Từ mấy chục năm qua, Thị Nở cùng Chí Phèo của Nam Cao đã trở thành cặp uyên ương bất hủ của văn học Việt Nam. Ai cũng rõ, Thị Nở vô duyên, xấu gái, dở hơi bậc nhất làng Vũ Đại. Thế mà, trong cuốn sách vừa ra mắt, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đưa Thị Nở lên hàng đầu, lại còn đặt ngang với danh xưng “nhà văn” – “Nhà văn như Thị Nở”.

Bài viết nhân kỷ niệm 40 năm ngày mất của nhà văn Nam Cao (1991) xuất hiện trong cuốn sách chỉ sau lời giới thiệu, tách biệt hẳn với hai phần sau đó gồm các bài phê bình về văn học Việt Nam, là một dụng ý rõ ràng của Phạm Xuân Nguyên. Ông muốn từ đó, “nhà văn như Thị Nở” là thông điệp xuyên suốt trong cách nhìn nhận vấn đề của mình. Tên bài viết ấy cũng được lấy làm tên sách.

“Cái bọn nhà văn dở hơi như Thị Nở” – cách hiểu ấy, nếu tồn tại, chẳng qua là trong câu chuyện phiếm mang lại dăm ba tiếng cười vui vẻ. Trong bài viết “Nhà văn như Thị Nở”, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên lý giải sự so sánh này ở góc độ khác, đến cùng cách cắt nghĩa tinh tế về nhân vật Thị Nở. Thị, với lòng yêu không suy tính, với bát cháo hành đến đúng thời điểm trong cuộc đời Chí, đã thức tỉnh khao khát làm người của hắn.

“Chí Phèo suýt khóc và hắn đã khóc khi được thức tỉnh về điều này. Bát cháo hành của Thị Nở vào lúc đó là đỉnh điểm hạnh phúc của Chí Phèo, đồng thời cũng là đỉnh điểm tấn bi kịch làm người của hắn (…) Thị Nở đã khơi dậy trong hắn mơ hồ cảm thức về quyền con người được lương thiện”, Phạm Xuân Nguyên viết. Từ đó, ông liên tưởng, nhà văn cũng như Thị Nở: “Văn học phải là cái hơi đó. Nhà văn phải làm sao tỏa được cái hơi đó. Sao cho mỗi trang văn là một bát cháo hành Thị Nở cho người đọc văn”.

“Nhà văn như Thị Nở” – như vậy có thể hiểu là: Nhà văn (ví như) Thị Nở; Nhà văn (cần) như Thị Nở; Nhà văn (hãy) như Thị Nở. Suy cho cùng, cũng là cách chơi chữ, chơi ý tưởng của nhà phê bình, để nói rằng, văn học cần chạm tới thiên lương của con người, đánh thức những xúc cảm nhân văn ở mỗi người đọc. Làm được điều đó, cũng như việc Thị Nở đã làm cho anh Chí, vốn là kẻ bần cùng, tha hóa nhất trong những kẻ bần cùng, tha hóa của xã hội mà Nam Cao từng dựng ra năm nào.

Ngoài bìa sách là một Phạm Xuân Nguyên trông có chút tư lự, trông có chút “dở hơi”. Tự làm xấu mình, “gã phê bình ấy” hẳn cũng có lúc mong mình được là một Thị Nở trong làng phê bình văn học, được mang hơi cháo hành thức tỉnh đôi điều, khơi dậy những cảm xúc hướng thiện nào đó, ít nhất với những người đọc sách ông.

Bìa cuốn “Nhà văn như Thị Nở” của Phạm Xuân Nguyên.

Cuốn sách chia làm hai phần, tập hợp những bài viết, phê bình của Phạm Xuân Nguyên về các tác giả văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ 20 tới nay, phụ đề là “Nguyên văn 1” (Những bài viết phê bình của Nguyên).

Phần một: “Người của hôm qua”, gồm 35 tác giả, những người “vang bóng một thời” trong văn chương Việt và phần hai – “Người của hôm nay” – gồm 16 tên tuổi tác giả đã, đang góp những thành tựu xuất sắc cho nền văn học. Từ mạch chung, Phạm Xuân Nguyên trong mỗi bài viết đều đi tìm cái “hương cháo hành” ở các nhà thơ, nhà văn, dịch giả, nhà phê bình mà ông viết về. Ông chú trọng tìm cái tinh túy, với góc nhìn nhân văn để bắt được cái nhân văn của tác giả đối với câu chuyện, nhân vật của họ.

