Nhà thơ Phan Huyền Thư: Tôi rất hiểu, phúc đức tại mẫu

Không hiểu vì sao một số người khi nhắc tới Phan Huyền Thư lại cứ gọi chỉ là nhà thơ trẻ. Với tôi, ngay từ những dòng thơ đầu tiên, Phan Huyền Thư đã chín với tư cách một tác giả. Dẫu rằng cho tới bây giờ, sau gần ba mươi năm, chị vẫn rất hồn nhiên trong sáng tạo và cách ứng xử ở đời… Về điểm này, có lẽ chị cũng đã thừa hưởng được những nét di truyền điển hình từ người mẹ, ca sĩ, NSND Thanh Hoa.

– Hồng Thanh Quang: Bài thơ đầu tiên của mình mà chị nhớ cho tới ngày hôm nay?

– Nhà thơ Phan Huyền Thư: Sẽ là hơi ngộ nhận khi tự cho rằng những thứ đó mà cũng được coi là thơ…nhưng hình ảnh và nhạc điệu của ngôn ngữ đến với tôi rất sớm, thậm chí từ khi còn chưa sạch hết các mặt chữ. Hồi 4 tuổi, tôi thường hay nói những câu có vần… kiểu như: “Trên nền trời cao, lung linh sao múa, mắt sao màu lửa, nhìn em sao cười…”. Sau này, bố con tôi đã cùng phổ nhạc cho bài này thành một bài hát đầu tiên mà tôi tự sáng tác đấy. Ở Khu tập thể Đài Tiếng nói Việt Nam 128C Đại La ngày xưa, thời bao cấp, mất điện là chuyện thường, bố thường hay lấy chiếu trải trên một cái xe rơ – mooc cũ bị hỏng…mấy bố con trò chuyện, hát hò suốt… vài năm sau…bố đã tập hợp một số bài thơ của tôi gửi một người bạn bên báo Nhi Đồng nhờ in. Bây giờ tôi cũng rất muốn tìm lại những bài thơ đó…Bố vẫn thường bảo tôi, có nhạc điệu, hình ảnh là thành thơ rồi…Thế rồi biết bao biến cố đã ập đến với gia đình tôi. Mười năm sau, khi bước vào tuổi dậy thì, 14 tuổi tôi mới trở lại với thơ. Cũng vẫn chỉ là những bài thơ viết trong sổ tay của một cô học sinh cấp III… tôi giấu kỹ lắm, chẳng chia sẻ với ai cả. Những bài kiểu như Hoa Gạo (sau này được nhạc sĩ Ngọc Đại phổ nhạc hay bài Huế (Giải thơ tạp chí Sông Hương năm 1997) nằm trong cuốn sổ đó.

– Chị có cảm thấy câu chữ thời đó cho tới bây giờ vẫn tiếp tục “ám” vào cuộc sống của mình không? Có phải bài thơ chị vừa đề cập tới đã bộc lộ sớm nét tính cách chủ yếu của chị trong đời sống tình cảm, mặc dù khi viết nó chị mới ở tuổi “cập kê” của một thiếu nữ?

– Bây giờ ngồi nghĩ lại, thấy những câu kiểu như: “Thu về nhanh quá, ve lột đẫm sương…”, hay “ở lưng trời khát cháy sa mạc” trong bài Hoa Gạo hoặc “Chú kiến nhỏ lang thang giữa rừng âm thanh, uống từng giọt Sô-panh và khóc…”, bài Gửi Sô-panh hay câu “Tiếng Nam Ai những cung phi góa bụa, chèo thuyền vớt xác mình trên sông” trong bài Huế… tôi viết ở cái tuổi “già nhi đồng, non thiếu nữ” ấy… cũng quá già so với tuổi 14. Nhưng chẳng phải chỉ có những câu chữ đầu đời ấy đâu, đến bây giờ, tôi thấy cái gì tôi viết cũng vận, cũng ám vào tôi đến mức có một thời gian tôi sợ, chẳng dám viết gì nữa…chỉ âm ỉ gặm nhấm… rồi đến lúc không thể nén thêm được nữa thì lại trào ra… viết là giải thoát mà!

