(Nhà văn Nguyễn Tuân)

 

Lời dẫn

Nhìn vào các nhà văn VN ở Hà Nội sau 1945, người ta dễ nhận ra một đặc điểm là tình trạng vốn liếng nghề nghiệp eo hẹp và sự chuẩn bị kém cỏi đến mức chúng tôi đã tạm dùng tới mấy chữ cây dại trong bài viết về Khái Hưng và Thạch Lam hôm trước.

Thời nay, người ta chỉ cần có chút năng khiếu và có được vài bài gọi là thơ hay dăm thiên truyện…đọc được là rất dễ được nhận vào đội ngũ tuyên truyền cổ động, và sau này chẳng lo học thêm bao nhiêu, không biết gì chắc chắn về văn học dân tộc trong quá khứ, càng không biết gì về cổ kim đông tây trong văn học nước ngoài, cũng dễ trở thành nhà văn như chơi.

Tóm lại họ không có liên hệ gì nhiều với sách vở nhất là sách vở trong quá khứ.

May mà khi bước vào nghề tôi có may mắn được làm việc với các nhà văn lớp trước, trong đó ấn tượng hơn cả thì có Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Nguyễn Khải, Nguyễn Thành Long, Trần Đĩnh — họ đều là những người chịu đọc, nói đơn giản là chịu khai thác sách vở, tự coi là mình thuộc về cái mạch văn chương của nhiều năm trước và không gì ngớ ngẩn bằng chỉ khai thác chính mình mà không biết tự làm giàu thêm qua người khác.

Nhắc tới Nguyễn Tuân, tôi nhớ vài chuyện lan man.

— Đi đâu ông cũng mang theo một cái làn, trong đó có những cuốn sách đang đọc dở. Sách tây thì nhiều vô kể và thường là các loại mà Đại sứ quán Pháp ở Hà Nội tặng Thư viện Hội, ông Thi dặn bà Huệ là chỉ loại như ông Tuân mới cho mượn.

— Vào khoảng 1968-69 gì đó, trong một buổi họp, có dịp ngồi không xa ông,  ghé mắt vào cuốn sách ông để trong làn, tôi nhận ra đó là cuốn Cát lầy của Thanh Tâm Tuyền mới in ở Sài Gòn.

— Trong bài Trước đèn đọc đoản thiên Ngô Tất Tố,  khi nói về sưu thuế, tôi đã thấy Nguyễn Tuân dẫn ra một đoan trích từ Đại Nam thực lục, phần viết về sưu thuế dưới thời Nguyễn.

Sau này có dịp vào chỗ cô hà thư viện Hội liếc qua một vài cuốn trong bộ sách Đại Nam thực lục 36 cuốn do Nhà xuất bản Sử họcin khoảng 1962 -65 – hồi đó ở Hà Nội có cả một nhà xuất bản chuyên về sử — tôi thấy chi chít những ghi chú của ông Nguyễn. Hình như ngoài Nguyễn Tuân, không ai đọc loại sách này bao giờ.

Không những chỉ đọc nhiều mà Nguyễn Tuân còn mang lại cho tôi một khái niệm nữa về sự đọc – là lo đọc vào những của độc. 
Độc đây không phải là chữ độc trong độc hại mà là chữ độc với cái nghĩa một mình, đi đến cùng của chữ này thì nó là tình trạng vừa sang trọng vừa bi đát   Xuân Diệu viết trong bài Hy mã lạp sơnTa là một là riêng là thứ nhất—Không có chi bè bạn nổi cùng ta.

Trong cái việc ham đọc mê đọc này, tôi nghĩ Nguyễn Tuân đã đạt tới nghĩa chuẩn về một nhà văn được áp dụng ở mọi nước mọi thời đại. Tôi chỉ muốn nói  cái nghĩa về một nhà văn chứ không phải nhà văn lớn – đấy lại là chuyện khác.

Dưới đây xin giới thiệu một bài viết liên quan đến mối quan hệ giữa Nguyễn Tuân và sách vở tôi viết khoảng hơn hai chục năm trước, chủ yếu là mối quan hệ giữa nhà văn và Thư viện.

Trước khi chấm dứt lời dẫn, tôi muốn có mấy câu trữ tình ngoài đề.

Tôi viết những dòng này vào lúc Hội nhà văn VN họp Đại hội lần thứ chín mà, vì tình trạng sức khỏe yếu kém, không có dịp tham dự. 
Một cảm tưởng chi phối tôi mấy hôm nay, đó là từ cái thuở vào nghề và được kết nạp vào Hội (dự bị năm 1977, chính thức 1978), gần bốn chục năm đã qua, đến nay đã không còn cái Hội mà tôi  từng biết và yêu mến.
Ngày xưa đến Hội tôi chỉ nghe các nhà văn bàn về sách vở, Thư viện Hội ở vào chỗ đẹp nhất cao ráo nhất trong căn nhà 65 Nguyễn Du. 
Vào Thư viện thường bao giờ tôi cũng gặp cảnh các nhà văn trao đổi với nhau về những cuốn sách mà họ vừa đọc, bao gồm cả những của độc mà phải quen biết nhiều lắm người ta mới có sách.
Nay thì cái thư viện ấy, thời nhà văn Hữu Mai có cái chức danh có vẻ quân sự là “Ủy viên Ban chấp hành phụ trách Thủ trưởng cơ quan Hội”, đã bị mang bán làm đồng nát. Còn các nhà văn thời nay khi gặp nhau thường bàn những chuyện gì thì chắc các bạn đã biết.

