Nhà văn Nguyễn Tuân

 

Trong văn chương ở xứ ta, từ xưa đến nay, đã có nhiều cặp tri âm, tri kỷ. Chỉ nói thời hiện đại, nổi tiếng có cặp Tô Hoài – Nam Cao, hoặc tình bạn “trái đôi” – Huy Cận và Xuân Diệu. Nhà văn lão thành Nguyễn Tuân là người “chịu chơi”, cũng có lắm bạn thuộc đủ mọi lứa tuổi, mà Nguyễn Văn Bổng là một trong số những người thân thiết bậc nhất, có mối thâm tình. Ta có thể coi đó là tình bạn đường dài dài theo đất nước, dài qua tháng năm.

Thư từ họ viết cho nhau hàng xấp. Dòng tình cảm như chạy dài và chảy mãi qua chữ nghĩa. Chỉ cần giở Nguyễn Tuân – Về tác gia và tác phẩm (Giáo dục, 1998) đã thấy bao dòng thư. Cũng bởi cụ Nguyễn có thú “chơi thư”, đúng hơn là thích đóng dấu vào bì, bưu phẩm: “… phiền anh tới Poste Vĩnh Linh (bưu điện Nguyễn Văn Bổng) Nguyễn mượn anh em ở đó cái cachet humide (con dấu ướt – Nguyễn Văn Bổng) và đóng cho một cái dấu bưu thiếp gửi kèm theo đây. Anh chú ý: đóng sao cho rõ ràng và đừng bít hết cả con tem. Anh giữ lấy, rồi khi nào về anh cầm theo, tôi sẽ đến xin lấy lại sau. Cám ơn anh Trần Quang Nam”.

Nguyễn Văn Bổng diễn tả tình cảm qua việc “trình diễn” các lá thư, đoạn thư chỉ vào khoảng thời gain từ năm 1958 – 1959 – 1960. Đó là bài viết Từ Sông Tuyến đến Sông Đà(trích Thời đã qua) – trên 20 trích đoạn thư. Có thể gọi đó là tình qua thư viết. Qua thư là tâm sự giãi bày và trao đổi với nhau, chủ yếu là từ thư của Nguyễn Tuân và cảm nghĩ, bình luận của Nguyễn Văn Bổng. Xen kẽ còn có cả trích đoạn thư của Chế Lan Viên (26 – 11 – 1959), và trước đó là của Đoàn Giỏi (Đêm 19 – 11 – 1959).

Thư từ giao lưu với nhau về những chuyến đi, về sáng tác và xen kẽ những ý kiến góp ý về các tác phẩm. Qua đó, nổi lên nhiệt tình đi và viết, cũng như sự quan tâm tới nhau trong sự thân thiết hiếm có.

Sau đây là vài đoạn thư minh hoạ.

“Ngày ông Nguyễn Huy Tưởng về họp Quốc hội

Gửi anh Nguyễn Văn Bổng

Tôi không ở cơ sở đại đội sản xuất từ cuối tháng 10 – 58. Tức là sau đợt 3 tháng, thì từ đầu tháng 11 – 58, tôi mở rộng phạm vi công tác đi… (mất mấy dòng) Tôi đi Lai Châu ít ngày, rồi ghé Thuận Châu ít ngày, và cuối tháng 12 – 58 thì tôi ở Hà Nội. Vậy sẽ gặp Bổng ở Thủ đô, và ông sẽ là người thứ nhất được cái vinh dự chúc mừng cho kẻ hàn sĩ này đi được đến nơi về được đến chốn. Nhất là trong người mình được mạnh hơn, ấy là mình cũng so mình với cái mình lúc xuất phát, chứ so với anh em khác, thì mình cũng chưa có gì đáng biểu dương lắm. Ông cũng nên chuẩn bị một cái gì cụ thể để chúc cho kẻ suýt đắm tàu năm ngoái này…”

Thư lâu ngày bị mục nát, kèm thư có cả lá, trên lá có đóng dấu bưu điện với dòng chữ ghi:Điện Biên Phủ – Việt Nam, 24 – 11 – 58.

