Với những đóng góp đáng ghi nhận cho nền văn học đương đại Việt Nam, cố nhà thơ Bế Kiến Quốc (nguyên Tổng biên tập Báo Người Hà Nội) đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2012. Tôi kể lại câu chuyện dưới đây như một sự tưởng nhớ đến anh, một người bạn văn chương thân thiết đã đi xa, nhưng thơ anh vẫn còn mãi ở lại với những độc giả thơ hôm nay.

Trong một dịp đi qua Thanh Tước, Phúc Yên mới đây, tôi cùng họa sĩ Thành Chương và nhà văn Nguyễn Văn Thọ đã ghé thắp hương nơi nhà thơ Bế Kiến Quốc an nghỉ. Tấm di ảnh của anh vẫn còn tươi sau hương khói thời gian như câu thơ anh từng nhắn nhủ với cuộc đời: “Hãy nhìn anh như nhìn một dòng sông- luôn luôn chảy luôn luôn đi tới”. Thế là đã 13 năm kể từ ngày nhà thơ Bế Kiến Quốc- Tổng Biên tập Báo Người Hà Nội từ giã cõi đời lắm khổ đau và cũng nhiều hạnh phúc này. Thời gian ghê gớm thật, mới đấy thôi mà nó tưởng như đã xoá bỏ những dấu tích còn lại về một con người, một nhà thơ.

NGƯỜI BIÊN TẬP “CÁI ĐÊM HÔM ẤY ĐÊM GÌ!”

Tưởng như cứ nằm xuống là con người sẽ bị thời gian phủ lên ngay một lớp bụi dày của sự quên lãng rất vô tâm, nhất là vào cái thời hối hả sống, hối hả quên trong các đô thị chật ních người và khói bụi công nghiệp này. Nhưng hình ảnh Bế Kiến Quốc vẫn còn tươi nguyên trong ký ức bạn bè văn chương, bạn bè báo chí và trong những bài thơ mà anh để lại.

Bế Kiến Quốc sinh ngày 19.5.1949 tại Nam Định, tốt nghiệp khoa ngữ văn đại học Tổng hợp Hà Nội.     Hơn hai chục năm công tác ở Báo Văn Nghệ, Bế Kiến Quốc đã trải qua nhiều thăng trầm với nghề báo. Anh là một nhà báo đầy tâm huyết, sáng tạo và giầu nghị lực. Hơn thế nữa, ở anh luôn tràn đầy niềm tin yêu vào sự tốt lành và cái thiện trong mỗi con người, cũng như luôn luôn trăn trở, thao thức trước nỗi bất công mà mỗi một số phận phải gánh chịu.

Trong những năm báo chí cùng với đất nước bước vào giai đoạn đổi mới, một loạt ký sự trên Báo Văn Nghệ đã gây tiếng vang lớn trong dư luận cả nước. Một trong những tác giả nổi bật thời đIểm ấy là nhà báo Phùng Gia Lộc, người đã phải lánh nạn “cường hào mới” ở xã Phú Yên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá đến tá túc ít tháng tại gia đình nhà thơ Bế Kiến Quốc- Đỗ Bạch Mai (lúc đó đang ở nhờ một căn buồng của Báo Văn Nghệ, 17 Trần Quốc Toản, Hà Nội). Trước đó, vào năm 1980, trong một chuyến đi công tác vào Thọ Xuân, Thanh Hoá, vợ chồng Bế Kiến Quốc đã quen biết với Phùng Gia Lộc, lúc đó đang là cán bộ văn hoá của huyện Thọ Xuân.

