Nhà thơ, đạo diễn Phan Huyền Thư

Làm nghệ thuật là phải có cái gì đó riêng của mình. Thư có thể và đủ khả năng để thành một ca sĩ chuyên nghiệp, nhưng chưa chắc đã tạo được dấu ấn riêng trong âm nhạc như cha mẹ chị đã làm thành công. Phải sống dưới bóng của những người nổi tiếng nhiều khi là một sự đầy ải. Thời thanh niên, ngang tàng và đôi khi ngỗ nghịch, Thư không muốn nghe những câu nói đại loại như: con nhà nòi thì hát hay là chuyện đương nhiên hoặc theo chiều ngược lại, con nhà nòi mà hát dở thế. Trái tim nghệ sĩ thường nhạy cảm. Vậy nên, dù rất nuối tiếc, Thư cũng quyết tâm rời xa chiếc micro.

Không theo nghiệp cầm ca, nhưng Thư cũng chẳng thể sống một cuộc đời bình lặng như những người khác, dẫu đôi khi, đó là cả một mơ ước. Thư khởi nghiệp chữ nghĩa, chọn câu từ làm bè bạn, chọn ý tưởng làm tri kỷ. Học Tổng hợp Văn như một sự khẳng định với gia đình cũng như người quen rằng, Phan Huyền Thư là một cá tính sáng tạo. Thư viết truyện ngắn. Đầu tiên, chị học theo lối của những nhà văn lớp trước mà chị ngưỡng mộ, như Phạm Thị Hoài chẳng hạn. Thư thích lối viết trần trụi, gai góc của Phạm Thị Hoài, một số truyện ngắn của chị cũng được viết theo phong cách đó.

Nhà thơ Phan Huyền Thư trên ghế nóng của Sao Mai Điểm hẹn.

Nhà thơ Phan Huyền Thư trên ghế nóng của Sao Mai Điểm hẹn.

Nhưng Thư chỉ thật sự lột xác khi chị đến với thơ. Sự lãng mạn, khả năng cảm thụ âm nhạc, học vấn cũng như sự nổi loạn trong sáng tác đã khiến Phan Huyền Thư thành một trong những nhà thơ gây ảnh hưởng lớn đến độc giả. Chị không đoạn tuyệt với thi ca truyền thống, nhưng chị muốn thơ không còn phải lệ thuộc vào niêm luật, về quy tắc như trước nữa. Thơ, với chị, còn phải góp phần giải phóng năng lượng của con người. Không phải chị không đủ tài để sáng tác những câu thơ đèm đẹp, những khổ thơ du dương êm đềm, bởi như vậy, thơ cũng không khác nhiều so với văn xuôi, chỉ khác ở mỗi vần điệu. Nhịp điệu của thơ chính là nhịp điệu của trái tim, của cảm giác.

Cũng chính vì thế, Thư phải hứng chịu nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí gay gắt và còn hơn thế nữa. Nhiều người lên án chị, cho rằng chị và những nhà thơ cùng thế hệ đang làm hỏng tiếng Việt, làm hỏng thơ Việt truyền thống. Nhiều lúc, Thư chỉ muốn gào thét để xả nỗi uất ức trong lòng. Tại sao mọi người không nhìn bao dung hơn, không để cho thế hệ nối tiếp được tìm tòi, được thể nghiệm. Còn được hay không, xuất sắc hay không, lung linh hay không, thời gian sẽ là người kiểm chứng tốt nhất cơ mà.

Những lúc như vậy, Thư không tránh khỏi trầm uất, mặc dù chị đã cố tập cho mình một khả năng bình tĩnh trước mọi thị phi vốn không xa lạ gì với chị và những người thân trong gia đình. May mắn cho chị là ở bên cạnh chị có người bạn trăm năm của mình.

Thư và người yêu, sau này là chồng, quen nhau từ khi còn học phổ thông. Mối tình học trò kéo dài rồi đơm hoa kết trái quả thật đã là điều ít thấy. Vợ chồng nhưng là bạn bè. Cùng thế hệ, cùng trải qua bao nhiêu thăng trầm, càng ngày, tình yêu ấy càng đằm thắm hơn. Chồng Thư là một công chức. Anh không hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Nhưng anh đủ tình cảm với người bạn đời của mình để hiểu, để sẻ chia và để thông cảm.

