Thơ Nguyễn Quang Thiều hiện vẫn đứng giữa hai luồng khen – chê dữ dội. Nguyễn Quang Thiều biết rất rõ điều này. Có thể xem hai câu sau đây (trong bài “Nhà thơ – 2”) là một thông điệp nghệ thuật thể hiện sự “biết mình biết người” của anh:

Là cái cây trơ trụi, đen đúa, ngôn ngữ trung thực của giá lạnh nghiệt ngã

Là mẩu quặng của thời đại bị những thợ kim hoàn khước từ.

Mayakovsky từng nói, mỗi câu chữ của ông được luyện từ hàng ngàn tấn quặng chữ. Thực tế trong đời sống thi ca của ta hiện nay, có bao nhiêu chất liệu quý giá ẩn chứa trong những tấn quặng xù xì, thô tháp đã bị những nhà thơ – thợ kim hoàn thẳng tay vứt bỏ, để rồi thay vào đấy, họ chế tác các đồ trang sức từ những thỏi vàng đúc sẵn, hoặc biến sợi dây chuyền vàng này thành chiếc nhẫn vàng khác? Nghĩa là, rất nhiều vẻ đẹp của cuộc sống đã bị mai một bởi thói thích “ăn sẵn” của người đời. Nguyễn Quang Thiều muốn điều chỉnh sự “thiên lệch” này và đó là lý do đưa anh trở thành một trong những nhà thơ đương đại “tuy không phải trang nhã nhất nhưng dũng cảm nhất”, “hồn nhiên và tự phát nhất” (như những chữ mà nhà thơ Cuba Jose Marti nhận xét về nhà thơ Mỹ Walt Whitman).

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.

Lại nhớ tới một buổi sinh hoạt thơ hồi giữa những năm tám mươi của thế kỷ trước. Cả hội trường đã ồ lên trước những câu lục bát làm duyên làm dáng của Nguyễn Quang Thiều (bài “Bây giờ đang cuối mùa đông”):

Bây giờ lấm tấm lộc mơ

Lưa thưa lộc khế, lơ thơ lộc đào

Tình tôi có chút lộc nào

Nảy xanh qua tiếng thét gào bão mưa.

Như vậy còn khá. Mấy câu sau đây trong bài “Mưa đêm” của Nguyễn Quang Thiều (đã được in trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội) mới… ngộ. Tôi đồ rằng nếu Nguyễn Quang Thiều nhớ lại, hẳn tác giả sẽ tủm tỉm cười mà rằng, không hiểu tại sao có lúc mình đã viết như thế (thực tế là đến nay vẫn không thấy tác giả đưa bài thơ này vào tập sách nào của anh):

Sợi mưa đan nối nỗi tâm tình

Tôi ở trong mưa tươi mát quá

Trong ngần ý nghĩ tới bình minh.

Thoạt nghe, câu thơ có vẻ “nhuốm màu suy nghĩ”. Kỳ thực là lười. Tại sao sợi mưa lại “đan nối nỗi tâm tình”? Nỗi tâm tình của tác giả ở đây là nỗi gì? Chịu. Lại còn “Trong ngần ý nghĩ tới bình minh” nữa! Nguyễn Quang Thiều thuở còn pha giọng, thuở đi “tìm giọng” đấy. Không hiểu, nếu Nguyễn Quang Thiều cứ tiếp tục cái mạch này thì vóc dáng nhà thơ của anh tới nay sẽ ra sao?

