo cứu. Không một kết quả nhỏ bé nào: không một dấu vết nào về tựa sách này, hay về tác giả, hay về người dịch sang tiếng nga, hay về nhà xuất bản. Tất nhiên không phải là ở các Thư viện mà người ta có thể tìm ra một ấn phẩm riêng tư với số in quá hạn hẹp, dành cho một số nhỏ thân hữu. Điều bí ẩn còn nguyên vẹn.
Tuy vậy, chàng trai người Thuỵ Sĩ Frédéric Sauser quả đã có cư trú ở Nga từ năm 1904 đến năm 1907. Hay bỏ trốn ngay từ khi còn nhỏ, học trò bướng bỉnh của Trường Thương mại Neuchâtel, chàng đã đột ngột bỏ nhà cha vào tháng Chín 1904. Sau một việc làm ở Moscou, chàng đi Saint-Pétersbourg vào tháng Giêng 1905 và vào làm thư ký song ngữ – Pháp, Đức – cho một nhà kim hoàn quan trọng người Thuỵ Sĩ, H.A.Leuba.
Cuộc cách mạng 1905 bùng nổ không bao lâu sau khi chàng tới. Những cuộc biểu tình đẫm máu, những cuộc đình công, chiến tranh với Nhật Bản và cuộc bại trận của Nga, những cuộc mậu dịch và vận chuyển đủ loại trên con tàu Xuyên – Tây bá lợi á mới làm, và đồng thời việc buôn bán đá quý và các món nữ trang tinh tế nhất dành cho giới thượng lưu và những người mới giàu, tất cả những thứ ấy tạo nên bầu không khí trong đó người thiếu niên kia trưởng thành.
Tình yêu lúc đó cũng đang chờ đợi chàng thật tha thiết, tình yêu chia sẻ với Hélền Kleinmann, một thiếu nữ có phần chắc là thuộc đám kiều dân Thuỵ Sĩ ở Saint-Pétersbourg. Đôi người trai trẻ chói ngợp đó đã đi tới một bước nào đó trước một tương lai chung chăng?
Trong lúc ấy, tin tức từ Neuchâtel rất đáng lo ngại: má của Freddy bị đau nặng. Tháng Tư 1907, Freddy phải trở lại nhà cha mẹ. Đã có một cuộc trao đổi thư từ tình tứ với Hélène nhưng những lá thư của chàng trai, mà chàng vẫn còn giữ những bản sao, dần dà biểu lộ một sự xa rời nào đó… Điều đó đã được người thiếu nữ kia cảm nhận ra sao, một thiếu nữ có lẽ vì tình yêu, vì hy vọng, đã vượt qua những hạn giới của xã giao, ở nơi xa đó, ở nước Nga?
Đột nhiên, Frédéric Souser được tin Hélène, sau khi bất cẩn gây ra một đám cháy, đã chết vì lửa. Bị thiêu sống. Ngày 28 tháng Sáu 1907.
Sự ghê rợn, đau khổ, phẫn uất, ân hận sẽ để lại dấu vết nơi Freddy-Blaise và các tác phẩm của ông.
Lối thoát của ông là thơ. Hiện ra lúc đó dưới ngòi bút ông là bài thơ đầu tiên, “một điều gì đó vọt ra từ vô thức”, ông nói thế vào năm 1950 trong một cuộc nói chuyện truyền thanh: Câu chuyện truyền kỳ của Novgorode.
Ông gửi bài thơ ấy cho người bnạ ông là R.R., một người chắc cũng là bạn của Hélène.
R.R. – mà tung tích vẫn còn là một điều bí ẩn – dịch sang tiếng Nga bản văn lạ lùng này và cho in “để dành cho tôi một sự bất ngờ vào ngày sinh nhật tôi”, Blaise thuật lại sau này. Ngày một tháng Chín 1907 Freddy sẽ được hai mươi tuổi.
Mất tích, không sao tìm được, Câu chuyện truyền kỳ của Novgorode từ đấy đã chỉ còn lại trong ký ức Blaise Cendrars. Ngày nay chúng ta khám phá ra những dấu vết của nó trong Phục sinh ở Nữu-ước, trong Văn xuôi của con tầu Xuyên – Tây bá lợi á và trong một số lớn các sách của ông.