– Chị có tự nhận mình là một phụ nữ đa tình không?

– Tôi đa tình lắm chứ, không đa tình làm sao làm thơ được? Chỉ ơn giời là tôi may mắn không nắm phận đa đoan. Nói chuyện “đa tình”, người đời thường hay gán cho nó cái phong vị của đạo đức, tôi thì lại thấy nó là do quan niệm riêng của mỗi người về chữ Tình. Tôi cũng là người sống nặng tình. Nặng tình nhưng không lụy tình, chỉ lụy tài thôi. Tôi mê người tài lắm, nhiều câu thơ làm mình mê đắm mà có khi mình còn chưa gặp mặt người viết ra nó đã thấy như cảm nhận được nhau rồi!

Cũng nhiều thi hữu, văn bá có tình cảm với tôi lắm chứ, nhiều khi đọc được của nhau câu nào “đã” là thấy sướng quá rồi… Cái tình của người làm thơ là thứ tình ảo nhưng mà cao sang lắm. Cái tạng của tôi không sống được với những thứ tình “nhập thế” kiểu thân xác hay chót lưỡi đầu môi, dập dìu quấn quít để rồi tan nát bẽ bàng với nhau đâu anh ạ…Thế mới bảo, tôi dan díu từ Nguyễn Du, Nguyễn Trãi hay với Lý Bạch, Lục Du cho đến Tagore, Whitemann ấy chứ!

– Cách sống mà chị đã chọn lựa liệu có ảnh hưởng thế nào tới hôn nhân của chị?

– Có ảnh hưởng nhiều chứ ạ. Tôi không mê đắm điên dại với người thực, chỉ ám ảnh chữ nghĩa để mà vẩn vơ thôi, vì thế cuộc sống gia đình cũng nhẹ nhàng, êm ấm. Gia đình đối với tôi là một điều may mắn lớn nhất mà số phận đã mang lại. Tôi luôn có những người đàn ông thực sự ở bên cạnh để mà bao dung, chịu đựng cái lãng đãng của mình. Vì chồng con, tôi dám dấn thân, dám chịu đựng và cũng dám vứt bỏ tất cả những gì vướng bận có thể làm tổn thương họ…

– Câu thơ nào của chị mà chị coi là nói về chị đúng nhất?

– “Em xanh xao từ thuở

Không dậy bảo được tim”…

– Theo chị, liệu có cái khái niệm là thế hệ các nhà thơ không? Hay như người ta vẫn nói, trong thi ca chỉ tồn tại những nhà thơ riêng biệt, “mỗi con người một hành tinh”, theo cách diễn tả của nhà thơ Nga Evtushenko?

– Vâng, cái ông Evgheni Evtushenko ấy, đã nói rất nhiều điều mà tôi tâm đắc về thế giới sáng tạo riêng của mỗi người. “Chẳng có ai tẻ nhạt mãi trên đời, mỗi số phận chứa một phần lịch sử…”, nói gì đến “cái tôi số phận” của một thi sĩ… Tôi hoàn toàn không hề thích nói chuyện định danh thế hệ. Còn việc quy hoạch các cá tính thơ, các trào lưu và các lực lượng sáng tác theo các thời kỳ lịch sử riêng, các thời đại riêng chỉ là việc của các nhà nghiên cứu văn học, các công trình khoa học về văn học sử… Ngay cả với những việc đó, họ sẽ tự chịu trách nhiệm về các định danh mà họ đặt ra… Nhà thơ, theo tôi chỉ cần chịu trách nhiệm với chữ nghĩa của mình và với nhân cách của chính mình thôi.

– Chị nghĩ thế nào về những nhà thơ Việt Nam đương đại? Những ai là người mà chị cảm thấy gần gụi? Vì sao? Những câu thơ hay nào của những người này mà chị nhớ?

