Tôi từng đọc một bài thơ mang tên “Bi ca”, có mấy lời rằng:

“Hát điệu buồn muốn rơi nước mắt,

Ngóng trông xa những muốn trở về,

Thương nhớ làng quê, da diết não nề…”

Nhà của tôi ở trên miền núi cao, đường đi rất xa, cần vượt qua muôn vàn cảnh trí mới có thể tìm lại chốn xưa. Rời khỏi mái gianh khói bếp, mong muốn đặt chân tới phương trời xa để rồi nay lại đè nén niềm rưng rưng thương nhớ mảnh đất ấy trong tim. Xe lao trên triền dốc, thấp thỏm vì những khúc cua vắng người. Bên này, vách núi dựng. Bên kia, mây quẩn quanh vực sâu thăm thẳm, chờm lên cả cây cối mướt xanh. Ven đường, hoa dại nở tràn, nhìn kỹ, hoá ra đó là loài tỷ muội mãn khai quanh năm, vạt này nối tiếp vạt kia tạo ra cung đường đầy màu sắc.

Nhà của tôi ở trên miền núi cao, khí hậu bốn mùa trong lành, nhưng đường lại rất khó đi, ổ gà ổ voi không thiếu. Mùa mưa đến, đất bùn ẩm ướt nhão nhoét chỉ mong làm người ta trượt ngã. Hạ sang rồi, nắng hanh thổi tung cát bụi ngập cả vòm xanh. Ấy là trong quá khứ, giờ đây công nghệ đã len lỏi lên tận non núi heo hút, trải con đường mới, cũng phần nào tránh hành hạ khách tới từ phương xa.

Gió thốc, đánh thức đôi mắt đương mải mê với cảnh, tôi bỗng nảy ra ý nghịch, tháo tung mái tóc để ba ngàn sợi phiền não thoả thuê với thiên nhiên. Từng khóm cây, bụi cỏ, nhành hoa khi thì trắng ngần thanh tân, khi thì xanh mát dịu lòng, khi thì vàng tươi rực rỡ cứ thế lướt qua. Rõ ràng bản thân đang tiến về phía trước, vậy mà đã mang tâm thế của người đi gom nhặt cánh hoa tàn.

Trong ký ức, mọi thứ dường như vẫn vẹn nguyên. Chợ Chiềng sầm uất, chẳng bao giờ có phiên, các gia đình đi khai hoang và tìm kế sinh nhai đến từ mọi tỉnh của miền Bắc đều tập trung sinh sống ở đó, từ những năm 2000… “Lũ trẻ ở chợ”, đó là cách người ta gọi chúng tôi. Khoảng trời riêng tôi nằm phía sau chợ, bên cạnh đống rác chất cao, cống nước đen ngòm và ngay trên bức tường bao luôn muốn bở bục vì nước mưa. Thường nghịch ngợm trèo lên đó, khi thì thích thú ngắm những đám mây hồng đầy đủ các hình thù kỳ dị, lúc lại khoái chí trước tia chớp đêm hè gầy guộc rạch ngang trời. Ráng hồng chiếu trên gương mặt non nớt, có hay chăng tâm thế của một người chỉ muốn rong ruổi trên các miền đất? Bụi dâu tằm mơn mởn, khoe trái chín đen mọng thanh thanh cho lũ trẻ ở chợ tranh nhau với hái, chỉ một chút quả thôi vậy mà cũng đã thúc nhau đánh tới cậu khóc mình cười. Bụi dâu giờ bị chặt mất, để lại một khoảng đất trống đến hoang hoải, mà tuổi thơ cũng theo đó mà trôi đi, những thứ sót lại chẳng qua cũng chỉ là chút hình ảnh mờ nhạt phảng phất.

Còn nhớ, trường mẫu giáo lợp mái gianh thủng lỗ chỗ có thể để vệt nắng nhanh chân soi vào khuôn mặt lem luốc của đứa trẻ đang ngủ gật hay để mưa trút xối xả làm nhòe cả những mặt bảng nguệch ngoạc chữ cái chưa thành hình. Trường mẫu giáo nằm trên triền đồi, mùa xuân tới, hoa dại nở rộ đưa hương mộc mạc mà khi lên phố người ta sẽ vĩnh viễn chẳng cảm nhận được; Hạ sang rồi, hoa sim hoa mua thay nhau nhuộm tím một vùng đợi đám trò nhỏ tới lượm những trái tươm ánh mặt trời ngọt lịm đến nao lòng. Thấp thoáng phía xa có bụi mâm xôi xanh mướt, năm nào cũng dâng những quả tim mọng đỏ chực vỡ tan để dào ra dòng huyết ngọt lành.