Sáu, bảy năm sau, khi ra Hà Nội tìm vợ chồng Bế Kiến Quốc ở Báo Văn Nghệ thì Phùng Gia Lộc đang gặp hoàn cảnh khá bi đát ở quê hương. Sau khi kể cho Quốc nghe nỗi “đoạn trường” mà những người nông dân ở một số làng quê của huyện Thọ Xuân đang phải nếm trải, được sự động viên của Quốc và một số bạn bè văn chương, Lộc đã viết luôn 2 bài ký “Cái đêm hôm ấy đêm gì” và “Sau cái đêm hôm ấy đêm gì” (do Bế Kiến Quốc biên tập) đăng trên báo Văn Nghệ đã làm xôn xao dư luận cả nước. Theo đánh giá của nhà báo Lê Xuân Kỳ về tính tích cực của các bài ký này: “ Vào thời điểm ấy, nông thôn về cơ bản vẫn là bùn lầy, nước đọng, không điện, không nước tưới và một lớp “cường hào mới” đã xuất hiện, không xót xa sao được, nhưng trên các mặt báo toàn thấy những chuyện “đáng yêu”. Giữa lúc đó “Cái đêm hôm ấy đêm gì” và một loạt bài báo của các tác giả khác ra đời. Trên mặt báo, Lộc đã gửi thông điệp nhắc nhủ toàn xã hội : nông thôn Việt Nam, nông nghiệp Việt Nam đang có vấn đề, đang kêu cứu và cần được đổi mới. Công của anh là ở chỗ đó. Nhiều người cũng nghĩ như Lộc, cũng có thực tế và chữ nghĩa, nhưng không đủ dũng khí và tâm huyết để viết lên giấy. Bài báo có tiếng vang lớn trong cả nước, được hoan nghênh, nhưng ở quê của Lộc, cả xã chỉ có một thầy giáo đặt báo nên phản ứng không mãnh liệt như người ta đồn và điều đáng quý là mọi người đã tự điều chỉnh được…”.

Sau các bài ký ấy, Phùng Gia Lộc trở về quê hương, tiễn ông đi, bạn bè ở báo Văn Nghệ quyên góp được dăm chục cân  gạo, ít quần áo, chăn màn cho gia đình anh. Năm 1992, Phùng Gia Lộc qua đời, một con người quanh năm suốt tháng phải vật lộn với khốn khó để mưu sinh, mà văn chương nhiều khi cũng chẳng mang lại cơm áo cho người cầm bút. Những năm sau đó, Bế Kiến Quốc và một số bạn bè văn chương, báo chí cả nước còn một số lần quyên góp, gửi tiền về giúp đỡ gia đình cố nhà báo Phùng Gia Lộc. Tình cảm nồng ấm này còn đựoc Bế Kiến Quốc nhắc đến trong bài thơ “Nhớ bạn” trong một dịp cùng hoạ sĩ Thành Chưong về thăm gia đình Phùng Gia Lộc ở Thọ Xuân, Thanh Hoá:

Ta theo như mộng

Bạn đã mùa đông

Cát trơ bờ cạn

Chu đấy ư sông?

Đời người thấm thoát

Tri kỷ nhiều đâu

Đời sông bao chốc

Thay mấy phen cầu

Đầu làng cổ thụ

Chờ ta mà già

Bạn đừng khuất nữa

Sông đừng nước qua

LUÔN TIN YÊU CUỘC ĐỜI

Tâm sự với tôi, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, nguyên Tổng biên tập Báo Văn Nghệ xúc động nhớ về Bế Kiến Quốc: “ Bế Kiến Quốc là một nhà thơ đầy lý tưởng và khát vọng, ngọn lửa tinh thần sáng tạo ông mang trong mình từ thủa là sinh viên còn cháy mãi trong cuộc đời làm thơ, làm báo cho đến lúc Quốc qua đời. Khi nhà thơ còn sống, chưa bao giờ tôi thấy ngọn lửa ấy, niềm tin trong sáng ấy suy sụp trong Quốc- một con người trung thực, nhất quán, đòi hỏi rất cao ở mình và bạn bè, đồng nghiệp. Từ những bài thơ đầu tay hồi sinh viên cho tới những sáng tác sau này về thân phận, về những nỗi buồn thấm thía trong đời con người, ở đâu ta cũng thấy một nhân cách thơ Bế Kiến Quốc.

Điều thứ hai, Quốc là một người luôn luôn nén mình, đốt cháy mình cho sự nghiệp thơ ca, ngọn lửa sáng tạo say mê luôn thôi thúc ông.Phẩm chất này thể hiện cả trong mấy chục năm Quốc làm báo Văn Nghệ. Bế Kiến Quốc là một nhà thơ tiêu biểu của lớp chống Mỹ về khát vọng sống nhưng lúc còn sống thì ông chưa “xuất lộ” hết diện mạo thơ ca của mình và vì thế chưa được đánh giá đầy đủ. Chỉ đến khi ông qua đời, qua một số tập thơ in sau đó, ta mới thấy Bế Kiến Quốc là một nhà thơ thật sự xuất sắc mà trước đó thơ của ông chỉ như một tảng băng nhô trên biển còn phần chìm bề thế của tảng băng thì chưa lộ diện. Phẩm chất ấy, nhân cách sống ấy giúp cho nguồn thơ của ông không vơi cạn, không thấy sự bế tắc khi ông đã lựa chọn đường đời và đường thơ rất chính xác”.

