Bùi Kim Anh

“Những ai đó làm thơ, nếu muốn in thơ, có lẽ nên sơm sớm một chút. Mà tôi thì đã quá muộn”- Nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ viết trong Lời mở đầu của tập thơ “Về lại triền sông” do nhà xuất bản Văn học phát hành tháng 9/2017.

Lẽ ra phải sớm, rất sớm với một người đi nhiều như anh, viết nhiều như anh và đảm đương những trọng trách trong ngành văn hóa nghệ thuật như anh. Mải mê và bận rộn chăng?

Đọc lời mở đầu hiểu rằng những bài thơ này được ghi lại bằng những cảm xúc đến từ những chuyến đi, từ công việc hàng ngày của anh, thậm chí “hơn nửa trong số đó được viết trên máy điện thoại cầm tay và trên Facebook.”

Tự nhiên và chân thật. Anh không làm thơ để là nhà thơ. Cảm giác thật dễ chịu khi đến với thơ anh.

Một tập thơ đúng hơn là một tác phẩm nghệ thuật. Có một họa sỹ Thành Chương là bạn đã tặng vào đây 20 bức tranh đặc biệt giàu ý nghĩa cho thơ. Một tập thơ dày dặn 116 trang với khổ thơ lớn 24×24 với bản giấy đẹp, nét chữ đậm sắc.

Nếu nói câu “hình thức gọi người ta đến” thì đây là một tập thơ có hình thức thật ấn tượng. Nó khác mọi tập thơ thường gặp. Nó thật hấp dẫn.

Một tập thơ dày dặn với 50 bài thơ với 10 ca khúc là lời thơ anh được các nhạc sỹ phổ nhạc. “Câu hát và ngọn lửa,” “Trong trẻo đất quê,” “Ấm áp mặt trời lên” là 3 phần nội dung của tập và “Trẩy hội hoa ban” là phần dành cho những ca khúc của thơ anh:

Trong thơ anh Tổ quốc đó là

Nếu có thể đo bằng xương máu tiền nhân

Trường Sơn ngút ngàn dễ gì đo được

đó còn là:

Máu Vị Xuyên Gạc Ma bầm chát

Vạn nghĩa trang hương khói nguyện cầu

Ôi tổ quốc biên cương chưa yên giấc

Đêm quặn lòng máu thịt Hoàng sa

 

Ngày đỏ mắt Trường Sa giông bão

Lai bút gươm giũ cõi xây nhà

Mỗi miền đất đi qua Nguyễn Thế Kỷ đều có những ghi chép bằng thơ về cảm xúc của mình về con người, cảnh vật và xa, rộng hơn suy ngẫm về đất nước về lịch sử dân tộc.

Những chuyến đi bận rộn của công việc đươc lắng lại bằng những vần thơ.

Kìa một Tiếng mùa Xuân nơi Yên Thành. Kia Sìn Hồ: một vùng non nước trong mây/ Ruộng bậc thang lúa vàng hây gọi mời. Này Tà Xùa bồng bềnh mây trắng bay và đến nơi đây. Em bảo tình đầy rượu phải vơi…
Những người như Nguyễn Thế Kỷ đa tài thì cũng đa phong cách. Có một sếp văn hóa nghệ thuật, truyền thông, có một nhà viết kịch, một nhà báo, một nhà thơ – bạn thơ nhân hậu…

Là gì nữa thì hình như tôi chưa biết hết. Nơi anh đến vào thơ mang những nét riêng, vẻ đẹp riêng của mỗi vùng miền. Cảnh sẽ vô tình, không gọi mời khi lòng người không mở rộng, không đón nhận. Một chiều Cần Thơ lặng thầm trong xa cách để

Đâu rồi nơi bạn ta nằm lại

Lục bình thành nấm mộ trên sông

Đã có nhiều mộ gió, mộ cát nhưng còn nấm mộ lục bình trên phủ màu hoa tím đỏ như màu máu ấy ta gặp trong thơ Nguyễn Thế Kỷ.

Cứ vậy đọc “Về lại triền sông” ta gặp nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ trong những hình ảnh đầy cảm xúc.

Làng Chùa – lặng im nơi quê Ngoại và Làng Sen – nơi Người nhen ngọn lửa là cảm hứng gần như chủ đạo trong nhiều bài thơ của anh, trong tập thơ này.

Một loạt nhan để – “Tình quê,” “Quê ơi,” “Quê mình,” “Nghệ Tĩnh mình đây”… một loạt bài thơ về miền quê mà nơi ở anh là quê chung cả nước. Xứ Nghệ – Bão lũ đi qua như cơm bữa/ Bom đạn hằn sâu mỗi thớ cày cũng là nơi Tự biết mình phên dậu triệu năm sau. Cái đức tính tự biết mình trong cuộc đời này quý biết bao.