– Nhiều nhà thơ rất hay, thơ đương đại tụ hợp nhiều cá tính, đa giọng điệu và nhiều thân phận khá phức hợp. Cái mà tôi yêu và phục ở họ là những gì bản năng, những gì thô mộc, không lên gân, không lòe loẹt ồn ào… Tôi cũng không thích những giọng thơ quá hằn học hay luôn ở trong trạng thái được dopping quá đà. Tôi luôn khâm phục những giọng thơ mà ở đó, người ta thấy thấm đẫm hồn cốt dân tộc, thấy nặng trĩu thân phận con người và nỗi đau thế sự, thấy được cái nhân văn cốt lõi của con người. Những giọng thơ như thế không nhiều nhưng cũng không ít. Không chỉ có trẻ hay già, không chỉ là nam hay nữ…làm sao mà điểm danh ra đây cho hết? Chẳng hạn như câu: “Tôi trót dại đỗ nhầm hải cảng, để con tàu thiếu máu xanh xao”, của Trần Dần, hay “Ta thường sống không đề phòng người ta yêu, cây không đổ về nơi có vết rìu…” của Hữu Thỉnh, hay “Vườn vẫn thức một mùi hương đi vắng” của Lê Đạt, hoặc như câu “Ta để lại tình yêu như ánh sáng hiền hòa, Và chân trời, di chúc của đời ta” của Lưu Quang Vũ, v.v. Vô cùng nhiều những câu thơ, những thi nhân luôn hiện hữu trong thế giới thi ca của tôi đẹp lung linh những nỗi đau dịu dàng và sự giản dị của xúc cảm… Điều này tồn tại với cả giới thi nhân chứ không riêng gì tôi, phần đông những thi sĩ đang chung nhau thời đại này – thời đại mà người đời sau sẽ định danh cho chúng ta…chứ hiện tại chúng ta vẫn chung nhau một danh tính Đương đại ấy thôi…

– Theo chị, có cần viết để những câu thơ trở nên dễ nhớ không?

– Thi ảnh và nhạc tính là hai yếu tố quan trọng nhất để quyết định nên cấu trúc và hình thức của một bài thơ. Quyền lựa chọn tối thượng lại là của người viết…Tôi nghĩ, khi một văn bản văn xuôi cũng vang lên trong tâm trí người đọc một giai điệu và đọng lại một hình ảnh mang tính biểu tượng của cảm xúc thì đấy chính là lúc thi ca đã cất cánh bay lên…Ngược lại, anh có vận dụng đến bao nhiêu phép tu từ học, bẻ gẫy bao nhiêu tầng ngữ pháp mà câu thơ của anh vẫn không vang lên trong tâm tưởng người đọc bằng một biểu tượng cảm xúc nào, không tạo nên được một thi ảnh nào… thì lúc đó, thậm chí có diễn giải lại bằng văn xuôi cũng bất lực. Tôi rất yêu những nhà văn biết viết nên những câu văn đầy âm nhạc và hình ảnh, với tôi, họ cũng là người có tâm hồn thi sĩ… Với lại, thật sự là tôi thấy rất trân trọng sự điềm tĩnh, tự chủ ngôn ngữ của các nhà văn.

– Công việc hiện nay của chị ở Hãng phim Tài liệu và khoa học trung ương thế nào? Chị có cảm thấy môi trường mà chị đang làm việc không mấy giống như chị muốn hình dung về nó?

– Hãng phim TL&KH trung ương là nơi trả lương cho tôi, nếu là người tự trọng thì tất nhiên tôi sẽ có nghĩa vụ lao động và cống hiến cho xứng đáng. Tôi cũng biết ơn Hãng vì đã cho tôi được một sự “chủ quản” của một công dân có chứng chỉ giáo dục. Hơn nữa, ở đây tôi có cơ hội để học hỏi, có thêm niềm đam mê để theo đuổi một lĩnh vực khác ngoài văn chương và âm nhạc. Với điện ảnh, tôi là người làm đường, không phải người chỉ đường và càng không phải người quy hoạch giao thông… Nguyên tắc sống của tôi lại là: “chấp nhận và tự chủ” chứ không phải là “phàn nàn và đòi hỏi”…

– Theo chị, liệu có bình thường không nếu giữa các thế hệ nghệ sĩ có những cách nhìn khác nhau về nghề, về nếp sống?

Cùng mẹ, NSND Quang Hưng và ca sĩ Ngọc Tân.

