12968046 762814823856033 2447474417798049441 o


Cuối năm 1979, khi đang là lính một đơn vị bộ binh làm nhiệm vụ nơi phòng tuyến sông Cầu thì thật bất ngờ tôi được thủ trưởng sư đoàn gọi lên nói có khách trên Bộ xuống cần gặp. Khách là một đồng chí trung tá da dẻ hồng hào tự giới thiệu: “Tớ là Hải Hồ – Thư kí tòa soạn Tạp chí Văn nghệ Quân đội được cơ quan cử lên gặp cậu”. Dường như thấy tôi – một hạ sĩ có vẻ “không thể tin nổi” điều này – khách nói thêm, đây cậu xem “giấy giới thiệu” của tớ. Tôi liếc qua thấy dấu đỏ, đóng chồng lên một chữ kí rất chân phương Xuân Thiều với chức danh Phó Tổng biên tập… Cái tên Xuân Thiều tôi đã gặp nhiều qua sách báo, từ hôm ấy chẳng ngờ lại trở nên gần gụi với tôi suốt hơn 30 năm sống và làm việc nơi “phố nhà binh”…

Hôm ba lô khăn gói về Nhà số 4, chính nhà văn Xuân Thiều dẫn tôi sang chỗ nhà văn Nguyễn Trọng Oánh trình giấy tờ và dặn: “Anh Oánh là phó Tổng… “phụ trách”, có gì cậu cứ đề đạt…”. (Bấy giờ Văn nghệ Quân đội chưa có Tổng biên tập. Ba ông trung tá Nguyễn Trọng Oánh, Xuân Thiều, Nguyễn Chí Trung đều là Phó (ông Oánh là Phó phụ trách)). Tôi không ngờ các thủ trưởng nơi này lại bình dị như vậy.

Nhớ hôm nhận được quyết định của Tổng cục Chính trị về việc phân phối một gian nhà cấp 4 ngoài bãi Phúc Xá, nhà văn Xuân Thiều có bảo tôi: “Mình và Nguyễn Khải cũng ở ngoài đó. Thế là ta thành láng giềng!”. Ông còn cho biết thêm, ra đó vợ chồng tôi có thể nuôi lợn, trồng rau. Biết thả câu, biết chài lưới thì có thể ra sông kiếm cá, chẳng mấy chốc mà… giàu! Nhưng rồi mấy anh em không có duyên trở thành láng giềng của nhau. Ông Xuân Thiều dọn vào “phố nhà binh” Lý Nam Đế, nhà văn Nguyễn Khải vào xóm Khánh Hội, Sài Gòn xa xôi định cư. Tôi vì mới sinh cháu bé, lo chuyện sông nước, lụt lội đành “ngậm bồ hòn” mà trả lại ngôi nhà cấp 4, lợp ngói móc, rộng chừng 24 mét vuông, nhưng đất cả trước cả sau rồi sân bếp, “be” ra nữa thì rộng đến cả trăm mét. Lại cả mặt ngõ, mặt đường. Nghe chuyện tôi trả nhà Nguyễn Khải bảo: “Cuộc đời khác rồi, một thượng úy quân hàm còn mới coóng mà chê nhà thượng tá! Chắc nó không có ý định viết văn, chứ ngoài đó viết tốt lắm!”. Tôi biết, thời gian sống ở ngoài Phúc Xá, cả hai ông Xuân Thiều, Nguyễn Khải đều viết được những tác phẩm để đời đồng thời cũng vơi đầy những kỉ niệm buồn – rất buồn mà vui cũng thật vui.

Tập thể quân đội K95 (bãi Phúc Xá) và khu gia binh 16A phố Lý Nam Đế (phố nhà binh) – Hà Nội, hai địa danh này vơi đầy biết bao kỉ niệm với nhà văn Xuân Thiều và gia đình (vợ ông – bà Nguyễn Thị San cùng các con ông – Thiều Quang, Thiều Hoa, Thiều Quyên và Thiều Nam), đã đi vào nhiều trang sách của ông… Đi chiến trường biền biệt, nhưng mỗi lần nghỉ ngơi giữa hai trận đánh, hay dừng chân trên đường hành quân, ông lại nhớ về Hà Nội, về xóm bãi thân yêu. Thơ ông viết gửi con gái Thiều Quyên năm nào:

