“Quá nửa đời phiêu dạt”, nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo mới lần đầu tiên tổ chức một đêm nhạc cho riêng mình, mang tên ca khúc nổi tiếng của ông: “Khúc hát sông quê” (dự kiến diễn ra vào đêm 8.9 tại Nhà hát Lớn Hà Nội). Tác giả ca khúc “Làng quan họ quê tôi” và những bài thơ từng gây chấn động thi đàn Việt như “Tản mạn thời tôi sống”, “Đồng dao cho người lớn”… nhân dịp này cũng chia sẻ nhiều suy tư của ông về thế cuộc.
“Hơi tý là lập ngôn!”
Từng tự họa mình bằng những dòng thơ duyên, hóm: “Vẽ tôi con Lợn cầm tinh/ Con Gà cầm tháng, con Tình cầm tay”, giờ lại đi tự họa mình bằng một live show ở tuổi… “quá nửa đời phiêu dạt”, là do “cầm” phải chữ gì đây?
– Chắc là chữ “duyên”. Cũng chẳng định làm show đâu, tầm này rồi, lại cũng từ lâu gần như “ở ẩn”, nhưng rồi bạn bè xúi, lại có người cho tiền làm, thì là làm thôi (cười).
Một chân dung được cho là đa tài, vừa làm báo, làm thơ, viết nhạc, vẽ bìa sách… – ở lĩnh vực nào cũng ít nhiều để lại dấu ấn, kể cũng đáng có một đêm nhạc cho riêng mình, gọi là gói lại?
Để gói được một người “đa mang” như thế, một đêm nhạc với 18 ca khúc chắc là chưa đủ. Nhưng dù sao có, và muộn, thì vẫn còn hơn không. Để ít ra thêm lần nữa có lại cảm giác: “Có thương, có nhớ, có khóc, có cười/ Có cái chớp mắt đã nghìn năm trôi” vậy! (cười)…
“Đồng dao cho người lớn” – Đúng, đó phải nói là bài thơ tôi yêu thích nhất của ông! Một bài thơ chưa bao giờ cũ, vừa giản dị như một khúc đồng dao, lại vừa có độ thâm sâu của triết lý. Ông đã “túm” được nó trong một cơ sự thế nào vậy?
– Thì cũng là một bữa nhậu như bao bữa nhậu thôi, cũng bàn chuyện thế sự xôm lắm! Đang vui thì tự dưng có một tay thõng giọng: “Ôi xời, mấy ông thừa hơi quan tâm tới cái đó làm gì!”, ra cái vẻ thờ ơ với thời cuộc, tôi tức quá mới bảo: “Ông sống thế thì quá bằng ngang chết, vì chẳng biết chuyện gì đang diễn ra trên đời…”.
Thế rồi, tối ấy về bèn viết ngay mấy dòng mở đầu: “Có cánh rừng chết vẫn xanh trong tôi/ Có con người sống mà như qua đời/ Có câu trả lời biến thành câu hỏi/ Có kẻ ngoại tình ngỡ là tiệc cưới…”, rất dễ dàng. Dĩ nhiên là phải “có cơn”, nhưng hẳn cũng là những suy tư từ lâu chất chứa trong lòng…
Cái sự làm ra vẻ thờ ơ với thời cuộc ấy, liệu có giống với tiếng thở dài này trong nhạc Trịnh: “Đời ta hết mang điều mới lạ/ Tôi đã sống rất ơ hờ”?
– Không, khác chứ! Được thế đã là! Cái thở dài ấy của Trịnh, nó là cả một thái độ “tự kiểm” rất chân thành, kiểu như: “Ô, sao mình lại có thể có lúc sống ơ hờ thế được!”. Rồi ra, nó cứ như một lời nhắc nhẹ, rằng, nên chăng, sống thế…
Nhưng cái tay “mackeno” (mặc kệ nó) kia, là hắn cứ làm ra cái vẻ cao đạo, bất cần đời. Ô, tôi từng biết đầy kẻ tỏ ra bất cần đời, thậm chí làm như lơ đãng là đằng khác, chả thiết gì, chả quan tâm gì, nhưng thật ra chứa đầy một rổ “tham sân si”, động đến quyền lợi thì biết tay! Cái giống đạo đức giả ấy, tôi ghét lắm!
Xã hội lúc này cũng không thiếu những kiểu nhìn đời ơ thờ như thế, nhưng ở một thái cực khác, thì lại quan tâm thái quá, chuyện gì cũng xía vào, cũng phán như đúng rồi, bất luận biết hay không biết. Một thái độ sống như thế nào theo ông là chừng mực, trong thời mạng xã hội?
