Bến sông quê – Ảnh: Sưu tầm

Bến sông ấy có tên là My Lăng. Bến My Lăng ở đâu? Hình như ở trong mơ, dưới trăng, một vầng trăng bạc xám ám ảnh trên thành cổ Đồ Bàn. Có thể là bến sông của một cô gái người Chàm, của một kỵ sĩ Chàm, của một ông lái đò không tên, không tuổi, quên quá khứ, không nghĩ tới tương lai, ông lái đò của những thời khắc hiện tại, của dòng sông đang trôi chảy. Bến My Lăng ở đâu? Có lẽ, bến sông ấy chỉ có trong thơ Yến Lan, trong những tầng sâu nhớ quên của nhà thơ. Đừng giải thích, đừng định vị.

“Bến My Lăng nằm không thuyền đợi khách

Rượu hết rồi ông lái chẳng buông câu”

Ngày ấy, cách đây cũng đã hai mươi năm, cùng với đoàn làm phim của Nguyễn Thụy Kha, tôi đã đến thăm tuổi tám mươi của nhà thơ Yến Lan. Buổi trưa, căn nhà bên chợ Bình Định nóng hầm hập. Nhà thơ già nằm trên cái bến My Lăng nhỏ xíu của ông: đó là chiếc giường mét hai, cũ kỹ. Ông nằm đó, như ông lái đò thuở nào trong thơ ông, chờ một chuyến đò cuối cùng sang bến khác, bờ khác, cái bến My Lăng tận cõi vô cùng.

“Không được sống, xin cho cùng được thở”

( Bình Định 1935)

Tôi lẩm nhẩm câu thơ ông viết từ sáu mươi năm trước, câu thơ nó vận vào cả đời thơ của ông. Bây giờ, ông chỉ mong cùng được thở với những ngôi “nhà ngơ ngẩn”, những “tường vôi keo kiết”, với cái khung “trời võ vàng, trời thiếu những vì sao” kia, ông chỉ muốn được cùng thở cái không khí đặc biệt Bình Định, giữa những từ trường của Tháp Chàm, bên cái chợ đầy mùi cần lao và đời sống. Trước ống kính chăm chút cẩn trọng của nhà quay phim Đăng Minh, giữa bạn bè đồng niên vong niên, bên người vợ hiền tần tảo bao năm chia bùi sẻ đắng, tôi nhận thấy trên gương mặt nhà thơ già những nét tươi giãn. Giọng ông bắt đầu có khí sắc hơn, từ âm thầm sang cảm động rồi chuyển tới hào hứng. Khi Thụy Kha hỏi ông có buồn vì nhiều năm chịu đựng những trắc trở, cơ cực, tôi lại đọc được trên gương mặt ông sự bình thản:

“Có nỗi buồn khỏe ra

Có niềm vui chạnh mãi”

(Uống rượu với bạn đồng hương)

Ngày tập thơ “Những ngọn đèn” của ông với lời tựa của Văn Cao bị túi bụi phê phán, tôi chỉ là một đứa trẻ vô tư. Mãi sau này, khi được gặp ông, gặp Văn Cao, khi đã ít nhiều nếm trải vị này mùi nọ của cuộc đời, tôi mới thấy tiếc: có biết bao ngọn đèn, nhẽ ra đã sáng hơn… dù những ngọn đèn chỉ soi từ chính nó, thì nó cũng bật sáng một cái gì. Lặng nghe nhà thơ Yến Lan kể: “Gia đình tôi rất thân với nhà thơ Quang Dũng. Anh Quang Dũng người to lớn, trông như võ sĩ, nhưng tính thực hiền, lại hay mau nước mắt. Thời đó, mỗi tháng cán bộ chỉ được mua 13 cân gạo, tôi với bà nhà tôi ăn ít, nên vừa đủ. Còn anh Quang Dũng to khỏe ăn nhiều, nên anh thường xuyên bị đói. Mỗi lần anh đến nhà chơi, bà nhà tôi đều lặng lẽ đong cho anh túi gạo chừng dăm ba cân, để anh ăn thêm. Lần nào, anh cũng khóc”.

Tôi lặng nhìn, trên tường căn nhà nhỏ, treo bức sơn dầu phong cảnh Quang Dũng vẽ, từ ba mươi lăm năm trước. Thần thái bức tranh còn tươi lắm, tươi như tình nghĩa những nhà thơ nghèo đối đãi với nhau. Ở đời, dù giàu như Thạch Sùng, thì cũng không qua được cái “ mẻ kho trăm năm”, cái mẻ kho đong đưa, như đùa, như thật. “Chỉ những câu thơ là còn xanh”, tôi nhẩm đọc câu thơ Văn Cao như một niềm an ủi. Mà có khi đúng thật. Yến Lan mãi còn bến My Lăng của ông, cái bến sông riêng của linh hồn ông, với tiếng gọi đò thê thiết, tiếng gọi như đến từ cõi khác, từ một Đời Sống khác:

“Tiếng gọi đò, gọi đò như oán trách

Gọi đò – thôi, run rẩy cả ngành trăng”

(Bến My Lăng)

