Hiệu Constant hiện sống ở Pháp, bên cạnh dịch thuật và sáng tác, chị còn làm cầu nối cho các hoạt động giao lưu văn hóa và văn học giữa Pháp và Việt Nam. Gần đây chị xuất bản cuốn sách mới của mình với tên “Đường vắng” do Công ty Truyền thông Hà Thế liên kết với NXB Hội Nhà văn và dự định giới thiệu tới độc giả Việt Nam. Nhà thơ Dương Thuấn đã có cuộc trao đổi với Hiệu Constant về công việc của chị.

– Chào chị nhé, chị vừa mới từ Pháp về, đã kịp quen với múi giờ ở Việt Nam chưa, chị có còn mệt không?

Hiệu Constant: Cảm ơn nhà thơ, tôi cảm thấy mọi thứ bình thường, bởi niềm vui được trở lại đất nước của mình sau những ngày xa cách đã làm tôi quên mệt mỏi. Tôi rất vui được gặp lại anh và cũng xin chúc mừng anh có bộ Tuyển tập thơ rất đồ sộ, đã xác lập hai kỷ lục guinness cho văn học Việt Nam…

Cảm ơn chị đã quan tâm đến thành công của tôi cũng như nền văn học của nước nhà. Nhưng chị Hiệu Constant ơi, lần nào gặp chị tôi cũng muốn hỏi về công việc của chị. Bởi chị lúc nào cũng bận rộn với công việc… Công việc yêu chị hay là chị yêu công việc nhỉ. Tại sao đã từ lâu chị rất gắn bó với công việc dịch thuật, đến mức chị quên hết mọi thứ khác?

– Hiệu Constant: Vâng. Chuyện đó thế này anh ạ. Tôi vốn ham đọc sách từ nhỏ, nhất là sách dịch và tôi ao ước một ngày nào đó tôi cũng sẽ dịch sách. Nhưng trường học của tôi ngày đó không được học ngoại ngữ. Cho đến năm học lớp 11, tôi mới bắt đầu được học tiếng Pháp. Ngay từ những ngày đầu, tôi có cảm giác mình duyên nợ với ngôn ngữ này. Tôi say mê tiếng Pháp từ đó. Tôi thích sự trong trẻo ngân nga khi phát âm, thích sự biến đổi kỳ ảo ý nghĩa của câu qua mỗi thì thức khi chia động từ… Và sau này, cũng nhờ thứ tiếng đó mà tôi đã tìm được “nửa kia” của mình (cười). Ông xã tôi là người Pháp mà…

Còn tại sao tôi gắn bó với công việc dịch thuật ư? Điều này cũng bắt nguồn từ sự muốn chia sẻ với bè bạn! Tôi đi làm dâu xứ người, đúng cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Chồng tôi là người Pháp, nền văn hoá Pháp rất khác với văn hóa Việt. Tôi luôn tâm niệm “nhập gia tuỳ tục”, đã làm dâu người ta thì phải học cách cư xử theo văn hoá của họ. Đến khi sinh con, ngoài việc dạy con cách ứng xử theo văn hoá Việt, tôi phải học hỏi rất nhiều “văn hoá nhà chồng” để dạy con mình. Từ đó tôi đi sâu nghiên cứu tiếng Pháp và những tác phẩm văn học của Pháp! Tôi đã học được rất nhiều điều trong văn hóa Pháp để dạy con. Khi tôi am hiểu về văn hóa Pháp rồi, tôi lại muốn chia sẻ với các bạn Việt Nam, đặc biệt là các tác phẩm văn học Pháp. Tôi vốn yêu văn chương từ nhỏ, tôi thấy văn học Pháp rất hay nên nên tôi thử dịch. Công việc dịch thuật đòi hỏi một sự kiên nhẫn rất cao, càng dịch tôi càng thu thập được thêm nhiều kiến thức. Tôi đã dịch nhiều loại sách, các cuốn sách đó viết về đủ loại đề tài, từ văn chương cho đến các chính khách, nghiên cứu văn hoá… Dịch thuật đã trở thành niềm đam mê của tôi!

