Đầu những năm 1990, khi văn chương còn thu hút khá đông bạn trẻ ở các tỉnh thành với hàng loạt bút nhóm ra đời, thì cũng là lúc Hồ Thanh Ngân bộc lộ tài thơ của mình. Thế nhưng mãi đến gần tuổi 40, anh mới ấn hành được tập thơ đầu tay mỏng dính chưa đầy 70 trang.
1. Có thể nói, Hồ Thanh Ngân lỡ làng nhiều thứ, từ thơ ca đến nghề giáo mà anh đang theo đuổi. Tập thơ Sông Đốc ngày nắng muộn (NXB Thanh niên) thể hiện rõ tâm trạng lỡ làng này.
Hồ Thanh Ngân sinh năm 1978 tại Tuy Hòa, Phú Yên, một vùng đất mỗi năm bão nổi vài cơn, lụt ngập vài bận. Thiên tai khắc nghiệt là thế nhưng bù lại Tuy Hòa có vựa lúa lớn nhất miền Trung. Người đi tàu từ Nam ra Bắc thời bao cấp, đến ga Tuy Hòa mua được chừng mười ký gạo hoặc dăm ký đường, sau đó bán lại ở các ga phía ngoài xem như dư vé tàu và có thêm tiền mua quà về Hà Nội.
Lớn lên ở vùng đất cũng tạm đủ chất trù phú, ấy nhưng nơi này không dung chứa nổi một Hồ Thanh Ngân khiến anh phải lang bạt vào tận Mũi Cà Mau. Dứt áo rời quê với Ngân là một việc chẳng đặng đừng, vì anh là con trai duy nhất để cha yếu mẹ già nương tựa khi bóng xế chiều tà.
Học xong ĐH Sư phạm Quy Nhơn, Hồ Thanh Ngân mòn mỏi chờ nhiệm sở trên chính quê hương mình. Với một thanh niên thân dài vai rộng, học xong đại học không thể ăn bám mãi vào nồi cơm cha mẹ, nên Ngân phải tìm nơi lập nghiệp đúng với sở học của anh. Cà Mau đã dang rộng vòng tay đón nhà thơ, nhà giáo Hồ Thanh Ngân như một “lưu dân” mới của thế kỷ 21.
Tài thơ của Hồ Thanh Ngân bộc lộ khá sớm. Thuở học trò, vài bài thơ của Hồ Thanh Ngân đã được bạn bè truyền tay như những món quà tinh thần. Thế nhưng, cuộc sống riêng vất vả khiến thi ca đối với Hồ Thanh Ngân vừa là duyên vừa là nợ. Thi ca vừa dìu đi mà thi ca vừa quật ngã kẻ đam mê. Hồ Thanh Ngân rời quê nhà miền Trung vào Cà Mau dạy học, khép lại một vùng ký ức lấm láp để mở ra một miền hy vọng trong trẻo cho một nhà thơ lận đận.
Cũng xin nói thêm, Hồ Thanh Ngân mê thơ có lẽ được truyền lại từ người cha của anh. Tuy Hòa thời bao cấp là một thị xã nghèo, hiu hiu những cơn gió thổi dọc ngang vài con đường vắng. Có lần, nhà thơ Xuân Diệu về nói chuyện ở đây, sau đó ông đón xích lô đi thăm thị xã duyên hải này. Kết thúc chuyến dạo phố, Xuân Diệu trả tiền nhưng người xích lô không lấy vì mến mộ nhà thơ. Người xích lô ấy là cha của Hồ Thanh Ngân.
Tập thơ “Sông Đốc ngày nắng muộn”
2. Cha làm nghề đạp xích lô, mẹ buôn gánh bán bưng nhưng sách vở văn chương không bao giờ thiếu để cho cậu con Hồ Thanh Ngân đọc và học.
Hồ Thanh Ngân hiện làm giáo viên ở thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau. Anh lấy bút danh Thạch Đà cho tập thơ đầu tay của mình. Dù là Hồ Thanh Ngân hay Thạch Đà thì vẫn con người ấy, lầm lũi và mẫn cảm.
Thạch Đà lấy tên tập thơ đầu tay Sông Đốc ngày nắng muộn như một cách chiêm bái mảnh đất che chở và nuôi dưỡng mình. Thi ca chẳng có gì đáng tồn tại, nếu câu chữ không gắn tâm hồn vào cảnh vật và con người đang mỗi ngày ôm ấp nhà thơ. Sông Đốc ngày nắng muộn vì vậy có lý do để được xuất hiện và có cơn cớ để được trân trọng.
Sóng nước Cà Mau luôn có sức thu hút kỳ lạ với người tha hương. Ai đã từng đến Cà Mau chắc chắn sẽ bị thôi thúc nhớ nhung bởi những bãi bồi xa vắng, những rặng đước bình yên. Cà Mau hiện ra trong thơ Thạch Đà nhẹ nhàng mà khắc khoải, đôi khi như một tiếng thở dài an ủi: “Qua phà Rạch Ráng chiều nay. Hình như lòng đã bớt cay đắng rồi”.
Nhà phê bình văn học Lê Thiếu Nhơn, nhận xét: “Thơ Thạch Đà không mạnh về ý tứ, nhưng xao xuyến về ân tình. Chất phóng khoáng của Tây Nam bộ ngấm dần vào Thạch Đà và trôi chảy thành những dòng bâng khuâng: “Chén cơm bưng sóng mạn thuyền. Đời cho vay chút tình riêng xa nhà”.
Ngay từ bục giảng, Thạch Đà cũng nhận thấy nhiều giá trị cao đẹp được bồi đắp theo từng số phận nhỏ nhoi: “Học trò trường biển xa xôi. Cõng nắng mưa ngang cửa lớp. Nét tất tả trong dáng người. Bài giảng thầy cô đọng muối”.
Đã trải qua nhiều sự lỡ làng và trôi nổi, tin rằng vùng đất Cà Mau và những học trò nơi đây sẽ là bến đỗ yên bình cho thơ Hồ Thanh Ngân như cây bần, cây đước cắm thêm rễ vào phù sa.
Thanh Kiều
Thể thao & Văn hóa