Trường đời đã cho Nguyễn Văn Học sự dũng cảm, nghị lực. Cuộc sống cũng là người thầy vĩ đại dạy cho học cách làm người, cách lưu giữ những ký ức cả buồn đau và vui sướng, để làm những viên gạch xây cho ngôi nhà văn chương trong tâm hồn. Nhờ thế mà Học trở thành một cây bút giàu nghị lực. Mới đây anh cho xuất bản tập truyện ngắn “Đứng giữa heo may”, gồm 17 truyện ngắn ăm ắp đời sống hiện đại.

1.

Khi còn công tác ở báo Văn nghệ Trẻ, trong số các cộng tác viên, Nguyễn Văn Học là một trường hợp đặc biệt. Lần đầu tiên Học mang truyện ngắn đến Văn nghệ Trẻ, là vào khoảng năm 2002. Một dáng vẻ thư sinh, nụ cười sáng, hơi bẽn lẽn, và chiếc cặp mầu đen, kiểu của dân văn phòng hay mang, bên trong, các bản thảo văn thơ xếp dày ứ. Học lựa chọn một hồi, rồi rút ra một truyện ngắn. Lần ấy tôi trực tiếp nói chuyện với Học. Đúng một tuần, Học quay trở lại. Vẫn nụ cười sáng, hơi bẽn lẽn. Học bần thần ngồi nghe tôi… chê. Rồi cảm ơn tôi. Và đi về. Hai tuần sau, Học lại đến. Sau đó Học lại bần thần ngồi nghe tôi chê.

Tôi thấy áy náy trong lòng, và cũng ái ngại cho Học. Nhưng khi tác phẩm chưa đạt yêu cầu về chất lượng, thì nó tuyệt nhiên không thể được chấp nhận để xuất hiện trên mặt báo. Mọi sự nhân nhượng, chiếu cố của người biên tập chỉ làm hỏng  người viết đi mà thôi. Sự xuê xoa sẽ không khiến người ta tiến lên phía trước được. Tôi chỉ tìm cách động viên Học. Rằng văn chương là đường dài. Nếu thực sự em thấy đó là con đường mình chọn, thì nhất định không đường nản chí. Phải cố gắng học hỏi, trau dồi hơn nữa. Còn nếu thấy văn chương là thứ mình chỉ ghé qua làm vui, thì thế là vui đủ rồi. Học vâng dạ, và tháng sau lại đến tìm tôi với túi bản thảo.

Những lần gặp gỡ, trò chuyện với Học, tôi cũng có điều kiện hiểu thêm cuộc sống của Học.

Học cấp II, Học đã  ý thức và có đôi chút rung cảm đối với những bài tập đọc, bài thơ trong sách giáo khoa và một phần trên ti vi. Năm lớp 12 Học đạt giải nhất trong cuộc thi thơ văn cấp trường, với một truyện ngắn nhỏ. Sau đó, phấn đấu mãi, phải đến khi ra học trường Cao đẳng Nghiệp vụ Du lịch Hà Nội, Học mới có những bài thơ đăng báo đầu tiên.

Yêu văn chương, vì vậy dù đã có bằng tốt nghiệp của trường Cao đẳng Nghiệp vụ du lịch, Học vẫn quyết tâm thi vào khoa viết văn, trường ĐH Văn hóa. Để có tiền ăn học, Học phải đi làm thêm. Cái nghề làm thêm của Học cũng đặc biệt lắm. Nào thì làm bảo vệ ở quán Karaoke, chạy quán bia, trông xe, làm nhân viên tiếp tân cho nhà nghỉ… Nhiều chuyện ở “thế giới dịch vụ ngầm” ấy, sau này đã được Học viết trong tiểu thuyết của mình.

2.

Quay trở lại câu chuyện cộng tác với Văn nghệ Trẻ thuở ban đầu. Ròng rã 3- 4 năm kể từ lần đầu tiên Học mang bản thảo đến Văn nghệ Trẻ, truyện ngắn của Học mới đạt chất lượng, và được chọn lựa để đăng tải trên báo.  Chính xác là vào giữa năm 2006. Truyện ngắn của Học được báo đăng là  “Những cô điếm trong đời”. Sau này tôi mới được biết đây là tác phẩm định kì của Học ở trường ĐH Văn hóa, và đã được nhà văn Sương Nguyệt Minh chấm điểm 10.

