Đôi khi ngồi đếm kiến bò/ Thấy mình không bằng con kiến”, nhà thơ Hoàng Việt Hằng tự thấy mình như vậy khi chia sẻ về 3 tập sách vừa ra mắt năm 2015: Bóng đổ nơi chân sóng (tạp văn, NXB Quân đội Nhân dân, 2015); Nắng trưa không đứng bóng (tập truyện ngắn, NXB Văn học, 2015) và Trăng vàng ngồi vớt trăng vàng (thơ, NXB Phụ nữ, 2015).
3 tập sách này được chị gắng gỏi viết trong gần 5 năm rong ruổi nhiều nơi trên mọi nẻo đường đất nước và ở những nước châu Á. Hình như chị đi mới được hít thở sâu hơn với cỏ cây, với sơn cước, biển cả. Và đi để hiểu sâu hơn về nỗi đau phận con người.
“Đi. ngộ ra nỗi đau riêng rất nhỏ…”
Với chị, chỉ có viết mới thấy mình tồn tại, bởi thế chị thường dành dụm tiền để đi. Tiền của chị không tiêu cho thẩm mỹ viện, và mua sắm trang sức, hay mua sắm đồ đạc trong nhà… mà chị tiêu cho những chuyến đi đơn lẻ trên tàu, xe khách với chiếc máy ảnh ghi nhật ký thường ngày. Có chuyến đi chỉ cần nhìn thác, nhìn vực, leo rừng sâu nghe chim hót trên cây hồi cây quế, dã hương… rồi về. Chị ước, chỉ là tựa gần hơn với thiên nhiên.
Từng là phóng viên của báo Du lịch trong nhiều năm, tài sản lớn nhất của chị là tư liệu và vốn sống văn hóa của nhiều miền đất, làm giàu thêm vốn sống cho trang viết dài hơi. Gần như 20 năm dành cho đi, đất nước này không một địa danh nào chị chưa đặt chân đến.
Có đận, chị lang thang các nước ở châu Á, tìm kiếm để rút cho được tên tập thơ Trăng vàng ngồi vớt trăng vàng. Trong chuyến đi mà thơ của chị được dịch ở Ấn Độ, chị gắng đi hết tứ thánh địa Phật giáo để được hiểu biết thêm về nền văn hóa của sông Hằng.
Mùa xuân năm 2014, ngồi trên sông Hằng (Ấn Độ), óc chị bất chợt lóe lên như tia chớp. 2 câu thơ lục bát trắc ẩn trong trí nhớ: Thuyền không người bến đò ngang/Trăng vàng ngồi vớt trăng vàng vớt tôi. Và chị sung sướng như bắt được vàng, thế là có tít cho tập thơ mới với 68 bài viết về số phận con người, mà chỉ riêng cái tít chị tìm kiếm mất 2 năm.
Hãy đọc về sự đi của chị “Đi. ngộ ra nỗi đau riêng rất nhỏ/ Trên ngàn cây số phía sau lưng”…
Không đi khó có cảm xúc viết thăng hoa
Trong tập tản văn Bóng đổ nơi chân sóng (NXB Quân đội Nhân dân 2015) có bài Hồng hạc không về trời, chị viết chạm tới sự an nhiên của người Ấn, và rộng hơn là của cả nhân loại cần lao. Khi con người không ham nhiều của cải vật chất, không có gì trên người thì người ta sống thanh thản hơn thì phải. Ở Ấn Độ, nữ nhà thơ cũng chỉ có một túi xách nhỏ, một bộ quần áo, một ít tiền đủ ăn, là rảo bước chân khám phá…
Là người chịu đi, đi để vùi sự cô độc trong hành trình tìm kiếm vẻ đẹp thiên nhiên, và đi cũng không ít lần gặp họa, khi lạc rừng cả một ngày ở đảo Cát Bà trong mưa to gió lớn. Có chuyến đi co ro trong giá rét ở một nhà trọ thiếu đèn và hoang vu nơi rừng cọ Trung du ở chợ gần Núi Sáng.
Trái tim chị run rẩy trong sợ hãi, bóng tối và cái ác. Khi vượt qua những sợ hãi này, cảm xúc luôn dồn nén, chị nhìn cuộc sống rõ hơn, can đảm hơn.
Một khi nhà thơ cúi xuống những phận người thua thiệt và bất hạnh, chị chia sẻ “Tôi chỉ thuộc về phía những người cùng khổ. Trái tim tôi thuộc về họ. Còn những thứ xa hoa và nhiều thứ khác hấp dẫn hơn hình như cuộc đời không dành cho tôi. Và nó đứng ngoài suy nghĩ của tôi.”
Đọc thơ của chị, nhà thơ Mã Giang Lân nhận xét: “… các bài thơ như nói với mình, về mình nhưng lại là những lời nhắc nhỏ, khơi gợi lương tâm đồng loại. Chất sống, tư tưởng của thơ là ở đấy”.
Chính va đập cuộc sống đã giúp cho Hoàng Việt Hằng sáng tác rộng hơn cả thơ và tản văn, và tiểu thuyết. Giống như con kiến chăm chỉ, chị cũng có những phút giây ngồi đếm kiến bò, chị cũng có phút giây tha về tổ những hạt gạo hạt thóc dành cho văn chương để tỏa hương. Ấy là phần thưởng lớn nhất của chuyến đi dành cho chị và để chị cống hiến cho văn chương và bạn đọc yêu mến.
Theo An Như – Thể thao & Văn hóa