Năm 1993, cùng với tập “Xúc xắc mùa thu” của Hoàng Nhuận Cầm, tập thơ “Sự mất ngủ của lửa” của Nguyễn Quang Thiều đã được trao tặng giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam. Bấy giờ chưa xuất hiện bài viết nặng chùy của nhà thơ Trần Mạnh Hảo nhưng lác đác cũng đã có ý kiến không thật đồng thuận với kết quả giải thưởng. Trong một bài viết in trên Báo Hà Nội mới (số ra ngày 22-11-1993), về phần Nguyên Quang Thiều, tôi đã có ý kiến như sau:

“Nếu như thơ Hoàng Nhuận Cầm có sức cuốn của giai điệu thì thơ Nguyễn Quang Thiều lại có sức hút của ý tưởng. Chính ý tưởng dồi dào đã buộc tác giả phải dỡ bỏ mọi khuôn thước vần điệu có sẵn, bởi nếu không, được vần mất ý, được lồng gãy nan. Chính Hoài Thanh khi xưa chẳng đã từng viết về văn xuôi Xuân Diệu: “Dòng tư tưởng quá sôi nổi không thể đi theo những đường có sẵn. Ý văn xô đẩy, khuôn khổ câu văn phải lung lay”. Có thể nói, đây là một bất lợi cho Nguyễn Quang Thiều ngay từ khâu đầu, khiến mới chỉ tiếp xúc với 1, 2 dòng, số đông người đọc dễ ngúng nguẩy với thơ anh. Nhưng nếu đọc với một thái độ bình tĩnh, thận trọng, ta sẽ bắt gặp ở thơ Thiều những ý rất nên thơ dù nó được gắn với cái “cuống” có vẻ văn xuôi:

Một cây ngô cuối vụ khô gầy

Suốt đời buồn trong tiếng lá reo .

Một cây ngô cuối vụ khô gầy” – đó là văn xuôi, nhưng “Suốt đời buồn trong tiếng lá reo” thì lại hóa thơ rồi. Nói chính xác hơn, Thiều có nhiều câu hồn thơ nhưng khoác vỏ văn xuôi.

Một thế mạnh trong thơ Nguyễn Quang Thiều là khả năng liên tưởng của anh rất phong phú. Ở ta, trong các nhà thơ tiền bối, Chế Lan Viên là người phát lộ rõ nhất đặc điểm này (đôi khi nó cũng làm cho ông bị sa lầy). Phải nói, sự liên tưởng trong thơ Nguyễn Quang Thiều đã ở vào độ đậm đặc:

Bóng tối đêm gần sáng như một con mèo nhung khổng lồ bước đi uyển chuyển

Cái đuôi mềm của nó chạm vào tôi làm tôi tỉnh giấc

(bài “Ban mai”)

Em nằm nghiêng trong đêm

Như con thuyền cô đơn nép mình bên bến cát

Tôi cởi áo mình ra căng một cánh buồm

(bài “Cánh buồm”).

Bài thơ “Sông Đáy” có thể lấy làm ví dụ tiểu biểu. Bài thơ chỉ hơn 20 câu mà có đến hàng chục cặp liên tưởng: “Sông Đáy chảy vào đời tôi/ Như mẹ tôi gánh nặng rẽ vào ngõ sau mỗi buổi chiều đi làm về vất vả/ Tôi dụi mặt vào lưng người đẫm mồ hôi mát một mảnh sông đêm/ Năm tháng sống xa quê tôi như người bước hụt/ Cơn mơ vang lên tiếng cá quẫy tuột câu như một tiếng nấc”. Đôi mắt giàn giụa nhớ về cố hương của tác giả được tác giả ví “như hai hốc đất ven bờ, nơi những chú bống đến làm tổ được giàn giụa nước mưa sông”.

Gần đây, tôi đọc ở đâu đó một ý kiến cho rằng, thơ Nguyễn Quang Thiều hay ở không khí toàn bài chứ không phải ở câu. Đây là một nhận xét phiến diện, mặc dù thơ Nguyễn Quang Thiều cũng có những bài ta phải đọc “nguyên khối”, chứ chỉ cắt riêng vài câu ta không thể cảm thấu được cái hay, cái ý vị của nó. Bởi vì, là người làm thơ có viết văn xuôi, với một bài thơ, Nguyễn Quang Thiều thường có thao tác xây dựng cảnh trí môi trường để từ đó – làm nền phát sinh tình cảm. Bài thơ “Bầy chó của tôi” khá phổ biến của Thiều thuộc dạng này. Hay như bài “Hai con hải cẩu”. Tôi rất yêu thích cái tứ, cái tình của bài thơ. Nó gợi cho ta vẻ gì vừa nhỏ bé, hoang sơ, lại vừa kỳ vĩ…”.