Ba đi một chặng đường xa
Ví bằng con bước từ nhà ra sân

Rồi ba đi tận cuối trời
Mãi vì ấm một vành nôi con nằm

(Trước giờ ra trận)

Nói đến nhà văn Xuân Thiều là người ta nghĩ đến một nhà tiểu thuyết, một cây bút truyện ngắn, có hai tập thơ, một tập lí luận phê bình văn học, làm câu đối rất giỏi với bút danh Tú Hói. Ông cũng là người được nhận dường như tất cả các giải thưởng văn học danh giá của đất nước.
Lại nhớ những lần tôi và nhà thơ Nguyễn Đức Mậu “tháp tùng” nhà văn Xuân Thiều về Nam Định mua gạo, lợn. Ba thầy trò nghễu nghện một commăngca “đít vuông”, biển đỏ. Anh Thiều quân hàm quân hiệu oai vệ ngồi ghế trước. Anh Phạm Hồ cầm lái, tôi và tác giả Màu hoa đỏ mỗi người một băng ghế… giữa là hai chú lợn cạo và những bao gạo nếp Hải Hậu phủ kín bạt. Với đội hình ấy đã không chỉ một lần chúng tôi qua trạm kiểm soát cầu Đò Quan (được lập ra từ chính sách cấm chợ ngăn sông) một cách… như không. Có năm anh Mậu muốn qua chỗ rẽ đoạn Cầu Vòi thì xuống xe về nhà ăn Tết luôn, không phải lộn lên Hà Nội. Được tác giả Huế mùa mai đỏ “bật đèn xanh”, tôi và anh Hồ ghé xe sát vệ đường, “qua mặt” ban Kinh tế, “tiền trảm, hậu tấu”, xẻo luôn một thủ heo (hình như còn thêm một lá mỡ) đưa nhà thơ đem về trước. Hình ảnh tác giả Trường ca Sư đoàn nhấp nhô trên đồng lúa về quê ăn Tết mùa xuân ấy sao mà nên thơ đến thế.

Cũng quanh “đề tài” này, lại nhớ đến nhà thơ Thanh Tịnh. Có một chiều 30 Tết, cơ quan tổ chức giết heo đón xuân rất vui. Không hiểu sao lúc chia phần lại bỏ sót đồng chí thủ trưởng đã nghỉ hưu – nhà thơ Thanh Tịnh. Tuy biết, nhưng nhà thơ không có ý kiến gì. Chập tối, nhà văn Xuân Thiều (thủ trưởng đương nhiệm) đến thăm nhà thơ. Chuyện đã hòm hòm, Thanh Tịnh bảo: “Này Xuân Thiều ơi, mai kia mình chết ông có cúng mình không nhỉ?”. Xuân Thiều: “Anh cứ nói dại, mà anh trăm tuổi thì tôi có cúng chứ”. “Cúng gì?” – Thanh Tịnh hỏi. “Ít nhất là bát cơm, quả trứng”. Xuân Thiều cười trả lời. Nghe xong, Thanh Tịnh điềm nhiên: “Thế thì xin ông cho cúng trước vào Tết này đi. Thay vì bát cơm, quả trứng là ki-lô rưỡi thịt heo nhé”. Vỡ lẽ rằng có sự sơ suất, Xuân Thiều bèn “lệnh” ngay cho hành chính cơ quan “bổ sung” tiêu chuẩn ăn Tết cho nhà thơ về hưu… Cái không khí hội hè tết nhất ở Nhà số 4 thời ấy sao mà yên vui. Dưới giàn nho phía sau tòa nhà chính, tiếng cười nói xen tiếng chặt băm cùng cảnh cân đong chẳng khác gì những chợ phiên ngày Tết vào một thời nào đó chưa xa…

