Ngoài việc đề cập đến tình hình thơ ca Trung Quốc hiện nay, nhà thơ Bắc Đảo còn đưa ra kiến giải riêng của mình về sự thất thế của văn chương trong thế giới tiêu dùng hiện đại.

Nhà thơ 62 tuổi làm ngạc nhiên tất thảy mọi người khi ông xuất hiện tại Liên hoan Thơ Thanh Hải khai mạc hôm 9/8. Bởi ông đã không sống ở Trung Quốc đại lục suốt hơn 20 năm qua, trừ lần về chịu tang cha ở Bắc Kinh năm 2001.

Bắc Đảo, tên thật là Triệu Chấn Khai, khoác lên cơ thể gầy gò chiếc áo màu đỏ gạch và chiếc quần xám khi ông có bài phát biểu ngắn tại lễ khai mạc. Sau đó, nhà thơ bị đám đông người hâm mộ vây quanh, xin chữ ký và chụp ảnh.

Cây bút tiên phong của thơ ca Trung Quốc những năm 1980 đã quen với việc bị bạn đọc bao vây. Nếu có khó chịu, ông cũng sẽ không bao giờ thể hiện ra ngoài. Bắc Đảo nổi tiếng là người lịch sự và không bao giờ từ chối đề nghị xin chữ ký hoặc chụp ảnh cùng.

Lúc không có người hâm mộ vây quanh, ông có vẻ hướng nội, trầm tĩnh. Ông thích chụp ảnh, thích đi bộ một mình hoặc ngồi lặng thinh nhìn xa xăm. “Tôi muốn suy nghĩ về thế giới sau nhiều năm trời lang thang trong thơ ca”, nhà thơ nói.

“Cuộc sống xê dịch 20 năm qua rất quý giá đối với tôi. Cuộc đời và thơ tôi song hành với nhau và có những lúc gặp gỡ”, ông chia sẻ bên lề Liên hoan Thơ.

Khi được hỏi về bài thơ của mình mà ông thích nhất, Bắc Đảo chia sẻ: “Với một nhà thơ, thật khó để họ chọn ra bài thơ họ yêu mến nhất trong số các sáng tác của mình. Tôi luôn tin rằng, bài thơ hay nhất của tôi là bài thơ sắp viết. Nhà thơ luôn phải thách thức mình như vậy”.


Nhà thơ Bắc Đảo.

Bắc Đảo cho rằng, so với thời kỳ hưng thịnh của hai thập kỷ 1970 và 1980, văn học Trung Quốc ngay nay không có gì đặc sắc. “Điều này đúng không chỉ với Trung Quốc mà còn với cả thế giới. Có rất nhiều nguyên nhân tác động, như chủ nghĩa vật chất ngày càng trỗi dậy trong các xã hội tiêu dùng; Người dân có xu hướng tìm đến các giá trị giải trí từ công nghệ hơn là giá trị nghệ thuật từ văn chương…”.

Ông chỉ ra rằng, trước đây, người ta phân biệt rất rõ sự khác nhau về đẳng cấp giữa “văn hóa nghệ thuật” và “văn hóa đại chúng”, còn ngày nay, văn hóa đại chúng như một cái hố đen đang “nuốt chửng” văn hóa nghệ thuật. Và thật không may, nhiều nhà văn, nhà thơ buộc phải hạ thấp gu thẩm mỹ của mình để chiều theo thị hiếu số đông.

Ngoài ra, theo nhà thơ, còn có nguyên nhân khác làm ảnh hưởng đến chất lượng thơ ca Trung Quốc, đó là sự yếu kém của hệ thống quan điểm định hướng.

“Thơ ca cần sự chỉ dẫn đúng cách. Và một nhà phê bình giỏi có thể làm người dẫn đường để hình thành nên một đội ngũ độc giả tinh tường, có khả năng thẩm định đúng đắn các giá trị thơ ca”.

Ông nói, ngày xưa, giảng viên và sinh viên các trường đại học từng rất say sưa đọc thơ, giảng thơ. Nhưng bây giờ, họ đã đánh mất đam mê đó. Các buổi đọc thơ giờ trở thành một ký ức đẹp với họ.

Đồng thời, ông cho rằng, cũng không thể trách lớp trẻ. Bởi những người lớn lên trong một xã hội thương mại hóa như họ không thể thoát khỏi ràng buộc và những ảnh hưởng của chính thời đại mà họ sống.

Trong tình hình không mấy lạc quan đó của thơ ca, Bắc Đảo khẳng định, ông vẫn tiếp tục viết những bài thơ dài và coi “thơ ca là điều quan trọng nhất và là thách thức lớn nhất trong sự nghiệp sáng tác của ông”.

“Nghịch lý của người sáng tác thơ là bạn phải diễn đạt cho được những điều không thể nói nên lời. Làm được như thế, thơ mới có thể đi từ trái tim đến với trái tim”, Bắc Đảo chia sẻ.

Ngoài thơ ca, với cây bút 62 tuổi này, thì gia đình và cậu con trai 6 tuổi cũng mang đến cho ông “những niềm vui không gì thay thế nổi”.

“Thằng bé ham mê nhiều thứ. Nó rất thích hội họa và biết thưởng thức văn chương”, nhà thơ chia sẻ về cậu con trai của mình.

Bắc Đảo, sinh năm 1949 tại Bắc Kinh, là nhà thơ đương đại nổi tiếng của Trung Quốc. Ông là một trong những cây bút tiên phong của trào lưu Thơ Mông lung, ra đời từ khoảng thập niên 1970, với tiếng nói và cách diễn đạt khác hẳn với thi ca truyền thống. Tác phẩm của ông đã được dịch ra 25 thứ tiếng trên thế giới.

Thanh Huyền

Nguồn: eVan.

Exit mobile version