Mẹ kể rằng khi sinh ra được một tháng tuổi tôi đã về quê ngoại. Đến  khi bắt đầu biết nói thì câu thành ngữ “cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui” được phát âm bằng tiếng Mường đã in vào trí nhớ. Từ đấy cơm đồ nhà gác đã đi theo suốt tuổi thơ  tôi, day dứt  đi theo cả nửa cuộc đời, như nhắc nhở món nợ với quá khứ.


Cơm đồ. Ảnh tư liệu của Bảo tàng Không gian văn hóa Mường

Trí nhớ non nớt thuở ấu thơ dường như không phai mờ hình ảnh về những  nụ cười vui vẻ đầy trêu chọc của các bác, các dì, các chị con nhà bác, khi nhìn bộ mặt “ngẩn tò te” của con bé con là tôi thuở ấy, khi nghe các chị nói câu thành ngữ trên bằng tiếng Mường. Thêm lời nhận xét đầy trêu chọc của bác Cả rằng cái con bé này chắc rồi sẽ mất gốc nhà Mường thôi, bác còn nói câu đấy bằng tiếng Mường, nên các chị lại càng được thể cười rũ rượi trong cái lúng túng đầy ngượng ngập của tôi. Cả nhà tôi gồm bố mẹ và năm chị em, thì chỉ có mỗi tôi là không biết nói tiếng Mường. Tuy mù tịt “môn nói”, nhưng tôi lại rất giỏi “môn nghe”. Đấy là lý do rõ nhất để chứng minh cho cả họ hàng là tôi đâu phải đứa bị “mất gốc nhà Mường”?

Bây giờ không có ai phải lo thiếu đói, không phải sống trong cảnh có bữa nay phải lo kiếm bữa mai, và quả thật là muốn ăn cái gì cũng có thể mua. Nhưng trong tôi vẫn thèm ơi là thèm, muốn được thấy lại cảnh bác Cả xòe hai bàn tay to chắc nịch có những ngón nổi gân rắn rỏi, nhấc cao cái cuốp gỗ đã lên nước thời gian nâu bóng, dốc chổng ngược lên, để cho cả một ụ xôi trắng tinh khôi trôi ra, tràn đầy đến miệng cái viên, sau đó từ tốn tõe ra như bông hoa hồng bạch đang nở. Cái viên của người Mường giống như cái mủng của người Kinh, nhưng đáy nông hơn và miệng rộng hơn, được đan bằng cật tre, kết cạp bằng sợi mây. Lại thêm thanh tre đực nguyên cật bắt chéo phía đáy ngoài làm bệ đỡ thân. Cái viên ở nhà bác Cả chắc phải dùng lâu lắm rồi, thời gian in dấu bằng màu vàng ươm loang sắc bồ hóng và lên nước bóng loáng. Những hạt xôi nếp căng bóng, vì còn nóng nên chưa dính vào nhau, lặng lẽ và kiêu hãnh ngả dần xuống viên, rồi nằm cạnh nhau một cách có trật tự, nom đẹp đẽ mọng mẩy và nõn nà.

Thèm lắm, được hít hà làn khói thơm lừng bốc lên mù mịt, che lấp cả viên, hương thơm của no ấm da diết tỏa lan ra khắp ngôi nhà sàn thênh thang. Hương vị của xôi đồ trong cuốp gỗ, bởi không bị đổ mồ hôi nhão nhoét như trong thạp nhôm hiện đại của người thành phố, nên như giữ nguyên và tinh lọc được mùi thơm của đất, của trời, của nắng, của gió, của lá, của hoa. Dường như những gì tinh túy nhất của thiên nhiên đều được kết đọng trong làn khói thơm đặc biệt quyến rũ ấy. Mà chỉ có thể hình dung là mùi hương thanh thoảng nhẹ nhõm của hoa lúa khi cây lúa bắt đầu uốn cong mình như dấu hỏi. Là mùi hương đậm nồng bởi nắng, đang phả ra từng luồng ấm áp của bông lúa vừa cắt từ ruộng về. Là hương thơm ngàn ngạt quấn quýt của hạt gạo khi mới tách mình ra khỏi vỏ trấu trong cối giã. Là hương thơm nồng nã mà ngọt ngào của nồi cơm gạo mới khi vừa chín tới, cảm giác vị ngọt ngào lan  đến tận đầu lưỡi, thấm đến tận chân răng. Tôi thầm cảm ơn bố khi đặt tên con gái mang ý nghĩa là hương của hoa lúa và hương thơm ngọt của gạo nấu thành cơm. Trong sâu thẳm tâm hồn, luôn trỗi dậy nỗi thèm mùi hương ngạt ngào của đầm ấm yêu thương xưa ấy lắm, mà không biết mua ở đâu?

