Sinh thời, ông sống nghèo khổ, thiếu thốn với người vợ hiền và đàn con nheo nhóc, mấy chục năm thuê nhà tại phố Châu Long, Hà Nội. Rồi đến lúc chủ nhà cần tiền phải bán đi, gia đình ông trôi dạt về cuối thành phố, tận bãi cát An Dương, bên sông Hồng, hồi 1984.
Lại vẫn một ngôi nhà nhỏ, xây bằng gạch xỉ, lợp giấy dầu, nơi bùn lầy nước đọng quanh năm. Ông sống trong hoàn cảnh đó cho đến lúc mất. Nhưng những câu chuyện về ông luôn phảng phất đâu đó, ám ảnh, khuất lấp sau cái bóng lầm lũi và bên những chén rượu của một thời huy hoàng và không kém phần cay đắng…
Người cô đơn vào trận
Trước khi đi theo cách mạng hoạt động kháng chiến, năm 1945, nhà thơ Đoàn Phú Tứ, nổi lên như một ngôi sao sáng trên văn đàn thi ca, với bài thơ Màu thời gian.Đồng thời Đoàn Phú Tứ còn là một trong những người mở đầu cho nền sân khấu nước nhà, qua gần 20 vở kịch nói, được ông viết từ khi còn trẻ, trong vòng 10 năm. Đặc biệt vào năm 1937, khi mới 27 tuổi, Đoàn Phú Tứ đã gây tiếng vang lớn qua hai vở kịch Ngã ba và Thằng cuội ngồi gốc cây đa, và đạt tới ngôi vị hàng đầu của đội ngũ kịch tác gia cùng với Thế Lữ, Vũ Đình Long lúc đó. Ông còn cùng với bạn bè lập ra ban kịch Tinh Hoa và còn cho ra đời tờ báo Tinh Hoa, với vai trò là chủ bút, tạo nên một không khí hào hứng sôi nổi cho những hoạt động sân khấu nước nhà vào đầu thập kỷ 40, thế kỷ trước.
Thêm nữa, hình ảnh Đoàn Phú Tứ thêm một lần lừng danh khi là một trong 6 cái tên nổi tiếng như Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Xuân Sanh, Phạm Văn Hạnh thành lập nhóm Xuân Thu nhã tập vào năm 1942, với những tôn chỉ mục đích về sáng tác văn học nghệ thuật đổi mới. Xuân Thu nhã tập tìm cách tháo gỡ những bế tắc, từ cái “Tôi” quanh quẩn của đội ngũ văn học trẻ lúc đó, hướng tới cái “Ta” gắn kết với cộng đồng và những số phận bên ngoài cần quan tâm.
Bài thơ Màu thời gian của Đoàn Phú Tứ, in trên báo Ngày nay, số tết 1940, được coi là tiêu biểu cho sự đổi mới về cả hình thức lẫn nội dung, mà Xuân thu nhã tập theo đuổi. Ngay sau đó, bài thơ được nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát phổ nhạc và ca khúc được phổ cập nhanh chóng trong giới trí thức học sinh, sinh viên. Thậm chí, ba mươi năm sau, bài thơ vẫn được nhạc sĩ Phạm Duy phổ và nổi tiếng qua các giọng hát Thanh Thúy, Khánh Hà, Ý Lan, Thái Hiền…
Đoàn Phú Tứ, ở tuổi 35, gánh hành trang của mình theo kháng chiến và trở thành đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của chính quyền cách mạng (1946). Ông tham gia với nhiều cương vị: giảng viên Trường Nghệ thuật Liên khu IV, Liên khu V, viết kịch và làm báo ở Thanh Hóa. Năm 1948, Đoàn Phú Tứ được cử về Đại Từ, Thái Nguyên làm Tạp chí Văn nghệ của Hội Văn nghệ Việt Nam và tham gia Thường vụ Đoàn Sân khấu Việt Nam. Thời gian này, Đoàn Phú Tứ chuyên tâm sáng tác, giảng dạy và đi thực tế lấy vốn sống để viết kịch. Một năm sau, ông cho xuất bản tập kịch Trở về, với nhiều đề tài phong phú phản ánh gương những người chiến sĩ và đồng bào quyết một lòng hy sinh và cống hiến cho cuộc cách mạng trường kỳ gian khổ của dân tộc ta.
