Sau hai cuốn tiểu thuyết và ba tập truyện ngắn cùng tạp văn, Nguyễn Việt Hà được xem như một cây bút đô thị đặc sắc. Trong văn của anh, chất phố phường trào lộng cay đắng vẫn không  giấu những trang trữ tình rất Hà Nội. Nguyễn Việt Hà hẹn tôi ở Thư viện Quốc gia. Anh đang tìm tài liệu để viết quyển tiểu thuyết thứ ba. Câu chuyện theo ý anh, không nên gắn mác “phỏng vấn”.

– Tôi nghĩ quyển tiểu thuyết thứ ba này sẽ khác với hai cuốn đầu. Nó sẽ hài hước và buồn cười hơn. Khải huyền muộn – tôi tự thấy vẫn hơi trầm trọng. Còn Cơ hội của Chúa thì hồn nhiên, giờ mình đã qua cái tuổi hồn nhiên. Cuốn thứ ba vẫn trong mảng mạnh của tôi là đô thị và tôn giáo, vẫn khai thác sự giằng co của anh trí thức giữa đời sống văn minh tôn giáo với văn minh đô thị – Hà nói, – Hai chục năm nay, với tôi, chủ đề thị dân tuy không phải là mạch chính, song đã trở thành một ám ảnh vô thức.

Định nghĩa người đô thị hãy còn chưa rõ, người ta mới chỉ nói đến các tầng lớp dân sống ở đô thị. Song họ đều có một cái chất đô thị: sự nhanh nhạy, khôn ngoan, trải đời chỉ ở đô thị mới có.

– Theo tôi, khái niệm người đô thị nói một cách nôm là thị dân, hay tiểu thị dân. Thị dân nghĩa là cả người kinh doanh lẫn trí thức đô thị. Ở Hà Nội (HN), nói chung mọi người đều đi ra từ chữ thị dân đó, mặc dù nghe hơi bị miệt thị nhưng khá chính xác. Và nhìn thẳng vào nó lại có rất nhiều điều hay.

Ở HN ngày xưa có những tay chơi bời dạng đàn anh hay đàn chú, hơn tôi một vài lứa, kiểu dân chơi cao bồi già. Họ thực ra là những kẻ rất hay, giữ được những chất thị dân HN rất đậm nét. Gần đây tôi có gặp lại một tay như thế. Hắn bảo tôi: “Cậu cũng vào cái loại sắp vào sách đỏ, giống như tôi, sắp tuyệt chủng rồi”.

Tôi cho khái niệm người đô thị là có thật, nhưng khái niệm người HN rất ảo, có lẽ do ba bốn chục năm vừa rồi đời sống quá lộn nhộn, quá vất vả. Nhưng chắc chắn là có, vì ông nào cũng khát khao trở thành người HN.

Tôi xin kể câu chuyện mà vợ tôi, một tay HN gốc chứng kiến. Cô ấy đi chợ Hàng Bè, gặp một cô bé trông rất đài các, nói năng không ngọng nghịu, nghĩa là không biết người thế nào. Cô này mua thịt ngan và mấy thứ, bà bán hàng khuyên: “Nếu cháu muốn nấu ngan với bí thì nên mua rau húng cho vào mới ngon”. Cô nàng hỏi: “Húng nào là ngon nhất?” Bà hàng bảo húng Láng. Cô trả lời: “Không, cháu là người Hà Nội, cháu chỉ ăn húng HN, không ăn húng Láng”. Thì câu đấy lộ ra ngay. Câu chuyện không hề đùa. Tức là nó chỉ chênh nhau một tí xíu, mà nhìn bề ngoài không thể biết được văn hoá gốc bên trong.

Có thể người đô thị HN có tính khinh bạc, song tôi cho là họ không quá ngoa ngoắt, điêu trá hay nhẫn tâm. Họ có sự xã giao, song tinh tế và cần phải hiểu điều ấy. Cái sắc sảo, đa đoan, tinh tế của người HN là điều khác với sự chân chất, hồn nhiên, tốt bụng của người nhà quê. Cái chân chất đặt trong bối cảnh đòi hỏi quá nhiều sự tinh tế như đô thị thì lại trở thành lố. Sự khinh bạc của người đô thị dẫn đến việc họ có phản ứng lại những chuyện họ không thích, nhưng không quá cay cú, nhẫn tâm. Họ phản ứng một cách có khi hơi đùa, làm cho người ta cảm thấy có sự dễ chịu và không bị quê. Không phải họ vạch trần ra để đối phương bẽ bàng, có thể  chỉ sẽ dạy cho một bài học mềm mỏng. Cái đó theo tôi bây giờ người đô thị thiếu so với ngày xưa.