Và có lẽ chính vì thế anh ra đời tập thơ “Về lại triền sông” quá muộn chăng.

Quê ạ ta như người lạc bước…/ Quê ạ ta lắm phen lạc lõng…/Quê ạ có dòng sông ký ức – là thơ mà không là thơ. Nghe sao da diết nặng lòng. Cái Tiếng quê kểnh một thời trai trẻ:

Vẹn nguyên bao lần ta trở lại

Rũ bụi thị thành trong trẻo đất quê

Là bao người con xứ Nghệ, người con miền Trung, là anh

Thân dẫu náu nương nơi xứ Bắc

Lòng luôn mắc nợ với miền Trung

Và:

Miền Trung ơi là sao người được

Mấy chục năm xê dịch buồn vui

Ăn miếng ngon thu mình chăn ấm

Mà tâm can chớp giật cuối trời

Câu thơ buồn, bài thơ buồn mà sao không buồn khi miền Trung cực khổ như định mệnh. Buồn của một tình yêu quê mang theo cùng trách nhiệm trong hành trang của những người con xa quê trong thơ Nguyễn Thế Kỷ. Giản dị vậy thôi trong ngôn từ, trong diễn đạt mà sâu lắng tình người.

(Tập thơ Về lại triền sông của Nguyễn Thế Kỷ)

Cứ vậy đọc “Về lại triền sông” ta gặp nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ trong những hình ảnh đầy cảm xúc. Cái nhà thơ xứ Nghệ sống ở Hà Nội nên mùa Thu Hà Nội cũng tạt vào thơ anh:

Hà Nội đôi khi chỉ là chút rét

Tiếng rao hang ướt đẫm sương khuya

Chút dịu dàng của ai giọng nói

Thành nôn nao một cõi đi về

 

Hà Nội đôi khi chỉ là chút gió

Mắt lá răm vanh nón chấp chao

Lá sấu rơi chạm mùi hoa sữa

Thành bâng khuâng một cõi đi về

Nôn nao thật đấy. Chỉ có chút rét, chút gió mà chứa bao tình với Hà Nội. Chỉ một rơi chạm mùi hoa mà bâng khuâng đến thế. Cõi đi về của nhà thơ đây, cái cõi Ấm áp mặt trời lên ở phần ba của tập thơ dành cho gia đình:

Mỗi lần về thăm nhà

Ra cầu ao tìm mẹ

Biết mẹ thường ở đó

Vắt vẻo giữa nước trời

Chỉ thế thôi, chỉ vắt vẻo đã hình dung ra cái khó thay của Buổi sáng mẹ thợ cấy/ Buổi chiều mẹ thợ cày.

Trong Lời mở đầu anh nhắc đến cha – một cựu chiến binh, một thương binh nặng, nhắc đến thơ ông – chưng cất từ mồ hôi nước mắt và máu. Mỗi lời trong thơ gửi về cha mẹ nơi chốn vô thường nghẹn ngào nhớ thương.

Viết cho cháu, về những đứa cháu với giọng đầm ấm, tả về cháu với lời thơ gần gũi như nựng nịu, như vui đùa.

Đúng hơn đó là những bài thơ viết cho nhi đồng nhẹ nhàng, dễ thuộc như bài cho Bạn Na và bạn Ỉn, bài cho Cu Mía… những đứa cháu của nhà thơ.

Chỉ ở bài thơ “Viết cho con trai trên Facebook” chứa thật nhiều lời bảo ban hay đúng hơn tâm sự cùng con trai của một người cha:

Con trai ạ bây giờ con đã lớn

Sành điệu hơn lúc ba tuổi bằng con

Chân từng đến bao miền đất lạ

Mắt gần hơn với những vui buồn

 

Ba luôn tin trái tim con nhân hậu

Như sớm mai ấm áp mặt trời lên

Và lo cả những mù sương giá lạnh

Phía xa kia dằng dặc con đường

Tập thơ là một sự hòa hợp giữa thơ nhạc họa, giữa nhà thơ với nhạc sỹ và họa sỹ. 10 ca khúc phổ nhạc.

“Bài thơ Tổ quốc” – nhạc Lê Quang, “Thao thức Trường Sa” là ca khúc “Bâng khuâng Trường Sa” – nhạc Nguyễn Đức Hùng. Còn nữa đó “Khau Vai” là ca khúc trong kịch “Chuyện tình Khau Vai” – nhạc Trọng Đài… Và gần nhất là “Bài ca ASEAN” – nhạc Doãn Nguyên.

Đã muộn chưa “Về lại triền sông” khi trong thơ anh hứa với cha – Theo con đường lớn cha đi, khi anh trăn trở trong lời viết cho con – Thật giả, hèn sang có thể “một chiến hào.” Bạn đọc chờ đọc tiếp thơ anh.

(Theo Vietnamplus)

(Đăng lại từ Tổ Quốc)

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài

 

Exit mobile version