Và “Ông lái buồn để gió lén mơn râu” kia, là ai, nếu không phải là chính Yến Lan nhà thơ, nằm đợi mãi một tiếng gọi đò, đợi mãi một giọt trăng chầm chậm rơi qua màn sương bạc. Thụy Kha lại hỏi: “Vào một lúc nào đó trong đời, anh có sợ không? ”. Ông Yến Lan nói nhỏ, tôi không nghe rõ, nhưng nhìn gương mặt ông, tôi biết ông trả lời rất thật, “lời say thường vốn thật”, ở đây ông không say, nhưng vẫn thật: ông sợ. Nghe ông nói sợ, thì tôi hãi. Nhưng kìa, một cơn gió nhẹ mát từ chợ thổi vào, nhà thơ già bỗng nhẹ thênh, lơ mơ ông đọc:

“Kìa mặt trăng đêm nay

Tựa yên thành cửa sổ

Hẳn vì thấy ta say

Kê gối vào giấc ngủ”

(Uống rượu với bạn đồng hương)

Xin nhà thơ già hãy kê mái đầu bạc vào bến My Lăng bạc, màu của trăng Chàm, trăng Bình Định ám ảnh, day dứt, ma ma thật thật… Bến My Lăng của một tiếng gọi đò đầy khao khát.

Chỉ hai năm sau lần chúng tôi gặp Yến Lan tại nhà ông, thì “Người Mohican cuối cùng” của trường thơ Bình Định đã ra đi. Ông tuổi Bính Thìn, cùng tuổi với Xuân Diệu, Bích Khê, Hữu Loan. Trong các nhà thơ của “trường thơ Bình Định”, thì Yến Lan sống lâu nhất, chung thủy nhất với thành Đồ Bàn, với chợ Bình Định, với bến My Lăng của ông:

“ Ông lão vẫn say, đầu gối sách

Để thuyền hồn bơi khỏi bến My Lăng”

Dường như, Yến Lan là con thuyền đã được neo vào bến sông quê nhà, nhưng hồn của con thuyền ấy thì cứ bay lên, run rẩy mà bay lên tận “ngành trăng”, cái màu trăng bàng bạc trên kinh đô cũ Đồ Bàn, ám ảnh và trầm mặc. Chính không khí ấy nơi quê nhà đã làm nên không khí đặc biệt trong thơ Yến Lan, cái không khí bàng bạc, khắc khoải, ẩn chứa. Nó không hẳn hoài cổ, cũng không hẳn hướng về tương lai một cách hăm hở. Nó lưỡng lự, như một câu thơ của Bích Khê “Nơi đây thành phố đời ngưng mạch”, nó đoản mạch đó rồi lại liền mạch đó, trôi trôi ngừng ngừng, hư hư thực thực. Với những nhà thơ thuộc “trường thơ Bình Định” như Yến Lan, thì chất siêu thực là có thực trong thơ họ, dù Yến Lan đậm đà giọng cổ thi, còn Quách Tấn thì sóng sánh chất Đường thi.

“ Trôi quanh thuyền, những lá vàng quá lạnh

Tơ vương trời, nhưng chỉ rải trăng trăng

( Bến My Lăng”

Đó là cái không khí mấp mé giữa thực và hư, giữa thực và siêu thực mà thi sĩ chỉ có thể làm được trong những cơn xuất thần ngắn ngủi. Cuối đời, Yến Lan quay về thơ tứ tuyệt, ông tìm về cái cội nguồn của Đường thi để hòa trộn cái và cái thực của thơ mình.Có khi, cái thực lại khiến tác giả và ta chợt giật mình, cứ như vừa tỉnh một giấc chiêm bao.

Sáng đọc Nam Hoa Kinh

Tối nằm không hóa bướm

Mừng mình chủ được mình

Dậy thổi nồi khoai sớm

( Đọc Nam Hoa Kinh)

Đời Yến Lan dường như lặng lẽ. Nhưng giấu sau vẻ lặng lẽ ấy là không ít sóng gió, không ít đắng cay. Nhưng với nhà thơ, cay đắng ấy có khi làm nên quả ngọt. Ở những ngày cuối của đời mình, Yến Lan viết những bài thơ tứ tuyệt như những quả chín muộn, như rượu ủ đã ngấu, men đã dịu, cứ thoang thơm thơm, nhè nhẹ say.

“ Tám tư(1984) về lại ở An Nhơn

Phố cũ người xưa chẳng mấy còn

Đêm đến nằm nghe cành liễu phất

Chợt nhìn quen thuộc tiếng chuông boong

“Nhìn” được “tiếng chuông ngày cũ” là đã hòa trộn được thị giác và thính giác, đã nghe được sắc màu và nhìn được âm thanh. Bài thơ này Yến Lan đã viết ngày 3/6/1998. Ông đã làm thơ tới hơi thở cuối cùng, theo đúng nghĩa đen. Có gì lạ đâu, thơ là niềm an ủi, là bạn bầu của tâm linh ông. Thơ đã đi cùng ông hai phần ba thế kỷ, và còn lại khi ông đã nhập vào ánh trăng. Cái ánh trăng bàng bạc trên thành cổ Đồ Bàn, trên dòng sông huyền hoặc mang tên My Lăng.


Theo Thanh Thảo – Hội Nhà văn Việt Nam

Exit mobile version