Không biết các đồng nghiệp khác nghĩ thế nào, phần tôi, lời nhiếc móc thậm tệ nhất đối với người cầm bút phải là “một nhà văn vô học”. 
Có bạn sẽ bảo đó là chuyện ngày xưa.
Không, xưa sao nay vậy, xưa đã thế và nay vẫn thế.
Bởi vô học là đầu mối kéo theo mọi thói tật khác – xu nịnh, cơ hội, kiếm chác.

Nguyễn Tuân và thư viện


Nhà văn bậc thầy Nguyễn Tuân chẳng những là một người ham đi, mà còn nổi tiếng là một người ham đọc – đọc cả với nghĩa giữ lấy một nhịp sống tự nhiên lẫn nghĩa phiêu lưu lang bạt, đấy là điều nhiều người đã biết.
Từ đây, có thể có người tỉ mỉ hơn một chút đặt câu hỏi: Nguyễn Tuân đọc sách ở đâu, cái dạ dày sư tử ấy tìm nguồn cung đốn cho mình ở đâu?
Câu trả lời: trước tiên là cái tủ sách riêng của cụ Nguyễn.
Chừng nào mà nhóm di sản văn học Nguyễn Tuân – hãy giả định là đến một lúc nào đó sẽ hình thành được một  nhóm như thế – đi vào hoạt động, tôi ngờ một trong những việc đầu tiên nhóm phải làm là có thể làm một cách hào hứng là miêu tả lại cái tủ sách cụ Nguyễn đã mua, đã nhận, đã gom góp cho mình trong căn buồng trên đường Trần Hưng Đạo, nơi cụ ở liên tục từ sau 1954 đến khi qua đời.
Bản thân cái tủ sách ấy, sự hình thành của nó, cái lỉnh lỉnh dư thừa thiếu hụt của nó, và hơn thế nữa, lai lịch từng quyển sách, những  chữ ghi bên lề trang sách, tất cả gộp lại làm nên một thứ chân dung đích thực của tác giả Vang bóng một thời.

Nhưng còn một nguồn cung cấp thức ăn tinh thần cho nhà văn này, một nơi mà khi Nguyễn còn trẻ, còn lang thang làm báo thuê bên cạnh Tam Lang, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng… và nhiều người khác, ông hay lui tới – ấy là Thư viện trung ương nay là Thư viện quốc gia, 31 Tràng Thi Hà Nội.
Hai đoạn văn ngắn sau đây mà chúng tôi sưu tầm được nói lên điều đó.

Đoạn thứ nhất trích ra từ tạp chí Văn nghệ ra ở Việt Bắc cuối 1949.
Hồi đó tờ tạp chí cơ quan của Hội văn nghệ Việt Nam mới ra được hơn chục số, đã thấy cần phải làm ngay một số đặc biệt về Hà Nội.
Ngoài phần sáng tác, có phần ghi nhanh Người Hà Nội đi kháng chiến, phác hoạ một số gương mặt người Hà Nội trên những nẻo đường Việt Bắc năm ấy: ông giáo sư trường Bưởi Trần Văn Khang và cụ Tiên Đàm Nguyễn Tường Phượng, anh Cai Lộc chuyên phát hành báo chí và bà Hậu Loan chủ nhà hát ở Cống Trắng Khâm Thiên, anh Phở tàu bay và anh Két chuyên pha “cốc tai” ở nhà Thuỷ Tạ Bờ Hồ.
Và tuy gọi là ghi nhanh, nhưng chùm bài viết toàn là do những cây bút lừng lẫy một thời như Nguyễn Tuân, Tô Ngọc Vân, Thế Lữ… thực hiện.
Chính trong phần ghi nhanh này chúng tôi đọc được đoạn văn ngắn Nguyễn Tuân kể lại cuộc gặp gỡ với một người thủ thư, qua đó, thấy cả cảm tình của nhà văn với cái thư viện lớn nhất Hà Nội mà trước đó, ông từng lui tới. Cái lối dùng chữ Hán sành sỏi “thời thanh bình độc thư, sân tàng thư lâu lá mùa thu rụng từng cái một…” cùng là lối chơi chữ “bao giờ Tây xuống tàu Pháp”, cho phép người ta nghe ra trong đoạn văn ngắn cái giọng riêng của Nguyễn (khi đó, nhà văn mới 39 tuổi).

