Nhà thơ Bình Nguyên Trang sinh năm 1977 tại Phú Thọ. Quê quán: Nam Định. Chị đã xuất bản 4 tập sách kể từ năm 1995, mới đây tập thứ 4: “Những bông hoa đang thiền” của Bình Nguyên Trang mới được trao giải B của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 2012. Trong những ngày rộn rã chuẩn bị đón năm mới, nhà thơ Bình Nguyên Trang vẫn dành thời gian trò chuyện với VanVN.Net về một đề tài văn học chưa bao giờ cũ: văn học kháng chiến và Cách mạng…

Nhà thơ Bình Nguyên Trang

PV: Tác phẩm văn học nào gây ấn tượng mạnh nhất với chị trong những năm tháng còn ngồi trên ghế nhà trường?

Nhà thơ Bình Nguyên Trang: Tôi thuộc thế hệ bạn đọc sinh ra sau chiến tranh. Khi đi học và biết nhận thức thì chiến tranh đã lùi xa gần 20 năm. Dù vậy, trong chương trình học ở nhà trường, các tác phẩm về chiến tranh vẫn chiếm một khối lượng lớn. Nếu phải chọn một tác phẩm gây ấn tượng nhất với tôi, có lẽ đó là “Người mẹ cầm súng” của nhà văn Nguyễn Thi. Trước hết vì tác giả là một người quê ở làng Quần Phương Thượng – Hải Hậu rất gần nhà tôi ở Nam Định. Với văn phong rất giản dị hồn nhiên, ông đã kể chuyện một người phụ nữ miền Tây Nam Bộ vừa nuôi con vừa đánh giặc, trong chiến tranh ác liệt mà con người sống hồn nhiên, phóng khoáng, mạnh mẽ. Một nhà văn ở ngay quê mình, đã có mặt ở chiến trường xa xôi, viết được những tác phẩm giản dị đến vậy gợi lên trong tôi rất nhiều cảm phục và ao ước. Chính những tác phẩm như vậy đã gợi lên trong tôi ham muốn được làm nhà văn, đi đến nhiều nơi xa xôi, viết về những chuyện chưa ai từng biết.

PV: Chị cảm thấy những tác phẩm viết về chiến tranh, thuộc dòng văn chương cách mạng có tác động đến nhận thức của mình ra sao?

Nhà thơ Bình Nguyên Trang: Đối với thế hệ chúng tôi, văn học về chiến tranh và Cách mạng là bài học lớn và sâu sắc để làm người công dân trong xã hội mới. Cuộc sống hòa bình hiện có đã phải trả bằng một giá rất đắt xương máu của bao nhiêu thế hệ ông cha. Rất nhiều người con ưu tú của dân tộc đã hy sinh không tiếc đời mình, như câu thơ của nhà thơ Thanh Thảo: “Tuổi hai mươi làm sao không tiếc? Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc”. Vì thế dẫu cuộc sống những năm 80, 90 của thế kỷ trước vẫn còn rất khó khăn, chúng tôi (thế hệ 7X) vẫn có ý thức học tập nghiêm túc, trang bị cho mình những tri thức cần thiết  để khi vào đời có thể thành những người hữu ích góp sức xây dựng lại đất nước.

PV: Là thế hệ cầm bút sau khi chiến tranh đã lùi xa gần 30 năm, chị có dành nhiều trang viết để thể hiện góc nhìn về các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất trong các sáng tác của mình?

Nhà thơ Bình Nguyên Trang: Về phần này phải thành thật tự nhận là chúng tôi còn làm được rất ít. Trước hết, chúng tôi cầm bút bắt đầu từ những trải nghiệm của bản thân. Có chăng trong cuộc sống từng người, chiến tranh xưa giờ chỉ đổ bóng vào  một vài số phận nhân vật thuộc lớp người có tuổi, mà người thân đã hy sinh trong chiến tranh. Những con người đương thời, những vấn đề của cuộc sống thời hậu chiến vẫn là đề tài chúng tôi thông thuộc và quan tâm hơn. Mà hình như người đọc bây giờ cũng chờ đợi ở chúng tôi những tác phẩm như vậy.

PV: Theo đánh giá của chị (với cương vị một độc giả và một người sáng tác), vị trí, vai trò và ý nghĩa của nền văn chương Cách mạng đối với đời sống văn chương ngày hôm nay như thế nào?

Nhà thơ Bình Nguyên Trang: Với cả một nền văn học, dĩ nhiên đây vẫn là một đề tài lớn, và còn rất nhiều điều để khai thác. Trong chiến tranh, mọi khả năng tinh thần, tình cảm và thể lực của con người được đem ra thử thách, có nhiều cơ hội biểu lộ và hiển lộ. Đó chính là “môi trường” để con người bộc lộ tính cách và những phẩm chất cao quý cũng như thấp hèn của họ. Đó là “chất liệu” rất quý để nhà văn khám phá và sáng tạo. Với những người viết sinh ra sau chiến tranh như chúng tôi, đây là một thử thách, một lời thách đố rất hấp dẫn nhưng cũng rất khó để trả lời. Dù rằng đây vẫn là một mảng đề tài quan trọng và hấp dẫn, nhưng đã thuộc về lịch sử, nên tôi cho rằng, với những tác giả có chí lớn, có quyết tâm với đề tài này đi chăng nữa, vẫn cần một chút duyên phận. Và quan trọng hơn, là công tác tổ chức của cả Nhà nước và Hội chuyên ngành.

Xin chân thành cảm ơn chị dành thời gian trả lời câu hỏi của VanVN.Net. Chúc chị sức khỏe, hạnh phúc và bình an.

Exit mobile version