À, vậy còn điều này nữa… Ngoài dịch thuật ra chị còn sáng tác văn xuôi. Đi xa quê lâu như vậy, chị có sợ tiếng Việt của mình không còn được hoạt như khi chị còn ở Việt Nam không, bởi chị xa quê đã gần 20 năm?

– Hiệu Constant: Tôi thấy dịch thuật và viết văn vừa giống lại vừa khác nhau. Giống là cùng đòi hỏi sáng tạo. Với dịch thuật, ngoài việc thông hiểu ngoại ngữ còn phải nắm bắt được cái “thần” của tác phẩm, tức là người dịch phải chui vào bên trong tâm hồn của nhà văn, hình dung ra cuộc sống của họ, tâm trạng của họ khi họ viết tác phẩm… Còn về sáng tác bằng tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ, tôi cũng có đôi chút nỗi niềm! Tôi sống ở Pháp nên vốn ngoại ngữ của tôi có phần phong phú hơn, còn tiếng Việt thì lại hơi xa cách… Nhưng cũng may, nhờ mạng Internet, tôi tự mình mỗi ngày một tiếng đồng hồ để lướt web, vừa để tìm hiểu thêm thông tin trong nước, vừa là để duy trì vốn tiếng Việt, cập nhật những từ ngữ mới, cách suy nghĩ mới để không cảm thấy mình bị tồi khi sử dụng ngôn ngữ Việt. Ngoài ra tôi cũng rất chăm đọc sách, các tác phẩm mới của bạn văn trong nước.

Ở xa đất nước như vậy, mà sách của chị in ở trong nước đã gần 40 cuốn. Con số đó cho thấy chị là người lao động rất miệt mài, nghiêm túc. Đó là một thành quả rất đáng được trân trọng và tự hào. Tôi muốn hỏi xem chị có gặp khó khăn gì không, khi chị xuất bản sách ở Việt Nam?

– Hiệu Constant: Cho đến lúc này, tôi chỉ cảm thấy mọi thứ đều thuận lợi đối với tôi. Tất nhiên đôi khi cũng có những lúc do khách quan nên sách ra không đúng hạn định ghi trong hợp đồng… Thường tác phẩm dịch, các nhà xuất bản mua và thanh toán bản quyền xong thì tôi mới bắt tay vào dịch. Nếu sách có ra muộn thì tôi cũng thông cảm với nhà xuất bản, nhất là những năm gần đây khi mà kinh tế khó khăn hơn. Còn với các tác phẩm do tôi sáng tác thì các nhà xuất bản rất nhiệt tình với tôi…

Chị tâm đắc với điều gì nhất trong công việc của mình?

– Hiệu Constant: Đó là sự khám phá và chia sẻ!



Nhà thơ Dương Thuấn và dịch giả Hiệu Constant

Lần này về nước chị sẽ ra mắt cuốn sách mới của chị có tên là “Đường vắng”. Từ trước tới giờ rất ít người đề cập đến đề tài này. Trong cuốn sách đó chị đã gửi gắm điều gì. Chị có thể chia sẻ một vài ý nghĩ có được không?

– Hiệu Constant: (Cười) Đúng là có rất ít các tác phẩm văn học phản ánh về đề tài này, đó là đề tài bạo lực gia đình! Tôi nói ít có nghĩa là không phải không có. Ví như trước đây, Đời xa vắng của nhà văn Lê Lựu chẳng hạn. Tôi đã đọc nó từ hồi học Đại học và cứ bị ám ảnh mãi! Ngày đó tôi đã cho rằng nhà văn hư cấu quá nhiều, nhưng rồi qua năm tháng và thực tế, tôi thấy có những hoàn cảnh còn bi đát hơn cả những gì mà Lê Lựu đã viết! Bạo hành dù ở bất kỳ giới nào thì người phải chịu đựng cũng rất bất hạnh, nhưng có lẽ đau đớn hơn vẫn là người đàn ông. “Người ta có thể dễ dàng nhận ra những vết bầm tím trên thân thể một người đàn bà, nhưng mấy ai nhìn thấy trái tim người đàn ông đang rỉ máu…” Qua tác phẩm Đường vắng, tôi muốn đem thông điệp đến với tất cả mọi người, dù nam hay nữ, nếu bị bạo hành hãy dũng cảm chia sẻ với người khác, hãy nói lên sự thật đó, bởi chuyện gì cũng sẽ có hướng giải quyết. Bởi xung quanh chúng ta vẫn có vô vàn người tốt.

