Sau hai cuộc ra mắt cuốn sách Phan Duy Nhân – Thơ và đời (NXB Đà Nẵng) tại Đà Nẵng và Huế, cuốn sách này vừa ra mắt tại NXB Trẻ TP.HCM vào ngày 5/11 với sự xuất hiện của nhân vật chính: nhà thơ Phan Duy Nhân.
Đến tham dự buổi ra mắt sách này có đông đảo bạn bè của nhà thơ Phan Duy Nhân thời các ông xuống đường tranh đấu tại miền Nam trước 1975, như: Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Hoàng, Nguyễn Công Khế… Nhà thơ Phan Duy Nhân hiện mang trọng bệnh ngồi trên xe lăn không nói được nhưng rất xúc động trước tấm lòng của bạn bè một thời và bây giờ.
Nhà thơ Phan Duy Nhân tên thật Phan Chánh Dinh, còn có tên khác là Nguyễn Chính, ông sinh năm 1941 tại Quảng Trị nhưng theo cha vào Đà Nẵng sống từ nhỏ. Thời “xuống đường” trước 1975, Phan Duy Nhân nhiều lần bị bắt và bị cầm tù. Một trong những lần đó là vì một bài thơ.
Năm 1965 khi đang làm nhà giáo dạy Văn tại trường THCS Vĩnh Điện, Quảng Nam, Phan Duy Nhân có bài thơ kêu gọi mọi người xuống đường đòi tự do. Bài thơ này được ông gửi từ Hội An ra Huế để in trên tờ Nhận Thức. Không hiểu vì sao bài thơ lại lọt vào tay an ninh quân đội chế độ cũ, bài thơ có đoạn: “Hãy đứng dậy tất cả/ Đấu tranh không mất gì/ Trừ cái gông trên cổ/ Trừ cái xiềng trên tay/ Hãy chiếm mọi ngã tư/ Trái tim làm khí giới/ Xông lên triệu triệu đồng bào”.
Vì bài thơ này ông “đã được” thiếu tướng chế độ cũ Tôn Thất Xứng – tư lệnh vùng 1 chiến thuật, trực tiếp hỏi cung vì giống “Tuyên ngôn cộng sản”. Khi ấy nhà thơ điềm tĩnh trả lời ông viết bài thơ vì có đọc Tuyên ngôn cộng sản bằng tiếng Pháp ở Thư viện Đại học Huế. Vì bài thơ này mà ông bị giam đến nửa năm.
Trong tiểu thuyết Học phí trả bằng máu của nhà văn Nguyễn Khắc Phục viết về phong trào sinh viên, học sinh yêu nước tại miền Nam trước 1975, thì nhà thơ Phan Duy Nhân chính là hình mẫu nhà thơ Phan Trịnh trong tiểu thuyết này. Khi chuẩn bị cuốn sách Phan Duy Nhân – Thơ và đời, những người thực hiện có nhờ nhà văn Nguyễn Khắc Phục viết một bài. Lúc đầu Nguyễn Khắc Phục nhận lời với bài: “Phan Duy Nhân, một nhà thơ tài hoa”, nhưng sau đó ông bị ung thư phổi, nằm điều trị ở Viện Quân y 103 Hà Nội, nên không viết được.
Xin trích mấy câu trong bài thơ Biển của Phan Duy Nhân tặng nhà báo Dương Đức Quảng, phóng viên Thông tấn xã giải phóng thời chống Mỹ, để thấy phần nào lời nhận xét của nhà văn Nguyễn Khắc Phục về “một nhà thơ tài hoa Phan Duy Nhân”: “Biển như vầng trán rộng/ Thương đời triệu nếp nhăn/ Người còn trong hữu hạn/ Cứ nghĩ hoài xa xăm…/ Biển muôn đời dào dạt/ Mà tĩnh lặng khôn cùng/ Ra tới ngoài vô hạn/ Biển chảy vào không trung”.
Theo Trạc Tuyền – Thể thao & Văn hóa