Vẻ đẹp của thơ ca cũng như ý thích của con người, nó luôn phong phú, đa dạng. Có vẻ đẹp cân đối, tròn trịa, lấy độ trơn mịn làm chuẩn. Lại có vẻ đẹp lấy sự thô ráp làm chuẩn. Quần áo lụa khác với quần áo bò. Người mặc quần áo bò thậm chí còn mài bớt đi cho nó xù xì, có vậy mới “ngầu”, mới đẹp. Chê thơ Nguyễn Quang Thiều không khó. Vấn đề là từ một rừng chữ nghĩa um tùm, rậm rạp ấy, ta gắng lần tìm ra một mạch nguồn mới của cuộc sống, một thế giới tâm linh bí ẩn đến từ nơi anh…

Với Nguyễn Quang Thiều, thơ không phải là chiếc gương phản chiếu cuộc sống mà qua thơ, cuộc sống khúc xạ ở một bề mặt khác. Nó là phần ta không dễ nhìn thấy bằng mắt thường. Trong bài tản văn “Về nỗi sợ hãi” (in trên phụ trương Nghệ thuật mới số tháng 3- 2012), Nguyễn Quang Thiều đã kể lại câu chuyện xảy ra với anh hồi thơ ấu: Có đến ba năm liền cậu bé Thiều mắc bệnh mộng du. Nhiều lần cậu bé đi xuyên qua khu vườn hoang cây cối mọc rậm rì trong làng mà không một lần nào đâm vào một bụi cây gai hay va vào một thân cây, mặc dù khi ấy mắt cậu bé đang nhắm nghiền. Và Nguyễn Quang Thiều đã tìm cách lý giải điều này: “Cho dù khi mộng du, đôi mắt tôi nhắm nghiền thì chắc chắn có một đôi mắt khác mở to và dọi thẳng về phía trước con đường mà những bước chân tôi sẽ tới. Đôi mắt đó có thể là của ký ức. Bởi trước đó, khi thức, tôi đã đi biết bao lần trên lối đi đó và toàn bộ cảnh vật trên lối đi đó đã được ký ức hóa trong tôi”. Giải thích việc tại sao con đường thay đổi (chạy men theo khu đầm nước) mà mình không một lần bị ngã xuống đầm nước, Nguyễn Quang Thiều cho rằng, chính “con mắt của trí tưởng tượng phong phú” đã chỉ dẫn cho đôi chân của anh đi qua những thay đổi của con đường. Từ đó, Nguyễn Quang Thiều kêu gọi con người – đúng hơn là các nhà thơ – cần giải thoát và bồi đắp cho trí tưởng tượng nhiều hơn nữa, bớt đi cái nhìn quá tỉnh táo, lý trí, và, thay vì “mở quá to, mở đến rách cả khóe đôi mắt trần tục của mình”, họ cần “mở một đôi mắt khác trong sáng tạo…”. Cộng với điều này là sự “không biết sợ”.

Có phải vì cách nhìn hiện thực, sự việc bằng “con mắt của ký ức”, “con mắt của trí tưởng tượng” mà đọc thơ Nguyễn Quang Thiều, ta thấy cố hương của anh luôn hiện lên với những đường nét, hình khối mang chiều sâu tâm trạng, có sức ám ảnh, mê dụ người đọc:

Sông Đáy ơi chiều nay tôi trở lại

Những cánh buồm cổ tích đã bay xa về một niềm tức tưởi

Em đã mang đôi môi màu dâu chín sang đò một ngày sông vắng nước

Tôi chỉ gặp những bẹ ngô trắng trên bãi

Tôi nhớ áo em tuột rơi trên bến kín một trăng xưa

(bài “Sông Đáy”)

Những trái cây chín mê ngủ tuột khỏi cành rơi xuống

Góc vườn khuya cỏ thức một mình

(bài “Bài hát cố hương”)

Tôi khép đôi cánh xác xơ trước ngày cúng giỗ

Ngắm những dòng sông sáp nến chảy chan hòa

Tổ tiên dâng lên trời xanh chứng minh thư bằng đá

Cổ xưa hoang hoang trên mỗi cánh chuồn chuồn

(bài “Bài hát”).