Mấy hôm sau, là một bưu ảnh đóng dấu Mường Lay, 8 – 12 – 58.

“Lai Châu (Mường Lay) ngày của bưu điện

Gửi các anh Bổng, Chế Lan Viên và Tế Hanh

Tôi vẫn khoẻ. Năm sáu lạng cao hổ cốt cũng có tác dụng đấy.

Ở Lai Châu, có nhiều sự việc và tài liệu, giúp cho mình hiểu thêm cái thực tế ở Điện Biên.

Có lẽ cuối 59, đầu 60, mình có thể trở lại Điện Biên, thì vẫn còn trở lại Lai Châu nữa.

Con sông Đà ở đây “nói” nhiều lắm, “nói” một cách day dứt, chứ không phải kiểu chỉ là than vãn một mình… (mất mấy chữ)”.

Đầu năm 1959, Nguyễn Văn Bổng mổ ruột thừa phải nằm viện. Nguyễn Tuân gửi thư từ Thuận Châu về thăm, và khoe ý định viết táo bạo: “Mình lên Tây Bắc chuyến này, cũng là muốn nghiên cứu thêm cách làm việc, để sau tiến tới được một phim gì sông Đà, và một créative littéraire (sáng tác văn học – Nguyễn Văn Bổng ) gì về vấn đề làm đường, mở đường Tây Bắc. Rồi cũng phải mau mau về sớm thôi, vì mùa mưa sắp đến nơi rồi. Về, rồi mình sẽ xin đi giới tuyến độ một tháng như có lần đã nói chuyện với B.”.

Tháng 8 – 59, Nguyễn Văn Bổng đã khoẻ, làm chuyến đi Vĩnh Linh trong 6 tháng. Nguyễn Tuân cùng đi, nhưng chưa sẵn sàng đi lâu, chỉ ghé ít ngày. Cụ Nguyễn theo dõi sáng tác của bạn văn: “Tôi có đọc bài của ông ở số Nhân dân Quốc khánh 2 – 9”. Dịp tết Trung thu, Nguyễn Tuân gửi cho bạn văn một gói bánh dẻo , bánh nướng và một lá thư:

“Điện Biên 12 – 9 – 59

Mình vừa lên Điện Biên từ sớm qua. Bằng tàu bay. Chả là mình piloter (hướng dẫn –Nguyễn Văn Bổng) hai cậu nhà văn Ba Lan Wizposa và Brann đi thăm Điện Biên, và đi biên giới Lào, độ mươi hôm lại về Hà Nội bằng tàu bay.

Cậu bảo cũng thích đấy chứ. Cái chuyến đi này, cũng như các chuyến đi giới tuyến với cậu cũng để lại trong mình một ấn tượng sâu đấy (À, ngoài bài viết cho Văn học, mình vừa viết xong một bài nữa cho đài phát thanh, và cố lên sẽ đăng ở tạp chí Văn nghệ). Cho đến bây giờ, mình đang ở Điện Biên, mà những emotion (xúc cảm – Nguyễn Văn Bổng) Vĩnh Linh vẫn còn.

Các thư Bổng viết cho mình, Tế Hanh, Chế Lan Viên, mình vẫn mang theo trong túi dết kia, và mình thấy như cậu có nhiều hào hứng, nhiều quyết tâm đấy.

Cố gắng đi. Cái mà Bổng đang trên quá trình sáng tác, mình tin sẽ có souffle (cảm hứng –Nguyễn Văn Bổng)… Có lẽ mình còn phải trở lại giới tuyến nữa cậu ạ. Ở đâu mình đã đến, mình hiện nay đều muốn trở lại cả. La bonne volonté re manque pas” (quyết tâm thì không thiếu – Nguyễn Văn Bổng), chỉ phải cái tội là tốn cao hổ cốt thôi.