Đôi khi thì trong cuốp không phải là xôi nếp, mà là những gói lá chuối, mà bí mật của nó nằm sau tấm lá đã chuyển từ màu xanh tươi sang màu xanh thẫm, hơi đen. Tôi háo hức đợi bác Cả lật giở từng lớp lá. Khi thì là cả một cuốp  đầy rau xanh tươi với hàng chục loại lá hái ngoài đồng, trong vườn, trên bờ rào, ven chân hàng giậu thưa. Với người Mường, món rau đồ không chỉ là thức ăn, mà còn như một thứ thuốc lá, chăm sóc sức khỏe cho cả nhà. Con dâu đảm đang vén khéo phải tìm hái đủ ít nhất là 25 loại lá, với đủ vị chua, cay, mặn, ngọt, đắng.

Khi thì là những con cá suối có cái lưng xanh đen, phưỡn cái bụng trứng trắng núng nính, nằm giữa lớp măng chua trắng xám, ngổn ngang vài quả cà dại xanh thắm nhỏ như viên bi. Có khi lại là một con chim béo mầm mẫm, nằm chen lấn với trái ớt đỏ, vài tai mộc nhĩ đen. Tôi không biết tên con chim, nhưng không dám hỏi, vì biết là lại phải nghe câu trả lời bằng tiếng Mường. Tuy không nhớ nổi tên gọi của con chim, nhưng vẫn nhõng nhẽo đòi bác Cả miêu tả lại lông của nó màu gì, khi nó vẫn còn sống, và lập tức sắc màu ấy được gắn ngay vào trí nhớ. So với việc được ăn một thức ngon, thì tuổi thơ dường như lại không háo hức bằng việc hình dung loài chim nào cũng là Phượng Hoàng rực rỡ mang túi ba gang đang sải cánh bay về nơi biển khơi xa, nơi lấp lánh với nhiều vàng bạc châu báu lung linh. Để đến bây giờ ký ức nào cũng xa vời vợi như năm tháng bay qua đời người.

Không chỉ riêng tôi đam mê quê ngoại, mà cả năm chị em tôi đều chung niềm thích thú ấy. Về đến quê là được bỏ dép và trèo lên nhà sàn, chạy tung tăng khắp ngôi nhà sàn “dài như một tiếng chiêng” như sau này đọc trong trường ca Đam San. Niềm háo hức được chạy nhảy đến mỏi cả đôi chân bé thơ. Tôi nhớ từng cái vân gỗ loang loang như vệt khói trên cây cột bóng loáng, đủ cho vòng tay ôm của thời tuổi nhỏ. Tôi thuộc từng cái mắt gỗ to và nhỏ trên những tấm gỗ rộng lót mặt sàn rộng thênh thang, làm chân chạy của con bé thành phố đôi khi phải dừng lại rón rén ngắm nhìn. Tôi quen thuộc ngôi nhà sàn đến nỗi phân biệt được cái lỗ thủng nào là do con mọt cần mẫn gặm cót két suốt ngày đêm, cái lỗ thủng nào là do nứt vỡ, và cái lỗ thủng nào là do bác dâu khoét ra để nhổ nước cốt trầu.

Tính bác Cả rất cẩn thận, tấm gỗ sàn nào bị thủng to là thay ngay. Nhưng bác lại rất chiều bác dâu, nên riêng tấm gỗ khoét lỗ để bác dâu nhổ nước trầu ấy thì không bao giờ thay. Bác dâu Cả, vốn rất yêu chiều chị em tôi, và riêng mẹ thì coi bác dâu như thế thân của bà ngoại, đã thân thiết chung sống với tấm ván khoét lỗ, đã ngồi như gắn liền với cửa vóng nhà sàn để giã trầu, đến năm 85 tuổi thì về trời. Để đến bây giờ, nhìn vào cái lỗ thủng trên tấm ván sàn, lại tưởng đâu như dáng hình xưa đang lụm cụm ngồi nhai trầu, chỉ là vừa đứng lên đi vào bếp mà thôi.