Nhà văn Xuân Thiều là vậy. Ông viết cũng vậy mà sống cũng vậy, đều hết mình. Ông không nề hà việc gì được giao dù là rất tréo ngoe ví như phụ trách nội bộ trị sự ở Văn nghệ Quân đội hay làm Chánh văn phòng Hội Nhà văn sau này. Tôi được nghe bậc đàn anh Vương Trí Nhàn kể đại ý rằng: Trong một lần vui chuyện, các nhà văn trong Nhà số 4 đã “làm công tác cán bộ”. Theo đó, nhà thơ Xuân Sách nêu ý kiến Tổng biên tập, Phó Tổng biên tập ai làm cũng được, nhưng Ban trị sự phải được xem xét kĩ lưỡng và nhanh chóng “kiện toàn”. Rồi tác giả Đội du kích thiếu niên Đình Bảng dự kiến quy hoạch: Hồ Phương làm lái xe (Nguyễn Khải đế ngay: Đúng quá, vừa lái, vừa huýt sáo ầm ĩ). Nguyễn Khải lắm mồm cho đi phát hành. Hữu Mai cẩn thận cho giữ con dấu. Bác Từ Bích Hoàng (biệt danh Từ Bi Hồng) giữ kho. Bác Thanh Tịnh chu đáo tiết kiệm làm công vụ. Nấu bếp, một người Hà Nội – nhà phê bình văn học Nhị Ca… Và, Xuân Thiều đứng đầu làm Trưởng ban. Mọi người nghe vậy cười lăn. Nhà văn Xuân Thiều nghe xong thì gật gù: “Yên chí, mình sẽ rất rộng rãi với các cậu.”

Đó là giai thoại, nhưng đã có một thời các nhà văn tài năng như Phạm Ngọc Cảnh, Lê Lựu đã làm Trưởng ban Trị sự thứ thiệt. Có bổ nhiệm của Tổng cục, được kí tên đóng dấu đàng hoàng. Câu chuyện mà anh Nhàn kể là vui, là tếu đấy, nhưng lại “vận” vào Xuân Thiều. Ông không làm Trưởng ban Trị sự, nhưng có chân trong “bộ ba” quyền lực của Văn nghệ Quân đội một thời. Không là Trưởng ban Trị sự, nhưng ông rất “công bằng” và tình cảm với anh chị em phục vụ. Tết Tân Mùi năm ấy, tác giả Tú Hói (Xuân Thiều) có làm cả loạt câu đối với nhã ý là tặng toàn bộ những anh chị em văn nghệ sĩ đã từng có mặt ở Nhà số 4 kể từ bác Thanh Tịnh đến Khuất Quang Thụy, Trần Đăng Khoa… nhân dịp vui xuân. Các câu đối dạng “chân dung” văn học này đã được in trên tờ Văn nghệ Quân đội và vào sách Tiếng nói của cảm xúc của ông. Thật thú vị, nhưng mọi người vẫn cứ cảm thấy thiêu thiếu gì đó như là một sự không công bằng. Duyên do là chỉ các nhà văn trong ban biên tập mới được “cụ Tú” tặng câu đối, còn khối “hậu cần” không được nhắc tới? Thắc mắc này đến tai Tú Hói, ông bảo sẽ có câu đối tặng chứ, nhưng phải đến chiều 30. Chiều 30 Tết, y hẹn “cụ Tú” bước những bước vui từ nhà riêng đến tòa soạn và trịnh trọng đặt một câu đối bên cành đào lớn vừa chúm chím nụ xuân ngay giữa phòng khách:

– Tiễn năm ngọ, Kiểm điểm rất minh
Quân số đủ đầy, không Lâm thế bí.
– Mừng xuân mùi, Bình an vạn sự
Giữ lòng Thơm thảo. Tâm Tưởng
thảnh thơi.

Cái hay của câu đối không chỉ ở nội dung nhiệm vụ của “ngành hậu cần cơ quan” mà còn ở chỗ đã kể được tên những cán bộ, công nhân viên đang công tác tại Ban trị sự khi ấy gồm: Phạm Huy Tưởng, Lê Quân, Trần Thị Bình, Trần Thị Lâm, Vũ Thị Thơm và Nguyễn Xuân Kiểm. Một câu đối nói lên cái tài, cái tình và cái tâm của nhà văn Xuân Thiều với những con người ở Nhà số 4, nơi ông đã gắn bó, cống hiến những năm tháng tươi đẹp nhất của cuộc đời.

 

Nguồn Vannghequandoi