Nhưng rồi bất ngờ có một chuyện đã xảy ra với Đoàn Phú Tứ tại Việt Bắc, năm 1950. Ấy là khi ông nhận được giấy mời dự đám cưới của một cán bộ thuộc Cục Quân nhu, mà người chủ hôn lúc đó không ai khác chính là Trần Dụ Châu, Đại tá, Cục trưởng Cục Quân nhu. Đoàn Phú Tứ không thể không đi, nhưng trong thâm tâm lại đè nặng những nỗi niềm suy tư ẩn giấu. Bởi lẽ, nhiều điều khuất tất, gian lận và tham nhũng của Trần Dụ Châu, bấy lâu đã thể hiện.
Hắn là một hình ảnh tệ hại của những chiến sĩ ngoài mặt trận, bởi lẽ đến cái màn, cái áo mền trấn thủ của chiến sĩ mà hắn cũng còn bớt xén vật liệu và số lượng để đút tiền vào túi. Nhưng không hề có ai dám lên tiếng tố cáo, đấu tranh. Vậy mà đến đám cưới của thuộc hạ, hắn lại xa xỉ đến bất ngờ. Lợn gà đem giết mổ chất đầy bờ sông Nông Giang. Nhiều bà con nông dân còn nghĩ đến mức, nếu có múc nước sông lên lúc đó nấu canh cũng ngọt, cũng ngon. Cùng với đó, trên bàn tiệc nào là sơn hào, hải vị, rượu tây, thuốc lá ngoại, đều được chuyển từ Hà Nội lên.
Tiệc cưới được bày linh đình dưới ánh sáng của hàng trăm ngọn nến, cùng với ban nhạc sống diễn ra tại một ngôi đình lớn ở Phú Bình, Thái Nguyên. Mọi sự ồn ào, khuếch trương, lãng phí làm cho tâm trạng Đoàn Phú Tứ mỗi lúc thêm một nặng nề, khắc khoải. Không ngờ lúc đó, Trần Dụ Châu oai phong tỏ rõ quyền uy, lên tiếng yêu cầu Đoàn Phú Tứ sáng tác bài thơ ca ngợi đám cưới, để làm vui lòng cô dâu, chú rể và mọi người. Đoàn Phú Tứ như chết lặng, một lúc sau bất ngờ đứng dậy, nói mình sẽ đọc một câu thơ mới chợt nghĩ ra. Mọi người im lặng. Đoàn Phú Tứ nghẹn lòng và đọc to từng chữ một: “Bữa tiệc chúng ta sắp chén đẫy hôm nay/ được dọn bằng xương máu của chiến sĩ”.
Trần Dụ Châu quát lên, cho rằng nhà thơ láo xược, và tên cận vệ xông tới tát Đoàn Phú Tứ. Nhà thơ ngay lập tức bỏ tiệc cưới ra về. Đêm hôm đó, Đoàn Phú Tứ viết một bức thư gửi lên Chủ tịch Hồ Chí Minh, với chức danh đại biểu Quốc hội cùng những lời tố cáo đanh thép, cộng thêm những dẫn chứng và dư luận xấu về Trần Dụ Châu. Với tính cách mạnh mẽ thẳng thắn, nhà thơ đã dũng cảm tố cáo tệ nạn tham nhũng đang diễn ra ngay trong hàng ngũ cán bộ cách mạng, làm tiền đề cho một vụ án hình sự đầu tiên trong chính phủ ta ngay tại chiến khu Việt Bắc.
Với tội danh tham nhũng chất đầy, qua những điều tra cụ thể và những chứng cứ không thể chối cãi, Đại tá Trần Dụ Châu đã bị lãnh án tử hình, cùng đồng bọn phải nhận các án tù thỏa đáng. Nhà thơ Đoàn Phú Tứ nổi danh là một chiến sĩ dũng cảm trên mặt trận chống tham nhũng. Nhưng thật trớ trêu thay, với những tâm trạng ngày càng nặng nề làm lung lay trái tim thi sĩ đa cảm. Có thể vì sự mệt mỏi hay cả nghĩ về câu chuyện mình đã làm nên bản án tử hình có một không hai vừa qua? Hoặc rất có thể sau những đoạn đường đầy hoan lộ thi ca và sân khấu, nhà thơ muốn có sự vận động chuyển hướng mà không thấy nổi một con đường mới mở ra trước mắt. Phải chăng vì thế mà ông đã bỏ lại sau lưng cái tên Đoàn Phú Tứ lừng lẫy một thời và chấm dứt sáng tác từ đó.
