Một trong những lạc thú của con người ta là được cãi, tranh luận, biện bác, có như thế, qua đó, từng vấn đề mới được soi rọi và tiếp cận rõ nét hơn. Tuy nhiên, có một đề tài mà từ thuở khai thiên lập địa đến nay đã có nhiều, rất nhiều tranh luận, nghiên cứu, tìm hiểu nhưng than ôi, cuối cùng, dẫu bộ óc “bách khoa toàn thư” nhất cũng tắc tị, ngắc ngứ. Đề tài gì mà ghê gớm vậy? Thưa, bạn đang cầm trên tay tập sách Adam & Eva (Phương Đông & NXB Văn học, 3-2013) của Di Li – một đề tài mà hiện nay và ngàn đời sau nữa, con người ta vẫn còn tiếp tục tranh cãi sôi nổi, hào hứng. Nhà văn của mùa vàng nho chín nõn và nắng tốt tươi Di Li sẽ dẫn chúng ta đi vào thế giới ấy.


Trước hết, sự khôn ngoan của Di Li là chọn cách viết như cà rỡn, như tếu táo, như bông lơn nhưng không kém phần nghiêm túc để dẫn dắt câu chuyện về tâm lý của âm và dương, của nắng và mưa, của nam và nữ, của Adam và Eva từ chủ đề này sang chủ đề khác, từ chuyện nọ xọ chuyện kia một cách nhộn nhạo, thân mật để thỉnh thoảng phá lên những tiếng cười vui vẻ.

Phải nói không giấu diếm, Di Li đã tỏ ra hiểu sành sõi và cảm nhận lịch lãm về phẩm chất, tính cách, tính nết, tâm tính của giới.

Với người phụ nữ, họ đòi hỏi người đàn ông của mình như thế nào? “Thưa ông Noel, chắc ông ngạc nhiên hỏi con muốn gì? Con chỉ muốn ông hóa phép cho chàng hoàng tử của con thật tỏa sáng như chàng trai Tháng Giêng, thông minh như chàng trai Tháng Hai, giàu có như chàng trai Tháng Ba, lãng mạn và tài hoa như chàng trai Tháng Tư, mạnh mẽ như chàng trai Tháng Năm và yêu con như chàng trai Tháng Chạp. Giáng sinh năm nay, con chỉ có một điều ước giản đơn như mọi cô gái khác trên đời vậy thôi”.

Điều ước đó, đơn giản ư?

Và phải là đàn bà mới có thể viết được: “Hơn nữa, tôi thấy chính đàn ông mới là khổ chứ không phải phụ nữ khổ. Ngay cả điều mà phụ nữ thường cho mình là khổ nhất thì cũng chỉ khổ so với các công việc khác chứ so với đàn ông vẫn muôn phần sung sướng hơn, ấy là cái việc chỉ có phụ nữ làm được: Sinh ra một đứa bé”.

Phát biểu rốt ráo này cho thấy một Di Li rất cá tính.

Đàn bà trên đời này từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim cũng đều có chung sự kiêu hãnh cao thượng ấy.

Và từ tâm thế ấy, Di Li lại liếc mắt sang giới mày râu, đôi lúc, tôi có cảm giác như cô “đi guốc trong bụng” họ. Từ chuyện “anh chàng đu đủ sữa” đến “đàn ông chọn vợ”… Nghĩa là cô biết tỏng về họ: “Tôi vẫn nghi ngờ việc phụ nữ trói chân đàn ông bằng một đứa trẻ, mà ngược lại mới đúng logic hơn. Nếu bạn muốn người phụ nữ ngồi im một chỗ, chẳng có cách nào dễ dàng hơn là tặng cho cô ta một cái bụng. Vì tình yêu, nàng sẽ sinh cho bạn một đàn trẻ thơ xinh đẹp, và giờ mọi đường cong của nàng bị phá vỡ, nàng tăng cân vù vù như uống nhầm phải sữa DHA, nàng kiệt sức vì tã lót bỉm sữa…”.

Đọc đến đây, ai lại có thể không gật gù và há miệng cười?

Những suy luận trong tập sách này có dẫn chứng nhiều chuyện xưa tích cũ, khiến câu chuyện đi vào chiều sâu và thuyết phục hơn. Vẫn chưa đủ. Sự hấp dẫn của Adam & Eva còn chính là những suy nghĩ chủ quan của người viết. Mà phải thế thôi, bàn luận về chuyện tình yêu, tình ái, hôn nhân của đàn ông và đàn bà bao giờ cũng từ chủ quan của người phát ngôn. Chính vì thế, các phòng mạch “gỡ rối tơ lòng”, “vườn hồng”, “nhỏ to tâm sự” của các chị, các anh Thanh Tâm, Tầm Thư, Tâm Giao, Hạnh Dung, Anh Bồ Câu, chị Diều Hâu… mới có đất sống. Và các tập sách bàn về chủ đề tương tự như nhà văn Di Li đang trò chuyện với chúng ta mới có thể tiếp tục ra đời.

Trang sách này đã mở ra, bạn hãy đọc đi. Tôi tin rằng, bạn sẽ hào hứng bởi có lúc thấy y chang như những gì mình đã nghĩ; lại có lúc bạn những muốn gân cổ lên cãi (ấy vậy, chả cãi được bởi giọng văn như bỡn, như đùa và duyên dáng quá chừng, nên thôi và tiếp tục… đọc).

Trang sách này khép lại, ắt không ít Adam & Eva tự nhủ: Ta cũng sẽ viết một cuốn sách thú vị và bay bướm thơ mộng như thế này. Di Li à, hãy đợi đấy!

Nguồn: yume.vn