Nhân tập thơ “Zanore në vesë” (Những nguyên âm trong sương sớm) của nhà thơ Mai Văn Phấn sắp phát hành ở Albany (An-ba-ni), nhà thơ-tiến sỹ Gjeke Marinaj đã thực hiện cuộc phỏng vấn MVP qua email. Đây là tập thơ đầu tiên của Việt Nam hiện diện trên miền đất đông nam Châu Âu này, do Gjeke Marinaj dịch sang Albany ngữ, được chọn từ 3 tập thơ Anh ngữ (Firmament without Roof Cover, Seeds of Night and Day, Out of the Dark) của MVP, do Nxb. Page Addie Press của Anh Quốc xuất bản và độc quyền phát hành tại Hoa Kỳ, Canada, Anh, Úc và các nước châu Âu; đồng thời trên mạng phát hành sách của Amazon. Gjekë Marinaj là nhà thơ, nhà văn, dịch giả, nhà phê bình văn học. Ông sinh năm 1965 tại Malësi e Madhe phía bắc Albania. Hiện G. Marinaj mang quốc tịch Hoa Kỳ (gốc Albany). Là Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà văn Albania-Mỹ, được thành lập năm 2001. G. Marinaj nhận bằng tiến sỹ triết học tại đại học Texas, Dallas năm 2012. Hiện ông dạy Anh ngữ và Truyền thông tại Richland College ở Texas. VanVN.Net xin chuyển đến bạn đọc cuộc phỏng vấn này.

Nhà thơ-tiến Gjeke Marinaj

Nhà thơ-tiến Gjeke Marinaj: Đã ngàn năm nay, Văn Miếu-Quốc Tử Giám ở Hà Nội đã phản ánh niềm tin thực sự của nhân dân Việt Nam với tri thức và văn học, cũng như với tôn giáo và đấng tối cao. Sự thành kính đặc biệt này đã tác động đến trách nhiệm của ông, với tư cách một nhà thơ của công chúng như thế nào?

Nhà thơ Mai Văn Phấn: Trải qua những thăng trầm của lịch sử và mãi sau này, Văn Miếu-Quốc Tử Giám luôn là niềm tự hào thiêng liêng, biểu tượng của tinh hoa văn hoá Việt, là ánh sáng của tri thức và bản sắc dân tộc chúng tôi. Đây là trường đại học đầu tiên của Việt Nam, nơi đào tạo và nuôi dưỡng các hiền tài, giúp các vương triều khai mở và chấn hưng đất nước. Chúng tôi đang đi tiếp chặng đường mà tổ tiên đã khai mở và đặt những mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Thế hệ chúng tôi-mà tôi mong được dự phần ít ỏi của mình-đang khẳng định tiếng nói riêng trong đời sống văn học đương đại, tiếp tục tôn vinh văn hoá Việt ở vỉa tầng khác nữa trong quá trình hội nhập thế giới.

Nhà thơ-tiến Gjeke Marinaj: Phong cách thơ của ông đã thay đổi trong những năm qua từ truyền thống đến bán hiện đại và hiện đại toàn triệt. Hiện tại nhiều bài thơ mới của ông có thể được mô tả với ý nghĩa độc sáng. Điều gì đã gây cảm hứng cho ông khi chuyển sang một thi pháp thơ khác? Việc thay đổi những bài thơ trong lần rẽ gần đây nhất có tầm quan trọng với ông thế nào?

Nhà thơ Mai Văn Phấn: Đến với văn chương, tôi coi thơ ca truyền thống là điểm tựa để xuất phát. Khởi nghiệp từ những lời ru của người mẹ, từ ca dao, dân ca…, từ những tác phẩm của các nhà thơ qua nhiều thế hệ, rồi tôi tìm đến những nền thơ lớn của nhân loại như Trung Hoa, Ấn Độ, Nga, Anh, Pháp, Mỹ La tinh… và những trào lưu, khuynh hướng thơ ca cận đại và hiện đại của thế giới. Những nền thơ, trào lưu khuynh hướng ấy giống như dòng sông chảy miết, để lại phù sa cho bờ bãi, những cánh đồng bên sông. Và, bằng tâm thức và cảm xúc Việt, tôi đã gieo cấy, thu hoạch mùa màng của mình trên đất đai ấy; với cao vọng làm giàu có thêm giá trị truyền thống thơ Việt đương đại mà mình đang được thừa hưởng. Ở những bài thơ gần đây nhất của mình, tôi đã dùng tiếng nói tự nhiên, hồn nhiên một cách hiện đại để xác lập một ngôn ngữ riêng của thơ mình. Đó chính là con đường tôi chọn để tìm về cội nguồn văn hóa của dân tộc tôi-cũng chính là cách  tôi hiện đại hóa những bài thơ thuần Việt của mình.