Tám mươi tám năm sau, vào năm 1995, tại Sofia, Kiril Kadiiski, nhà thơ Bun-ga-ri, học giả, người phiên dịch thơ Nga và Pháp, nhà xuất bản, người chơi sách, bước vào một tiệm sách cũ. Không thể thiếu bấy nhiêu tư cách ấy để dừng mắt trowcs “một tập sách nhỏ đã bị hư hại, gần như tơi tả, với hàng chữ viết bằng tiếng Nga: Frédéric Sause (r), Câu chuyện truyền kỳ Novvgorode, do R.R. dịch từ Pháp văn – (nhà xuất bản) Sozonov – Moscou – Sint-Pétersbourg – 1907”.
“Thật không sao tin được! Phải chăng đó đúng là cuốn sách đầu tiên bị cho là không có của ông Thuỵ Sĩ Frédéric Sauser, được biết tới trên toàn thế giới dưới biệt liệu Blaise Cendrars? Tôi bắt đầu đọc với sự cuồng nhiệt/…/ tim tôi muốn ngừng đập. Tôi muốn hụt hơi. Phải chăng tôi đang thức giấc? Phải chăng ấy là một giấc mộng? Không: bài thơ có thực sự. Tôi đang nắm giữ nó trong tay…”. Kadiiski viết khi thuật lại khám phá của mình.
Phải, đó là một trong mười bốn bản của cuốn sách huyền hoặc! Trên trang bìa đen, tác giả, tựa sách, tên nhà xuất bản, màu trắng. Khổ sách gần tương ứng với khổ “in-12” vuông. Mười sáu trang sách in bằng vần chữ Cyrille, lối xưa của thời đó, trên giấy màu thổ hoàng tươi, đã bị thời gian làm sậm lại và trở thành dễ vụn vỡ.
Và đây là Câu chuyện truyền kỳ của Novgorode, xác nhận biến cố then chốt, điều bí mật sâu kín của cuộc đời nhà thơ. Đó là một bài thơ mà hình thức và bút pháp thật bất ngờ báo trước một hình thức mới. Nó tiết lộ những hình ảnh, những suy tưởng và những sự kiện sẽ tái hiện theo dòng các tác phẩm sau này và rốt cuộc, nó phát hiện cái nguồn gốc bi thảm của một danh hiệu mới, xuất phát từ lửa, từ than hồng và từ tro: Blaise Cendrars.
Diễm Châu dịch
CHỈ LÚC ĐÓ TÔI MỚI LÀ MỘT NHÀ THƠ THỰC SỰ
Khi người ta mười bảy tuổi – như Arthur Rimbaud đã nói –
người ta chỉ có thơ và tình ái trong đầu… Ấy cũng là một buổi chiều ngột ngạt,
những cây ti-dơn khiến ta say như rượu bia Munchen. Và gió nghế ngái
nếm mùi bọt sủi của những cánh bướm bao quanh bóng đèn đường… Và các biệt thự của những nhà vị vọng người thuỵ sĩ
như những đàn cừu hồng lanh lẹ bước xuống máng nước .
Và tôi, như một kẻ mơ đi, tôi từ lầu năm bước xuống men theo rãnh nước;
tôi, ngày hôm ấy, tôi bỏ trốn nhà cha tôi .
Tôi muốn ngụp lặn trong cuộc sống của thơ
và vì thế tôi cần phải băng qua thơ của cuộc sống.
Tôi là người Hà Lan biết bay, bên dưới tôi lấp lánh những thời kỳ và định mệnh
và những đám mây đen tối của thương đội theo tôi thật vất vả và tôi, tôi cuốn hút chúng về phương Đông
nơi đang chờ đợi chúng tôi Novgorode – vương quốc của kim tiền nặc mùi
những tấm lông thú mà, từ Địa cực, từ những thương cục và những căn chòi bằng thông của họ,
những cung thủ với gương mặt Mông Cổ đem tới cho chúng tôi, đòi đổi lấy vodka.
Những bình nguyên loé sáng như lông chồn trắng trong ánh tà huy,
lấm chấm điểm những con quạ trên nền tuyết mới… Tôi nhìn ngắm những đám tuyết và tôi thấy như trong mơ
những hàng dài các thày tu đang bước tới
Đấng Thượng đế kiên trì của họ.
Trong một cuốn sách lớn với mùi sáp, tôi đã đọc câu chuyện của nó.
Tôi là thày tu đang nghiêng mình tụng niệm trên cuốn sách này
cuốn sách bằng những chiếc cánh đã úa vàng trơ trụi
lướt trên khoảng bao la của các thế kỷ và các vương quốc
để chứng tỏ với chúng ta hết thảy rằng lần lượt biến đi và trở lại
những gì từng hiện hữu với chúng ta… Nhưng cuộc sống không cùng vẫn bất biến!