Ở Điện Biên ít bữa nữa, mình lại lẻn về Hà Nội, vào Octobre (tháng 10 ) quãng cuối, mình lại lên lâu ở cho tới Tết ta về Thủ đô gặp lại Bổng…”

Nhà văn Nguyễn Văn Bổng

Vậy là, gần mươi hôm sau, Nguyễn Tuân lại gửi bưu thiếp kể chuyện Điện Biên Phủ. Kèm theo thư là tặng phẩm một cái đèn bão và dặn dò cách dùng cẩn thận. Sau đó cụ Nguyễn vào Vĩnh Linh, thực hiện chuyến đi một tháng từng mơ ước.

Tuy nhiên, các hành trình Sông Tuyến – Sông Đà cứ xoay vòng. Ngày 8.12.59 lại có thư cho bạn nhờ nghiên cứu giúp, và nhờ gửi tài liệu xung quanh vấn đề botanique, về a/ poivre và b/ bétel (thực vật, hồ tiêu, trầu – Nguyễn Văn Bổng). Vẫn thường trực là nỗi nhớ bạn, động viên nhau qua những bài viết: “Mình có đọc bài Sao vàng toả sáng”, và kể về sáng tác của bản thân: “Cao su giới tuyến, Cao su Điện Biên viết rồi nhưng chưa “cho” ai cả”.

Có những nhận xét chu đáo và chân tình về những cái được và cả những gì chưa được:“Người ta thường khen Bổng là viết nhanh. Mình đã có dịp thấy trong cái qualité (ưu điểm –Nguyễn Văn Bổng) đó của Bổng mang những hạt sạn của défaut (khuyết điểm – Nguyễn Văn Bổng). Nguyễn Văn Bổng cũng nhận thấy lòng chân thành và tính nghiêm minh của bạn văn: “Anh Tuân thì cho rằng những bài báo của tôi viết cẩu thả”. Cả Chế Lan Viên, Đoàn Giỏi, nếu góp ý đúng. Nguyễn Văn Bổng đều tiếp thu.

Có câu ngạn ngữ đại ý: “Người khen ta là bạn ta… Người chê ta là thầy ta”. Nguyễn Văn Bổng nhiều lần nhắc lại lời ngợi khen có sức đẩy, sức bốc  mạnh mẽ của nhà văn Nguyễn Tuân trong thư ngày 12 – 9 – 59 viết ở Điện Biên: “Nào là: Bổng đang trên quá trình sáng tác, mình tin sẽ có souffle (cảm hứng – Nguyễn Văn Bổng)… Nào…: “L’auteur de Con trâu est entrain de se surpasser” (Tác giả Con trâu đang tự vượt mình – Nguyễn Văn Bổng)

Nhưng, cũng tương tự như những lời chê trách nhẹ nhàng mà thấm thía của cụ Nguyễn, nhà văn coi cụ là bạn vong niên (kém 11 tuổi), nên trong thâm tâm vẫn kính phục cụ là bậc thầy, người bạn – người  thầy là như vậy.

***

Những năm xa cách Bắc – Nam, tình thân càng thêm nồng đậm.

Khi lên đường, dù phải giữ bí mật, hai vợ chồng Nguyễn Văn Bổng vẫn rủ nhau đến chào cụ Nguyễn cho phải đạo dù là đã khuya. Theo hồi ức, nhà văn nhớ như in bóng dáng Nguyễn Tuân ra đứng hai tay chống lên thành lan can, nhìn xuống theo hai vợ chồng: “Đêm đó bà Vân mặc bà ba lụa đen”.

