Xe tăng của Pháp bị du kích Hải Dương dùng mìn phá hủy - Ảnh: Bảo tàng Quân khu 3

Xe tăng của Pháp bị du kích Hải Dương dùng mìn phá hủy – Ảnh: Bảo tàng Quân khu 3

Những vũ khí do Trịnh Vân Yên và các cộng sự chế tạo được bộ đội chủ lực và dân quân du kích sử dụng cản bước tiến của thực dân Pháp trên đường số 5. Tên gọi “sấm đường 5” ra đời từ đó.

Tiếng lành đồn xa

Một hôm, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Khu 3 Lê Thanh Nghị tìm đến cơ quan Bộ Quốc phòng, lúc ấy đã chuyển ra vùng Hà Đông. Trên đường về, ông Nghị gặp Nguyễn Ngọc Xuân, người phụ trách Cục Quân giới, Bộ Quốc phòng. Hai người vào nghỉ trưa ở một quán nước ven đường thì gặp Trịnh Vân Yên và Lê Quang Thiệu.

Khi ở tù, Lê Thanh Nghị biết Trịnh Vân Yên bị bắt do chế tạo bom giúp Quốc dân đảng, nên đã tìm gặp để hỏi cách chế tạo. “Nhưng trong nhà giam, không hỏi anh Yên được nhiều. Khi ra tù, trong thời gian hoạt động ở Hà Nội, trong phong trào

Đông Dương đại hội, ở nhờ gia đình anh Tỉnh, anh Yên, tôi tranh thủ hỏi thêm anh các chi tiết kỹ thuật”, ông Nghị viết trong hồi ký.

Tiếng lành đồn xa, do có thành tích về công nghệ hóa chất, đầu năm 1946, ông Yên đã được ông Nghị tín nhiệm đề xuất làm Giám đốc Công binh xưởng XC, chuyên lo việc sản xuất lựu đạn, mìn địa lôi cung cấp cho bộ đội và dân quân địa phương.

Lựu đạn chày “made in… khu 3”

Quân khu 3 khi đó có 4 xưởng: XA, XB, XC và XD. Việc sản xuất lựu đạn được đẩy mạnh tùy theo điều kiện, khả năng của các xưởng. Xưởng XA, XB có nhiều máy móc sản xuất kiểu lựu đạn nút và ngòi phát lửa bằng kim loại, nhưng không sản xuất được nhiều vì thiếu kim loại cần thiết.

Trong khi Khu ủy đang lúng túng thì Giám đốc xưởng XC Trịnh Vân Yên và Giám đốc xưởng XD Lê Quang Thiệu báo cáo là hai xưởng đã thí nghiệm xong kiểu lựu đạn chày, nút bằng gỗ không dùng kim loại, chỉ nụ xòe cần một ít đồng lá, xưởng có thể tự giải quyết được. Lựu đạn chày sản xuất nhanh, bộ đội và dân quân du kích dùng thử có hiệu quả tốt. Lựu đạn chày có cán dài nên khi ném có đà văng xa.

Lựu đạn chày do hai xưởng XC và XD chế tạo không phải là kiểu lựu đạn chày của Trung Quốc (mà Trung Quốc lại phỏng theo kiểu của Đức). Hai ông giám đốc xưởng đã vận dụng thích hợp với điều kiện của ta. Lựu đạn kiểu Trung Quốc có bộ phận phát lửa bằng dây bôi thuốc cháy, còn của Khu 3 thì nụ xòe có hai càng nhỏ bằng đồng lá bôi thuốc cháy. Sáng kiến này ban đầu là của ông Phạm Văn Cát thí nghiệm từ thời kỳ tiền khởi nghĩa đến giữa năm 1946 mới có hiệu quả, sau đó XC và XD hoàn thiện rồi sản xuất hàng loạt. Người chế tạo thử đầu tiên lựu đạn chày ở Khu 3 là ông Phạm Văn Bảy (tức Giai), sau đó XC và XD đưa vào sản xuất, cung cấp cho bộ đội, dân quân dùng thử trên mặt trận.

Ông Lê Thanh Nghị kể lại: “Nghe các anh báo cáo, chúng tôi rất mừng, quyết định giao cho XC và XD sản xuất hàng loạt. Do vật liệu dễ có và cách chế tạo đơn giản, XC và XD có thể sản xuất một số lượng lớn lựu đạn chày, có tháng làm ra hàng vạn quả. Sau này khi địch chiếm rộng cả vùng đồng bằng, công nhân xưởng ở lại địch hậu vẫn sản xuất được lựu đạn chày đánh địch”.

Bất ngờ “mìn muỗi”

Thực tế lúc đó, lựu đạn chỉ diệt được bộ binh địch. Mặt trận đòi hỏi loại vũ khí phá hủy được xe ô tô vận tải, xe tăng, đầu máy và toa xe lửa, các lô cốt của địch. Tư lệnh Quân khu 3 Hoàng Minh Thảo đề nghị tổ chức sản xuất mìn và địa lôi. Các loại mìn cỡ to anh em ta thường gọi là địa lôi vì mìn nổ to như sấm.

Khu ủy lại giao nhiệm vụ cho XC và XD sản xuất mìn địa lôi vì hai xưởng này có cơ sở chế tạo nụ xòe và kíp thuốc nổ. XD có nhiệm vụ sản xuất nhiều hơn vì ở gần mặt trận đường số 5, tiện việc vận chuyển cung cấp cho mặt trận.

Có kiểu mìn gọi là mìn muỗi mà lính Pháp khi đó rất sợ vì gây cho chúng nhiều thiệt hại bất ngờ. Kiểu mìn này, theo hồi ký của ông Lê Thanh Nghị, là sáng kiến của ông Trịnh Vân Yên, sau đó ông Lê Quang Thiệu và anh em công binh xưởng XD hoàn thiện đưa vào sản xuất hàng loạt.

Mìn muỗi là loại mìn cỡ nhỏ, chứa khoảng 200 – 300 gr thuốc nổ, vỏ bằng gang, nút bằng gỗ quét sơn ta chống được ẩm. Nút có nụ xòe lửa buộc với một đoạn dây ngắn, lửa phát ra không qua dây thuốc cháy chậm mà phụt thẳng vào kíp gây nổ liền. Bộ đội, du kích gài mìn kín rồi buộc đoạn dây ngắn vào một vật nào đó mà lính Pháp đụng phải kéo dây thẳng căng làm cho nụ xòe phát lửa gây nổ, không cần phải có người giật dây mìn hoặc bắn pin để mìn nổ. Do đó, bộ đội chính quy và dân quân du kích rất ưa dùng mìn muỗi đánh địch, bảo vệ của cải, xóm làng.

“Chúng tôi nghe các anh báo cáo kết quả rất thích thú. Sau đó chúng tôi ra mặt trận gặp bộ đội, dân quân du kích kể lại cách đánh địch bằng mìn muỗi càng thấy tác dụng lớn của mìn muỗi đối với việc đánh địch, bảo vệ làng xóm”, ông Lê Thanh Nghị nhớ lại.
Theo Kiều Mai Sơn – Thanh niên