30 năm Hội thơ làng Chùa: Hãy viết về nơi mình sinh ra và lớn lên

(TT&VH) – Từ lâu, người ta đã biết đến một làng thơ độc đáo bên sông Đáy. Đó là làng Chùa (xã Sơn Công, Ứng Hòa, Hà Nội). Từ xa xưa bên gốc đa, mái đình, giếng nước, những người làng Chùa đã cùng nhau làm thơ, đọc thơ và đàm đạo văn chương.

Hôm nay, 18/8, nhân dịp 30 năm Hội thơ làng Chùa, TT&VH đã có cuộc trò chuyện với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, một người làng Chùa “chính hiệu”.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tại Hội thơ Làng Chùa

Thưa nhà thơ, được biết Hội thơ làng Chùa bây giờ và trước đó là Tao đàn thơ đã có trên 100 năm?

– Đúng là có từ rất lâu rồi, theo hồi ức của các vị bô lão, thì tao đàn thơ làng Chùa đã có trên 100 năm. Đến năm 1954, thì cụ Hàn Thịnh đã là người có công lớn trong việc lập lại tao đàn thơ làng Chùa, sau đó được gọi là Hội thơ làng Chùa.

Cụ Hàn Thịnh là người được vua Bảo Đại phong làm hàn lâm viện sĩ, là một thợ may danh tiếng thời đó, người may quần áo cho hoàng tộc, từng đoạt Huy chương vàng hội chợ trên toàn cõi Đông Dương về các sản phẩm, hàng hóa.

Những năm 80, làng Chùa đã được nhà thơ Phạm Tiến Duật về nói chuyện thơ, chuyện đó như thế nào?

– Lúc đó, tôi mới là chàng trai tuổi đôi mươi. Ban đêm, mỗi người cầm một cây đèn soi đường để đi nghe thơ ở sân đình, đằng sau nó là hồ bán nguyệt, sau nữa là đầm sen, cánh đồng và dãy núi. Và trong ánh sáng của những ngọn đèn dầu, nhà thơ Phạm Tiến Duật nói về thơ ca, về văn hóa người Việt, về những vần thơ trong chiến tranh. Hình ảnh đó đặt vào đâu cũng đẹp dù ở bất kỳ vùng miền nào, một hình ảnh thật đẹp đẽ, lộng lẫy, trong sáng và đầy thiêng liêng của thơ ca.

Bây giờ hình như chúng ta đang mất đi nhiều thứ…

– Đúng thế. Và từ trong những câu chuyện của mình người làng Chùa đã kêu gọi những người làm thơ hãy viết về những nơi sinh ra và lớn lên. Với một chủ đề duy nhất là hãy nhớ về làng Chùa, nhớ về nguồn cội, nơi sinh ra và lớn lên, nơi chúng ta ân hưởng, nơi được dạy dỗ, chở che, nơi được dắt đi những bước đầu đời.

Trở về làng Chùa, hẳn là anh đang nhớ…?

– Tôi nhớ đến cuộc thi thơ làng Chùa lần thứ nhất (2008), mưa như trút nước, tôi và một bô lão đã vào trong hậu cung xin thành hoàng và đúng lúc đang báo cáo tiến hành nghi lễ, chiêng trống nổi lên khai mạc, thì trời đột ngột tạnh mưa và cứ thế bừng sáng cho đến hết ngày. Chẳng có gì thiêng liêng hơn khi nhớ về tổ tiên mình, ông bà mình, cố hương của mình.

Có người từng mỉm cười khi thấy nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn VN về làm thư ký thơ làng Chùa?

– Đó là những người chưa hiểu về văn hóa, phong tục, nghi lễ làng xóm. Dù có làm công hầu khanh tướng gì đi chăng nữa cũng phải biết cúi đầu trước quê hương. Đó là hạnh phúc, niềm thiêng liêng và lễ nghĩa của một người con với tổ tiên, ông bà.

Trong những lần hội thơ, hai chữ Đạo và Thi trên 2 tấm lụa điều được treo lên rất đẹp, ai đã nghĩ ra điều đó?

– Người làng Chùa đã giao cho tôi làm, khi đó tôi đã nhờ một người bạn chở xe máy đi sang tận Gia Lâm để gặp họa sĩ Phạm Minh Hải, một trong những người viết thư pháp hay nhất Việt Nam hiện nay. Họa sĩ Phạm Minh Hải đã dùng một bút lông cỡ đại, viết vào 2 tấm lụa điều. Chờ cho thật khô, chúng tôi vội vã phóng xe máy về làng Chùa và trao lại cho các vị bô lão. Sau này, trong những lần hội làng, hội thơ thì hai tấm lụa điều có chữ Đạo và Thi đều được treo lên. Tan hội, lại được cuộn lại và cất vào hậu cung của đình làng.

Không thể kể hết những câu nói thật đặc biệt của người làng Chùa?

– Nhà thơ Trần Ninh Hồ trong một lần về chơi hội làng, khi nhìn thấy bảng treo những câu nói của người làng Chùa: Thuộc một bài thơ hay thì quên đi một câu chửi độc; Thơ không làm ra lúa vàng gạo trắng, nhưng thơ làm ra giấc mơ cho người gieo trồng; Mất nửa đời học làm thơ, mất cả đời học làm người; Một chữ có ân thì nở hoa, vạn chữ chỉ có oán thì sinh sâu bọ… ông đã kinh ngạc thốt lên đó là “những câu nói trong những câu nói hay nhất về thơ ca” mà ông đã đọc được.

Được biết cuộc thi Thơ ca & Nguồn cội tới đây của làng Chùa sẽ có một số nhà thơ nổi tiếng trên thế giới tham gia?

– Đúng. Cuộc thi Thơ ca và Nguồn cội lần thứ 3 vào năm 2014 sẽ có cả nhà thơ đã đoạt giải Pulitzer danh tiếng tham gia. Họ sẽ gửi những bài thơ về cố hương của họ để tham dự. Bởi vì, suy cho cùng nếu đánh mất đi nguồn cội thì đấy là nỗi đau, là mất mát lớn nhất trong đời người.

Anh nghĩ gì về thơ ca của người làng Chùa?

– Có thể thơ của họ còn vụng về, nôm na, bởi vì họ không phải là những nhà thơ chuyên nghiệp. Họ là những người nông dân chỉ giản dị và thủy chung một điều: thơ ca là một phần đời sống tinh thần của họ.

Vậy qua những cuộc thi thơ, người làng Chùa muốn gửi gắm thông điệp gì?

– Đừng bao giờ vô ơn với mảnh đất đã sinh ra chúng ta.

Xin cảm ơn nhà thơ.

Đông Phương Hồng (thực hiện)