Những năm vắng nhà đã có bao  bạn bè đến thăm nhưng đặc biệt mỗi lần cụ Nguyễn đến thăm bà  Vân đều có mang tặng một bó hoa violet. Nguyễn Tuân biết Nguyễn Văn Bổng thời trẻ có học và đi dạy học tư ở Huế. Màu tím hoa không chỉ gợi hình ảnh Huế mà theo mỹ tục hiện đại còn là thể hiện tình cảm gắn bó thân thiết trước sau như một. Cụ Nguyễn cũng từng tặng hoa cho Tố Hữu vào ngày Tết và đã nhận được Hoa tím – bài tứ tuyệt tặng lại với tựa đề nhỏ tặng Tặng Nguyễn Tuân với câu mở đầu: “Thuỷ chung tình bạn chùm hoa tím”. Chắc cụ Nguyễn muốn chuyển hoa và cả câu thơ này cho nhà văn đang ở phương Nam xa xôi.

Hoa mang thông điệp thuỷ chung. Tặng hoa cho vợ bạn là tâm lý lắm và cũng triết lý lắm! Qua hành động xã giao ấy, là nghĩa tình bạn bè trước sau  sâu nặng. Bó hoa tặng như niềm vui và hạnh phúc của cả hai bên.

Nguyễn Tuân tiếp tục gửi thư cho nhà văn nơi tiền tuyến xa miền Nam. Thư đầu tiên gửi trả lời cho Nguyễn Văn Bổng chép kèm bài thơ Trái mù u của ai đó  có hai câu: “Bao giờ gặp nhau giữa đàng/ Uống chén rượu, cười nghênh ngang”. Năm 1965 đi Cà Mau, ngang qua Trà Vinh, thấy rất nhiều mù u, nhà văn lại nhớ cụ Nguyễn.

Thư đi đường Trường Sơn thường ròng rã hàng tháng trời, phúc đáp nhau phải mất 4 tháng! Có lúc bẵng đi phải đến cả năm. Chẳng thế mà Tô Hoài đã ghi sổ tay năm 1965: “Có tin Bổng chết. Chứng cứ: hơn năm nay không có tin, có thư gì cả… Sao buồn thế. Không còn chinh nào mua bia uống. Toan lại Tuân xin rượu… Ghi hai câu T tình khúc (Cao Bá Nhạ): “Phúc nửa khắc muôn câu thê thảm/ Trong một mình bảy tám biệt ly”. Nguyễn Tuân cũng loáng thoáng nghe tin ấy. Hai vị trưởng lão lúc nghe  “hung tin” thất thiệt ấy đã  có lần ngồi lặng người uống rượu với nhau hồi lâu, không ai nói với ai nửa câu…! Rồi Tô Hoài lẳng lặng bỏ về.

Mong thư của nhau, nhưng hơn hết là mong tác phẩm của bạn gửi ra. Những  “đặc sản”quý giá hết sức ấy được chuyển qua giao liên, và có khi cả đường bay của bạn bè từ PnomPenh. Đã có chuyến hàng đặc biệt chuyển ra, và được chia nhau đón nhận thật mừng vui khôn xiết đêm 30 Tết năm ấy. Hoài Thanh, Tô Hoài, Nguyễn Tuân chia tay nhau “nhận quà” của Giang Nam, Nguyễn Văn Bổng, Anh Đức…

Tình hình chiến sự ngày càng  rất ác liệt. Một con chữ, một hàng chữ viết ra và gửi đi là trong súng đạn càn quét, dưới làn bom B52 rải thảm. Dẫn lại khung cảnh gian lao, khắc nghiệt, hiểm nguy một thời ấy để biết quý giá từng lá thư, trang sách từ chiến trường, những sản phẩm tinh thần có khi phải trả giá bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu nữa.

Nguyễn Văn Bổng đã có những dòng viết thật cảm động: “Qua những ngày sau, thấy sức bắt đầu xuống. Sốt rét. Sốt là chuyện thường như hồi chúng ta kháng chiến. Và tôi đang sốt. Hiện nay cũng đang sốt mới có thì giờ viết cho anh đây, và cũng vì thế chữ tôi không được vững”. Cũng một lần khác viết cho Nguyễn Tuân, tác giả Rừng U Minh đang say sưa kể chuyện, chợt nhớ tới nỗi gian lao chuyển thư, ông đành xin lỗi lão tác gia: “Thôi anh Tuân nhé, không lại khổ cho những người mang thư. Họ cũng ăn bắp lạt mang những thư này cho chúng ta. Vì vậy, còn nửa trang giấy trắng, tôi xé giữ lại”.