Khi nhắc đến Bế Kiến Quốc người ta thường nói đến người bạn tri âm, tri kỷ nhất của nhà thơ là hoạ sĩ Thành Chưong. Chơi thân thiết và gắn bó với nhau như bóng với hình suốt hơn hai mươi năm làm báo ở Văn Nghệ, tình bạn đặc biệt của họ còn ảnh hưởng tới một số quá trình sáng tạo nghệ thuật của nhau. Hoạ sĩ Thành Chương bùi ngùi cảm động nhớ lại: “ Có một số người chỉ đánh giá cao thơ Bế Kiến Quốc trên những tập thơ in sau lúc nhà thơ qua đời. Riêng tôi thì tôi đánh giá cao phẩm chất tài năng thơ của Quốc ngay khi ông còn sống. Chính vì thế góc độ bàn bè, tôi thường tâm sự với Quốc “ông chỉ nên làm thơ thôi- đừng nên làm lãnh đạo vì cái ông để lại cho đời là thơ ca, đấy mới là sự nghiệp chính của đời ông, cho nên tôi muốn ông chuyên tâm về việc đó ”. Trong cuộc đời tôi, điều may mắn nhất là có được một người bạn thân thiết và tâm giao như Bế Kiến Quốc. ít người biết rằng trong một số giai đoạn sáng tác hội hoạ của tôi, Bế Kiến Quốc lại có những “cú hích” mở đầu quyết định. Cho đến nay, nhiều người không hiểu vì sao tôi lại vẽ tự hoạ nhiều đến thế. Nhưng mọi việc bắt đầu từ một lần Bế Kiến Quốc tặng một bức chân dung gương mặt tôi do chính anh vẽ, với những đường nét giản đơn, rất hay mà lại hiện đại. Tôi thao thức mãi về bức chân dung này và phát hiện ra guơng mặt con nguời có rất nhiều nét biểu cảm đầy tính suy tư của hội hoạ.Từ đấy, tôi vẽ tự hoạ rất nhiều bằng các thể loại: sơn dầu, sơn mài, bột mầu…và tạo nên một phong cách tự hoạ riêng. Thât ra, tự hoạ là mảnh đất mà mình được phép tự do sáng tạo nhiều nhất, vì không ngại ngần va chạm đến ai cả, vì mình chỉ vẽ chính mình chứ có vẽ gương mặt ai đâu. Nhưng cái bước ngoặt và động lực chính khiến tôi vẽ tự hoạ nhiều lại là từ Bế Kiến Quốc đấy! Cũng như, một bài thơ của Bế Kiến Quốc cũng chính xuất phát từ một câu chuyện do tôi kể lại về một lần một có một đám khách nước ngoàI (người Mỹ) đến mua tranh của tôi, họ hỏi chuyện và tôi cũng kể về cuộc đời của tôi trong những năm tháng chiến tranh khi xung phong vào bộ đội ra chiến trường chống Mỹ, thì lúc ấy một cậu phiên dịch có khuyên tôi: “nếu anh nói về chuyện ấy thì có thể họ sẽ ngại anh và không mua tranh của anh nữa đâu”, nhưng tôi nói với cậu ta rằng: “ Tôi sẽ vẫn nói tất cả những chuyện ấy, tôi là tôi và tôi đã lựa chọn con đường ấy và không bao giờ chối bỏ cả, còn chuyện họ có mua tranh của tôi hay không lại là chuyện khác”. Khi tôi kể chuyện này cho Bế Kiến Quốc nghe, ông rất xúc động và sau đó có làm một bài thơ có những câu sau :

Chúng ta không thể không thuộc về đâu

Khi tôi làm thơ, khi bạn vẽ

Đừng ai hỏi vì sao

Đã như thế, vẫn đang như thế

Từ những tháng năm nào

Không chọn lựa, nhưng không chối bỏ

Mảnh đất nơi mình cắt rốn chôn rau

Như người mẹ, ai có quyền chọn lựa?