Một thế giới tâm linh là là bao phủ không gian nhiều bài thơ của Nguyễn Quang Thiều. Có những bài như lời gọi hồn (bài “Thì thào khu vườn”, “Sám hối”). Có bài vẽ lên cảnh đưa tang như một nghi lễ tưng bừng, rộn rã. Và vì nặng lòng với thế giới tâm linh, thành kính, yêu thương ông bà tổ tiên, tin vào kiếp luân hồi nên tác giả đã phủ lên hình bóng Thần Chết những món trang sức đẹp đẽ: “Sau chén trà buổi tối/ Ngồi trên tràng kỷ/ nghe bài điếu văn viết cho mình/ Vang lên với một giọng trầm/ Trong một tối mùa thu tuyệt đẹp” (bài “Thay lời nguyện cầu”). Đến việc đón đợi cái chết mà con người cũng sửa soạn cho mình một tư thế đẹp như vậy, thử hỏi còn điều gì có thể đe dọa được họ trong cuộc sống này?

Tôi đã không dưới một lần về thăm Làng Chùa (xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, Hà Tây) – quê Nguyễn Quang Thiều. Thú thật là tôi đã không khỏi ngạc nhiên khi nhận thấy nó cũng chẳng có gì đặc biệt hơn những làng quê thuần nông khác. Cái hồ nước đẹp mê hồn trong các tản văn của Nguyễn Quang Thiều cũng đục lờ, “phẳng dẹt” như mọi ao làng mà tôi từng thấy. Đường làng cũng đầy phân bò phân trâu. Biết sự thật là vậy, song tại sao mỗi lần “hồi tưởng” về quê Nguyễn Quang Thiều, tôi lại nhớ tới một làng quê thấm đẫm vẻ đẹp hồn vía ngàn đời như trong các câu thơ anh viết. Vậy cái đẹp ấy rốt cục có hay không, và nó ẩn khuất nơi đâu?

Trong bài “Những điều bí ẩn”, nhà thơ Nga Evtushenko đã viết: “Bí ẩn những vì sao, bí ẩn bao loài thú/ Gốc liễu khác thường ư? Vì một đám côn trùng/ Và cánh cửa bí ẩn kêu cọt kẹt/ Chỉ riêng ở tuổi thơ, cánh cửa mới lạ lùng?”. Tất cả là do cách nhìn được hiển thị qua lăng kính kỳ ảo của tuổi thơ. Những vần thơ của Evtushenko chính là sự cắt nghĩa cho phương thức sáng tạo của Nguyễn Quang Thiều. Người con của Làng Chùa này đã dùng con mắt của ký ức, của trí tưởng tượng để “phục dựng” nét đẹp làng quê một thời, phục dựng lại hình bóng những người thân đã mất, phục dựng cả hồn vía tổ tiên. Thì anh chẳng từng có câu thơ: “Những ngôi mộ tổ tiên hắt sáng gọi tôi về” đó sao?

