– Trở thành hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam, hẳn là chị có điều muốn sẻ chia cùng bạn đọc?
– Cầm bút đã hơn 20 năm, chưa quá dài nhưng cũng không còn là “thuở ban đầu” nữa. Tự thấy mình đã ở vào thời điểm cảm nhận được rõ ràng rằng, là một người viết thì việc quan trọng đầu tiên và sau cùng vẫn là viết. Trở thành hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam thì cũng vui, vì ít nhiều mình đã được ghi nhận ở một tổ chức nghề nghiệp lớn nhất của văn giới trong nước. Một cái cớ để tự nhìn lại con đường mình đi, ý thức rõ hơn về trách nhiệm của một người viết chuyên nghiệp. Một sự chuyên nghiệp được đo bằng nỗ lực lao động, bằng cách sống, nghĩ và viết dài hơi, bớt đi những ồn ào đôi khi rất không hay cho công việc sáng tạo. Vào hội cũng là dịp để giao lưu, học hỏi từ các thế hệ đi trước. Dù vậy, rõ ràng viết là một công việc cá nhân, mình đối diện với mình, không có gì thay thế điều đó cả. Có nhà văn chúc tôi thành hội viên rồi thì đừng “chấm hết” như một số nhà văn khác. Đó là một lời nhắc nhở sâu sắc, rằng nhà văn không quan trọng ở danh xưng, mà ở sức lao động.
Ảnh: VHTT |
– Nhiều người Bất ngờ khi thấy chị nộp đơn vào hội qua Ban văn xuôi chứ không phải thơ, lĩnh vực vốn là thế mạnh của chị?
– Thật ra, văn xuôi đã đồng hành cùng tôi ngay từ những ngày đầu cầm bút. Một trong những giải thưởng văn học đầu tiên của tôi là giải nhất truyện ngắn Tác phẩm tuổi xanh của Báo Tiền phong (năm 1997). Tham gia “Hội bút Hương đầu mùa” của Báo Hoa học trò, ngoài thơ, tôi còn viết nhiều truyện ngắn. Tôi xuất bản tập truyện ngắn đầu tiên từ năm 2000. Sau này, khi làm báo, tôi viết ký và tiếp tục với văn xuôi một cách lặng lẽ. Bạn đọc biết đến tôi qua thơ nhiều hơn, nhưng với hai tập truyện ngắn và hai tập ký chân dung, những thành quả văn xuôi ban đầu của bản thân, tôi tự nghĩ sao mình không liều thử sức ở mảng này…
– Hiện tại, trang facebook của chị vẫn tràn ngập thơ cùng rất nhiều “fan”. Chị nghĩ gì về quan hệ hai chiều giữa mạng xã hội và người viết hôm nay?
– Lâu nay thơ in ra không bán được. Nhưng vấn đề là bạn đọc có quay lưng lại với thơ không? Tôi tin là không. Qua mạng xã hội, tôi được gặp gỡ trực tiếp với bạn đọc thực sự quan tâm đến thơ. Họ cho tôi cảm nhận rõ hơn về sự cần thiết của thơ với đời sống. Chính họ là một phần cảm hứng, động lực để tôi tiếp tục viết.
– Liệu nó có “ảo” quá không?
– Cảm xúc mà chúng ta có từ cái “ảo” đôi khi lại quá thật, thật hơn cả trong đời thường. Bạn đọc đến trang của tôi, dừng lại đọc và chia sẻ, cho tôi cơ hội trò chuyện với họ, đấy là thật, không hề ảo.
Còn nói chung, trong đời sống, đôi khi ở một vài hoàn cảnh nào đó, giấc mơ là điều cuối cùng còn lại trong ta. Một đời sống cân bằng là một đời sống hiện tại mà lại cũng cao hơn hiện tại. Nếu không thế, người cầm bút không thể viết hay. Và một tác phẩm hay phải là tác phẩm có khả năng nuôi nấng, bồi đắp đời sống tinh thần ấy cho bạn đọc…
– Có cảm giác nhờ thế mà Bình Nguyên Trang đang tràn đầy năng lượng sáng tạo, giống như “những tháng ba mùa hoa gạo” thuở nào?
– Tôi đã viết hơn 20 năm qua, đã đi qua chính mình ở nhiều thời điểm, đã thu lượm không ít nỗi vui buồn thất vọng qua nghề viết. Giờ thì tôi tự thấy mình đã biết yêu những điều giản dị trong đời sống xung quanh. Và một cách tự nhiên, tôi nhận biết văn học là con đường tôi sẽ đi tiếp.
– Xin cảm ơn nhà thơ Bình Nguyên Trang!
Thi Thi thực hiện
Hà nội mới