Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, là người đầu tiên thuộc giới phê bình lên tiếng, qua Thể thao & Văn hóa, xung quanh tranh cãi về cách dịch trong Những thứ họ mang, tập truyện ngắn về chiến tranh Việt Nam của nhà văn Tim O’Brien.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên. Ảnh: Mi Ly.
|
“Những thứ họ mang là một tác phẩm khó dịch vì ngôn ngữ quân sự và lối nói của lính tráng. Bản dịch của dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng – một người có uy tín và cầu toàn trong dịch thuật – theo tôi là một bản dịch tốt. Đây là một cuốn sách hay. Chỗ dịch gây tranh cãi là tục tĩu gần đây, khi đọc, theo cảm nghĩ của tôi, là không gây phản cảm, cách dịch này về mặt tinh thần là đúng”.
“Dịch thuật là thao tác lựa chọn ngôn từ” – nhà phê bình nhấn mạnh – “Mỗi dịch giả có lựa chọn của riêng mình. Anh Cao Đăng có lựa chọn của anh, còn người khác có thể chọn ngôn từ khác nhưng vẫn nên tôn trọng lựa chọn người dịch trước đó”.
Trước gợi ý của độc giả là nên có lời khuyến cáo, chẳng hạn “Sách có sử dụng ngôn từ tục” đối với Những thứ họ mang, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng không cần thiết. “Khuyến cáo như vậy chỉ tăng sự tò mò của độc giả” – ông nói.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, trong một bài viết tranh luận về Những thứ họ mang trên một trang báo mạng, đã nói ông sẽ thử liên hệ với chính nhà văn Tim O’Brien để hỏi quan điểm của tác giả về cách dịch.
Ý kiến của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: “Nếu tác giả còn sống và có thể liên hệ được thì nên hỏi. Nhưng tôi nghĩ, không nên câu nệ. Dịch giả nên tự tin ở lựa chọn của mình, và không phải bao giờ cũng cần liên hệ trực tiếp tác giả trong quá trình dịch. Không nên chỉ nhìn nhận ở mỗi trường hợp này. Trong trường hợp khác, nếu tác giả đã qua đời thì làm thế nào?”.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên lật ngược vấn đề: “Để tác giả có góp ý chính xác cho bản dịch thì chính tác giả cũng phải thạo ngôn ngữ gốc và ngôn ngữ dịch. Không phải bao giờ cũng đáp ứng được điều kiện như vậy”.
Tập truyện ngắn Những thứ họ mang (The Things They Carried) ra mắt năm 1990, là tác phẩm được đánh giá cao ở nước Mỹ, được xem như Nỗi buồn chiến tranh của người Mỹ. Đúng như tiêu đề, sách kể những thứ mà một thế hệ thanh niên Mỹ mang theo trong cuộc chiến ở Việt Nam, không chỉ là vũ khí, đạn dược mà còn là tâm tư, tình cảm, lối sống, tâm trạng…
Nguồn: TT&VH