Xin cảm ơn buồng trứng, bầu sữa và lời ru của mẹ

Chúng ta không thể không thuộc về đâu cả

Khi tôi làm thơ, khi bạn vẽ

Ta yêu thương, ta dại khờ, lầm lỡ

Trong một đời đầy thử thách ta qua

Xin cảm ơn đồng đội đã cùng ta

Chung cơn đói, chia niềm vui nỗi khổ

Người con gái ta yêu và cũng yêu ta

Xin cảm ơn mái tóc, làm môi, đôi tay, cặp vú

Ta chọn lựa và ta không chối bỏ…

Bế Kiến Quốc đã ở rất xa chúng ta nhưng bên tai tôi vẫn văng vẳng câu nói của anh với bạn bè: “Theo tôi, nếu thơ có một mục đích lớn lao nào đó là thơ phải nâng cao tâm hồn con người”

NHẦM THƠ BẾ KIẾN QUỐC VỚI THƠ HENRICH HAINƠ

Cách đây gần hai chục năm, khi còn làm ở Báo Văn Nghệ, Hội Nhà văn VN, tôi chơi khá thân với nhà thơ Bế Kiến Quốc và đã có dịp làm sáng tỏ một “nghi án” văn chương liên quan đến một bài thơ tình của anh. Sự việc bắt đầu từ bài thơ “Hoa Huệ” của Bế Kiến Quốc in trên Báo Người Hà Nội ra ngày 1.7.1990 với những câu thơ:

Huệ trắng, bức tường trắng

Sao bóng hoa lại đen

Em đừng nhìn đi đâu nữa em

Anh không biết vì sao, ai có lỗi

Nhưng mãi mãi vẫn còn câu hỏi

Sao bóng hoa trên tường lại đen

Bế Kiến Quốc cho biết, bài thơ tình này anh viết tặng một người bạn gái cùng học năm thứ hai Khoa Ngữ văn- Đại học Tổng hợp Hà Nội khi trường sơ tán ở Đại Từ, Thái Nguyên năm 1967. Mối tình trắc trở giữa hai người và hình ảnh ngọn đèn dầu hắt bóng hoa lên tường thành màu đen đã giúp anh viết nên bài thơ tình độc đáo ấy.

Bài thơ “Hoa huệ” với bản thảo đầu tiên mang tên là “Bóng đen” gồm 10 câu thơ được Bế Kiến Quốc đọc trong các đêm thơ sinh viên và được các bạn chép tay, chuyền đi. Khi ấy, không ai nghĩ rằng, hai năm sau, Bế Kiến Quốc đoạt giải nhì cuộc thi thơ 1969-1970 của Báo Văn Nghệ (nhà thơ Phạm Tiến Duật đoạt giải nhất). Nhưng phải hơn 20 năm sau, bài thơ “Bóng đen” được đổi tên thành “Hoa huệ” mới được công bố trên Báo Người Hà Nội với bản thảo đã được nhà thơ Bế Kiến Quốc rút gọn từ 10 câu thơ xuống còn 6 câu thơ như trên.

Câu chuyện về bài thơ trên không chỉ dừng ở đó. Sau khi bài thơ “Hoa huệ” được công bố, tháng 9.1992, tôi tình cờ có trong tay cuốn Almanach “Người mẹ và phái đẹp” (một cuốn bách khoa thư về phụ nữ) do Nhà xuất bản Văn hóa ấn hành (nộp lưu chiểu tháng 12.1990). Khi đọc phần tuyển chọn những bài thơ tình hay của thế giới và Việt Nam, tôi giật mình đọc thấy tên nhà thơ nổi tiếng thế giới Henrich Hainơ (Đức) ở bài thơ “Bóng đen” với 10 câu thơ sau :

Bông huệ trắng và bức tường cũng trắng

Sao bóng hoa trên tường lại đen

Em nhìn đi đâu thế em

Ừ, anh biết chúng mình không có lỗi

Nhưng lòng em băn khoăn tự hỏi

Sao bóng hoa trên tường lại đen

Có thể nào anh lại không tin

Bông huệ trắng và bức tường cũng trắng

Ai hiểu được cuộc đời kỳ lạ lắm

Mà bóng em buồn ngả xuống giữa lòng anh

Phía dưới bài thơ ghi rõ “Rút từ tập thơ Hainơ –NXB Văn học 1970”. Tôi giật mình vì sự giống nhau đến kỳ lạ giữa hai bài thơ có cùng một tứ thơ , nhưng nhà thơ vĩ đại người Đức Henrich Hainơ đã mất từ lâu rồi, nên chắc chắn “cụ” ấy không bao giờ đọc thơ Bế Kiến Quốc.