Trước đây, một nhân vật đàn ông trong truyện của nhà văn Nga Baben từng mong ước được vào vai phụ nữ để thấu hiểu cái đau đớn và niềm hạnh phúc của người mẹ khi sinh nở. Từng không hiếm lần Nguyễn Quang Thiều muốn nhập thân, phân thân vào các loài vật bé mọn để nói lên tiếng nói của chúng. Anh từng viết trong bài “Xô – nát hoàng hôn biển”: “Ta cất tiếng gọi bến bờ của ta bằng tiếng cá”. Loài vật hẳn sẽ rất biết ơn Nguyễn Quang Thiều khi trong thơ anh, chúng được nâng niu trân trọng, được đưa lên làm đối tượng phản ảnh một cách bình đẳng. Trong thơ Nguyễn Quang Thiều, ta không chỉ thấy xuất hiện những con vật gắn bó thân gần với cuộc sống của người nông dân như con bò, con ngựa, con chó, con mèo, mà còn xuất hiện rất nhiều những con vật khác, trong đó có các loại côn trùng. Nào là con giun, con dế, con kiến, con cóc, con đom đóm, con ốc sên, con nhện, con dơi… Tất cả hiện lên một cách sinh động lạ thường. Thơ Nguyễn Quang Thiều không bao giờ là một bức tranh tĩnh vật. Các con vật trong thơ anh cũng không bao giờ ở vị trí cố định như những con chó đá gắn xi măng ở các đầu làng. Nó sục sạo, lổm ngổm, bò lê bò càng trong thơ anh. Nếu như trước kia, trong bài “Mưa đêm”, Nguyễn Quang Thiều từng nhắc tới hình ảnh một chú ếch: “Cánh đồng tháng bảy ếch kêu xa”, một hình ảnh hết sức mờ nhạt thì sau này, khi nhắc tới một con cóc, anh đã có thể viết: “Tôi là bông hoa mướp cuối cùng của mùa hạ u mê rụng xuống/ Con cóc già lơ đễnh và tinh quái/ Nó vuốt trăng trên mặt nhìn tôi” (bài “Dưới trăng và một bậc cửa”), rõ ràng là có “hồn” và ấn tượng hơn nhiều. Rồi thì con chó, trong thơ Nguyễn Quang Thiều – đó là một hình tượng mang tính biểu cảm cao. Tác giả thậm chí đưa hình ảnh con chó xen vào cả lời than thở về tình yêu “Ta xa nhau chó héo đuôi rồi” (bài “Cánh đồng”), và “Tôi thổi tắt đèn/ Chó sủa vào tôi” (bài “Bầy chó của tôi”). Tiếp đến là con kiến, con ốc sên… Hiếm có nhà thơ nào như Nguyễn Quang Thiều dành cả bài thơ chỉ để tả bước chuyển động của một loài vật, lại là con vật gần như không ai để mắt tới như con ốc sên (trong bài “Chuyển động”), hoặc con kiến (bài “Bầy kiến qua bàn tiệc”). Ở đây, ta bắt gặp một sự đồng cảm đến cảm động: “Bầy ốc sên đã giấu mình trong những góc chuối, những bụi gai. Giờ thức dậy dưới trăng và ra đi lặng lẽ. Khu vườn này là quê hương chúng, hay là khu vườn bên, hay còn…xa nữa. Chúng đang rời bỏ quê hương hay đi tìm lại quê hương”, hoặc: “Bầy kiến đen đi qua bàn tiệc/ Như lang thang qua bãi chiến trường/ Đầy mảnh thịt của gia súc/ Đầy xác chết của rau thơm/ Quả ớt đỏ như lá cờ rách nát/ Bầy kiến ôm lên đắng cay nhòa mắt/ Bò qua da/ Bò qua xương/ Trong rền rĩ cơn lốc quạt”. Với Nguyễn Quang Thiều, viết về loài vật cũng chính là viết về con người. Và anh không bao giờ dùng cách nhìn đầy thiên lệch của con người về loài vật để đánh giá, áp chế chúng. Nhiều chỗ anh còn muốn khám phá, “giải mã” tiếng nói của loài vật: “Ngôn ngữ bí ẩn nào đang hạnh phúc hay đau khổ gọi bầy sên”. Với anh, tất cả phải được bình đẳng. Hiểu như vậy thì mới thấy cái đẹp trong những câu thơ Nguyễn Quang Thiều so sánh đôi tình nhân da đen nằm bên nhau, tình tự như hai con hải cẩu trên bờ biển một đêm trăng: “Bụi nước biển tung lên phủ kín người họ/ Hai con hải cẩu ướt át/ Như đang hạnh phúc/ Như đang khổ đau/ Họ có còn thức không/ Hay đã ngủ thiếp rồi/ Sau chặng bơi dài trên biển/ Sóng vẫn lớp lớp đổ trắng trên bờ/ Biển đang gọi họ về với biển/ Hay đang đuổi họ đi” (bài “Hai con hải cẩu”); mới thấy cái đẹp của lời nguyện ước: “Tôi xin ở kiếp sau làm một con chó nhỏ/ Để canh giữ nỗi buồn – báu vật cố hương tôi” (bài “Bài hát cố hương”).