Thời điểm viết đoạn văn thứ hai lại còn lùi xa hơn nữa: thời Thư viện trung ương còn mang tên người sáng lập ra nó là Pierre Pasquier. Cả thảy chỉ có mươi dòng, giống như một đoạn sổ tay, nhà văn thoạt đầu chỉ ghi cho mình, chứ không có ý định công bố.
Sau khi nói lên một chút bực bội của người ra thư viện nhiều mà không tìm thấy chỗ ngồi (cảnh sinh viên học thi thường chiếm hết phòng đọc chính của Thư viện Hà Nội đến nay vẫn được tiếp tục), đoạn văn ngắn này chốt lại ở cái hoài vọng sâu xa của tác giả là muốn tìm lấy việc nghiên cứu và sáng tác làm lẽ sống.
Trong Thư viện Pierr Pasquier được đăng lần dầu trong một số tạp chí Tao Đàn ra năm 1939, chính cái số Lưu Trọng Lư cho in bài viết ngắn về Nguyễn Công Trứ ( Tên tác giả cả hai đều chỉ viết tắt, một bên là T. một bên là L. nhưng cái giọng riêng của tác giả thì không sao lầm được).
Thời ấy, các nhà văn nổi tiếng sẵn sàng đóng góp những mẩu văn nhỏ như thế này cho các tờ báo, tạp chí mà họ yêu thích.

Đoạn thứ nhất: Gặp ông Nguyễn Văn Xước
Loạng quạng thế nào trên đường đi bến Quyển Sơn lại gặp ngay một cái bóng dáng yêu cũ kỹ của Thư viện trung ương. Cả một thời thanh bình độc thư sân tàng thư lâu lá mùa thu rụng từng cái một bên đường Trường Thi. Thẻ đọc sách có ghi số cho nhà báo, hồi ấy Boudet ký. Sĩ phu ba ngày không đọc sách, soi gương mặt mũi đáng ghét nói chuyện nhạt nhẽo khó nghe. Anh Nguyễn Văn Xước, người vẫn lấy sách cho tôi mượn, làm Hành chính khu bộ cho biết rằng Thư viện trung ương vẫn không bị cháy và hỏi hồi này sách kháng chiến có dépô-légal” đều đều không? Ôi bao giờ Tây xuống tàu Pháp để ta lại quay cái quạt trần trong phòng văn công cộng, ký tên vào phiếu lĩnh sách mà tĩnh tại hai buổi bạn với thánh hiền, phủi cái bụi thời gian trên gáy da mạ vàng?

Đoạn thứ hai: Trong thư viện Pierre Pasquier

Đã lâu tôi không tới thư viện. Lần thứ nhất tôi tới vào khoảng ba giờ chiều. Không còn một chỗ ngồi. Tôi phải đi về và tìm một cái cớ để tự an ủi mình: thanh niên ta là một thanh niên hiếu học, và là một triệu chứng đáng mừng cho tiền đồ nước nhà. Lần thứ hai tôi lại tới thư viện. Sớm hơn lần trước một chút, mà vẫn không may hơn: vẫn hết chỗ ngồi. Tôi lại tìm một cái lẽ để tự an ủi: ở trong sự học, không nên ganh tị nhau. Biết đâu sự chăm học của những chàng thanh niên ấy lại không quan hệ đến hạnh phúc của ta, của con cháu ta. Lần thứ ba, tôi vẫn không ngã lòng, và cố nhiên là đến sớm hơn hai lần trước nhiều, nhưng mà vẫn như hai lần trước: thư viện hết chỗ ngồi. Lần này, tôi cố tìm ra một lẽ để cau có, và tôi đã có một lẽ rất chính đáng; tôi nhận thấy rằng đa số những người hàng ngày đến thư viện trung ương, chỉ là những cậu và  cô học sinh ban Tú tài, có khi họ chỉ đến đấy để làm nốt một bài tính bỏ dở từ hôm qua. Tôi không muốn nói: chỗ của họ không phải ở đấy, nhưng tôi muốn rằng những ghế ở thư viện trước hết phải dành cho những người đến đây để nghiên cứu, để tìm lục một cái gì mà không ở đâu có, những người lấy sự học làm mục đích cho sự học… Bao giờ ở trong thư viện của ta, mới được thấy cái cảnh tượng cảm động của những người suốt ngày lịm hồn đi trong sách vở, và nếu có xao lãng đi một vài phút là để nhá một miếng bánh tây hay nốc một hớp nước lã… Họ chỉ cầm lấy một chút hơi để rồi lại học. Sự sống đối với họ, chỉ là một phần nhỏ, và sự học là tất cả.


– Vương Trí Nhàn – Chuyện cũ văn chương –


(Bài đăng nhân kỷ niệm 105 năm năm sinh nhà văn Nguyễn Tuân)