Giải thưởng Cuộc thi tiểu thuyết Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ IV (2011-2015) vừa được công bố trung tuần tháng 12-2015 với 12 tác phẩm đoạt giải, trong đó không có giải A. Nhân dịp này, Hànộimới có cuộc trò chuyện với nhà báo, nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan, người theo dõi sát đời sống văn học trong nước.
Nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan. |
– Theo tôi thấy, qua kết quả cuộc thi tiểu thuyết lần thứ IV này có những bước tiến nhất định, nói một cách dân dã là “cận nhân tình” hơn. Vẫn còn đôi điều không thuyết phục, nhưng ba bốn tác phẩm tốt cũng có thể đủ để cho mẫu số chất lượng chung của những tác phẩm dự thi đợt thứ IV này tốt hơn.
– Liệu 12 tác phẩm này đã “đại diện” được cho “không khí” tiểu thuyết Việt Nam trong suốt 5 năm qua? Anh có nghĩ còn nhiều tác phẩm hay vì những lý do nào đó mà không có mặt trong cuộc “điểm danh” lần này?
– Trong văn chương, khái niệm “đại diện” gần như không có chỗ đứng, nhất là khi các “đường biên văn học” mở ra không ngừng, khiến sáng tác ngày càng đa dạng. Những tác phẩm được giải lần này chỉ có thể cung cấp cho ta một mẫu thăm dò xác suất, qua đó ta đoán chừng những người viết tiểu thuyết của chúng ta đang làm gì. Do quan niệm về “văn chương nghiêm túc” kiểu “truyền thống”, ta không thấy ở đây các tiểu thuyết tự truyện – là loại mà mấy năm gần đây hay được nhắc đến; cũng không thấy loại tiểu thuyết chuyên về tình yêu hay “tâm lý xã hội”… Tóm lại, không thấy loại truyện giải trí. Nhìn qua 12 tác phẩm đoạt giải kỳ này, thì điều gọi là “không khí tiểu thuyết 5 năm qua” có thể thấy một mặt là không khí hồi nhớ về các chuyện thời chiến tranh, thời bao cấp rồi thời chuyển biến sang kinh tế thị trường; mặt khác là hồi nhớ xa hơn vào các chuyện thời những triều đại phong kiến trong lịch sử dân tộc; dĩ nhiên, có nhiều sự pha trộn khác nhau giữa những câu chuyện như thế… Khá ít tác phẩm đương đầu với các vấn đề của cuộc sống đương đại, mà trong đó, những tác phẩm tôi biết thì không thấy được “điểm danh” ở đây. Có một tiểu thuyết rất hay về đời sống công nhân thì lại chưa được xuất bản và cũng không thấy dự thi.
– Qua các tác phẩm đoạt giải, các nhà phê bình có thể thấy gì về những xu hướng mới của tiểu thuyết Việt Nam? Đề tài hay câu chuyện cách viết mới là điều đáng chú ý nhất?
– Trừ một tác phẩm viết về nhà Trần theo kiểu dã sử, còn lại 11 tác phẩm được giải chia làm hai hướng về loại hình phản ánh: Một hướng tôi gọi là nhân đôi thực tại – là loại truyện kể khiến ta nghĩ ngay đến các “nguyên mẫu” về con người, sự kiện, khung cảnh của tiểu thuyết; một hướng tôi gọi là chưng cất thực tại – là loại truyện kể chỉ lệ thuộc vào ý tưởng của người kể, không bị ràng buộc với cái thực tại được kể đến. Cả hai xu hướng này đều không mới.
Cái mới xuất hiện theo góc nhìn của nhà văn, cái góc nhìn làm xuất hiện những câu chuyện mới hay cách nhìn mới về những vấn đề tồn tại từ trước. Có một tác phẩm rất mới là “Mảnh vỡ của mảnh vỡ” của Vĩnh Quyền, đoạt giải B (không có giải A) lần đầu tiên kể về quá trình tầng lớp trí thức cũ miền Nam sau 30-4-1975 hòa nhập vào xã hội mới. Có một tác phẩm không hề mới về bút pháp nhưng lối viết mạnh mẽ và mạch lạc đã vạch lại lộ trình của một lớp người quan trọng thời đổi mới, lớp những cán bộ quản lý nhà nước chuyển thành các doanh nhân thị trường – tiểu thuyết “Seo Sơn” của Vũ Quốc Khánh. Một tiểu thuyết hiện đại tên là “Hát” của Trần Nhã Thụy, ngôn ngữ đạt đến sự giản dị, tinh tế, kể về con người trung lưu đô thị đi tìm kiếm nội tâm của mình và gặp tai họa vì sự lạc lõng đó giữa đời sống tiêu dùng nhiều vô cảm. Và còn những câu chuyện day dứt, sâu sắc trong các tiểu thuyết như “Bác sĩ trưởng khoa”, “Vùng sâu”, “Đốt trúc”, “Người thứ hai”. Các tác phẩm như thế bác bỏ những lập luận cho rằng đề tài quan trọng hơn cách viết, hay là ngược lại. Thực tế đó cho thấy lối viết, lối suy nghĩ của nhà văn, mới là điều đáng chú ý nhất. Tuy nhiên, qua đây cũng cần phải lưu ý rằng hầu hết nhà văn chúng ta còn tham kể…
– Tiểu thuyết Việt Nam có thu hút được sự chú ý của bạn đọc những năm qua không, theo anh?
– Tiểu thuyết luôn luôn thu hút bạn đọc và tiểu thuyết Việt Nam cũng không ngoại lệ. Có lẽ vấn đề khiến bạn đưa ra câu hỏi này là ở chỗ người ta đã quá quen với cách đánh giá dựa vào một bảng “bestseller” nào đấy. Nhưng văn chương xưa nay vẫn luôn có cái gọi là “tìm người tri kỷ” và tiểu thuyết cũng vậy, theo cách riêng của nó.
– Cảm ơn anh!