Cuốn sách này chị đã bắt đầu như thế nào?

– Hiệu Constant: Tôi trăn trở về đề tài này đã từ lâu. Tôi thường quan tâm đến những trường hợp đăc biệt ở xung quanh tôi, cả ở Pháp lẫn ở Việt nam, qua thực tế và các phương tiện thông tin truyền thông… Rồi tôi quyết định viết ra những suy nghĩ của mình. Thú thật với anh, tôi đã khóc vì thương nhân vật của mình!

Đây là cuốn sách thứ mấy của chị được in ở Việt Nam?

– Hiệu Constant: Nếu nói là dịch giả, tôi đã cho xuất bản khá nhiều tác phẩm dịch. Có thể kể: Nỗi niềm – Tiểu thuyết của Paule Constant, Giải Goncourt năm 1998, NXB Hội Nhà văn 2005; Rừng thẳm – Tiểu thuyết của Julien Gracq. NXB Đà Nẵng 2006; Simon Roquère, đứa con của tình yêu – Tiểu thuyết của Ludovic Massé, NXB Quân đội 2007; Tổng thống Francois Mitterrand là như thế của Jacques Attali, NXB Công an 2007; Bóng đen của vầng ánh dương – Tiểu thuyết của Christine Morin, NXB Công an 2007; Bạn tôi tình tôi – Tiểu thuyết của Marc Levy, NXB Đà Nẵng 2007; Người đàn bà thứ bảy – Tiểu thuyết của Frédérique Molay, NXB Đà Nẵng 2007; Bi kịch của Tổng thống Jacques Chirac của Frank-Olivier Giesbert, NXB Công an 2009; Những ý tưởng tồi tệ – Tiểu thuyết của Nina Bouraoui, NXB Phụ nữ 2009; Tâm hồn trong trắng – Tiểu thuyết của Paule Constant, NXB Hội nhà văn 2009; Những điều chưa biết về cố đệ nhất phu nhân Jackie Kennedy của Jacqueline Monsigny và Frank Bertrand, NXB Công an 2008; Người trả thù cho các hầm mộ – Tiểu thuyết của PJ Lampert, NXB Đà Nẵng 2009; Nhím rừng tự sự – Tiểu thuyết của Alain Boubanckou, NXB Phụ nữ 2009; Anh hai (Tự truyện – Vent-Ouest) của Dominique Schellers VovanLong, NXB Lao Động 2011; Cửa hàng dành cho những kẻ ngán sống – Tiểu thuyết của Jean Teulé, NXB Hội nhà văn 2009; Chuyện tình của Hầu tước Montespan – Tiểu thuyết của Jean Teulé, NXB Hội nhà văn 2009; Barack Obama hay giấc mơ mới của người Mỹ của Guillaume Serina: NXB Hội nhà văn 2009; Hãy giải thoát nỗi đau cho chúng con – Tiểu thuyết của Romain Sardou, NXB Văn hóa – Thông tin 2009; Khúc vĩ cầm của Quỷ – Tiểu thuyết của Jules Grasset NXB Phụ nữ 2009; Săn người – Tiểu thuyết của Christophe Guillaumot, NXB Văn hóa – Thông tin 2010; Những người đàn bà câm nín – Tiểu thuyết của Nadine Trintignant, NXB Phụ nữ 2011… Tôi đã dịch khoảng 40 đầu sách, ngoài ra còn dịch nhiều truyện ngắn và thơ của các tác giả nổi tiếng Pháp, viết nhiều bài về các tác giả văn học Pháp đăng trên báo và các tạp chí ở Việt Nam. Còn về sách sáng tác tôi đã in các tiểu thuyết: Côn Trùng, NXB Phụ nữ 2010; Đường Vắng, NXB Hội Nhà Văn 2013; Đời Du Học, NXB Dân Trí 2013…

Chị sẽ nghĩ gì về độc giả Việt Nam khi họ đọc cuốn “Đường vắng” được in ra lần này của chị?