Nguyễn Văn Bổng từ chiến trường xa về, bạn bè mừng nhau tại nhà cụ Nguyễn. Đoàn Giỏi, Nguyễn Sáng mua giò lụa góp với “cuốc lủi” và cognac. Cuộc liên hoan thật cảm động không ngờ vì bạn văn đã qua cảnh sống chết cách nhau trong gang tấc.

Năm 1971, có chuyến ngao du thật thú vị do Đoàn Minh Tuấn tổ chức – đi theo tàu hải quân của bộ đội Vân Đồn. Đoàn đi gồm đủ mặt các văn nghệ sĩ: Nguyễn Tuân, Diệp Minh Châu, Đoàn Giỏi, Phạm Tường Hạnh, Duy Đức (nhiếp ảnh), và có cả Ngờ Vờ Bờ – biệt danhNguyễn Văn Bổng được  cụ Nguyễn gán cho. Có thơ Đoàn Giỏi xướng, Đoàn Minh Tuấn hoạlại như muốn tặng riêng Nguyễn Văn Bổng. Trong đó có câu tả say sóng chuếnh choáng:“Bổng lên chìm xuống thuyền đưa đẩy…”. Đó là chuyến đi đầy thong dong trên biển gần tháng trời.

Rồi lại những chuyến “ngày rộng, tháng dài” cùng bạn văn lênh đênh sông nước Cà Mau sau ngày giải phóng của Nguyễn Văn Bổng theo trưởng lão Nguyễn Tuân vào năm 1976… Giở tấm bản đồ của Bộ Tổng tham mưu có đánh dấu chì xanh đỏ, Nguyễn Tuân khoanh những địa danh Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi. Rồi các vùng Cái Nước, Cái Tàu, Rạch Rán, Rạch Rô, Rạch Cây Khô, Rạch Đước, rồi Gành Hào, Bảy Háp, Vàm Đình, Sông Đốc, xóm Ông Trang, mũi Rạch Tàu,… Những cái tên nôm na, giản dị, thuần phác và rất đỗi anh hùng trong tiểu thuyết Rừng U Minh của Nguyễn Văn Bổng. Đó là nhận xét của Đoàn Minh Tuấn trong Anh đã về với sông nước Cà Mau.

***

Khi tác giả Vang bóng một thời khuất bóng, bạn bè văn nghệ sĩ đã viết nhiều về ông. Nguyễn Văn Bổng có tới ba bài, là một người viết được tuyển đăng nhiều trong Nguyễn Tuân – Về tác gia và tác phẩm (Giáo dục, 1998). Tất nhiên, đó chỉ là một biểu hiện trên trang viết. Tuy vậy, đó lại là minh chứng hùng hồn của tình cảm tồn tại lâu dài theo năm tháng.

Vậy là, tình bạn đường dài trước hết theo không gian: từ Sông Tuyến đến Sông Đà, từ Nam ra Bắc, từ Bắc vào Nam, từ rừng ra biển, từ núi non xuống đồng bằng,… thể hiện một tình bạn bao trùm cả tình dân, tình người bao la, vô hạn. Lại còn theo thời gian – hàng chục năm. Và quan trọng nhất là theo hồi ức, trong mơ tưởng với một trang thái tâm linh (Từ trên ban công ấy…, 1987).

Tình bạn ấy đáng để chúng ta trân trọng, ngưỡng mộ biết bao. Cũng là một loại tình bạn đường đời – đời văn, đời người, với bao cao quý không chỉ ở  Thời đã qua như đã mất đi còn mãi mãi với muôn đời tình người.

PGS.TS ĐOÀN TRỌNG HUY – NVTPHCM