– Chuyện xung đột tư duy, phong cách và quan niệm sống là điều hết sức bình thường với tất cả các nghề nghiệp khác nhau chứ không riêng gì ở Hãng phim của tôi. Đó là dấu hiệu của sự phát triển. Thông thường người đi sau bao giờ cũng nhìn thấy rõ người đi trước, ngược lại, người đi trước chỉ có thể nhìn thấy người đi sau nếu anh ta biết quay đầu nhìn lại…Và những người đi trước cũng hoàn toàn có quyền không thèm nhìn thấy ai đi sau họ chứ? Tôi sống ở Hãng phim khá mờ nhạt, ngoài tác phẩm ra, chẳng có gì đáng để bàn với các đồng nghiệp. Với riêng tôi, tất cả những thứ giao đãi, quan hệ đồng nghiệp ở cơ quan mà nằm ngoài mục đích cùng nhau sáng tạo ra tác phẩm thì đều mang tính “trang trí đường diềm” để tạo danh vị một cách yếm thế. Chưa nói đến việc nảy sinh những thị phi và làm mất thời gian của người khác. Tôi không hợp lắm với quan niệm: “Anh em cùng cơ quan phải cố gắng sống với nhau như một gia đình”. Vì với tôi, gia đình thiêng liêng và phải được nuôi dưỡng bằng sự chân tình, nhường nhịn, hi sinh nhiều lắm…Nếu chỉ mượn hơi thói gia trưởng của gia đình truyền thống Việt Nam để hành xử với nhau nơi làm việc thì nó vừa giả dối lại vừa áp đặt một cách ngụy biện. Thử tưởng tượng cơ quan mà giống như một gia đình thì ai làm cha mẹ, anh chị, ai làm em út, làm cháu con? Ở nhà mình thì có khi coi con là quan trọng nhất, chứ ở cơ quan thì chắc gì con cháu đã quan trọng bằng cha mẹ, anh chị? Điện ảnh hay văn chương cũng thế thôi, xem tác phẩm của anh, người ta sẽ biết ngay tài năng anh đến đâu, kiến văn anh thế nào, tâm địa anh ra sao, tham vọng anh thế nào…

– Chị đã làm gì để những khác biệt thế hệ không tạo ra những lực cản cho công việc chung?

– Tôi không làm gì khác ngoài việc tìm kiếm đề tài, viết kịch bản, làm những bộ phim được nhà nước duyệt đề tài và ban giám đốc giao cho vai trò đạo diễn. Có năm tôi được giao đến 2 phim nhưng cũng có năm không được duyệt đề tài thì tôi chẳng làm phim nào cả. Sự khác biệt thế hệ như anh nói, sẽ là một động lực mang tính tích cực để tạo ra sự khác biệt về phong cách nghệ thuật. Cũng có khi thế hệ đi sau không thể chạy theo các đàn anh đàn chú được vì người ta có thực tài, có trí tuệ và có cả nhân cách nữa…vậy nên tác phẩm của người ta mới có chỗ đứng, tên tuổi người ta mới được công nhận. Còn chuyện phổ biến ở tất cả các “đơn vị hành chính nghệ thuật” là cái cơ chế khen thưởng còn phụ thuộc vào các tiêu chuẩn và quyền lợi liên quan thâm niên công tác…sẽ đẻ ra rất nhiều thứ danh hiệu không thực chất. Nhà thơ Chế Lan Viên đã từng viết: “Khi anh nhập nhoạng bóng tối thì có kẻ lấp ló bình minh, đừng lấy hoàng hôn anh ngăn cản ban mai của họ sinh thành…”. Còn thực ra các mâu thuẫn hay xung đột trong anh em sáng tác về danh vị, danh hiệu hay tiêu chuẩn này nọ…tôi không cho nó là cái gì quá ghê gớm. Thế mới là đời sống chứ! Vấn đề ở đây chỉ là cách ứng xử với nhau thế nào thôi. Cùng đi làm công ăn lương với nhau, tác phẩm thì cũng là sản phẩm lao động tập thể, danh tiếng thì cũng là sản phẩm sở hữu tập thể còn lại thì phim đã làm xong là của nhà nước chứ của riêng gì ai… Tôi cũng đã từng tâm sự với bạn bè, đồng nghiệp rằng: “Muốn dùng cái của người khác để làm tốt hơn cái của mình thì cũng đừng tìm mọi cách chiếm đoạt lấy nó, hãy để người ta tự đem đến cho mình…”. Có vậy thôi mà!