Ngòi viết tôi nghiến rít và cơn sốt của tôi bốc lên trong lúc tôi ngây ngô theo đuổi danh tiếng; và dưới lớp bìa thiếp vàng của cuốn sách, tôi thấy chính tôi,
là người tu sĩ trong bóng mờ của ngôi giáo đường chính thống.
Và những từ mà tôi buông rơi là những đồng tiền vàng
tôi phải trả cho bọn lái buôn
trước khi có thể phóng chúng vào thế giới.
Hai bàn tay tôi vuốt ve làn ngực mềm của những người đẹp dịu dàng nhất,
và bằng những bàn tay này tôi vặn cổ cả ngàn tên lái buôn chán ngấy và kiêu căng
– cả tôi nữa, tôi cũng là một tên lái buôn có thế lực, tế nhị phớt qua
những gì phải chi trả bằng tiền của tôi… Nhưng, trong thực tế, tôi cũng đã chẳng thể chạm hờ
một lớp da thịt thơm tho vừa dịu mềm vừa ấm
như tuyết… hay khe trũng, cũng thật nóng, dịu mềm và mịn mướt
mà con thú bén nhạy trong người tôi hướng tới.
Ở miền Bắc là nơi bầu trời lật úp như một cái thùng tròn
thế giới toàn bằng sữa, và cố nhiên
giải Ngân hà sẽ không bao giờ khô cạn, và là nơi trăng, cục bơ tươi, trôi nổi –
miền Bắc này, có thực là tôi đã tới hay căng. A những đêm trắng của Saint-Pétersbourg này
như một quầng sáng của những cánh đồng trắng trong ký ức tôi.
Nửa đêm người ta kéo cầu lên – ấy những cánh cửa bằng đá dẫn tới trời hay ra khỏi địa ngục…
Nhưng ai vào hay ai ra, lúc ấy tôi không thể nào nhận biết
và ký ức tôi từ đấy tựa như đêm trắng
bởi người ta đã cướp mất Hélène của tôi
và thành Troie đã tiêu tan thành tro bụi.
Vào thời kỳ này tôi là một chàng trai mười bảy
và Novgorode đã tiếp đón tôi với đám nhà bằng cây
nhờ đó những kẻ thù của tôi mới phá được thành trì
của mối tình của tôi, mối tình không thể lọt vào được
và chỉ còn để lại sau bọn chúng những tro là tro, là tro .
Trong não sọ nào đã nảy ra cái ý tưởng ngu ngốc rằng vẻ đẹp là vĩnh cửu?
Liệu ta có thể đoạt được vĩnh cửu chăng? Ban chiều,
ngay khi những tiếng chuông bay bổng bên trên thành phố
như bọn yêu quái đeo trên cội cây trời,
tôi nhìn thấy những đám cháy tương lai và đi tới đằng sau chúng là những con chồn trắng
của nước Nga đỏ rực, là tro lạnh, trắng như sương giá
với những khúc củi đen cháy dở dang… Và tôi đã thấy chính mình là tro
sau đám cháy của những tình cảm và của hy vọng. Đám cháy muôn thuở
khêu lên do cánh cửa có cánh của ngân hàng Rostov
nơi tôi làm việc trong một gian phòng băng giá và nơi tôi luôn luôn hổ thẹn
khi ném một đồng xu vào cái bát gỗ của người nghèo và có dáng vẻ một nhà triệu phú
bước xuống khách sạn Anh quốc ở Saint-Pétersbourg
nơi ban nhạc tzigane với những cây đàn balalaika
quét sạch lý trí ta bằng những nhát chổi, và đột nhiên xuất hiện Rogojine
ném từng bó giấy bạc vào vòng tay người yêu của mình.
Ngày mai khi Jeanne của tôi và tôi đáp chuyến tàu tốc hành Xuyên – Tây bá lợi á
và khi qua khỏi rặng Oural những đồ dự trữ của chúng tôi sẽ cạn,
Rogovine , người ân nhân của tôi, sẽ khiến chúng tôi ngạc nhiên, khi tự mình chăm sóc con tàu,
đút vào lò những viên gạch nhỏ tiền Nga nơi cổ họng đỏ rực của đầu máy,
để lôi kéo chúng tôi đi mãi mãi xa hơn, xa hơn, và khiến chúng tôi bỏ trốn
những gì chờ đợi chúng ta hết thảy – cả người giầu lẫn người nghèo – ở cuối con đường trần thế…
A những bộ da lông thú của Nga này – đã có bao nhiêu lọt qua đôi tay người Thuỵ Sĩ của tôi,
có lẽ mọi người Thuỵ Sĩ đều có thể ghen với tôi… Nhưng cả nhà thơ nữa
cũng là một người Thuỵ Sĩ – kẻ đứng gác trước những cánh cửa nặng nề giữa thiên đường
và địa ngục – để cho điều tốt không thể biến thành điều xấu… và để cho điều xấu
vĩnh viễn bị ngăn chặn lại. Khắp chung quanh – là bóng tối,
như trong tâm hồn của một nông dân Nga. Bên ngoài
bầu trời ẩm ướt và lạnh lẽo lấp lánh với hết thảy những đầu đinh
như thể có ai đó đang vượt thoát những điều nhơ nhớp của cuộc đời
và chỉ còn thoáng thấy được gót giầy lấp lánh của người trong đêm tối.