Giải thưởng dịch thuật và hai lần được kết nạp Hội Nhà văn
Với tấm bằng học Đại học Luật tuy còn dở dang, nhưng vì tiếng tăm văn chương và trình độ tiếng Pháp rất giỏi, nhà thơ Đoàn Phú Tứ vẫn tìm được những công việc thật hợp với mình. Ông đã đi dạy học nhiều nơi trong thành phố và nổi tiếng là một người đẹp trai có duyên ăn nói. Nhưng thời buổi mỗi ngày một khó khăn, năm 1952 ông lấy vợ và sinh đôi ngay hai con trai đầu tiên, nên nhà thơ gần như “múa tay trong bị” vậy. Cái nghèo ập đến, nhất là khi Đoàn Phú Tứ bị mất việc, cả nhà bí bách kiếm ăn lần hồi từng bữa. Cũng may, bà Khiêm vợ ông, còn là công nhân nhà nước, lại chịu khó buôn bán, đan len thêm. Thế là miếng cơm manh áo, ông đành trông cậy vào người vợ tần tảo, chịu thương chịu khó, với nhiều mặc cảm tê tái.
Rồi một lần tình cờ ông được mời dạy học ở Trường Albert Sarraut, với môn Văn bằng tiếng Pháp và có một hợp đồng dịch đặt sẵn trên bàn. Thế là từ đó, với bút danh Tuấn Đô, ông dịch liên tục một số tác phẩm văn học và kịch tác gia nước ngoài, như Môlie, Sếchxpia, Ipxen, Đơ Muyxê… Chính vì tài năng dịch thuật, mà ông được mời là thành viên đầu tiên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957.
Sau này thôi dạy học vì trường của người Pháp không còn nữa, ông toàn tâm toàn ý cho công việc dịch thuật suốt 20 năm trời. Với tài năng văn chương Việt bẩm sinh, nhà thơ Đoàn Phú Tứ có những bản dịch thật sự xuất sắc, vang danh một thời như: Đỏ và Đen của Stăngđan (NXBVH-1971) và Păngtagruyen của Rabơle (NXBVH-1981). Hàng chục cuốn sách dịch được đến tay độc giả, cái tên Tuấn Đô nổi lên như một thương hiệu của Nhà Xuất bản Văn Học. Nhiều bạn đọc chờ đón sách dịch của ông, nhiều nhà văn cũng tìm đến những bản dịch của ông để tích lũy ngôn ngữ, bởi lẽ văn của ông không những chính xác mà còn đẹp về văn phong và đa dạng về tu từ. Sự đóng góp của ông đối văn học nước nhà quả là đáng kể. Chính vì lẽ đó, năm 1983, ông đã được Hội Nhà văn Việt Nam tặng Giải thưởng Văn học dịch.
Nhưng có chuyện vui sau đó hai năm, khi Hội Nhà văn tổ chức kết nạp ông, với danh nghĩa hội viên dự bị (năm 1985 vẫn còn thủ tục này), không biết rằng chính Đoàn Phú Tứ đã là hội viên sáng lập Hội từ năm 1957. Nhà thơ cũng chẳng hề có ý kiến gì, hay có thể ông cũng quên, vì đã 75 tuổi. Vậy mà, tới hai năm sau đó, Hội mới công nhận ông là hội viên chính thức (1987). Thủ tục kết nạp được chưa được bao lâu, thì năm 1989, nhà thơ Đoàn Phú Tứ, kiêm dịch giả Tuấn Đô ra đi. Khi đến viếng và đưa tiễn ông tại gia ở bãi An Dương, mọi người mới phát hiện ra điều này. Ai cũng thấy chuyện ông “bị” kết nạp lại mà ngậm ngùi bao nỗi.
Mãi đến năm 1992, Hội Nhà văn làm cuốn Kỷ yếu các nhà văn Việt Nam hiện đại, mới ghi ông vào danh sách hội viên sáng lập Hội từ năm 1957. Vậy quả là Màu thời gian vẫn đẹp qua bao lận đận, bởi trong tâm hồn Đoàn Phú Tứ, cho dù: “Duyên trăm năm đứt đoạn/ Tình một thuở còn hương/ Hương thời gian thanh thanh/ Màu thời gian tím ngát” (Màu thời gian)
Nguồn: CAND