Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn được đông đảo bạn đọc biết đến với “Hương thầm”, bài thơ càng nổi tiếng hơn khi được phổ nhạc. Nhưng với các em thiếu nhi thì “cô Nhàn” thật thân thiết bởi bài thơ “Làm anh”.

Tôi còn nhớ năm 2006, trong Chuyến tầu kể chuyện đầu tiên của Dự án hỗ trợ văn học thiếu nhi Việt Nam – Đan Mạch, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn đã tham gia “đoàn tàu” đến tỉnh Tuyên Quang. Trong cuộc giao lưu rất hồn nhiên, một em học sinh miền núi đã đứng dậy đọc bài thơ Làm anh: Làm anh thật khó/ Phải đâu chuyện đùa… Niềm hạnh phúc đến bất ngờ khiến nhà thơ cảm động chạy đến tặng hoa bạn đọc nhỏ tuổi của mình. Tham gia rất nhiều những cuộc giao lưu với công chúng, hình ảnh nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn được mọi người tặng hoa là một hình ảnh rất quen thuộc, nhưng hình ảnh nhà thơ vui sướng tặng một bông hồng đẹp cho bạn đọc của mình cũng là một hình ảnh khó phai mờ trong tâm trí những người có mặt trong chuyến đi ấy.

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, cô Nhàn hay chị Nhàn thân thiết với thiếu nhi không chỉ có thơ, chị còn là tác giả của nhiều cuốn sách: Xóm đê ngày ấy, Tuổi trăng rằm, Bỏ trốn và gần đây là Học trò lớp chín.

Là một tác giả xuất hiện vào thời kỳ chống Mỹ, nổi tiếng với những bài thơ cho người lớn, nhưng nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn cũng như nhà thơ Xuân Quỳnh đều nhiệt tình tham gia viết cho thiếu nhi. Nhà thơ Xuân Quỳnh viết văn làm thơ cho thiếu nhi trước hết là viết cho chính những đứa con, tình yêu máu thịt của mình. Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn viết văn làm thơ cho thiếu nhi lại bởi sự không may của số phận cô đơn thiếu vắng tiếng bi bô trẻ nhỏ trong căn nhà của chị. Nhà thơ đã tìm đến trang văn cho trẻ em như để giãi bày, như để tìm một sự chia sẻ ấm áp trong lành giữa cảnh đời còn nhiều nỗi khổ đau.


Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn.

Là một tác giả hóa thân vào nhân vật trẻ thơ, trang văn của chị Nhàn có những góc chiếu, ánh nhìn đa dạng hơn là chỉ riêng một ánh mắt trẻ thơ. Bước vào làng văn Việt Nam nổi tiếng với bài Xóm đê, chị Nhàn dường như đã dành nhiều tình cảm sâu sắc và chân thành cho những số phận bất hạnh, vất vưởng nghèo khó cùng cực mà lại tồn tại cận kề ngay tại thủ đô Hà Nội văn minh sang trọng. Truyện Bỏ trốn chính là một thành công của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn trong mảng đề tài ấy và là một đóng góp đáng kể cho văn xuôi dành cho thiếu nhi Việt Nam.

Vốn là một nhà báo xông xáo thâm nhập thực tế, ngòi bút của chị không ngần ngại miêu tả chân thực những cảnh đời bất hạnh, những số phận bèo bọt trong xã hội, những kế sinh nhai đến khó tin. Tác phẩm Bỏ trốn ra đời vào lúc đất nước sang trang đổi mới, cùng với sự tưng bừng của công cuộc phát triển kinh tế, những tai họa và những nỗi bất hạnh thời bình đã rình rập đe dọa đời sống các gia đình và đau khổ đổ ập xuống mái đầu xanh của con trẻ.


Bìa cuốn “Bỏ trốn”.

Nhân vật bé Thi trong Bỏ trốn dường như đã phải chịu dồn dập những tai họa liên tiếp. Trước hết bé là nạn nhân của cảnh ly hôn, bố mẹ đột ngột không cùng chung sống, người cha đi theo một hạnh phúc khác. Sau đó, là tai nạn giao thông đã cướp đi người mẹ yêu quý của bé Thi. Cô bé mồ côi được sống trong căn nhà của người bác ruột với những nỗi tủi thân do cảnh bác dâu “khác máu tanh lòng” để rồi tình cảm gia tộc tưởng như ngàn năm bền vững đã bị làn sóng “tham vàng bỏ ngãi” xô đổ. Sự hiểu nhầm về hai chỉ vàng đã khiến cô bé bỏ nhà ra đi… theo một đám tang, rồi đi đến bên mộ bà nội, và rơi vào cuộc sống của “cư dân nghĩa trang”…

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn không chỉ là người có duyên thầm trong thơ, chị còn có duyên kể chuyện. Câu chuyện chị kể được dẫn dắt tự nhiên, có lúc dồn nén, có lúc khiến người đọc hồi hộp chờ đợi… và cái kết có hậu trong nỗi ân hận của người lớn và tình cảm khoan dung của đứa trẻ ngoan. Tác phẩm Bỏ trốn hoàn toàn là một câu chuyện mang tính dân gian truyền thống và để nhắc nhở người đời gìn giữ lấy tình cảm vốn có tưởng chừng đã cũ càng rồi nhưng vẫn hiện đại vẫn ám ảnh giữa đời thường hôm nay, ngày mai và ngày kia nữa… Tác phẩm đã được khẳng định từ lúc ra đời bằng Giải A (trong ba giải A) Cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi 1993-1995 của Nhà xuất bản Kim Đồng. Sau đó tác phẩm đã được dựng thành phim Bỏ trốn một bộ phim thành công hiếm hoi về đề tài trẻ em.

Lê Phương Liên

Nguồn: eVan.

Exit mobile version