Nếu báo là nghề thì thơ lại là nghiệp của Hồng Thanh Quang. Tính đến nay, anh đã cho xuất bản 10 tập thơ (kể cả thơ dịch). Riêng trong năm 2013, Hồng Thanh Quang cho in 2 tập thơ mang tên “Nỗi buồn tốc ký” dày khoảng 1.000 trang. Anh bảo: “Tiếng là “Nỗi buồn tốc ký” nhưng tôi cũng phải mất 22 năm mới hoàn thành đấy…


1.Hồi mới mon men vào làng thơ, có hai địa chỉ ở Hà Nội tôi hay đến nhất: Số 4 Lý Nam Đế và 17 Trần Quốc Toản. Ở hai nơi này, các bậc đàn anh, đàn chị như Phạm Ngọc Cảnh, Vương Trọng, Xuân Quỳnh, Phạm Tiến Duật… thường hay quan tâm đến những người viết trẻ. Tôi bắt đầu có tác phẩm đầu tay xuất hiện lẻ tẻ trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội và Báo Văn nghệ.

Hồi ấy, để có một bài thơ được xuất hiện trên báo, tạp chí nói chung, là cả một vấn đề, nhất là đối với người viết trẻ. Bởi vì số lượng thơ được sử dụng trên báo giấy rất khiêm tốn và số đầu báo ra hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng khá hạn hẹp, trong khi số lượng người viết (cả chuyên và không chuyên) lại khá đông đảo. Một năm, một người nào đó mới vào nghề, lại chưa thật xuất sắc, chưa trở thành một hiện tượng nổi bật, được đăng tải 1 – 2 bài thơ đã được coi là thành công và may mắn lắm rồi.

Mà hồi ấy, cũng lạ! Có khi một bài thơ đã được xếp trang từ trước, lúc họa sĩ trình bày, có thể chỉ vì lý do “đất chật” mà bị “gác” lại… mãi mãi, không thấy được tiếp tục đưa vào số báo sau. Rất có thể, bài ở các số sau đã được “kế hoạch hóa” đến từng chi tiết. Chưa kể, thời gian tính từ lúc gửi bài đến khi được đăng báo thường kéo dài là bao nhiêu lâu thì không thể biết và không dễ biết. Bản thân tôi đã có lần “dính” vào sự này. Bài thơ đầu tiên của tôi được nhà thơ Vương Trọng ôkê và thông tin từ tháng 2, vậy mà phải mãi đến tháng 9-1978, nó mới được đăng trên Văn nghệ Quân đội. Vậy là tôi phải đợi dài dài, với bao nhiêu là hồi hộp, khấp khởi.

Nhà thơ Hồng Thanh Quang.

Tôi nhớ có lần ghé thăm “Nhà số 4”, nhà thơ Anh Ngọc (lúc ấy đang phụ trách phần văn học nước ngoài của Văn nghệ Quân đội) bảo: “Có một cậu còn rất trẻ, đang du học ở Liên Xô rất hay gửi thơ dịch về chỗ tôi. Lần nào gửi về cũng hàng tệp, hàng tệp. Hiếm có người nào mê thơ như người này”.

Chuyện này xảy ra cách nay đã trên 30 năm rồi.

Phải rất lâu sau đó, tôi mới biết người mê thơ ấy là Hồng Thanh Quang, cựu sinh viên Học viện cao cấp Thông tin Quân sự mang tên Ordzenikidze ở thành phố Ulianovsk, quê hương Lênin. Hồng Thanh Quang nhớ lại: “Hồi ấy, tôi là người sống rất nghiêm túc và tự ép mình vào kỷ luật đến mức hà khắc.

Ngày lại ngày, tôi hầu như đều “ăn doanh trại”, “ngủ doanh trại”, “học doanh trại” và ngay cả việc dịch thơ cũng có thể là “dịch doanh trại” nữa. Nhưng tác phẩm đầu tiên đăng báo của tôi lại không phải là thơ dịch. Một lần, nhân đọc được một bài thơ của Phong Lan, tôi nổi hứng lên làm một bài thơ gần như là họa lại thơ của chị mang tên “Gửi bạn” với bút danh Hồng Thanh.

