Nhà thơ Chim Trắng quê Bến Tre tính tình cũng có phần giống với quê hương ông: Cực lành và cũng dễ… cục.

Nếu người Bến Tre chỉ hiền lành không thì làm sao có cuộc “Đồng Khởi” long trời lở đất năm 1960 mà Bến Tre sắp kỷ niệm 55 năm? Nhưng đúng là cả đất và người Bến Tre đều thiệt hiền lành. Điều này tôi đã chứng kiến khi nhiều lần theo nhà thơ Chim Trắng về quê ông chơi. Có cảm giác Bến Tre nước ngọt và đất lành, còn lành nhất dĩ nhiên là “Ai đứng như như bóng dừa/ Tóc dài bay trong gió…” cùng với chính… bóng dừa. Dừa Bến Tre lành thật, cứ mát xanh che chở không một lời nặng nhẹ. Nhưng, Bến Tre cũng dễ… quạu đấy! Ngoài dẫn chứng Đồng Khởi, còn có thể dẫn chứng nhiều về khả năng… quạu của Bến Tre. Nhưng tôi đang nói về một nhà thơ Bến Tre, người lẽ tự nhiên phải tiêu biểu cho cái lành hiền cái thơm mát của quê hương mình. Vậy mà tôi đã nghe, đã chứng kiến không chỉ một lần ông nhà thơ Chim Trắng này… quạu. Người Nam Bộ hay dùng từ “quạu” thay cho từ “cục”. Nhưng riêng “trà quạu” thì không phải là trà… cục, mà là “đặc tới mức… cắm tăm”. Ấy ngôn ngữ nhiều khi cũng vừa lành vừa “quạu” như thế. Nữa là con người. Với nhà thơ Chim Trắng, cơ sự cho cái tính quạu của ông chỉ vì tính ông quá thẳng, ông lại không thích những biểu hiện mà theo ông, là “ít chất nhân văn”. Có vị giáo sư khá là nổi tiếng, không hiểu vì lý do nào đó, đã hứng trọn cơn… quạu của Chim Trắng. Khi vị giáo sư kia tỏ ý thách đố “đối thủ” vì một lý do nào đó, Chim Trắng đã xắn ngay tay áo sẵn sàng… lên đài. May mà anh em văn nghệ vốn tính mát như… bia đã can: I can you! Ngay sau đó, Chim Trắng lại lành, như chưa có gì từng xảy ra. Tôi quá phục người Bến Tre… “Ống tay (áo) thả xuống lại hiền như không” (phỏng theo câu thơ của Nguyễn Đình Thi). Mà nghe nói, người Bến Tre tới… 80% gốc… Quảng Ngãi. Thế là tôi có tới 80% người Bến Tre là… đồng hương. Có lẽ vì thế mà mỗi khi về Bến Tre, tôi lại cảm thấy như về quê nhà mình. Mấy năm nay, thơ Chim Trắng có nhiều đột khởi, dù trước đó ông đã là nhà thơ Nam Bộ nổi tiếng, từng nhận giải thưởng Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1981 cho tập thơ “Những ngả đường”.

Thanh Thảo (trái) và nhà thơ Chim Trắng

Tôi với Chim Trắng, do chút duyên, mà chơi với nhau từ hồi trong chiến khu, dù ít gặp nhau nhưng luôn coi nhau như anh em ruột thịt. Vậy mà nhiều khi tôi cũng khó lường đoán những cơn… đổ quạu của ông nhà thơ từng đóng phim “Thám tử tư” này. Nói nhà văn đóng phim, thì đầu tiên phải kể Nguyễn Tuân. Nhưng cụ Nguyễn chỉ đóng một vai phụ trong phim “ Cánh đồng ma”. Rồi có thể kể Kim Lân – với diễn xuất thật tài hoa trong một phim dựng từ tác phẩm của Nam Cao. Có thể kể thêm ai nữa nhỉ? Riêng tôi, rất ấn tượng với vai “trưởng phòng… thám tử” do tài tử Chim Trắng đóng. Chim Trắng nổi tiếng hẳn lên ở quê nhà ông kể từ khi phim truyền hình nhiều tập này được công chiếu trên HTV9. Đi với Chim Trắng qua nhiều vùng ở Bến Tre, tới đâu người dân cũng nhận ra ông và kêu to lên: Ông “thám tử” kìa! Tôi cũng thấy thơm lây vì có ông anh nổi tiếng, là “người của công chúng” như thế! Tự hào nhưng không dám nói, vì sợ Chim Trắng lại đột nhiên… nổi quạu: “Thế ông cho tôi làm thơ không ra gì nên phải đóng phim để… nổi tiếng à?”. Ấy là tôi cũng tưởng tượng ra vậy, chứ Chim Trắng chưa nói thế bao giờ. Chim Trắng vẫn lành, vẫn thơm mát cả trong thơ lẫn trong đời. Dù ông đã qua đời 3 năm nay, nhưng với tôi, bao giờ Chim Trắng cũng hiện diện trong tâm tưởng như một người “giữa đường thấy sự bất bằng nào tha”, như một người hiền và như một người hay… đổ quạu.

