Nhà thơ, liệt sĩ Vũ Đình Văn nguyên là một trắc thủ tên lửa. Năm 20 tuổi, Vũ Đình Văn cùng đơn vị hành quân vào miền Trung “đón lõng” B52. Gần một năm nơi chiến trường ác liệt, rất nhiều đồng đội của Văn cùng ra đi từ giảng đường đại học đã hy sinh nhưng Văn vẫn nguyên lành trở về. Để rồi trong những ngày cuối cùng của chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” bảo vệ Hà Nội, Văn đã ngã xuống và mang theo những nỗi niềm riêng chung của chàng trai 22 tuổi đa tình.


Nhà thơ, liệt sĩ Vũ Đình Văn

Từ cậu bé đa cảm đến người lính dũng cảm

Chị Vũ Thị Kim Dung, em gái nhà thơ – liệt sĩ Vũ Đình Văn kém anh 2 tuổi (SN 1953) giờ đã lên chức bà nội. Trong gian hàng sực nức mùi thuốc bắc trên phố Lãn Ông, chị Dung đọc gần như thuộc làu tất cả những câu thơ của anh mình. Chị kể, gia đình có 5 anh chị em, Văn là con trai thứ 3. Quê gốc của gia đình ở huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Năm Văn lên 6 tuổi thì anh chị em mồ côi mẹ. Vũ Đình Văn yêu thơ tha thiết và làm thơ rất sớm. Bình thường Văn nhút nhát, ít nói, hay tỏ ra suy tư, có phần ủy mị. Cuộc sống khắc nghiệt, cảnh nhà điêu đứng, mọi gánh nặng dồn cả lên đôi vai người cha. Vậy nên trước cậu con suốt ngày trầm tư, đa cảm, nhiều lúc ông rất bực và có lúc Văn không tránh khỏi ăn đòn. Năm 1970, Văn thi vào khoa Văn – Đại học Sư phạm. Toàn bộ bài thi đã được Văn thể hiện bằng một bài thơ dài 12 trang. Giáo viên không biết chấm như thế nào, hay thì có hay nhưng lại không đúng, cuối cùng đành hạ bút cho điểm 3+, thừa nửa điểm để Văn đủ điều kiện vào nhập học.

Năm 1971, gác lại những khát vọng riêng tư, chàng sinh viên khoa Văn, Đại học Sư phạm lên đường nhập ngũ. Vào bộ đội, trong nhịp sống, chiến đấu hối hả, trong bom đạn, tưởng rằng những cảm xúc thơ văn trong anh sẽ bị triệt tiêu, nhưng theo bước đường hành quân những bài thơ ngày càng nở rộ. Qua những lá thư Văn viết về cho gia đình, người thân, ít ai ngờ rằng, cậu bé đa cảm ngày nào giờ đã trở thành một người lính tên lửa gan dạ, sẵn sàng đối mặt với cái chết, nói đến cái chết rất tự nhiên, chẳng hề tỏ ra lo sợ.

Người tình thơ và người tình thực

Ngoài niềm đam mê vô tận là thơ Vũ Đình Văn còn có một người yêu bằng xương bằng thịt. Trong tập “Tuổi hai mươi” in chung với Hoàng Nhuận Cầm trước đây cũng như tập “Nửa sau khoảng đời” của Vũ Đình Văn do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân cho ra mắt năm 2007 có rất nhiều bài nhắc đến Long hay Kim Hương. Phần in những lá thư của Văn gửi về cho gia đình, người thân, chiếm phần lớn trong số đó cũng là những lá thư gửi một người con gái tên Long.

Qua những bức thư anh để lại, người đọc có thể cảm nhận một trái tim mãnh liệt, đa cảm, đầy niềm tin và sự gửi trao của chàng trai tuổi hai mươi giữa chiến trường ác liệt. Anh đã đặt cho người yêu mình cái tên “Kim Hương” đầy tha thiết. Cô gái ấy tên thật là Long, kém Văn một tuổi. Hai gia đình cũng đã đi lại, Văn gọi bố mẹ Long là cậu mợ và ngược lại. Rồi Văn vào chiến trường, những lá thư vẫn liên tiếp gửi về. Đọc những lá thư Văn gửi cho Long, có thể thấy một tình yêu mãnh liệt nhưng cũng rất độ lượng, thực tế và đức hy sinh cao cả. Văn tự quy ước sau 4 năm mà anh vẫn chưa về thì Long có thể đến với người khác. Cuộc đời lắm nỗi éo le. Chỉ một năm sau, cuối năm 1972, trước khi giặc Mỹ đem B52 đánh Hà Nội, khi Văn từ Quảng Trị hành quân trở lại Thủ đô thì Kim Long đã có người khác và tránh mặt không gặp anh.

