Sướng nhất trên đời vẫn là “làm thơ và nạt thơ”, nhà thơ Hoàng Trần Cương tếu táo, sấn sổ khẳng định, khi được dò hỏi “cái đáng nhớ và đáng sống nhất hiện tại” của một người từng kinh qua nhiều chức vụ như ông là gì?

Long Mạch (NXB Hội Nhà văn, 7/2015) là tập trường ca mới nhất của nhà thơ Hoàng Trần Cương.

Nết đất, hồn sông và vía biển

Chẳng ai ngờ được con người vâm váp như súc gỗ lim, “ăn sóng nói gió” như Hoàng Trần Cương lại là một người thơ chính hiệu.

Từng đoạt giải Nhất văn chương báo Văn nghệ, giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2000, giải thưởng Sách hay của Hội xuất bản Việt Nam cho cuốn Thơ và Trường ca Hoàng Trần Cương (2014), cho đến nay Hoàng Trần Cương đã có khoảng 15 đầu sách, cả văn xuôi lẫn thơ ca.

Trường ca Long Mạch được nhà thơ Hoàng Trần Cương cấu trúc 11 chương, với những hô ứng liên hoàn, thắt mở đầy mê dụ để chỉ khí và thế của đất đai sông núi.


Nhà thơ Hoàng Trần Cương

Chương mở đầu, Khấn thầm như một lời đề từ của người con nước Việt khẩn nguyện được hiến dâng, được khóc tướng lên, được quỳ xuống “ôm thốc vào lòng” những tháng năm, những địa linh, vía núi, hồn sông một thời bi tráng.

Huyết thống là chương tiếp nối, là yếu tố long mạch bổ sung của người con – tác giả, là huyết thống tổ tiên “trích ngang bản mặt” thấu vào tim, thấu vào ngày tháng của sinh sôi của tinh thần Việt tự chiến thắng chính mình, giữa người Bắc hào hoa, người Nam phóng khoáng và người miền Trung cứng cỏi chí tình “gói ghém mọi thói đời/ trong bàn tay không vẩn màu thù hận”.

Với trường ca mới, nhà thơ Hoàng Trần Cương dành tôn vinh cho thế hệ đánh giặc thống nhất đất nước, gói tình riêng “khuôn mình thành hàng dọc”. Dâng cả tuổi thanh xuân cho tổ quốc bi hùng giữa bom đạn luân phiên và đau thương vô hạn “cuối trận tìm nhau/ tuốt trần mắt chắp tên ghép mặt”.

Thật sự đi sâu vào long mạch là tám chương: Nết đất, Hồn sông, Mạch chủ, Thác ghềnh, Quỷ nước, Sấp ngửa, Sông và em, Vía biển.

Long Mạch với âm hưởng núi sông nước Nam tuôn trào sức sống và sự sống, mãnh liệt và thơm thảo, thấm đẫm và rực rỡ bóng anh hùng: “dải lãnh hải bao quanh nước Việt/ Yết long đao sừng sững đứng bên trời”.


Bìa cuốn “Long Mạch”

Trai xứ Nghệ “yêu quê như keo dính”

Nhà thơ Hoàng Trần Cương vào chiến trường từ năm 21 tuổi, lính pháo thủ pháo cao xạ sư đoàn 367 và 375, từng trực tiếp chiến đấu tại mặt trận Bản Đông, Đường 9, Nam Lào và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Hoàng Trần Cương công tác tại Bộ Tài chính, làm kế toán trưởng nhiều năm và Tổng biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam cho đến lúc nghỉ hưu.

Thơ Hoàng Trần Cương ngang tàng, hùng tráng, trường ca Long Mạch mang hơi thở ấy, hơi thở của đất đai, sông, núi và biển, vừa kỳ vĩ mà gợi cảm, vừa giản dị mà lớn lao vô cùng. Đó là những con người lớn lên trong thương khó, xoắn xuýt những ký ức đói no một thủa, tất cả bện màu xanh kỷ niệm, của tuổi niên thiếu dịu dàng và sự trưởng thành trong giông bão.

Nhưng rồi có lúc, Hoàng Trần Cương phải thảng thốt kêu lên “sao bây giờ con cháu nhạt bóng quê”. Quê, của những người trai xứ Nghệ, dường như là một tín niệm giúp họ thoáng mạnh mẽ đã dịu dàng, thoáng phóng túng đã ngăn nắp và trật tự.

Lông mày rậm, cái gì dính trên người cũng ngổ ngáo, tướng tá “hơn cả quân ăn cướp”, nhưng là “cướp thơ”, Hoàng Trần Cương cười hề hề tự nhận xét về mình “mặt anh buồn như đá/ ai vần ra ngoài đồng”.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cho biết Hoàng Trần Cương là một nhà thơ đậm đặc khí chất dấn thân của người trai Nghệ, “yêu quê như keo dính, yêu người đến quên mình”. “Đấy cũng là tính cách của người dân nơi miền quê khổ nghèo rát bỏng nắng gió mùa hè, xiết chảy những dòng sông ngập tràn mùa lũ. Thơ của Hoàng Trần Cương thường vạm vỡ, khỏe mạnh và cuộn trào tuôn chảy, chứa đầy sự sống”.

Trường ca Long Mạch của nhà thơ Hoàng Trần Cương mang chủ âm hồn quê, tiếng quê da diết và nồng đượm: “Mẹ ơi sao dạo này mẹ thường hay giật thột/ Cứ sợ hoàng hôn trộn vào ban mai”.

Chủ âm ngàn đời đó soi rọi trên hành trình của những người con xa quê, dù lên rừng hay xuống biển, vẫn biết nuôi trồng những giấc mơ, vẫn biết chườm mát những cơn đau tụ máu, phá hủy những nỗi buồn và ngẩng cao đầu về phía trời xanh, mây trắng của quê hương yên bình mãi mãi: “Bao giờ em về thăm/ quê hương anh một thời ngút lửa/ miền Trung mỏng và sắc như cật nứa/ chuốt ruột mình thành dải lụa Sông Lam”.

Theo Khúc Linh Hương – Thể thao & Văn hóa