Nhà thơ-tiến Gjeke Marinaj: Trong bài trả lời phỏng vấn vào tháng 1 năm 2000, in trên Báo Hải Phòng Cuối Tuần của Việt Nam, ông đã bảo vệ tác phẩm của mình, có ý như đối lập với các nhà phê bình văn học Việt Nam bằng cách nêu quan niệm: “… một bài thơ mà ai cũng khen có khi lại là một sản phẩm chạy theo mốt thời thượng”.  Vậy có phải thơ của ông vẫn bị “bác bỏ một cách mạnh mẽ” ở Việt Nam?

Nhà thơ Mai Văn Phấn: Đời sống văn học Việt Nam đang có sự chuyển đổi mạnh mẽ, trong đó biểu lộ sự phân hoá rõ rệt. Sự xung đột trong thẩm định những giá trị nghệ thuật nói chung, đặc biệt đối với thơ thường rất dữ dội và quyết liệt. Vì thấu hiểu điều đó nên tôi rất bình tĩnh và tự tin khi nghe những dư luận trái chiều về tác phẩm của mình. Lịch sử văn học cho thấy, những xung đột về thẩm mỹ trong nghệ thuật thường kích hoạt cho những giá trị tiến bộ phát triển và sớm được khẳng định. Rất đáng mừng là càng ngày bạn đọc đến với thơ tôi càng nhiều hơn, nhất là bạn đọc trẻ. Đó là sự khích lệ lớn đối với tôi, vì bạn đọc ở thế hệ mới thường rất hiểu biết và nhanh chóng tiếp thu những trào lưu mới trong các lĩnh vực nghệ thuật khác, như âm nhạc, phim ảnh, sân khấu, hội họa, kiến trúc, thời trang… Với những kiến thức phong phú và hiện đại, họ là một thành phần quan trọng của việc thẩm định nghệ thuật.

Nhà thơ-tiến Gjeke Marinaj: Để những giá trị tiến bộ tồn tại và sớm được khẳng định, ông đã và đang làm gì để thúc đẩy quá trình đó diễn ra nhanh hơn?

Nhà thơ Mai Văn Phấn: Trước đây tôi cách tân thi pháp theo tinh thần cực đoan, thường theo đuổi đến cùng những ý tưởng mà mình đã tri nhận, biểu hiện bằng hệ thống ngôn ngữ của riêng tôi. Điều ấy không sai, nhưng rất ít người thấu hiểu và chia sẻ. Những năm gần đây, vẫn cách thiết lập không gian và thời gian đa chiều, vẫn cách liên tưởng những hình ảnh biệt lập hoặc đặt xa nhau trong những cảm xúc mạnh, nhưng tôi chủ ý vươn tới sự tối giản, trong sáng và thánh thiện. Tôi cũng tìm cách đồng hóa ngôn ngữ thi ca và với ngôn ngữ đời thường để thơ mình có giá trị hiện thực hơn. Đồng thời với sáng tác, tôi viết tiểu luận thơ và phê bình văn học. Tôi tường giải, biện minh cho các tác phẩm của một số nhà thơ có xu hướng cách tân của thế hệ tôi, bằng phương pháp so sánh, dẫn chiếu với thi pháp của thế hệ thơ mới hiện nay.

Nhà thơ-tiến Gjeke Marinaj: Tuy nhiên, chỉ một thập niên sau đó, ông đã được trao giải thưởng có uy tín của Hội Nhà văn Việt Nam. Ông đã điều chỉnh những tác phẩm của mình như thế nào trong thời kỳ 2000 – 2010 để thay đổi nhận định của các nhà phê bình sang một phương diện khác, để họ công nhận ông là một nhà thơ đoạt giải?

Nhà thơ Mai Văn Phấn: Vì ông đã nhắc đến nên tôi muốn nói thêm rằng, giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam là một trong những sự khẳng định quan trọng trong dư luận nói chung về tiến bộ của đời sống văn học Việt Nam. Nền văn học nói chung và đặc biệt thơ Việt đã đổi mới, cách tân quyết liệt trong thập niên qua, đã xuất hiện nhiều khuynh hướng sáng tác và phê bình văn học. Những biến đổi về quan niệm thẩm mỹ đã diễn ra quyết liệt và âm thầm trong mỗi cá thể sáng tạo và mỗi người đọc. Có thể gọi đó cuộc thoát xác của thơ Việt đương đại, dù rằng vẫn còn đang trong cơn vật vã của sự sinh thành. Với cá nhân tôi, điểm xuất phát và đích đến của từng giai đoạn đều được hoạch định với thái độ tự tin và lòng kiên nhẫn. Tôi luôn tin rằng những câu thơ được hoài thai bằng cảm xúc mãnh liệt, khi sinh thành sẽ có thần thái, hồn vía và tồn tại như một sinh linh. Mỗi tác phẩm hoàn chỉnh đều có số phận riêng của nó. Trước hoặc sau nó sẽ được hiển lộ và không gì có thể che khuất hay hủy diệt được.