Phim tài liệu cũng là mảng mà Thư gặt hái nhiều thành công, mặc dù đây không phải là lựa chọn từ trước của chị. Khi làm việc ở Tạp chí Thế giới Điện ảnh, do đặc thù công việc mà Thư quen rồi thân với các nghệ sĩ điện ảnh tài liệu. Hồi đó, ở Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương có một quan niệm về nghề rằng, thường với phim tài liệu, các đạo diễn nên xuất phát từ quay phim hoặc biên kịch. Xuất phát từ quay phim sẽ có lợi thế về tư duy hình, còn xuất phát từ biên kịch sẽ có lợi thế về câu chữ, cách lập ý, rồi lời bình. Chính vì thế, Thư được các bậc cha chú, đàn anh mời về đầu quân cho hãng.

Những ngày đầu ở hãng phim, Thư không nề hà một việc gì cả. Nghề tài liệu không ngồi một chỗ mà làm được. Sáng tác là ở trên những hành trình đi qua. Mà Thư lại là phụ nữ. Vất vả trên đường làm phim đã đành, lại còn con nhỏ ở nhà.

Mới bước chân vào nghề tài liệu, Thư ôm ấp những đề tài lớn về những con người lớn. Điều đó cũng dễ hiểu. Tôi và Thư đã cùng đi lên đỉnh núi Khánh Sơn để gặp người anh hùng Pi Năng Tắc với chiếc bẫy đá đã làm quân Mỹ Ngụy khiếp sợ đến cùng cực. Hỡi ôi, sau dăm lần bảy lượt duyệt kịch bản, sửa đi sửa lại, đến khi hoàn thành kịch bản thì người anh hùng, nhân vật chính của phim, đã qua đời.

Thư vẫn mải miết với nghề. Bằng những ngày lang thang trên đường, bằng những chuyến đi mà tổng hành trình tính bằng vạn km, bằng tiếng khóc của đứa con nhỏ thiếu hơi ấm của mẹ; Bằng những tháng đằng đẵng học làm phim của xưởng Varan – Pháp, nơi mà người ta quan niệm, phim tài liệu không cần lời bình và không quay với chân máy; Bằng cả những sự dèm pha đến độc địa của đồng nghiệp, bằng thói ghen ăn tức ở của những người làm điện ảnh và bằng cả một chút tài năng trời cho, một chút thôi, không nhiều lắm. Thư đã bắt đầu tìm đến những đề tài kém hoành tráng hơn, những nhân vật đỡ anh hùng hơn. Chính vì thế, phim của chị đời hơn, nhưng lại sâu xa hơn. Đôi khi đó là thân phận của những đứa trẻ chưa kịp chào đời. Đôi khi đó là cuộc sống của những người có hoàn cảnh đặc biệt. Làm phim về những đề tài như thế này rất dễ sa đà vào việc tạo sự thương vay khóc mướn rồi gây cho người xem cảm giác khó chịu. May thay, Thư tránh được lối mòn ấy. Chị kể chuyện dung dị như chính cuộc sống. Nhưng chính cái dung dị ấy lại làm người xem thấy được mình trong đó.

Bây giờ, Thư đã có một sự nghiệp đủ để tự hào. Chị vẫn cầm micro, nhưng không phải để hát, mà để giao lưu trong những chương trình gameshow. Chị vẫn đứng sau máy quay với hàng loạt dự án điện ảnh. Chị vẫn ấp ủ những bài thơ ngày càng hiện đại nhưng cũng sâu sắc hơn, nhiều tâm sự hơn.

Còn hơn thế nữa, Thư có một gia đình êm ấm, hạnh phúc. Hai vợ chồng chị thường xuyên đi cùng nhau, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Đôi khi anh còn là một trợ lý đạo diễn đắc lực cho chị. Còn việc làm “xe ôm” chuyên nghiệp thì từ hơn hai chục năm nay, anh đã vui vẻ mà nhận lời. Ba cậu con trai khỏe mạnh, thông minh và rất thương mẹ, tất cả đủ để Thư sẵn sàng bỏ hết những hào quang, mà đôi khi thật phù phiếm, để về bên gia đình mình, có khi chỉ để nghe cậu cả hát một bài nhạc chế nào đó, có khi chỉ để nghe cậu út bi bô vài ba tiếng.

Có lẽ vì thế mà đã qua tuổi 40, Thư vẫn trẻ và yêu đời.

Phi Vân

Nguồn tin: suckhoedoisong.vn