Ngày ấy, điện nước thiếu thốn, buổi nắng chói chang, lũ trẻ chúng tôi thường ngóng đợi chiếc xe đạp đẩy theo những cây kẹo bông trắng mịn như mây trời phía sau, dùng tiền gia đình cho ăn sáng, chen nhau hòng mua bằng được một cái, Bây giờ nghĩ lại, đó không phải là một thức gì quá ngon bổ, kẹo bị tan bởi cái nóng như đổ lửa, dính nhớp nháp vào tay và khóe miệng làm khuôn mặt trở nên lem luốc. Nhưng lúc nào chúng tôi cũng háo hức, phải chăng vì cảm giác luôn hiển hiện một thứ khiến cho mình có thể chờ đợi. Trưa rồi, âm thanh của chiếc kèn nhỏ tự chế vang lộng con đường đất gồ ghề trơ sỏi đá, thời tiết này phải có kem, ngay lập tức. Thuở trước, khi đồng tiền chưa mất giá, với năm trăm đồng đỏ là bạn đã có thể mua tới ba bốn que kem, loại tự đông ở nhà với máy chạy điện bằng sức nước, đường hóa học ngọt đắng đọng trên đầu lưỡi cũng không làm giảm đi cái ngon mát lạnh bấy giờ.

Ngày ấy, cả xã dùng chung một dây dẫn nước nhỏ bằng đầu ngón tay cái, khiến nước mất liên miên, không đủ để nấu nướng. Vậy là người ta đành kéo nhau ra suối để lại một quãng chật cứng người theo đúng nghĩa đen. Kẻ tắm, người giặt, lấy cây xanh làm bình phong, đá lớn nhằm che chắn, nói cười rộn rịp cả khúc nước nhỏ.

Đêm buông, ngoài cửa, tiếng côn trùng thoáng râm ran, một lúc sau, cơ hồ một lời hiệu triệu, chúng đã kêu rợp cả trời hè. Đèn dầu leo lét, tù mù hiu hắt, chịu áp bức bởi thứ ánh sáng tự nhiên của đám đom đóm mang theo bên mình những chiếc đèn nho nhỏ xinh xinh mà uy quyền lạ thường. Xung quanh im ắng, ông tôi lại mở chiếc đài con lên nghe truyện Tam Quốc, thi thoảng buông một tiếng thở dài nhè nhẹ. Sau này chợt nghĩ, phải chăng ông lại nhớ sông? Con sông Đà ấy đã nuôi dưỡng biết bao thế hệ, cây gạo đỏ rực lớn tới mấy người ôm chẳng xuể vốn dĩ đã là mốc lộ giới cho dân khai hoang những năm bảy lăm bảy sáu. Phố lấp, dân cư tản mát bốn phương, còn lại gì ngoài những đền miếu cổ mục nát và các linh vật cổ xưa chìm sâu dưới lòng sông. Hay là ông nhớ tuổi hoa niên chẳng thể níu giữ? Hay là tâm trạng ngơ ngác khi đi qua hai thế kỷ với sự điên loạn của thời thế? Guồng quay lịch sử chưa hề bao dung cho một ai, kể cả với những sinh linh bé mọn nhất trên đời.

Mỗi sớm tinh sương, gió mát nhẹ thổi, dịu dàng và mềm mại. Nửa đêm hôm qua, trời nghịch làm mưa, sáng nay, vòm không lại xanh vời vợi. Một sợi nắng tinh nghịch nhảy nhót khắp nơi rồi đậu lại trên ngón chân tí xíu của chú ếch đang ngồi dưới tán lá, tròn xoe xinh xẻo như viên hổ phách non màu. Trảng cỏ xanh mát thanh tân trải rộng. Tôi thích nhắm mắt lại để tận hưởng cái ôm của gió, nghĩa tình của gió, tấm lòng bao dung của gió. Khi ấy, biết bao nhiêu vết thương cũng sẽ lành lại.

Năm nay, lập thu rồi mà trời vẫn đày ải nhân gian, gió nóng thốc cuốn theo bụi bặm, vương cả vào đáy mắt. Tri kỷ bảo: “Cát bụi trần ai”. Ừ thì trần ai, ngắm cảnh lại càng rầu lòng, buồn vì cảnh, thế thôi…

Mây vẫn trôi, chưa từng ngừng lại, chưa từng bao dung, cũng như thời gian mải miết không ngừng. Ngoảnh đầu lại, trong đáy mắt ta đều đã hằn dấu vết tháng năm, quen với những tiếng thở dài chỉ riêng mình thấu hiểu. Đường về nhà vẫn còn rất xa, cảnh cũ cứ thế ùa về như thước phim quay chậm. Gió mây vạn tượng, lòng người sâu thẳm, chợt nhận ra non xanh nước biếc mới là tri âm.


Phạm Thị Thúy Quỳnh – Hiên Đà Giang