Bìa tập thơ “Zanore në vesë”

Nhà thơ-tiến Gjeke Marinaj: Những tiêu chuẩn mà các nhà phê bình văn học Việt Nam sử dụng khi đánh giá những tác phẩm văn học đương đại khác nhau thế nào? Mức độ khách quan của chúng ra sao?

Nhà thơ Mai Văn Phấn: Khi các khuynh hướng, trào lưu hiện đại, hậu-hiện-đại, tân hình thức, tân cổ điển… của văn học phương Tây được nghiên cứu và quảng bá ở Việt Nam, một số không nhiều các nhà phê bình văn học, học giả của viện nghiên cứu, giáo sư ở một số trường đại học đã có cách tiếp cận, đánh giá tác phẩm bằng tinh thần khoa học, dân chủ, công bằng. Họ nhận ra những giá trị mới và đã thừa nhận nó. Đó là sự khích lệ lớn đối với những nhà thơ như tôi. Nhưng số đông người đọc, trong đó có các nhà phê bình, vẫn theo thói quen cũ, lấy những kinh nghiệm và kiến thức cũ làm công cụ thẩm định. Họ dị ứng những tác phẩm viết theo khuynh hướng khác, trái với những gì mà họ đã biết. Họ cũng không biết mình đã đánh mất tính khách quan khi đọc tác phẩm của người khác. Do vậy, nhiều cuộc tranh luận văn chương, có lúc chỉ là vô bổ, đã thường xuyên xảy ra, dẫn đến tình trạng loạn chuẩn trong phê bình văn học.

Nhà thơ-tiến Gjeke Marinaj: Tác phẩm của ông đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ, bao gồm tiếng Albania, Anh, Pháp, Indonesia, Hàn Quốc, Thụy Điển, và Thái Lan. Việc các tác phẩm của ông được dịch sang tiếng nước ngoài có ý nghĩa như thế nào với ông?

Nhà thơ Mai Văn Phấn: Cũng như các nhà thơ, khi có thêm nhiều người đọc thơ mình, tôi rất vui, nhận thấy đó là niềm hạnh phúc lớn lao của một người cầm bút. Tôi đã sống, sáng tạo và cả chịu đựng những dằn vặt đau khổ của sự sáng tạo… Tôi đã tiếp nhận, chọn lọc tinh hoa của các khuynh hướng văn học trên thế giới bằng tình yêu và trách nhiệm một công dân nước Việt. Và khi những tác phẩm của tôi được dịch sang nhiều ngôn ngữ khác, tôi càng tự tin khẳng định bản sắc Việt trong thơ mình hơn nữa trong tương lai.

Nhà thơ-tiến Gjeke Marinaj: Ông vừa nói đến bản sắc Việt trong thơ. Vậy có bao giờ ông nghĩ đến thơ Việt Nam sẽ tạo ra một trường phái, khuynh hướng riêng có tầm ảnh hưởng khắp toàn cầu, giống như các khuynh hướng của chủ nghĩa hiện đại phương Tây mà các ông đã từng ảnh hưởng? Nếu có thì kế hoạch cụ thể của ông là gì?

Nhà thơ Mai Văn Phấn: Đó là một nan đề, một thách đố. Tôi tin điều ông vừa nêu cũng là khao khát của nhiều nhà thơ các dân tộc khác. Việt Nam có một nền văn hoá đặc sắc. Nhưng, nhiều cuộc tao loạn trong lịch sử và những cuộc chiến khốc liệt gần đây nhất đã khiến các nhà thơ Việt Nam buộc phải sử dụng thơ như một loại vũ khí chống xâm lược. Điều đó chính là đặc thù của thơ Việt Nam. Giá trị của thi ca luôn gắn với nước mắt và máu của những người đã chết cho Tự do, cho Công lý và Hòa bình. Thế hệ trẻ kế tiếp muốn thoát khỏi cái bóng của thế hệ nhà thơ đi trước trong chiến tranh quả không dễ chút nào. Ngay lúc này đây, một số nhà thơ đã tìm đến các khuynh hướng sáng tác của văn học phương Tây như một sự “vượt tường”. Nhưng kết quả cho thấy, một số tác phẩm xuất hiện mới chỉ dừng lại ở mức độ ảnh hưởng, hoặc mô phỏng phương Tây mà thôi. Nền thi ca thế giới có thể ví với một tòa tháp. Nếu không tiếp thu, kế thừa và vượt qua các khuynh hướng thế giới thì thơ ca chúng tôi khó có cơ hội hiện diện, dù chỉ ở tầng thấp của tòa tháp ấy. Tôi chỉ nghĩ rằng, những nỗ lực sáng tạo của các nhà thơ Việt Nam để thế giới biết đến thơ Việt Nam và thừa nhận sự có mặt một nền thơ không kém phần đặc sắc, thì đã là một thành công lớn rồi.