– Hiệu Constant: (Trầm lắng suy tư) Vâng, theo chủ quan của tôi, chắc chắn sẽ có nhiều ý kiến trái chiều. Sẽ có người khen và đồng cảm, nhưng trong cả hai giới chắc đều sẽ có người tức tối. Với chị em phụ nữ, họ sẽ cho rằng tôi “đá bóng vào gôn đội nhà”, còn đàn ông thì bực tức tôi vì đã bị tôi đánh trúng huyệt, chọc vào đúng chỗ ung nhọt của họ. Họ sẽ thấy đau đớn và thấy bị xúc phạm… Tôi muốn để từng độc giả soi mình vào tác phẩm của tôi, họ sẽ thấy mình rõ hơn.

Tôi đồng tình với chị về điều đó. Tôi muốn hỏi chị thêm, ngoài việc dịch thuật và sáng tác, chị còn làm cầu nối cho các hoạt động giao lưu văn hóa và văn học giữa Pháp và Việt Nam. Công việc này có giúp ích gì cho chị không?

– Hiệu Constant: Thưa anh, quả thật là tôi rất thích thú khi làm công việc này! Trước tiên là cho tôi và gia đình tôi ở Pháp, sau đó là cho các bạn người Việt và bạn người Pháp. Công việc này cho tôi tiến vào những vùng tôi còn chưa biết để khám phá. Tôi có thể giới thiệu với bạn Pháp về nền văn hoá Việt Nam và văn học Việt Nam và thường thì họ rất hài lòng. Nhưng đôi khi cũng vất vả, bởi khi tôi giới thiệu một điều thì các bạn lại muốn biết nhiều hơn… Tôi dịch sách tiếng Pháp cho người Việt đọc, nhưng người Pháp họ cũng yêu cầu tôi dịch sách tiếng Việt cho người Pháp. Tôi làm rất thành thạo công việc dịch xuôi lẫn dịch ngược các tác phẩm văn học của hai nước… Tiểu thuyết Thời của thánh thần của Hoàng Minh Tường tôi đã dịch trọn vẹn sang tiếng Pháp.

Chị dịch thuật và sáng tác, chị còn tham gia cả các hoạt động văn hóa. Công việc của chị rất là phong phú, vậy chị có thể kể cho tôi nghe một kỷ niệm sâu sắc nhất của riêng chị hoặc trong gia đình của chị?

– Hiệu Constant: Tôi nhớ mãi lần đầu tiên tôi sang làm dâu nước Pháp. Lúc tôi rời Hà Nội nhiệt độ không khí của mùa hè là 37 độ C, còn khi tôi đến nước Pháp nhiệt độ là là 4 độ C. Tôi rất đỗi ngạc nhiên và cứ ấn tượng mãi về điều đó. Tôi phải mất mấy tháng mới nghe được người Pháp họ nói những gì. Bởi khi ở Việt Nam tôi học tiếng Pháp với người Việt, sang bên đó họ phát âm rất khác. Hay là một kỷ niệm khác tôi dạy tiếng Việt cho các con. Con trai tôi 12 tuổi hỏi rằng: “Mẹ ơi, cá gỗ là cá gì hả mẹ, đó là loài cá sống ở nước ngọt hay nước mặn?” Tôi bảo đó là một loài cá cảnh. Cháu bảo không thể là cá cảnh được, bởi nó không sống trong bể kính! Rồi cháu cho tôi xem mấy câu mà cháu đang đọc… Cũng chính từ những điều như vậy nên tôi nghĩ cần phải tìm hiểu khám phá nhiều thứ khác nữa ở đất nước Việt Nam của mình.

– Cảm ơn chị, chúng ta đã có một buổi trò chuyện rất thú vị và đầy ý nghĩa. Tôi xin chúc chị có nhiều thành công hơn nữa trên con đường sự nghiệp của mình.

 

Nguồn: Vanhocquenha