Người mừng hơn trong việc truyện của Học được đăng ngày ấy, tôi không biết là tôi hay là Học. Tôi biết, trước khi đến với Văn nghệ Trẻ, Học đã từng có truyện in trên một số báo và tạp chí. Nhưng một tác phẩm văn học muốn chinh phục được Văn nghệ Trẻ, và đặc biệt là báo Văn nghệ thì đòi hỏi về chất lượng rất khắt khe. Ý thức được điều ấy, nên Học rất kiên trì, nhất định không chịu bỏ cuộc.

Nhớ lại truyện ngắn đầu tiên đăng trên Văn nghệ, Học kể: “Đó là truyện ngắn hơi bị dài. Tôi viết như chắt hết máu trong cơ thể, và chọn những ngôn ngữ “đau” nhất có thể, để viết về cuộc đời của những cô gái điếm và chính cuộc sống đam mê văn chương của tôi. Truyện được in đến hai kỳ. Khỏi phải nói là tôi đã sung sướng đến thế nào. Cuối cùng, bao nhiêu ngày tháng, tôi đã làm được điều mình muốn. Nhưng kỷ niệm và thành công ấy, đã cho tôi thêm một ý niệm về mình: Là mọi thứ đến với tôi chẳng dễ dàng gì. Kỷ niệm đó cũng cho tôi hiểu thêm, con đường văn chương gian nan biết nhường nào. Đồng thời thấm thía câu nói của nhà văn, cũng là nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến: “Tôi không chúc bạn thuận buồm xuôi gió”.”

Bây giờ thì gia tài của Học đã phong phú lắm rồi. Với tổng cộng hơn 20 đầu sách. Đó rốt cuộc là một câu chuyện có hậu. Nhưng dù cho có hơn chục đầu sách đã xuất bản, tôi vẫn muốn Học phải khác biệt hơn nữa, có sức bật hơn nữa chứ không chỉ bằng lòng dừng lại ở đó. Văn chương là đường dài. Những gì Học đã viết, đã in không phải không có những ý kiến bàn luận, tranh cãi. Rằng: tác phẩm Học viết nhiều chất báo chí mà ít tính văn chương. Đời sống trong tác phẩm của Học thì ngồn ngộn nhưng chất văn chương còn thiếu vắng. Số sách Học đã in thì nhiều nhưng những tác phẩm của Học thật sự ghi dấu ấn trong lòng độc giả thì còn khiêm tốn. Tôi biết, Học hoàn toàn ý thức được điều đó, và chưa bao giờ có tâm lý bằng lòng, hay tự mãn. Học cũng không thất vọng khi bị ai đó chê. Học là người cầu thị, và nhẫn nại.

3.

Học tâm sự: “Học ở trường, nhiều thầy giáo vẫn nói với chúng tôi, sống đã rồi hẵng viết. Bị quăng ra đời sớm, tôi hiểu cái tạng của bản thân. Trời phú cho chút ít khả năng văn chương, nhưng không thể gọt mãi ra để ăn được. Nên tôi biết mình phải không ngừng trau dồi, cả thực tế và sách vở.  Rất nhiều bạn trẻ đã không tìm được lối thoát trong biển người đầy biến động và đau đớn. Nhiều người đã sa ngã, bị những vết thương gia đình, vết thương tâm tưởng giằng xé. Nó cứ mưng mủ, như không biết bao giờ ngậm miệng. Liều thuốc nào chữa lành những vết thương tuổi trẻ đó? Có lẽ, phải là tình yêu của cộng đồng, con người.

Cuốn sách cũng đề cập đến sự giáo dục trong gia đình đang gặp vấn đề. Nhiều bậc cha mẹ cứ nghĩ cho con mình sự giàu sang, sung sướng thì nghĩ rằng chúng sẽ hạnh phúc. Rốt cuộc, chỉ cho chúng nỗi bất hạnh và muộn phiền. Tập truyện ngắn “Đứng giữa heo may” được Học viết rút ruột rút gan từ những trải nghiệm sống của mình. Học tâm sự: “Tôi thuộc số những người viết không trốn tránh hiện thực. Và tôi muốn cất lên tiếng nói từ hiện thực”.

Khát vọng là một “người kể chuyện” bằng câu chữ, mong rằng những câu chuyện Học viết ra, sẽ “nằm lại” trong lòng bạn đọc. Để làm được điều ấy, cũng như tiếp tục cuộc hành trình với văn chương, Học còn cần phải tiếp tục học hỏi, nỗ lực thêm nhiều. Văn chương là đường dài, khó nhọc. Cũng xin mượn lại câu của thầy Hoàng Ngọc Hiến mà bản thân Học cũng rất tâm đắc: “Tôi không chúc bạn thuận buồn xuôi gió” để kết lại bài viết nhỏ này.

(Theo Phong Điệp – Thời báo Ngân hàng, số ra ngày 23-6-2016)