– Các cụ có câu: “Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe”, thiết tưởng lại càng đúng, trên mạng xã hội. Giờ sao mà lắm người “hiểu chuyện” thế, hơi tý là “lập ngôn”, dạy đời người khác như thật! Cái phường hóng hớt, ăn theo nói leo ấy, âu cũng là một phiên bản khác của cái thói thờ ơ kia thôi – khác đấy mà giống đấy, vì cũng đều chả coi ai ra gì, chả thấy ai đáng quan tâm hơn mình, và đều cùng không giúp chạm đến tận cùng sự thật.
“Đời người như đời sông”
Năm 1981, trong “Tản mạn thời tôi sống”, ông từng lay đi lay lại điệp khúc: “Thời tôi sống có bao nhiêu câu hỏi/ Câu trả lời thật không dễ dàng chi!”. 10 năm sau đó, trong “Đồng dao cho người lớn”, ông lại bảo: “Có câu trả lời biến thành câu hỏi”. Để có một “câu trả lời” trong thời mạng xã hội, ông thấy dễ hơn hay khó hơn?
– Dễ hay khó hơn là do bộ lọc ở mình. Bộ lọc tinh, thì câu trả lời cũng sẽ tinh. Bộ lọc yếu, thì câu trả lời cũng sẽ yếu. Nhưng đừng quên, trên đời này chẳng có gì là bất biến cả. Câu trả lời hôm nay, ngày mai đã có thể là câu hỏi; một câu trả lời hôm nay là đủ, mai có thể đã lại là không đủ. Có những câu hỏi không thể không trả lời, lại cũng có những câu hỏi không cần phải trả lời, hoặc chỉ có thể trả lời bằng hành động…
“Có cánh rừng chết vẫn xanh trong tôi…” – Từng nhiều năm mặc áo lính và nhuốm xanh một phần tuổi trẻ của mình bằng màu lá rừng, lúc này ông nghĩ sao về những cánh rừng của… “biệt phủ”, của những cơn lũ ống, lũ quét vừa dạt xô bao mái tranh nghèo tại Yên Bái?
– Rừng ngày ấy đẹp lắm, dù gắn với một thời gian khổ: Cả cánh rừng, cả một con suối đẹp là thế, mà đôi khi không dám uống một vục nước, vì bị địch rải chất độc. Nhưng trong những khoảnh khắc im lặng của chiến tranh và trong con mắt của một anh lính biết làm thơ thì lá rừng nhiều khi quả thật như muôn ngàn con mắt biếc, nhắc lòng người phải giữ lấy rừng xanh.
Thơ “Gửi bạn thợ rừng” viết năm 1972 đây: “Mình bắn thằng giặc đổ/ Đạn không chạm cây rừng/ Mai bạn vào chọn gỗ/ Chắc hẳn sẽ vui lòng/ Những công trình đồ sộ/ Lành lặn từ ước mong…”.
Giờ thì mắt dân còn bị qua mặt, huồng chi mắt lá! Một thời, rừng “che bộ đội”, rừng chung vai ghé sức cùng người gánh vác “vận mệnh giang sơn”…, còn giờ thì rừng, với một số người có chức có quyền, là tiền là bạc. Chủ nhân của những biệt phủ tại những tỉnh nghèo, tôi e là họ chả coi dư luận là gì, chả coi dân là gì thì họ mới cả gan làm thế.
Ừ thì có thể chỗ họ làm nhà là đồi trọc, có thể họ sẽ trồng thêm cây, nhưng liệu cây nào có thể che được sự tham lam, bất cẩn ấy của họ. Cứ bảo xây biệt phủ bằng tiền nuôi lợn, bán chổi chít…, kể ra họ cũng vui tính thật, họ làm như dân ngu lắm ấy!
Gắn bó với rừng, vì sao rất nhiều ca khúc của ông lại viết về sông?
– Ừ thì chắc tại nhạc của tôi nó hợp với sông, lúc êm đềm lúc dữ dội. Đời người hay thế cuộc, xét cho cùng, cũng như một đời sông thôi, chỉ ước sao tới cuối đời “mà thuyền vẫn sông mà xanh vẫn cỏ/ mà đời vẫn say mà hồn vẫn gió…”.
Xin cảm ơn ông.
Đêm nhạc “Nguyễn Trọng Tạo – Khúc hát sông quê” sẽ diễn ra vào tối 8.9 tới tại Nhà hát Lớn Hà Nội, với khách mời là nhạc sĩ Phú Quang (tác giả ca khúc “Một dại khờ, một tôi” thơ của Nguyễn Trọng Tạo), Giáng Son (phổ nhạc bài “Cỏ và mưa”), cùng các ca sĩ: Anh Thơ, Trọng Tấn, Phạm Phương Thảo, Lê Anh Dũng, Phương Anh, nhóm Năm Dòng Kẻ… sẽ thể hiện các ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo như: Làng quan họ quê tôi, Tình ca bên một dòng sông, Khúc hát sông quê, Đôi mắt đò ngang, Cổng làng, Tình ca hoa cúc biển…
Thuỷ Nguyên
Lao Động cuối tuần
Phạm Thuý Quỳnh đưa bài