Hay nói một cách khác: Bài thơ của chị Phong Lan đã gợi ý, gợi cảm xúc cho tôi viết một bài thơ khác. Ấy là một bài thơ thể hiện tâm trạng của một cô gái có người yêu đi xa. Còn tôi viết từ tâm trạng chàng trai đi xa gửi cho cô bạn ở quê nhà. Tôi gửi bản thảo cho nhà thơ Anh Ngọc. Tác giả bài thơ “Cây xấu hổ” thấy thú vị, bèn chuyển cho nhà thơ Phạm Tiến Duật. Nhà thơ của Trường Sơn thấy được, bèn cho đăng trên Báo Văn nghệ vào năm 1981.

2.Về nước, Hồng Thanh Quang được biên chế là lính của Quân đoàn 3. Có một dạo, anh làm báo của Binh đoàn. Cuối tháng 8 năm 1988, anh chuyển đơn vị, về làm phóng viên Báo Quân đội Nhân dân. Hồng Thanh Quang bảo: Đây là thời kỳ mà anh như “cá gặp nước”, “rồng gặp mây” trong việc thả sức thử sức mình, thể hiện mình. Mặc dù làm phần quốc tế là chính, nhưng anh vẫn tham gia viết đủ các mục và nghĩ ra nhiều mục về quốc tế, văn hóa. Riêng phần quốc tế, anh mở mục “Nhìn từ Hà Nội” trên tờ Quân đội nhân dân thứ bảy (sau đổi thành Quân đội nhân dân Cuối tuần) gây được ấn tượng với độc giả.

Khoảng thời gian này cũng là khoảng thời gian Hồng Thanh Quang phân thân, hết lòng với nghề báo. Ngoài phần việc chính ở Báo Quân đội nhân dân, anh còn là bỉnh bút (cộng tác viên thường xuyên) của nhiều tờ báo khác như Hà Nội mới cuối tuần, Sinh viên Việt Nam…

Hồi Nhà báo và Công luận mới ra mắt bạn đọc, anh là một trong số không nhiều thành viên đầu tiên nhập cuộc. Có số, anh tham gia viết và biên tập tới 4 trên tổng số 8 trang báo ở đủ các chuyên mục. Anh bảo: “Không cần biết chúng là “thượng vàng” hay “hạ cám”, cứ cái gì tôi thích là tôi làm, cứ cái gì báo cần và thiếu là tôi làm, cứ cái gì được trả nhuận bút là tôi làm. Ngày ấy, cuộc sống còn khó khăn lắm và tôi làm việc như một cu li cu lít thực sự, mỗi ngày tôi “cày” không dưới 1.000 từ. Tôi viết và “bao sân” nhiều đến nỗi mà khá nhiều độc giả tưởng tôi già lắm rồi, biết đâu tôi mới chỉ ngót nghét 30 tuổi. Nguồn sống của tôi hoàn toàn trông cậy vào tiền nhuận bút còm”.

Đến năm 2003, Hồng Thanh Quang chuyển từ Báo Quân đội nhân dân sang tuần báo An ninh Thế giới ấn phẩm của Báo Công an nhân dân. Một thời gian sau, An ninh Thế giới ra thêm tờ An ninh Thế giới Cuối tháng rồi sau đó là An ninh Thế giới Giữa tháng (khổ to), mỗi tháng hai số. Thời gian này, Hồng Thanh Quang là người phụ trách và thực hiện mục phỏng vấn có độ dài từ 4 đến 5.000 từ trên cả 2 số báo.

Đến ngày 24-10-2014, Hồng Thanh Quang rời cương vị Phó tổng biên tập Báo Công an nhân dân sang một cương vị mới: Tổng biên tập Báo Đại đoàn kết. Anh đã mang phong cách làm báo của mình từ Công an nhân dân sang Đại đoàn kết. Anh bảo: “Tôi đi đâu thì phong cách của tôi theo tôi đến đấy. Ở cơ quan mới cũng chưa lâu lắm nên tôi cũng chưa làm được gì nhiều. Bước đầu mới chỉ cải tiến tờ Tinh hoa Việt, chuyển từ tạp chí ra mỗi tháng 1 kỳ sang báo khổ to ra mỗi tháng 2 kỳ, mỗi kỳ 32 trang. Tinh hoa Việt đầu tư ít, hiệu quả cao, mỗi kỳ được bán “tay bo” với số lượng từ 1,5 đến 2 vạn bản. Trong thời buổi báo giấy ngày một khó tiêu thụ, Tinh hoa Việt bước đầu được như thế, cũng là tạm ổn”.