Nhà thơ-tiến Gjeke Marinaj: Bản chất của thơ ca nhiều khi đảm nhiệm những nhiệm vụ siêu tưởng trong sự nghiệp cải thiện toàn thể nhân loại. Nhiệm vụ của ông với cương vị một nhà thơ là gì và ông đã làm thế nào để đạt được mục tiêu đó?

Nhà thơ Mai Văn Phấn: Tôi quan niệm thơ ca trước hết phải tạo ra cái Đẹp và mục đích cuối cùng vẫn phải hướng con người tới sự cao cả, thánh thiện. Khi viết, tôi đã để ánh sáng nhân bản, thanh khiết từ trái tim tôi tỏa rộng khắp không gian mà tôi đang chế ngự. Tôi mong muốn ánh sáng đó sẽ được lưu giữ trong những bài thơ của tôi, tạo nên hấp lực riêng để dẫn dụ, đánh thức nhân tính, tình yêu, lòng bác ái của mỗi con người ở bất kỳ nơi nào trên trái đất.

Nhà thơ-tiến Gjeke Marinaj: Ông là công dân của một đất nước giàu lòng tự tôn và tự hào rằng, trong suốt chiều dài lịch sử, dân tộc Việt Nam đã tìm ra cách để tồn tại, chống lại và chiến thắng bất kỳ kẻ thù nào, dù có được trang bị vũ khí đầy đủ nhất, nhằm xâm lược lãnh thổ hoặc thay đổi cuộc sống của người Việt. Và khi ấy, không ai có thể bỏ qua sức mạnh của thơ ca. Nó được sử dụng như một giải pháp quan trọng trong việc quy tụ sức mạnh tinh thần của nhân dân trong thời gian chiến tranh khốc liệt. Với vai trò to lớn của lịch sử, liệu ông có thể chia sẻ với chúng tôi về việc trở thành một nhà thơ xuất chúng của Việt Nam ngày nay như thế nào?

Nhà thơ Mai Văn Phấn: Thơ đã góp phần quan trọng làm nên sức mạnh tinh thần của dân tộc tôi trong sự nghiệp giữ nước, chống giặc ngoại xâm. Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước Việt được coi là một bài thơ Thần thánh, chỉ gồm 4 câu của danh tướng Lý Thường Kiệt (1019-1105) viết cách đây gần mười thế kỷ. Có thể nói, Thơ ca trong các thời kỳ chiến tranh dựng nước và giữ nước đã góp phần làm nên bức trường thành vệ quốc. Khi kết thúc chiến tranh, các nhà thơ không chỉ viết về những điều bình dị của cuộc sống, cảm thông với nỗi đau khổ của con người, thể hiện những khát vọng về tự do, công bằng, nhân ái…, mà bằng ngôn ngữ của dân tộc mình, nhà thơ cần phải khám phá tận cùng bản thể, những riêng tư, trắc ẩn của chính mình, để làm nên một nhân loại lớn trong sáng tạo. Một nhà thơ đích thực sẽ như vậy. Việt Nam đã từng có thi hào Nguyễn Du (1766-1820) được thế giới công nhận vinh danh là Danh nhân văn hóa thế giới. Ông là một nhà thơ lớn, biết cúi xuống những nỗi bất hạnh của kiếp người nhỏ mọn. Đó chính là khuôn mẫu một nhà thơ xuất chúng cho những nhà thơ của thời hiện tại.

Nhà thơ-tiến Gjeke Marinaj: Hãy kết thúc cuộc phỏng vấn với một ý niệm trong tưởng tượng: Nếu trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, ông có cơ hội làm cho cả thế giới nhìn Việt Nam qua con mắt của ông, ông vẫn sẽ hướng sự chú ý của chúng tôi tới thơ ca của mình hay sẽ tạo một cái nhìn khái quát về những phong cảnh tươi đẹp của đất nước ông?

Nhà thơ Mai Văn Phấn: Nếu có được một khoảnh khắc ngắn ngủi tưởng tượng như ông nói, tôi sẽ dồn hết tâm sức và nghị lực viết một bài thơ ngắn, mong được cả thế giới đọc nó và nhìn thấy hết vẻ đẹp cao cả, sáng trong tâm hồn Việt được toát ra từ những cảnh quan kỳ diệu trên đất nước tôi.

– Cảm ơn nhà thơ Mai Văn Phấn!

(Nguồn: Báo Người Hà Nội)