– Có người nói rằng, Phan Huyền Thư “ghê gớm” lắm. Chị có thấy thế không?

– Còn để xem cái quan niệm của người ta về sự ghê gớm ấy là gì nữa chứ! Nếu ghê gớm là sự sòng phẳng và không ngại đối diện thì cũng có thể coi tôi là người ghê gớm. Nếu ghê gớm là người dám sống thật ở bất kỳ hoàn cảnh nào… thì tôi cũng dám nhận mình ghê gớm. Tôi nghĩ mình là người bị vạ miệng và chịu nhiều thị phi thì đúng hơn…

– Chị có nghĩ rằng tính cách là một trong những lý do khiến chị không phải lúc nào cũng thuận lợi trong công việc không?

– Cũng thật khó để trả lời câu hỏi này của anh. Ai mà chẳng phải gánh trên vai cái số phận do chính tính cách của mình định đoạt nên? Chẳng hạn như kiến nghị một cách trực diện như tôi, dám ký tên và hỏi thẳng người có trách nhiệm để mong được sự minh bạch sẽ dễ bị mang tiếng đố kị, bon chen hoặc thích lật đổ người khác… nhưng chẳng nhẽ điều đó lại đáng ghét hơn những kẻ chỉ dám viết thư nặc danh bêu xấu danh dự người khác trong cả một chồng đơn kiến nghị cũng về một việc như nhau?

– Tôi biết chị sinh ra trong một gia đình nghệ sĩ theo đúng nghĩa của từ này nhất, không chỉ vì cha mẹ chị đều là nghệ sĩ mà cả vì hoàn cảnh cụ thể của môi trường mà trong đó chị đã lớn lên. Nhớ lại quá khứ, chị có điều gì cảm thấy hối tiếc vì mình đã phải lớn lên trong hoàn cảnh đó không?

– Nếu cha mẹ tôi là những người công nhân hay nông dân bình thường, và hiện tại tôi cũng chỉ là một người phụ nữ bình thường làm nội trợ thì tôi cũng sẽ không ân hận huống chi là tôi lại may mắn sinh ra trong một gia đình nghệ thuật. Cho dù tôi có là ai thì tôi vẫn luôn biết ơn số phận đã cho mình được làm con người, biết ơn cha mẹ đã sinh ra tôi, biết ơn cả những biến cố lớn trong đời đã cho tôi cơ hội để nếm trải và tìm cho mình một cách sống với đúng bản chất con người mình nhất. Cuộc sống này đáng quý lắm anh ạ, và những thứ được mất của mỗi con người thì nhỏ nhoi biết bao…có đáng gì đâu! Cái đáng phải nghĩ nhất là mình sống thế nào, có làm được cái gì không…nếu không làm được gì to tát thì cứ sống để làm một người tử tế cũng khó lắm rồi!

– NSND Thanh Hoa không chỉ là một ca sĩ lớn mà còn là một phụ nữ với số phận nhiều truân chuyên. Thế nhưng, với tôi chẳng hạn, bây giờ gặp ca sĩ Thanh Hoa dù đã ở tuổi, xin lỗi vì tôi phải nói ra con số áng chừng nhưng cũng khá cụ thể đó, ngoại lục thập rồi nhưng vẫn có cảm giác trong con người này là một trái tim rất hồn nhiên và thậm chí còn nhiều phần ngây thơ nữa. Chị có cảm thấy thế về mẹ mình không?

– Vâng. Mẹ tôi may mắn vì được số phận ban cho một tính cách khác biệt. Nếu không hồn nhiên và ngây thơ như thế, chắc gì bây giờ mẹ tôi còn tồn tại được để mà tiếp tục sống với sự hồn nhiên của mình? Tôi nhớ, đã từng đọc được quan niệm về chữ Đức của Khổng Tử thế này: “Không làm khổ người khác bằng nỗi khổ của mình. Ấy là Đức vậy”…

– Chị thấy chị giống và khác gì nếu so với mẹ?