Cũng từ lâu lắm rồi, Hồng Thanh Quang tỏ ra có khả năng và rất hoạt trong vai trò MC ở nhiều kỳ cuộc, chương trình lớn nhỏ.

Bộ thơ hai tập Nỗi buồn tốc ký của nhà thơ.

3.Nếu báo là nghề thì thơ lại là nghiệp của Hồng Thanh Quang. Tính đến nay, anh đã cho xuất bản 10 tập thơ (kể cả thơ dịch). Riêng trong năm 2013, Hồng Thanh Quang cho in 2 tập thơ mang tên “Nỗi buồn tốc ký” dày khoảng 1.000 trang. Anh bảo: “Tiếng là “Nỗi buồn tốc ký” nhưng tôi cũng phải mất 22 năm mới hoàn thành đấy. Trong đó, một nửa nội dung làm trong 20 năm và nửa nội dung còn lại làm trong 2 năm. Buổi ra mắt 2 tập thơ này rất hoành tráng. Nhưng tôi cũng chỉ cuốn theo sự ủng hộ, động viên, quan tâm của bạn bè mà làm thôi, ngoài ra không có ý gì khác”.

Ngoài câu thơ để lại dấu ấn: “Người đàn bà giấu đêm vào trong tóc” trong “Khúc mùa thu”, Hồng Thanh Quang còn có câu thơ để lại dấu ấn sâu đậm nữa: “Một mình ta đã quá chật ta rồi” trong bài “Chiều” (trích trong tập thơ “101 bài thơ tình” xuất bản năm 2009).

Khi bình bài thơ này, tôi đã viết: “Bên cạnh mấy câu bình thường: “Chiều nóng bức trườn theo bước gió/ Bóng tối về, ta uống tựa bia hơi/ Em đừng khóc, đừng van nài ta nữa” là một câu khác thường: “Một mình ta đã quá chật ta rồi”.

Sau ba câu cũng bình thường: “Nếu đời ta của mình ta thôi nhỉ/ Hẳn đêm ta sẽ hóa sao băng/ Chói khoảnh khắc rồi chìm vào quên lãng” là một câu khác thường: “Chỉ vô danh mới được vĩnh hằng”.

Có thể ba câu trước chỉ là “chất dẫn” để câu sau “bùng nổ” chăng?

Hay là không có sự bình thường và khác thường nào ở đây. Hoặc rất khó phân biệt. Như cái cây có đến gần hết 365 ngày của một năm, chỉ có ít khoảnh khắc còn lại của 365 ngày của một năm ấy, hoa nở…Vậy nếu không có gần hết 365 ngày bình thường ấy, liệu có ít khoảnh khắc còn lại của 365 ngày khác thường không?

Chỉ vì trong một cơn bức bối (dĩ nhiên là bức bối vì tình, giận em, muốn rời xa em chẳng hạn), mà hốt nhiên bật ra được hai câu thơ trên thì thật tài tình.

“Một mình ta đã quá chật ta rồi” – câu thơ cho thấy cả chiều kích lẫn cái sự ngạo nghễ của cái tôi cô đơn”.

Không chỉ có “Khúc mùa thu”, “Chiều”… Hồng Thanh Quang còn có “Xem ảnh II” ở “Khúc III”, còn có 4 câu thơ dữ dội đầy cá tính:

Em vẫn chưa già đâu,
Còn anh không trẻ nữa.
Nếu hạnh phúc trao nhau,
Luật trời ta cũng sửa.

Hồng Thanh Quang cho rằng: “Cảm xúc là thế mạnh của nhà thơ, hướng tới thiên lương, gợi ý cho nhà thơ làm được những điều tốt lành”. Còn quan niệm về thơ và công việc của nhà thơ của Hồng Thanh Quang cũng rất lạ: “Việc của nhà thơ là phải viết những câu thơ. Viết xong là xong. Và phải để nó tự sống. Tôi không ăn lộc từ thơ, không “dính” đến thơ để làm gì. Tôi không sống bằng thơ mà sống bằng lao động khác. Mặc dù vậy, tôi luôn đau đớn cho những câu thơ và nghĩ: Viết nói chung và làm thơ nói riêng, cũng như là nhu cầu thở để mà sống vậy!”.


Đặng Huy GIang – VNCA.CAND