Như con chim nhỏ trên mảng tường tu viện cũ, như hạt sương trên chiếc lá mimosa… tản văn Nguyễn Vĩnh Nguyên ấp ủ tình yêu say đắm với thành phố sương mù.

Tên sách: Với Đà Lạt ai cũng là lữ khách
Tác giả: Nguyễn Vĩnh Nguyên
NXB Trẻ

Cuốn Với Đà Lạt, ai cũng là lữ khách vừa ra mắt của nhà văn là tập hợp các tản văn được anh trích từ sổ tay ghi chép cảm xúc, suy nghĩ trong 15 năm qua về phố núi. Giống như tên sách, Nguyễn Vĩnh Nguyên dường như đóng vai lữ khách để nhìn về Đà Lạt của hôm qua và hôm nay. Có những tản văn là nỗi niềm tâm sự riêng tư. Cũng có tản văn là tiếng nói chung của những người con Đà Lạt trước đổi thay của thời gian, cuộc sống. Những đổi thay ấy nhiều lúc để lại sự nuối tiếc, hoài nhớ bởi màu sắc huyền thoại của vùng đất này ít nhiều phôi pha.

Bìa sách “Với Đà Lạt, aic ũng là lữ khách”

Trước khi về Sài Gòn định cư, viết văn, làm báo, tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên từng trải qua 5 năm sống ở Đà Lạt (1997-2001). Với thành phố sương mù luôn bàng bạc không khí lãng mạn của đất trời, một lần đến rồi đi cũng để lại cảm xúc hoài niệm. Vì thế, khoảng thời gian 5 năm được thuộc về nơi này cộng thêm những lần đi về miệt mài giữa phố núi và Sài Gòn sau đó có lẽ ngấm vào Nguyễn Vĩnh Nguyễn khoảng trời ký ức với vùng đất anh dành một phần tuổi trẻ gắn bó.

Ngay từ tản văn đầu tiên, Nguyễn Vĩnh Nguyên không giấu nỗi hoài nhớ Đà Lạt đến tê tái. Dòng chảy của cuộc sống cuốn anh từ núi xuống phố thị, nhưng: “Có những ngày như thế, tôi tự hỏi, làm sao trục xuất Đà Lạt ra khỏi đầu mình để thiết tha hơn với cái thực tại mà thân xác đang hiện diện, ở đây, lúc này, giữa Sài Gòn khốc liệt, náo động. Tôi trở nên quá ư thụ động trước đời sống vồn vã gọi mời…” (trích Làm sao để trục xuất Đà Lạt trong đầu?). Bài viết không được đánh dấu mốc thời gian cụ thể, nhưng có lẽ, ghi chép này được Nguyễn Vĩnh Nguyên viết ra trong những ngày đầu anh về sống ở TP HCM. Bởi không thể trục xuất được Đà Lạt khỏi tâm hồn để bắt kịp với nhịp sống hối hả của nơi chốn mới, từng dòng chữ của anh như có gì đó nghèn nghẹn.

“… Có những ngày như thế, nằm vắt tay lên trán và nhắm mắt nhớ những con đường quanh co, những đồi thông mù sương, những mặt hồ tịch lặng, nhớ cơn mưa dầm tưởng biến cả thế gian thành rữa nát.

Có những ngày như thế, Đà Lạt nghẹn đầy trong ý nghĩ”. (trích Làm sao để trục xuất Đà Lạt trong đầu?)

Đà Lạt có gì mà như chất gây nghiện đến độ người viết không thể cai, không thể phũ phàng dứt bỏ để đón nhận sinh khí mới? Đó là nơi hình bóng một tu viện cũ kỹ vọng cái nhìn u hoài, lưỡng lự mắc kẹt giữa hiện tại, tương lai và quá khứ. Đó là nơi của mái ngói xưa, của bụi mưa trong gió, của con dốc hun hút, của cà phê Tùng mờ khói thuốc và lãng đãng hơi sương, của cỏ cây, đồi núi, rừng thông, những bậc thềm nhà lác đác lá và hoa, của những con đường thơ mộng, hàng cây chìm trong sương đêm và từng hạt bụi không khí của Đà Lạt được ướp vào chất thi vị, nhẹ nhàng. Những trang viết đan xen cảm xúc hiện tại và ký ức của Nguyễn Vĩnh Nguyên góp thêm nhiều mảnh ghép sắc màu để vẽ nên bức tranh đẹp về phố núi.

Đà Lạt còn là mảnh đất của tình yêu, của những nghệ sĩ sống và đam mê hết mình một thời thanh xuân với phố núi. Đó là nơi bản nhạc đầu tiên của Từ Công Phụng: Bây giờ tháng mấy phát trên sóng phát thanh ở Đà Lạt, gửi gắm vào đó cả tâm hồn mộng và thơ của tuổi trẻ thành phố sương mù. Là nơi đôi Lê Uyên – Phương cuồng si trong tình yêu và âm nhạc. Hay là của những người lãng tử hôm nay như MPK – “tay máy lang thang” góp nhặt những ánh mặt trời và màu xanh của lá thông vào các bức ảnh.

Nguyễn Vĩnh Nguyên là tác giả của 6 tập truyện ngắn và 3 tập tản văn, tiểu luận. Trong cuốn sách Với Đà Lạt, ai cũng là lữ khách, anh vẫn thể hiện là một cây bút thích đọc nhiều, thích tìm tòi nhìn ngắm xung quanh để đưa ra những trang viết nặng tính triết lý riêng. Tản văn mới của anh thú vị không chỉ ở những lát cắt về kiến thức văn hóa, lịch sử, văn học anh chia sẻ đan lồng vào chuyện kể về Đà Lạt.

 

Theo Dương Vân – Vnexpress.net

Exit mobile version