Sau 35 năm, chị Dung vẫn nhớ hình ảnh người anh trai trong bộ quân phục bộ đội tên lửa gầy gò và tội nghiệp, lặng lẽ đạp xe từ nhà bạn gái trở về trong dịp nghỉ phép hiếm hoi. Mấy ngày phép đó không đêm nào Văn ngủ, chỉ ngồi một mình đốt thuốc lá cả đêm. Một tháng sau đơn vị anh bước vào chiến dịch 12 ngày đêm. Văn đã không còn về phép lần nào nữa, bởi anh đã hi sinh trong một trận đánh khi đơn vị đối đầu với B52.

“Mà Văn khóc mẹ mà mình khóc Văn”…

Trong những bài thơ Vũ Đình Văn để lại, có một bài gắn với những kỷ niệm về mẹ của anh, đó là bài thơ “Lạy mẹ con đi”. Bài thơ này Vũ Đình Văn làm sau khi về quê viếng mộ mẹ mình năm 1972. Trong một lần nghỉ phép Văn về quê thắp hương viếng mẹ. Ngôi mộ nằm giữa đồng ở Vụ Bản, Nam Định lâu ngày không có người chăm nom nên gần như bị san bằng, tìm mãi mới thấy. Thương mẹ một mình nằm giữa đồng chua nước mặn hiu hắt, lòng anh tràn đầy xúc cảm, từ đó mà những vần thơ hình thành trên chuyến tàu từ Nam Định về lại Hà Nội.

Đọc lại bài thơ, gần như hình dung ra hình bóng chàng thanh niên trên chuyến tàu lủi thủi với những giọt nước mắt lã chã bật thốt những lời thơ khóc mẹ: “Một tia mây trắng cuối trời/ Cũng không làm lại được đời mẹ đâu/ Thôi từ nay trở về sau/ Sống sao cho mẹ khỏi đau cỏ mồ”. Văn đã hồi tưởng lại hình ảnh đám tang của mẹ trong nước mắt: “Đường làng là mảnh khăn xô/ Lắt lay ngọn nến dật dờ xe tang/ Cha mày con ngựa phũ phàng/ Đi đâu giận vó vội vàng ngựa ơi/ Nhẹ thôi ông lão nhẹ thôi/ Trên xe còn có mẹ tôi đang nằm”. Hai câu cuối của bài thơ, dù biết là không thể nhưng Văn vẫn mong mọi thứ đừng theo quy luật khắc nghiệt của cuộc đời, để mẹ anh được sống: “Giá đời đừng có hoàng hôn/ Cứ chiều buông cứ chiều buông hết chiều…”.

Sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam năm 1975, Hoàng Nhuận Cầm, người bạn thơ cùng lứa với Vũ Đình Văn trở lại Hà Nội. Anh được bạn bè đọc cho nghe nhiều bài thơ của Vũ Đình Văn. Bài “Lạy mẹ con đi”, Vũ Đình Văn làm khóc mẹ đã khiến tác giả “Xúc xắc mùa thu” cảm động. Có thể nói bài thơ này đã khiến những cảm xúc của một con người nhạy cảm là Hoàng Nhuận Cầm vỡ oà. Từ những cảm xúc đó bài thơ “Nhớ Vũ Đình Văn” đã ra đời với những câu thơ da diết: “Thôi cho mình thắp nhang này/ Khóc Văn nước mắt đã đầy cả đêm/ Ngàn sao Cầm đã kiếm tìm/ Nhưng ngàn sao chỉ im lìm như nhau/ Văn ơi nằm ở nơi đâu/ Người ta lại hát qua cầu gió bay…”. Từ đó Hoàng Nhuận Cầm đi lại với gia đình Vũ Đình Văn như người nhà. Bài thơ “Nhớ Vũ Đình Văn” sau này được anh đưa vào một số tập thơ của mình, đã khiến độc giả rất xúc động.

Nguồn: Báo An ninh Thủ đô