PV: Chị từng chia sẻ trong một cuộc trò chuyện, những vui, buồn trong quá khứ là vốn liếng để mình tự tin đối đầu với cuộc sống phía trước. Chị có thể nói rõ hơn về điều này?

Nhà thơ Nguyễn Bảo Chân: Với bất kỳ ai, những gì mà họ trải qua trong quá khứ đều là vốn liếng cho hiện tại và tương lai. Từ đó, mình có thể hiểu cuộc đời hơn. Nhưng đôi khi, có nhiều “vốn liếng” chưa chắc đã nhiều kinh nghiệm sống. Bởi vì, những chuyện buồn vui xảy ra trong đời ở từng thời điểm lại có những hình thức, những cách biểu hiện khác nhau, cũng khó mà “rút kinh nghiệm” lắm. Theo tôi, sống lâu chưa chắc đã là giỏi sống.

PV: Thế thì sống lâu chưa chắc đã lên “lão làng”?

Nhà thơ Nguyễn Bảo Chân: Đúng vậy, có người 60, 70 tuổi vẫn còn thơ trẻ (cười).

PV: Chị nghĩ sao khi thời nay, có không ít người chọn cách sống một mình?

Nhà thơ Nguyễn Bảo Chân: Có hai nhóm, nhóm thứ nhất, đúng như bạn nói, họ chọn cách sống một mình, vì thích như vậy. Nhóm thứ hai sống một mình vì rất nhiều lý do, tự thân hay ngoại cảnh tác đông, dù họ không hề muốn, thế là đành đổ lỗi cho “số phận”. Người sống một mình nhưng không hẳn đã đơn độc, nếu họ biết tự điều chỉnh, tự cân bằng, biết vui sống, yêu đời, yêu người.

PV: Đọc thơ chị, tôi thấy chị là người dám đón nhận nỗi buồn và biết chấp nhận cuộc sống, dẫu có thế nào?

Nhà thơ Nguyễn Bảo Chân: Biết chấp nhận thì cuộc sống trở nên nhẹ nhàng hơn.

PV: Để tác phẩm sau hay hơn hoặc ít nhất là bằng tác phẩm trước, theo chị, người viết cần gì?

Nhà thơ Nguyễn Bảo Chân: Giờ đây, khi viết, luôn có hai con người trong tôi, một con người chủ quan bị cảm xúc cuốn đi, và một con người khách quan, đứng ngoài những điều mình viết, để chiêm nghiệm nó, để cân nhắc nặng nhẹ, tránh lặp lại mình. Liệu tác phẩm sau có hay hơn tác phẩm trước không, không ai dám chắc. Nhưng với tôi, nó phải khác trước.

PV: Đọc thơ chị, ngoài cảm thức về giấc mơ, về con người, còn có một số lượng khá lớn về thơ tình. Tan vỡ có, chờ đợi có; và hơn hết là sự khát khao. Ở đây, tôi có thể dẫn ra một số đoạn thơ nói rất hay về tình yêu của chị: “Em đi hết con đê/ Đi hết cỏ/ Đi hết mùa hoa/ Cạn cả dấu chân/ mà chẳng thấy anh đâu“; “Ta tìm dấu nhau/ Vết xưa đã nhàu/ Ta nào thấy đâu”; “Em chắp nối muôn ngàn sợi ngày gẫy vụn/ Để kịp nhìn thấy anh/ Nhưng em không thể níu lại nước sông/ và nụ cười anh dịu dàng”. Những bài thơ này, chị viết khi bao nhiêu tuổi?

Nhà thơ Nguyễn Bảo Chân: Tôi viết những bài thơ đó khi mới trên dưới 30 tuổi. Bây giờ khác rồi. Hồi ấy tôi có thể đi cạn cả dấu chân để tìm một bóng hình. Nhưng bây giờ thì chịu! (cười).

PV: Vậy nếu chị xuất bản các tập thơ tiếp theo thì lượng thơ viết về tình yêu đôi lứa liệu có giảm đi đáng kể?

Nhà thơ Nguyễn Bảo Chân: Ở tuổi ngoài 40, tình yêu đôi lứa mang một màu sắc khác. Cuộc sống xung quanh ta còn cần nhiều thứ chứ không chỉ tình yêu. Trong tập thơ sắp tới của tôi, chắc thơ tình sẽ ít hơn. Và sự thể hiện tình yêu cũng khác trước nhiều. Nó sẽ có sự chiêm nghiệm, đằm chín, bởi tôi không còn là cô gái trẻ “mang tháng Sáu cho anh/ hoa phượng rải những vết chân rát đỏ tình em/ không giấu nổi” nữa. Tôi hôm nay được hình dung thế này: “Đây gương mặt tôi ắng lặng/tuổi bốn mươi bão tan/ chiều nương khu vườn vắng lá…”. Ở các bài thơ hôm nay tôi viết, tuy không trực tiếp nói về tình yêu đôi lứa, thì cũng vẫn có hơi hướng của nó. Thiếu tình yêu, làm sao có thể sống và viết được?

PV: Ngoài thơ, chị còn thích những gì?

Nhà thơ Nguyễn Bảo Chân: Tôi thích nhiều thứ lắm! Nấu ăn, cà phê, rượu vang, nghe nhạc, cắm hoa, đọc sách, xem phim, đi du lịch, tập yoga, thiền… Đó là những thú vui, những sở thích giúp tôi thư giãn và cân bằng cuộc sống. Ở đây, tôi xin nói thêm về thiền: thiền, không nhất thiết là phải ngồi xếp bằng tĩnh lặng một mình. Nếu ta say mê, chú tâm hoàn toàn vào công việc nào đấy, thì đó cũng là một cách thiền.

PV: Nhân ngày mùng 8/3, chị chúc gì đến phụ nữ?

Nhà thơ Nguyễn Bảo Chân: Chúc chị em luôn biết cách yêu và nâng niu chính mình!

PV: Còn tự chúc cho mình, chị có thể nói gì?

Nhà thơ Nguyễn Bảo Chân: Tôi mong luôn được tận hưởng khoảnh khắc này: người yêu tôi rót cho tôi nếm ngụm đầu tiên của chai rượu vang thật ngon vừa bật nắp (cười).

Đoàn Dự

Bản gửi Phongdiep.net

 

Exit mobile version