– Nhiều người bảo tôi giống mẹ về hình thức, nhưng tự tôi thấy mình cũng có phần giống bố nữa đấy chứ. Còn “cha mẹ sinh con, trời sinh tính”, làm sao mà cố bắt chước cái sự hồn nhiên ấy để mà AQ với cuộc đời này được. Khi bố tôi mất, mẹ tôi là một người vợ, đã ngoài 30 tuổi… còn tôi thì là một con bé chưa đầy 10 tuổi. Cái đến với mẹ khác cái đến với tôi… Tôi chỉ thấy mình giống mẹ mỗi cái tính thích đẻ nhiều con và thích chơi với con như bạn bè… Bây giờ nhà tôi vẫn thế! Bà chơi với cháu, con chơi với mẹ… như một lũ bạn thân… thế là tôi hạnh phúc lắm rồi.

– Hồi nhỏ, mẹ chị có bao giờ nổi cáu vì con gái không nghe theo lời mình khi chọn cách sống và cách trưởng thành riêng?

– Cũng có những xung đột khi tôi quyết định chọn cho mình con đường riêng chứ không muốn trở thành một ca sĩ suốt ngày sống với những tiếng vỗ tay và hoa tặng đổi lại bằng nước mắt của thị phi và tai tiếng. Cuộc đời mẹ tôi đã khiến tôi quyết liệt chọn con đường khác. Mẹ thì lo lắng cho tôi phần nhiều nên sợ tôi không tìm ra cách sống cho nhàn nhã, sung sướng hơn được… Nhưng tôi đã may mắn tìm thấy con đường của mình để biến sự bất đồng quan điểm ấy bằng sự thuyết phục, hài hòa.

– Bây giờ, khi chị cũng đã là một thiếu phụ chín chắn và nghiêm ngắn rồi, chị và mẹ có bao giờ trò chuyện với nhau về những vấn đề liên quan tới quá khứ của mẹ chị không?

– Không. Và tôi cũng đã định không bao giờ khơi lại chuyện gì từ quá khứ nữa. Đào bới lại mọi thứ chỉ để làm đau lòng nhau thêm mà thôi. Điều quan trọng nhất là sự dằn vặt và sám hối bên trong mỗi con người chưa bao giờ ngừng âm ỉ… Dẫu sao đấy cũng là một sự tử tế vẫn đang tồn tại trong mỗi người chúng tôi rồi.

– Chị bây giờ nhớ gì nhất về cha mình, nhạc sĩ Phan Lạc Hoa?

– Một người tài hoa, sống tình cảm nhưng rất đàn ông và tự trọng. Hình ảnh tôi nhớ nhất về bố mình là khi trời mưa bão, bố cởi trần mặc quần đùi khoác áo mưa lội nước đến tận lớp cõng tôi về trong mưa. Cũng có khi, tôi thấy nhớ cảnh bố tôi ngồi thức suốt đêm để quạt cho chị em tôi ngủ khi mất điện… Tôi nhớ cái bảng đen rất to do bố tự tay đóng vào một cái giá và kẻ các khuông nhạc lên đấy dạy chị em tôi cùng lúc cả học chữ và học nhạc. Tôi nhớ những lúc mấy bố con cùng nhau thi kể chuyện và thi sáng tác các bài hát. Tôi nhớ những đồ chơi bằng gỗ bố tự tay làm cho chúng tôi hồi nhỏ… Điều làm tôi nhớ nhất là khi học lớp 3, trước khi bố tôi mất, tôi thi học kỳ không được tốt và hay bị các bạn trong lớp trêu chọc vì là con gái Thanh Hoa… Bố đã rất giận và nói với tôi: “Thà bị người khác ghét vì mình giỏi còn hơn là bị người ta coi thường vì mình dốt”… Đấy chính là một câu nói khiến tôi quyết định chọn con đường đi của riêng mình.

– Có phải như người ta nói, ông là một người chồng yếu đuối?