Thơ Nguyễn Quang Thiều rất khác với lối thơ thông dụng. Nó cũng đặt ra một phương thức tồn tại khác với cách thức tồn tại của thơ tự ngàn đời nay. Nếu như thơ ca cuối cùng cũng được qui về một vật thể, một vật thể tinh xảo, nói như Chế Lan Viên là “Nhân loại đi xa chớ có vẽ bày/ Từ ngữ kềnh càng, văn chương vô lối/ Cả đời anh/ Anh thu nhỏ lại/ Chỉ còn cái lõi/ Cho nhân loại mang cùng nhân loại cầm tay” thì có thể nói, thơ Nguyễn Quang Thiều là một sự đối nghịch, là “kẻ thù” của quan điểm này. Từ ngữ trong thơ anh kềnh càng, thậm chí không hiếm chỗ là “vô lối”, là “ông chẳng bà chuộc”. Hành trình thơ Nguyễn Quang Thiều tới nay cũng đã được ba chục năm, nhưng càng đi xa, càng không có dấu hiệu tác giả muốn “đúc gọn lại”. Thậm chí nó cứ kềnh càng như vậy. Thơ Nguyễn Quang Thiều không lấy trí nhớ của người đời là nơi “bảo hộ”. Vả chăng, nếu trí nhớ của con người được ví như một cái túi thì dù rộng dù hẹp, dù được làm bằng vật liệu gì đi chăng nữa thì nó cũng rất khó để chứa đựng một thứ thơ như thơ Nguyễn Quang Thiều, một thứ thơ gần như tước bỏ mọi mối chắp nối của vần điệu, lại rậm lời, có lúc sắc như thủy tinh, có lúc lại mơ hồ như bọt nước. Chưa kể, thơ Nguyễn Quang Thiều hầu hết là một giọng, lại kéo dài lê thê. Bởi vậy, đọc Nguyễn Quang Thiều, trừ những bài thật đặc sắc về ý tưởng, còn thì đa phần là rất mệt.

Với lối thơ của Nguyễn Quang Thiều, rất khó để áp đặt một cách khen chê thông thường. Là người từng viết nên những trang văn tuyệt đẹp, có thể đưa vào sách học (như bài bút ký “Trên đồng cỏ xứ Ireland”), việc Nguyễn Quang Thiều lựa chọn cho mình một lối làm thơ rườm rà, thô ráp nói trên chắc chắn xuất phát từ một quan điểm triết học của anh. Cao hơn những câu thơ, anh muốn dùng ngôn ngữ để thể hiện một thế giới như anh từng mơ thấy, chứ không phải một thế giới như mọi người muốn. Thơ anh như một thế giới riêng của anh. Nó không phải là chiếc gương, là bình hoa để mọi người cầm theo làm của riêng trong hành trang của mình. Nó là xứ sở của anh. Ai thích thì vào, thấy ngột ngạt quá thì ra. Với một lối thơ như thế thì dù tác giả là một người rất thông minh, tài hoa, chắc chắn chúng ta cũng không thể kiếm được một bài toàn bích theo cách cân đong truyền thống.

Viết lần đầu năm 1993, bổ sung và hoàn chỉnh ngày 16-3-2012

Phạm Khải

Nguồn: Văn nghệ Công an sỗ 172, ra ngày 19-3-2012.