Hồi viết Cơ hội của Chúa, tôi rất muốn viết những trang về đường tàu điện ở HN. Tàu điện từng là thứ rất đặc trưng của HN. Lúc đó là năm 1989-1990, người ta đang bóc dần, bỏ đi những đường tàu điện. Mình đi và để ý đường tàu điện chạy trong nội ô bao giờ cũng chìm bằng mặt đường nhựa. Nhưng chỉ cần đi từ phố Huế quá ra Chợ Giời là nó nổi lên như đường tàu hoả, có cả tà vẹt. Đoạn đó bắt đầu đúng là cửa ô để ra ngoại ô. Không gian ấy rất HN. Nhân đây, nói đô thị HN thì phải nói tới cửa ô. Chữ nội ô bây giờ ít người nói. Văn hóa cửa ô rất đặc biệt, trong ngoài chỉ tích tắc. Văn hóa cửa ô tạo ra những con người rất muốn chạy vào trung tâm nhưng cách hành xử lại rất phăng. Lưu manh trộm cắp cũng tập trung đậm đặc ở cửa ô hoặc đầu ô. Ngày xưa nói ăn cắp ở đầu ô là nói tới một loại rất siêu. Những người ngoại tỉnh do sự xô đẩy hoàn cảnh khi về đô thị, thì cái đầu tiên họ tiếp xúc là văn hóa cửa ô. Cửa ô mang hình ảnh đô thị nhưng nó cũng là sự tha hóa của nội ô.

Ở đô thị dễ kiếm tiền hơn là điều người ta thấy hiển nhiên: Làm giàu nhà quê không bằng ngồi lê Kẻ Chợ. Ở đô thị tốc độ và cơ hội kiếm tiền bao giờ cũng cao hơn. Nhưng có văn hoá lại là khác.

Sự khủng hoảng đời sống tinh thần văn hoá phải chăng là do vấn đề tầng lớp tinh hoa (elite), những người như tấm gương để thị dân trông vào đó đi đâu rồi?

– Theo tôi, không hẳn chỉ do giới elite không mạnh, mà có một khoảng trống về lý tưởng, về ý thức hệ của giới trẻ, và nhất là khoảng trống về tôn giáo, về văn hoá. Ngày hôm qua, những thần tượng, những chuyện gương sáng tuy cứng nhắc nhưng nó vẫn là cái đích để nhìn vào. Hôm nay, cái khoảng trống và sự lem nhem diễn ra, theo tôi do có một sự không trung thực trong đời sống. Chỗ này chỗ kia, người ta dạy và truyền thụ cho giới trẻ nhưng bằng thao tác dối trá, để rồi chúng gặp khủng hoảng, và có những khoảng trống nhầm lẫn…

Thời trước, người ta vẫn thấy câu chuyện: từ kẻ ăn mày hạ lưu đến người có chức, khi gặp các sĩ phu vẫn một điều cụ cử, hai điều ông nghè, trong đô thị có những bậc hào kiệt khiến người ta phải nể… Đấy là học phong sĩ khí.

– Có những câu giữ từ những năm 1920-30 trong sách báo cho đến bây giờ, kiểu mắng “mày cư xử như đồ nhà quê!”, thời Lý Toét, Xã Xệ ở báo Phong Hoá. Chữ “nhà quê” ở đây không hẳn có ý phân biệt vùng miền, mà là trong một câu đánh giá phẩm chất. Nhà quê không xấu, câu miệt thị trên cũng chả hay. Song nếu sống ở đô thị lại vẫn giữ cách sống nhà quê thì không ổn, lại làm xấu chất nhà quê kia đi. Để tiếp biến những cái sần sùi quê mùa kia đi thành chất thành thị thì bắt buộc phải có văn hoá và tầng lớp trí thức. Người ta từng nói, người HN văng tục cũng có duyên, nhất là những tay cao bồi già tôi nhắc đến, họ bật ra đúng nơi, đúng lúc và đúng văn cảnh nên lại dễ nghe chứ không tục tằn. Và dân lưu manh đô thị ngày trước như mình nhận thấy, có cái nghĩa khí nào đấy như Năm Sài Gòn của Nguyên Hồng. Có như vậy mới đi được vào văn học.

Nhưng như vậy, rõ ràng đời sống đô thị như ở HN có nhiều chất liệu để các nhà văn viết được những cuốn tiểu thuyết thật hay. Rối rắm và nhộn nhạo thực ra lại là mảnh đất mầu mỡ để đợi khai phá.