Tôi thích quẩn quanh bên chân bác dâu, vì xung quanh bác rất nhiều hộp đan bằng cật tre, mà cái nào cũng óng chuốt nuột nà như eo lưng ong thiếu nữ. Tất cả những thứ hộp và ớp này đều do bác Cả tự tay chuốt bằng cật tre đực và đan, mà sau này nghĩ lại tôi đồ rằng bác Cả đã đan bằng tất cả tình yêu kiểu “lạt mềm buộc chặt”. Tôi tha hồ lục lọi các hộp ấy với niềm thích thú vô cùng, cái đựng trầu cau, cái đựng thuốc lào, cái đựng kim chỉ, có cái đựng nguyên chỉ thêu, lại có cái dùng đựng những mụn vá xanh đỏ, có cái lại để không. Trẻ con thật là ngộ, khi chỉ ước mong có những cái hộp đan ấy để chơi bày hàng. Bây giờ thì vẫn nhất quyết bày một cái ớp trên bàn ăn đấy thôi, nhưng không dám đựng gì vì sợ mốc hỏng mất. Làm thế để đỡ nhớ tiếc rằng sao lại có những cái hộp, cái giỏ, cái ớp xinh xắn nhường ấy? Rằng cái thuở xa xưa ấy như chỉ là trôi trong truyện cổ tích hoang đường, như cái hang đầy vàng bạc châu báu nằm giữa biển khơi xa kia.

Thèm được duỗi dài chân, gối đầu lên lòng bác dâu, hít hà mùi thơm thơm nồng hắc của trầu và cau trong cái cối trầu bằng đồng có những hoa văn tinh xảo. Hầu như lúc nào bác dâu cũng ngoáy trầu phát ra tiếng kêu lít kít. Đôi khi được bác nhờ làm hộ, rồi lại nói giã trầu như thế là không ngon, con gái vụng thế thì sau này chỉ có ế chồng thôi.

Con dao cau nhỏ xíu sắc lẹm cùng bộ xà tích bạc trên cạp váy dệt con hươu của bác dâu, theo nhịp tay ngoáy trầu, lúc nào cũng phát ra âm thanh lanh canh như reo vui. Từng nghe mẹ kể bằng giọng hơi ghen tị rằng, cái cối  giã trầu bằng đồng đỏ cùng bộ xà tích bằng bạc nõn này là của một nhà dòng dõi quan Lang, bác Cả đã mang hẳn một trâu đã vực cày đến đổi lấy về để tặng vợ yêu. Rằng suốt thời con gái xuân sắc, mẹ cũng chỉ ước mong một bộ xà tích như vậy, và mẹ không được bố yêu chiều đến mức ấy đâu. Mẹ từng thở than đầy tiếc nuối, khi mà anh con trai nhà bác Cả đã bán mất bộ xà tích bằng bạc nõn ấy đi sau khi bác dâu vĩnh biệt cõi trần gian. Cũng đã từng thấy những thứ đồ tương tự được bán nhiều ở các khu du lịch, nhưng nhìn cứ như đồ giả, không thể nào đẹp bằng những thứ đã từng thấy trong tuổi thơ. Ôi, có những thứ tưởng như đơn giản mà không bao giờ thấy lại. Thế mới biết ký ức khi đã thành máu thịt thì luôn thổn thức bằng những rung động của riêng nó.

Còn bao nhiêu là niềm yêu với cái hành lang bao quanh nhà sàn. Những khi giỗ chạp thì cái mặt sàn rộng nhường nào cũng trở nên chật hẹp. Thì hành lang rộng rãi lại đủ chỗ cho chị em tôi đùa nghịch, chạy nhảy mà không làm quẩn chân người lớn. Khi lớn thêm chút nữa, hiên nhà sàn lại là nơi tôi thập thò rình các chị đi chơi với bạn trai. Còn là nơi tôi chẩu mỏ ngồi hóng hớt khi các chị cùng bạn bè cười đùa rúc rích với những chuyện dưới đất trên trời, mà một đứa bé con nghe chả hiểu gì, nhưng vẫn thích thú. Thời gian đời người được tính bằng năm tháng trôi miên man, nhưng cái còn đọng lại trong tâm khảm là nơi hiên nhà ấm áp như tình yêu thương trìu mến của một thời trẻ dại mà nồng nàn.

Mỗi khi nằm dang rộng chân tay trên nhà sàn, tôi thường nhìn lên mái gianh được lợp dày đến cả gang tay, mà vẫn lo lắng lỡ mưa đá thủng mái nhà, giống như nhà bố mẹ tôi ở thành phố bị mưa đá đập vỡ mái ngói, dột trong nhà như ngoài sân. Mẹ  thường nhớ lần mưa bão sập cả mái nhà, mẹ bị cây nứa nhọn xuyên vào đỉnh đầu, bác Cả chui vào bới  cái mái gianh đã sập xuống để lôi mẹ ra. Di chứng để lại là vết sẹo to đùng trên đầu mẹ mà tôi hay di ngón tay lên đó. Từ lần sập mái nhà ấy, bác Cả mới lợp gianh mỏng đi cho đỡ nặng mái. Sau này lớn, mới biết cắt được cỏ gianh để lợp đủ mái nhà sàn là một kỳ công. Lại còn lợp thật dày thêm nữa, vì tính bác Cả rất cẩn thận và cầu toàn. Ngôi nhà sàn của bà ngoại ngày một đẹp hơn lên là do bàn tay chăm chút của bác Cả.