Trên mặt đường gỗ tôi bước, men theo những kho hàng, những căn nhà lụp xụp và những quán rượu
như trên một con đường Appia lát bằng những cỗ áo quan.
Vào cái đêm không trăng này tôi suýt té, chắc là vào nấm mồ để ngỏ của người.
Phải, đúng là nấm mồ của người, mở toác, Chúa ôi, bởi những tia lửa đớn đau như thế
đã không thể nào vọt ra từ đôi mắt người phàm của tôi trong tăm tối.
Như tôi, người lao động trong cửa tiệm của người Do Thái thời danh Leuba ,
những dấu thương tích của người nhỉ máu, tựa những viên hồng ngọc, dưới ánh mắt của khách hàng,
và đông đảo là những kẻ mà người khoác lên vành tai và ngón tay những viên đá quý, Chúa ôi,
và người trang điểm bộ ngực để trần của biết bao nàng Mạc-đa-liên của đêm tối,
người kẻ đã từng xua đuổi bọn lái buôn ra khỏi đền thờ
bằng một nhát roi quất mạnh.
Không, tôi không muốn trọn đời mình những mua cùng bán,
tôi muốn sống như kẻ phiêu lưu, như người lang bạt, phí tổn phải chịu về phần bọn lái buôn,
tôi muốn rằng thực tại xuất hiện với tôi như một giấc mơ và sống trong một thế giới của những linh thị.
Năm đó, người ta đã nổ súng vào những khóm cây dọc đường cũng như vào những người đình công của Gapone .
Ngày mai khi chúng tôi, nhỏ Jeanne và tôi, bỏ trốn trong chuyến tàu tốc hành Xuyên – Tây bá lợi á,
về Port-Arthur, về Kharbine ,
về những lớp sóng chì của dòng Amour ,
nơi, như những khúc cây tròn, những cái thây vàng vẫn trồi lên mặt nước,
chúng tôi, rốt cuộc, sẽ tìm thấy con đường dẫn tới chúng tôi và tới tình yêu
mà không biết rằng khối tình này ngập tràn những tình cảm đã chết.
Bởi không có miền đất nào xa lạ hơn cũng chẳng có nơi chốn nào cuốn hút hơn là hồn người… Tôi sợ mình bật ra tiếng nức nở.
Bên trên đầu tôi rủ xuống ngọn đèn của toa tàu, dính phân của đám ruồi khuấy nhiễu, như lớp mũi rãi lớn của một hành khách thảm hại.
Trong hằng giờ tôi nhìn qua khung cửa kính ban đêm mịt mờ một thứ mồ hôi nóng bỏng.
Một cây trắc-bá đơn độc, phong kín trong lớp bụi cay đắng,
nhìn những khung cửa sổ khép kín ở ngôi nhà của cha tôi
như thày tu đã theo tôi từ bao dặm dọc con đường,
mãi mãi ở bên tôi, để mãi mãi đọc cho tôi một mẩu của câu chuyện truyền kỳ về Đô thị Mới ngời sáng,
câu chuyện truyền kỳ mà có lẽ một ngày kia tôi sẽ kể cho các người.
Trên bầu trời lạnh lẽo của miền Bắc mặt trời lăn lăn, yên hàn,
vầng mặt trời khổng lồ của người Slave: cái bánh xe với những nan hoa bằng gỗ
mãi mãi sẽ vẫn là cái bánh xe thứ năm
của cỗ xe các dân tộc.
Giấc mơ của tôi quay chậm lại như một nhịp điệu mơ mơ màng màng:
những dải bình nguyên dài dặc vô tận trên nước Nga bại trận
và đột nhiên một con ngựa tơ tiến lại gần, lại gần mỗi lúc một thêm mãi – giống mới qua màn tuyết mìn.
Frédéric Sauser tức Blaise Cedrars sau này.
Diễm Châu dịch theo bản Pháp văn “Hồi phục”
(Nguồn: Tạp chí Thơ HNV)