Tôi mang cuốn “Người mẹ và phái đẹp” đến cho Quốc đọc và hỏi: “Anh giải thích như thế nào về Hoa huệ và Bóng đen khi có ý kiến cho rằng anh đã “thuổng” thơ của Henrich Hainơ?”. Bế Kiến Quốc ngơ ngác, thất thần nhưng anh cũng đã chỉ rõ bài thơ “Bóng đen” 10 câu in trên cuốn Almanach “Người mẹ và phái đẹp” mang tên Henrich Hainơ chính là bản thảo đầu tiên gồm 10 câu của bài thơ “Bóng đen” anh viết năm 1967, chính vì bài thơ có tựa đề u ám như thế nên không thể nào in được vào thời điểm đó. “Sau này thấy bài thơ “Bóng đen” có vẻ hơi dàn trải, một vài câu hơi thừa, một vài chỗ chưa ưng ý lắm, nên tôi đã sửa lại cho cô đọng hơn và đổi tên bài thơ thành “Hoa huệ”. Còn, vì sao bài thơ “Bóng đen” lại được đưa vào sách và nhầm thành của Henrich Hainơ thì tôi hoàn toàn không hiểu”, Bế Kiến Quốc băn khoăn.

Để tìm lời giải đáp, người viết bài này đã đến gặp nhà thơ Lữ Huy Nguyên, (lúc bấy giờ là Giám đốc NXB Văn học) để tìm hiểu tập Thơ Hainơ được xuất bản năm 1970. Ông Nguyên và tôi đọc toàn bộ tuyển thơ này, thấy không có bài Bóng đen và hoàn toàn không có một ý thơ, một tứ thơ, một hình ảnh thơ nào tương tự như thế. Để làm rõ hơn, nhà thơ Bế Kiến Quốc và tôi đến gặp nhà thơ Quang Huy (lúc đó là giám đốc NXB Văn Hóa-nơi in cuốn “Người mẹ và phái đẹp”). Cuối cùng, chúng tôi đã tìm ra con đường “sai sót” đưa bài thơ vào tập sách, vì ở cuối phần chọn thơ có ghi rõ những người tham gia tuyển chọn có cả “Tập thể sinh viên năm thứ ba, thứ tư Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội”. Như vậy, bài thơ “Bóng đen” chép tay, lưu truyền trong giới sinh viên đến mức “tam sao thất bản” nhầm lẫn cả tên tác giả đã được đưa vào một cuốn sách khá nổi tiếng.

Về việc trên, năm 1992, nhà thơ Quang Huy thay mặt NXB Văn hóa đã xin lỗi nhà thơ Bế Kiến Quốc, trả nhuận bút bài thơ “Bóng đen” và hứa khi tái bản lần sau sẽ sửa chữa lại cho đúng. Khi ấy, tôi hỏi vui Bế Kiến Quốc “có nên “chúc mừng” anh vì bị nhầm thành Hainơ không nhỉ?”, nhà thơ  cười cho rằng: “Nhầm thành ai cũng không thích thú gì! Tôi chỉ cần là chính mình mà thôi. Nhân tiện xin kể thêm: Hồi trước 1975, một tờ báo tiến bộ trong đô thị miền Nam đã in bài thơ “Những dòng sông” của tôi để cổ động phong trào sinh viên yêu nước (Bài thơ được trao giải thưởng Báo Văn Nghệ  năm 1969) dưới tên tác giả Hồng Hà để tránh sự kiểm duyệt. Và, một chuyện khác, bài thơ Biến tấu lý qua cầu của tôi (cho tới nay vẫn chưa in sách báo lần nào) đã được nhạc sĩ Trần Tiến phỏng lời câu thơ : “Bằng lòng đi em…!Mỗi khi buồn muốn khóc-Một mình anh ca điệu Lý qua cầu…”. Khi  làm bài thơ này, tôi có đọc cho Trần Tiến nghe, anh ấy thích, bảo tôi chép cho một bản và nói sẽ từ gợi ý của bài thơ để viết một bài hát. Nay mai, nếu tôi in bài thơ đó, rất có thể sẽ có ai đấy ngờ tôi lấy ý bài hát của Trần Tiến. Chính vì ngại phải giải thích dài dòng mà cho tới nay tôi cũng chẳng muốn in bài thơ ấy nữa”. Bế Kiến Quốc giữ đúng lời nói ấy, trong tập thơ cuối cùng, trước lúc qua đời năm 2002, nhà thơ không đưa bài thơ ấy vào trong tập thơ “Mãi mãi ngày đầu tiên” của mình.

 

Nguyễn Việt Chiến – Vanvn.net