Tình cờ giở lại một tập thơ cũ của cố nhà thơ Chim Trắng (tập thơ “Hát lời cỏ hát” – in năm 1999) tôi bắt gặp lại tờ giấy khổ A4 đánh máy bài thơ anh Chim Trắng viết tặng tôi vào năm 2006, kèm đoạn thư anh viết tay cho tôi. Khi đó vào mùa World Cup, chúng tôi gặp nhau tại Sài Gòn, quán cà phê Niek-Ban, đường Phan Đình Phùng. Buổi sáng ấy thật yên lành. Uống cà phê, chúng tôi không hề nhắc với nhau chuyện ngày trong rừng, chuyện anh Chim Trắng đã đi bộ cả ngày đường trong rừng để sang “cứ” Binh vận thăm tôi, lúc nghe tôi bị nạn vì bài thơ “Một người lính nói về thế hệ mình”. Vậy mà không lâu sau đó, tôi nhận được bài thơ và đoạn thư anh Chim Trắng gửi tôi. Có lẽ buổi sáng ấy (ngày 8.4.2013), có một điềm gì đó, và anh Chim Trắng “nhắc”, nên tự nhiên tôi mới lục ra bài thơ này. Từ cõi Niết bàn (thứ thiệt) tôi nghĩ, nhà thơ Chim Trắng sẽ vui khi tôi muốn chia sẻ bài thơ anh tặng tôi với bạn bè. Cũng là để nhớ một thời chúng tôi lửng lơ vơ vất giữa địa ngục (thật) và thiên đường (ảo).

Và đây là bài thơ tôi “họa” lại bài thơ anh Chim Trắng, dù muộn, dù anh đã mất, nhưng nó là tấm lòng yêu thương của tôi đối với anh, một người anh mà tôi trọn đời kính thương.

BUỔI SÁNG, GẶP LẠI BÀI THƠ BẠN TẶNG

(Nhớ anh Chim Trắng)

buổi sáng, chợt nhìn vào giá sách

thấy tập thơ anh

mở ra

lại gặp tờ giấy chép bài thơ anh viết tặng

đã 7 năm

quán cà phê Sài Gòn

màu xám đen bức tường

hình như vòi phun nước

cây rậm và đậm

quán Niết-Bàn lại viết là NIEK-BAN

yên tĩnh

nhưng không là cõi khác

bài thơ anh nhắc

thời nghẹt thở vì thơ

dẫu thơ chẳng làm ai nghẹt thở

ở rừng cũng có khi yên tĩnh

như ở quán cà phê NIEK-BAN

buổi sáng mình uống trà CỦ MĂNG

chuyện tào lao

bụng sôi như con cào cào

tôi nhớ lần anh băng rừng tới thăm

mình mắc võng thức trắng đêm

chuyện đứt nối như mưa trên lá

những gì đã qua sao nhớ quá

mà những gì đã qua đâu mấy vui

giờ tôi hiểu ra rồi

chỉ vì có anh em mình

chỉ vì có thơ và bầu bạn

những nỗi buồn chợt sáng

như những vệt nắng trong rừng

8.4.2013

Và bài thơ của Chim Trắng:

Ở NIEK-BAN COFFEE

Tặng Thanh Thảo

“Ở Niek-Ban Coffee ta chưa ngộ Niết-Bàn

Tôi đang đi trên những con đường Sài Gòn cũ Chợt gặp đôi mắt buồn sang trọng của ông tôi cũng sang trọng

theo ông trở lại rừng!

Ôi những con đường lỗ chỗ hố bom

Rúc rích hương phong lan, nhạt phèo dương xỉ

Những con-đường-mồ-mả

Những dấu chân qua trảng cỏ bướm màu rực rỡ thích nghi hoa

Bài thơ lính xanh như chồi như nụ tiến vào

Nam chết cho Tổ quốc bị lên án tử, trục xuất ra khỏi cánh

rừng/ Thiêng-siết cổ (*)

Ông nghẹt thở, thi sĩ nghẹt thở!

Chúng ta đi trên những con đường rừng cũ (**) của một thời để yêu

để chết cho

Tổ quốc và Thơ

Thơ

Bài thơ ấy không ngã xuống

Bản ngã là của ông, cô đơn tột cùng thuộc về ông

Ông độc lập, tự cháy, thắp sáng

Thời ấy

Buồn mà chi

Thơ đã cùng nhân dân đi tới biển

Còn đại dương nói biết bao điều cùng thi sĩ

Không có gì mãi mãi là bí mật (***) cả

Ở Niết-Bàn?

NIEK-BAN Coffee!

Sài Gòn-Bình Dương – 7.2006

 

Theo Thanh Thảo – Lao động cuối tuần (số 14 – ngày 13/04/2015)