Đời thật trớ trêu, tuy không phải lo đói, nhưng người ta vẫn mải miết kiếm tiền. Tôi vẫn có cảm giác đau như bị cắt vào ruột khi nhớ đến việc người anh con bác bán mất ngôi nhà sàn. Việc này khiến mẹ tôi giận anh đến nỗi rất lâu sau đó, bà ít muốn về quê. Sau này anh nói lí do bán nhà vì không tìm được cỏ gianh lợp mái, vì tấm ván sàn mọt gặm không thể thay. Anh đã không giữ lại ngôi nhà sàn đẹp nhất làng. Nhưng xung quanh hàng xóm láng giềng nhà anh, cũng dần mọc lên những ngôi nhà mái bằng một tầng và hai  tầng. Nhìn ngôi nhà bê tông trong không gian bờ rào, bụi tre và cây trái, vườn ngô và vườn rau, trên nền đất đỏ au của đồi núi, có gì đó như trái mắt và vô duyên như mặc trang phục com lê mà lại đi dép lê tổ ong. Cho nên  biết là có một thứ đã mất đi vĩnh viễn mà không gọi ra được bằng tên, không có tiền nào mua được.

Vì bán mất ngôi nhà sàn, nên không có lí do gì giữ lại cái máng đẽo bằng gỗ, đựng đầy nước, mà trong lòng máng phủ làn rêu xanh mịn như nhung. Cái gáo bằng ống nứa để úp ngang miệng máng, dùng để múc nước rửa chân trước khi trèo lên nhà. Cái máng đựng nước ấy thường để ở gốc cây bưởi, mà mỗi mùa ra hoa thơm ngát cả ngôi nhà. Hình như hương thơm thanh ngát của hoa bưởi thấm xuống cả những phiến đá lót chân đã mòn vẹt theo theo thời gian, để loang ra ôm choàng lấy ngôi nhà sàn, làm cho tôi cứ hình dung như là vòng tay bao dung hiền từ của ông bà ngoại, bao bọc lũ cháu từ thành phố về nghịch ngợm. Một thời gian sau, vẫn nom thấy cái máng cạn trơ đáy, khô nẻ, lớp rêu bám khô cong cớn như miếng bánh đa nướng và chuyển sang màu nâu xỉn. Chỉ đến khi cái máng bị phơi nắng mưa nứt nẻ ra thì nó được chuyển vào bếp, chẻ ra thành củi đun. Hình như lẩn khuất trong tán lá xanh còn có ánh mắt trách móc, dỗi hờn của người xưa. Nghĩ thế nên cứ thấy lòng đau nhoi nhói từ hoài niệm xa xôi.

Năm tháng dần trôi, anh em họ hàng chúng tôi, dù ở quê hay thành phố đều đã trưởng thành trong những ngôi nhà mái bằng bê tông cốt thép giống như những hộp diêm. Lại hình dung chúng tôi giống như những con dế bị nhốt trong hộp diêm. Cho nên dù không nhạt phai lòng yêu, nhưng cũng không háo hức lắm khi hình dung về quê chỉ là sự di chuyển từ cái  “hộp diêm” ở thành phố về cái “hộp diêm” ở  làng quê mà thôi.

Nhìn thấy trước tương lai là ngôi nhà sàn của người Mường sẽ dần mất tích, vì rừng không còn gỗ. Hàng ngày, từng đoàn người đi vào rừng lấy về mọi thứ mà không trả lại cho rừng cái gì. Nơi đã từng là rừng rậm xanh tươi nay được thay thế bằng những dãy đồi trọc lốc như bát úp, nối nhau bất tận. Câu nói đùa “phủ trọc đồi xanh” đúng luôn một trăm phần trăm theo nghĩa đen chỉ vì  nỗi lo cho cái ăn cái mặc hàng ngày?

Nghĩ chắc mọi người sẽ cùng giống nhau ở chỗ dù có đi hết cuộc đời này cũng  không bao giờ nguôi cạn nỗi nhớ quê. Cho nên hình ảnh ngôi nhà sàn thênh thang, nắng gió ngập tràn, ở giữa vườn sum suê cây trái, luôn nuôi trong tim tôi một nỗi tiếc đến khắc khoải. Nhưng hơn hết là nỗi lo cho thế hệ sau chắc sẽ chỉ biết “cơm đồ nhà gác….” qua hình ảnh có trong sách nghiên cứu về một nền văn hóa nào đó xa lắc?

Nguồn Văn nghệ Tết Bính Thân số 5-6-7/2016