Từ Hồng Sơn nói anh là người hoài cổ. Minh chứng của sự hoài cổ ấy là khi đề cập chuyện phỏng vấn từ xa vì điều kiện địa lý cách trở, anh bảo nhất quyết không trả lời bằng “mail” (thư điện tử) vì “như thế thì lạnh lẽo quá”. Bởi vậy, khi tác giả của “Hà Nội mùa thổ phách” nói rằng sẽ “trò chuyện” từ xa bằng cách viết ra giấy, tôi vẫn giật mình khi anh hì hụi ngồi viết tới 5 mặt giấy rồi chụp lại và gửi cho mình qua Facebook.
Tai ương không thể nhấn chìm
Từ Hồng Sơn đích thị là một cậu trai Hà Nội. Sinh ra và lớn lên ở Lý Nam Đế, nơi anh gọi là “phố nhà binh”, cậu bé Từ Hồng Sơn thuở nhỏ khá hiếu động. Anh cùng chúng bạn là “tiểu đội” những đứa trẻ con trong khu phố không bao giờ biết buồn với những trò chơi như bắt ve, hái sấu, chọi quay, pháo đất… Những tháng ngày hạnh phúc ở cái nơi gọi là “pháo đài tuổi thơ” của Từ Hồng Sơn có lẽ sẽ kéo dài thêm nếu không có tai nạn ập tới, vĩnh viễn tước đi khả năng nghe của anh khi mới vừa 6 tuổi.
Nhà thơ Từ Hồng Sơn và tác phẩm “Hà Nội mùa thổ phách”
Việc sống trong một thế giới không còn âm thanh là một bất hạnh đối với bất kỳ ai, nhất là với một cậu bé đang ở độ tuổi đến trường. Trong suốt những năm tháng đi học, thầy cô luôn ưu tiên xếp cho cậu học trò ngồi bàn đầu để có thể tiếp thu bài giảng tốt hơn. Nỗ lực gấp đôi, gấp ba những học sinh bình thường trên lớp, ở nhà Từ Hồng Sơn phải nhờ cậy sự giúp đỡ của gia đình để có thể tiếp thu trọn vẹn bài vở mà thầy cô giao cho.
Nhưng với cậu bé đầy lạc quan này thì đó không phải là tai ương có thể nhấn chìm cuộc đời anh. Anh trải lòng: “Tôi không nghe được nhưng tôi cũng học được cách đọc khẩu hình của người khác khá nhanh. Ông trời cũng bù lại cho tôi đôi mắt khá tinh nữa. Tôi có quan niệm dù có nghe được hay không thì cũng phải sống cho tử tế”.
Năm 1993, Hồng Sơn rời Hà Nội vào Nam sinh sống. Cuộc di cư đột ngột này đối với Từ Hồng Sơn lúc ấy chưa có nhiều ý nghĩa, vì chỉ nghĩ là theo mẹ vào Nam thôi, chứ với cậu học trò mới học hết lớp 5 khi ấy cũng chẳng biết gì. Sau này khi trưởng thành, anh mới ý thức được sự xa cách ấy không đơn thuần là khoảng cách địa lý, mà là bao nỗi niềm chất chứa.
Đến nỗi, khi đã trở thành một sinh viên của trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM, khi đã bước đi trên con đường nghệ thuật, anh vẫn luôn muốn được viết một cái gì đó về Hà Nội, với tất cả sự yêu thương như sợi dây ràng buộc với cố hương. Có những ngày ngồi trên giảng đường đại học, Từ Hồng Sơn thấy mình “cầm sách nhiều hơn cầm cọ”, bởi so với hội họa thì văn học lại có sức cuốn hút lớn hơn, anh thấy được chính mình trong đó. Nhưng không vì thế anh bỏ ngang việc vẽ, chỉ là lúc nào ý tưởng về một cuốn sách về Hà Nội cũng thường trực trong đầu.
Sẽ viết đủ serie Ngũ hành
Ký ức ấu thơ mà Từ Hồng Sơn còn nhớ rõ nhất là những ngày được ông ngoại đạp xe chở quanh hồ Gươm. Khi ấy, anh nhớ mình đã được ông mua cho một cây kem Tràng Tiền và được chỉ cho xem nào là hồ Gươm, tháp Rùa, rồi chỗ kia trước đây là một ngôi chùa, sau này chỉ còn sót lại tháp Hòa Phong sừng sững. Chính những điều này đã khiến cho cậu bé Từ Hồng Sơn ngày ấy tò mò và thôi thúc ý nghĩ sẽ tìm hiểu nhiều hơn về huyền sử đất Thăng Long.
Nếu đọc “Hà Nội mùa thổ phách” sẽ hiểu căn nguyên vì sao Hà Nội trong thơ của Từ Hồng Sơn lại mang một dáng hình cổ mặc đến như vậy. Hà Nội là “thổ” – là đất, mà cũng là hồn, là “phách”. Hà Nội trong thơ Từ Hồng Sơn là thực, nhưng nó cũng gần với cõi mơ, nhất là trong cơn mơ của người da diết nhớ, lúc nào cũng đau đáu thấy quê hương.
Đọc thơ Từ Hồng Sơn, ta như đi giữa lối cũ của cái thời xa lắm, của “trái bàng ủ rượu nước mưa”, của “khuông nhạc phố rải lanh canh phách cuốc”, của “nắng lưa thưa răng lược ngõ loan nâu”, nơi mà chỉ lá rơi thôi cũng như “múa chầu sân phố”.
Nhưng ẩn sau một Hà Nội trầm ngâm nép mình cũng là một Hà Nội thân thuộc đến nao lòng của những người đã từng đi qua cái thời đói khổ “nắm cơm nguội, bát canh chua, cà muối dở”, với “bếp cạn dầu, chum gạo rỗng, bấc đèn nhom”. Những thanh âm như tiếng leng keng tàu điện, tiếng kinh tụng sân chùa, tiếng rao hàng, tiếng chợ cóc…, nếu những người bình thường có thể cảm nhận được bằng đôi tai, thì với Từ Hồng Sơn là bằng trái tim, bằng rung cảm.
Từ Hồng Sơn nói, sau “Hà Nội mùa thổ phách” anh sẽ viết cho đủ một serie ngũ hành. Chẳng biết đùa hay thật nhưng lúc bài báo này lên khuôn thì tập thơ thứ hai của anh – “Hà Nội mùa mộc phách” cũng kịp có mặt trên các kệ sách. Nghe nói Từ Hồng Sơn còn ấp ủ một cuốn tiểu thuyết về Hà Nội, sẽ là một cuốn tiểu thuyết về những đứa trẻ ở khu gia binh mà anh đã từng sống ngót nghét 30 năm trước… Và tôi tin, mối nhân duyên của Từ Hồng Sơn với Hà Nội sẽ còn được nối dài bởi đôi cánh văn học, bởi cây bút tài hoa này còn thương, còn nhớ Hà Nội nhiều lắm.
Theo Mai Anh – An ninh Thủ đô