– Nếu viết theo lối hời hợt mô tả thì chỉ ở mức phóng sự hoặc tiểu thuyết xoàng, hoặc sến. Còn càng đi vào sâu để gắng rút ra được vấn đề nào đó, bây giờ càng thấy lem nhem hơn, không đủ nhân văn để thành vấn đề lớn. Cũng có thể do tài mình chưa đến.

Anh có nghĩ là mình hơi cổ điển không? Vì đô thị hình thành, tương tác và lớn lên nhiều khi lại đi ra khỏi những mong muốn chủ quan, những quy hoạch hay chiến lược này khác.

– Nhưng những điều chúng ta mong muốn cũng chẳng nằm ngoài những điều như Chân Thiện Mĩ. Tôi cho rằng, những giá trị căn bản phải dựa trên tôn giáo và triết học, những thứ tưởng như rất xa xỉ nhưng lại rất rõ ràng để giải quyết những vấn đề của đô thị rất phổ quát. Hay như chuyện tình yêu và mọi quan hệ người ta nói đến chữ thuỷ chung, nghĩa là có đầu có cuối. Bây giờ bọn trẻ chỉ chăm chăm xơi khúc giữa, như thế là trái đạo.

Tôi sợ rằng văn chương nghệ thuật ở đời sống đô thị gấp gáp thế này chỉ như một thứ trang sức.

– Thì cứ chấp nhận đi. Rồi khi đã dùng, người ta sẽ thấy độ tinh tế, hàm lượng chất xám và sự khổ công tạo ra nó. Trong tác phẩm, tôi thường nói đến ý “đạo đức giả hai lần”. Ngày xưa chỉ có loại sống không thật, tôi sống không ra gì nhưng lại nói mình đạo đức. Bây giờ lại còn nói, tôi đã sám hối rồi mà. Những điều đó do đô thị tạo ra, những thứ giả trá không biết đâu mà lần, dẫn đến những tội ác khủng khiếp. Người ta như bị trấn lột, tước đoạt đến tận cùng, những gì trong trắng bị cướp sạch. Tôi nghĩ đời sống tâm linh tôn giáo có điều hay là làm chậm lại nhịp độ sống, như những chiếu nghỉ cầu thang. Ở đô thị VN, những nơi để người ta nghỉ như thế càng ngày ít đi hoặc bị mê tín hoá như những chuyện loại “thánh vật”.

Tôi cho rằng để giảm tốc thì việc đọc sách là điều hay hơn cả. Hồi tôi còn làm ở ngân hàng, có làm một cuộc điều tra mini thì thấy các bạn trẻ vốn toàn cỡ thủ khoa và học rất giỏi, những quyển sách họ đọc đều từ hồi còn sinh viên, nghĩa là 3-5 năm qua chả đọc gì. Sống như thế nhanh quá.

Nhưng thế hệ 8x, 9x bảo: đó là một cách sống khả dĩ để tồn tại trong môi trường của họ?

– Tôi chỉ xin nói ở lĩnh vực mình biết, ấy là văn chương. Tôi mới đọc quyển Vũ điệu thân gầy, tập truyện các cây bút nữ của thế hệ 8x và một số quyển khác. Một cảm giác rất ê chề, rất buồn. Cây bút nào tỏ ra văn chương khá thì lại bi quan, trắng trợn, mất hết sự trong trắng, mặc dù chưa đến độ ác. Tình yêu của họ nhục cảm, nhưng rất phanh phui ê chề. Dĩ nhiên tôi đã qua thời thích những câu nước đường, nhưng ở đây họ lọc lõi quá. Trước đây, văn nữ như Phan Thị Vàng Anh rất buồn, có thể người viết đã cay đắng, có thể đã chán chường, nhưng có sự kín đáo. Hoặc bây giờ họ già dặn, nhưng gồng lên quá. Ngay cả cách họ nói về nhau, cũng hơi thiếu tôn trọng, vô trách nhiệm. Họ thừa hưởng một khoảng trống và chính họ cũng có nguy cơ tạo ra khoảng trống mới.

Thực ra họ cũng là những nhà văn ăn mình. Thế giới quan của họ cay đắng đến mức họ không cất nổi bước chân ra phố…

– Ngày trước sự ăn mình là nỗi cô đơn của những người viết vẫn muốn cống hiến. Người đô thị chúng ta có thể nhỏ bé, nhưng nên cố gắng làm cho mình tốt hơn, đó cũng là điều tốt cho mọi người.

Xin cảm ơn anh!

 

Exit mobile version