– Tôi không nghĩ thế. Tôi nghĩ bố tôi là một người rất bản lĩnh và nhân hậu. Có lần, bố tôi đón ở ngoài đường về một bà cụ đã gần 90 tuổi, con cháu để cụ sống lay lắt xin ăn ở ngoài đường. Bố tôi đã xách nước, đun một xô nước nóng trên cái bếp dầu duy nhất của nhà tôi cho bà cụ tắm… Ở với nhà tôi gần một năm, một hôm, có người nhận là con cụ đến đón cụ về… Sống tình cảm và biết chia sẻ, quan tâm đến người khác, dám chịu trách nhiệm, đôi lúc rất nghiêm khắc…đấy mới là bố tôi. Việc lựa chọn sự ra đi vào thời điểm đó với hàng trăm những thứ áp lực khác… chưa hẳn là sự yếu đuối.

– Cha chị có muốn truyền cho chị niềm đam mê âm nhạc không?

– Chính bố tôi mới là người dạy nhạc lý cho chúng tôi khi nhỏ. 5 tuổi, bố mua cho tôi một cây đàn violon và tôi bắt đầu học nhạc từ đấy. Sau nay, bố rất hay động viên cho tôi mạnh dạn sáng tác các bài hát theo kiểu trẻ con, làm những bài thơ theo kiểu trẻ con…Chẳng hạn như bài tặng cô Minh Nga nghệ sĩ flute (vợ của nhạc sĩ Lương Nguyên hiện nay) là hàng xóm nhà tôi: “Cháu nghe cô thổi sáo, những nốt cao bay xa, qua cành cây nghiêng lá, tràn đến cửa bao nhà…”. Lúc đó tôi 4 tuổi thì phải…Tôi còn được các bạn của bố dạy vẽ, tôi cũng thích cả nhạc và họa và thường xuyên tham gia sinh hoạt Đội Sơn Ca của Đài TNVN…bây giờ còn khá nhiều băng từ thu thanh các vở kịch, các bài hát thiếu nhi hồi đó, nghe lại tôi vẫn thấy nao nao…

– Chị có nhớ cảm giác của mình khi hay tin cha mình đã vĩnh viễn rời bỏ gia đình sang thế giới bên kia? Chị còn nhớ hôm đó như thế nào không? Ai đã ở cạnh chị hôm ấy? Ý nghĩ đầu tiên đến với chị khi nhìn thấy ở trong cha mình đã không còn sự sống?

– Tôi xin lỗi, vì tất cả những gì mình tận mắt chứng kiến hôm đó, sẽ mãi mãi là hình ảnh của riêng tôi, không thể chia sẻ với ai được! Suốt thời gian dài, tôi không tin rằng bố tôi đã mất. Hễ cứ thấy bất kỳ người nào mặc quần áo bệnh nhân có mái đầu muối tiêu và dáng người giống bố, tôi đều đi theo như mất hồn, đến khi nhìn thấy mặt người ta rồi mới chịu thôi. Nhưng cảm giác mất bố chỉ đến thực sự với tôi sau 8 năm, đó là khi tôi sang cát cho bố. Lúc đó tôi đã học năm thứ 2 Tổng hợp Văn. Tôi đã học cách tồn tại bằng một tâm thế khác nhưng vẫn không hề muốn tin vào điều tôi biết chắc chắn đã là sự thật. Tôi không nghĩ bố tôi ra đi là hết, đến bây giờ vẫn thế.

– Chị sau này có bao giờ viết gì về cha không? Trong những giấc mơ như thế nào mà chị đã gặp lại cha mình?