Viết về Thế Lữ, ông xúc động trước truyện ngắn “Câu chuyện trên tàu thủy” mà có thể ít người từng đọc, trong đó kể câu chuyện một kẻ cướp mủi lòng trước kẻ nhà quê nghèo hèn hơn mình, giúp đỡ để rồi sau đó thì tiếc hùi hụi khi biết kẻ đó thực ra chỉ ngụy trang để che giấu việc anh ta mang trong người rất nhiều tiền. Tuy nhiên, trong cái giây phút mủi lòng rất lương thiện, tên cướp nhận thấy phần con người chưa đánh mất của hắn. “Tác giả đã khéo cho thấy cả tâm lý của hai hạng người: cái ranh mãnh của người nhà quê và sự cảm động thức dậy trong người làm một nghề xấu xa”, Phạm Xuân Nguyên nhận định.

Trong bài viết về dịch giả Nam Trân, nhà phê bình tìm thấy cái thần, cái tình của dịch giả khi chuyển tải được giọng điệu, cái hơi của chuyện, tinh thần Xô viết trong tập truyện “Người Xô Viết chúng tôi”.

Phạm Xuân Nguyên chú ý tới những điều mà ít người nói hoặc để ý đến, cả những thành tựu văn học có thể bị bỏ quên, ít được công nhận, như thơ của Nguyễn Tuân, truyện ngắn của Thế Lữ… Quan trọng hơn cả là những đóng góp về nội dung, nghệ thuật để làm nên cái hay, cái đẹp cho văn học.

Bản thân nhà phê bình xuất hiện rõ nét trong các bài viết, khẳng định góc nhìn của mình: “Với tôi…”, “Tôi nhấn mạnh”… Ông cho thấy sự sẵn sàng đứng mũi chịu sào, thẳng thắn nhìn nhận vấn đề, đặt mình vào bối cảnh để đưa ra quan điểm riêng, không trốn tránh, trước cả những cuộc tranh cãi văn chương hay câu chuyện hậu trường làng văn.

Tác giả, cũng có lúc phân thân giả tưởng, để đối thoại với những người viết đã khuất. Trong “Nhà văn như Thị Nở” có hai cuộc đối thoại ấn tượng: giữa nhà phê bình với Hàn Mặc Tử để cắt nghĩa tính chất thơ siêu thực của ông. Phạm Xuân Nguyên dựng lên một Hàn thi sĩ vừa mơ vừa thực, và người đọc thấy được trong đó nhận định của nhà phê bình, đó là Hàn Mặc Tử không cố tạo ra cái siêu thực mà nó tự thân ở trong con người ông, mới dẫn tới chuyện nhà thơ sáng tác trong trạng thái nửa mơ, nửa điên. Hay trong cuộc đối thoại với Nguyễn Bính, Phạm Xuân Nguyên dựng lại cả diện mạo mảng thơ viết về mùa xuân, với khí vị thơ vừa tình vừa đượm chút buồn của nhà thơ hàng đầu của thôn quê Việt.

Khen cái thiện và chê để hướng thiện là điều dễ thấy trong sách Phạm Xuân Nguyên. Như khi nhắc lại chuyện nhà phê bình Hải Triều dẫn đầu phái nghệ thuật vị nhân sinh đối đầu với phe nghệ thuật vị nghệ thuật đầu thế kỷ 20, Phạm Xuân Nguyên cho rằng, Hải Triều đã cực đoan hóa khái niệm “nghệ thuật vị nghệ thuật” so với bản chất của nó để tôn lên lý tưởng văn học mang theo sứ mệnh xã hội mà ông theo đuổi, xem nhẹ yếu tố văn chương nghệ thuật. Tuy vậy, Phạm Xuân Nguyên đánh giá cao Hải Triều ở chỗ đã duy trì quan điểm, thống nhất, đi trọn con đường đã chọn từ đầu.

Tóm lại, người đọc đọc được gì từ “Nhà văn như Thị Nở”? Đó là không khí văn chương suốt thời kỳ dài của văn học hiện đại Việt Nam, bao gồm cả sáng tác, dịch thuật, phê bình, với những tên tuổi hàng đầu. Ở phần “Người của hôm qua”, ông nhìn lại, định giá một cách công bằng, phân minh nhiều tác giả và xuất hiện gần như đủ đầy nhiều gương mặt: từ Thế Lữ, Hải Triều, Hoài Thanh, Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Xuân Diệu, Nam Cao, Tố Hữu, Nguyễn Huy Tưởng, Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán… Ở phần người nay, tuy cũng nhắc đến nhiều tác giả sáng giá nhưng cái nhìn chưa thật đầy đủ, toàn diện, ví dụ, có thể thấy Bảo Ninh mà không có Lê Lựu, thấy Nguyễn Quang Lập mà không có Nguyễn Huy Thiệp… hay văn học trẻ đương đại chỉ có tên tuổi Vi Thùy Linh. Có lẽ, tác giả còn dành cho một “Nguyên văn 2” ra đời.

Hoàng Anh

Nguồn: vnexpress