– Không thể kể hết ra được những giấc mơ và những lần báo mộng của bố tôi. Nhưng nó vô cùng linh nghiệm, khiến tôi càng tin rằng bố luôn ở bên tôi và khiến tôi vững vàng, tự tin hơn trong cuộc sống. Chẳng hạn, với vụ lùm xùm ở sân thơ Văn Miếu, khi tôi đi sưu tầm các tư liệu về nhà thơ Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Bính và Ngô Kha để làm poster giới thiệu về họ. Sau đó đã có hẳn một nghi án đạo văn và rất nhiều tranh luận kéo dài về tôi… Vào thời điểm đó, Ngày thơ Nguyên tiêu cũng đã trôi qua vài tháng, tôi đang tham gia dẫn chương trình cho “Con đường Âm nhạc” trên VTV3, tôi mơ thấy bố tôi dắt tôi đến một nghĩa trang, ở đó có mấy người đang lúi húi đào huyệt và tô chữ trên một tấm bia khắc tên tôi… Tôi rất ngạc nhiên… bố tôi bảo: “Người ta đang tìm cách giết chết con bằng thị phi, đơm đặt. Con sẽ phải chịu đựng rất nhiều việc sau này nữa nhưng đừng tìm cách đôi co. Hãy chứng minh bằng tác phẩm, rồi thời gian sẽ mang vật nào để lại chỗ đó. Không ai lấy đi của ai cái gì mà không có lý do cả”. Một câu chuyện kể lại vào thời điểm này, nghe có vẻ có phần “tự chế”… nhưng nhiều việc liên quan đến cả tai nạn, biến cố khác trong gia đình cũng luôn được tôi kiểm chứng…Trước ngày bài báo viết về gia đình tôi khiến dư luận quan tâm hồi năm ngoái, tôi cũng đã thấy bố tôi về báo mộng…Những khi bế tắc nhất, tôi vẫn thường chọn cách trò chuyện với bố, như một người đang tự trò chuyện với mình… Tôi đã viết “Có một nụ cười ba mươi sáu vạn năm ánh sáng, vụt lóe ngang trời, chia sẻ cùng tôi…”.

– Có phải cha chị luôn bị cô đơn trong những khát khao giao lưu nghệ thuật và tình cảm của mình?

– Chẳng riêng gì bố tôi, phần lớn những văn nghệ sĩ bây giờ cũng như vào thời điểm 30 năm trước đây cũng đều như vậy cả. Ngay cả tôi hiện tại cũng vậy. Đấy là cái thân phận của người nghệ sĩ trong ngổn ngang dòng đời này… Nghệ sĩ mà được thỏa mãn việc giao lưu nghệ thuật và tình cảm… có khi lại thành những con công luôn luôn múa phụ họa cho cái danh hão ấy chứ… Thôi thì cứ sống với những gì đời cho mình và mình phải nhận được ra mình để còn sáng tạo anh ạ.

– Những ai đã từng là bạn bè gần gụi của nhạc sĩ Phan Lạc Hoa?

– Bố tôi rất nhiều bạn. Những người thân thiết nhất hay đến nhà tôi uống rượu, đàn hát, đọc thơ và vẽ vời là bố Ngô Thảo, Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Trọng Tạo, Trần Vũ Mai, Duy Khán, Sĩ Bách, Trung Trung Đỉnh, Đặng Ái, Nguyễn Hoa, nhạc sĩ Phan Long, họa sĩ Đỗ Mẫn, Nguyễn Mạnh Kiểm, bác Trần Khánh, Hữu Nội, cả ông Văn Cao, nhà báo Phấn Đấu… rồi cả những cô, những bác ở Đoàn Văn công Tổng cục Đường sắt năm xưa nữa… Thật ra là rất rất nhiều, tôi không thể kể hết được… Có nhiều người cũng đã về gặp bố tôi ở thế giới khác rồi… Tôi luôn coi họ như cha tôi vậy, gặp họ, tôi được sống với ký ức đẹp đẽ của tuổi thơ…

– Chị đã có những đứa con tuyệt vời. Nếu chúng lớn lên, chị muốn chúng làm những nghề gì?

– Con cái chúng ta thì bao giờ mà chẳng tuyệt vời trong mắt bố mẹ! Tôi không có ý định định đoạt gì cho nghề nghiệp cũng như cuộc sống của các cháu trong tương lai cả. Mỗi người đều có nghĩa vụ sống cho hết phận người của mình…có chăng, chỉ là sự cố gắng sống tử tế với hiện tại để con cái mình sau này sẽ nhìn vào mình mà sống. Phúc đức tại mẫu mà. Tôi còn phải tu thân tích đức nhiều lắm… vì có đến 3 cậu con trai cơ…

H.T.Q

Nguồn: CAND