Định hướng vào hiện tại

Vang bóng một thời, cuốn sách mang lại danh tiếng và hoàn chỉnh một bút pháp cho ngòi bút Nguyễn Tuân có chút gì đó giống như một tập ảnh. Gom góp những thể nghiệm riêng từ thời thơ ấu và đắp thêm vào đó nhiều kỷ niệm qua lời kể của các người thân trong gia đình, tác giả tập truyện tuy lúc ấy còn trẻ song đã muốn làm một việc có ý nghĩa lâu bền: Đó là dựng lại cho sống động cái cuộc sống đang chìm dần vào dĩ vãng. Nhân vật của Vang bóng một thời thường là những người già. Cốt cách họ ổn định chắc chắn. Đời sống họ êm ả, phẳng lặng. Với nhiều người trong họ, sống nghĩa là chuồi theo thói quen, là tận hưởng nốt niềm vui thiêng liêng mà họ cảm thấy đang mất dần và sẽ không bao giờ trở lại. Song le, chính vẻ mòn mỏi của cuộc sống đã thành nền nếp lâu đời ấy lại vẫn gây nhiều quyến luyến, và nhất là lại toát ra một vẻ đẹp riêng, để lại một dư vị riêng không gì so sánh nổi, cho các trang sách.

Nghề văn vốn rộng như cuộc đời. Giá kể cứ đi mãi vào quá khứ, ghi chép thật tài hoa mà cũng thật tỉ mỉ những cảnh sống đã một đi không trở về, nhất là lại biết nhìn những ngày xưa êm ái ấy bằng con mắt hiện đại, người ta cũng có thể tạo nên một cái danh trong nghề cầm bút và mang lại một đóng góp cho lịch sử – lịch sử văn hoá nói riêng cũng như lịch sử ở khía cạnh dân tộc học, xã hội học nói chung.

Nhưng Nguyễn Tuân không phải là loại người có thể suốt đời đơn độc trở về với vang và bóng, tức suốt đời sống với những nhân vật đã già, đã mất hết ham muốn kiểu ấy. Con người chàng Nguyễn – như chúng ta thấy trong Một chuyến đi viết từ trước tập Vang bóng một thời – là con người của những đam mê nhất thời và những đắm đuối không định trước. Vốn thông minh và nhạy cảm, con người ấy thèm khát tắm mình vào cái không khí hiện tại, nắm bắt cho hết mọi hình sắc của nó, lắng đọng mọi thanh âm của nó, muốn buông thả, muốn vùng vẫy trong hiện tại, để rồi nói ngay về cái hiện tại ấy, trình ra trước mọi người những xúc động mà mình thu nhận được ngay “trước mũi” mọi người, và lấy sự độc đáo của cái tiếng nói riêng ấy làm lý do tồn tại của ngòi bút. Trong văn Nguyễn Tuân thời trẻ không thiếu những đoạn nhân vật như sung sướng quá không tìm nổi phải nói buột ra những lời say đắm, nào là “cảm thấy được sống lúc này với những cảm giác tinh vi của mình là một cái đặc ân, là phải mang một cái ơn sâu nặng đối với tạo hoá ”, nào là “thấy được sống cũng là đủ là một cái tác phẩm rồi, chả cần phải làm việc gì nữa” (Nguyễn). Sự sùng bái hiện tại khiến cho một thời gian dài sau Vang bóng một thời, gần như Nguyễn Tuân không bao giờ trở lại với cái quá vãng vàng son ấy nữa. Thay cho lịch sử là cái đời sống đang trôi chảy. Thay cho những ông già ngồi uống trà, nhấm nháp hương cuội và bảo ban con cháu làm đèn trung thu giờ đây đi lại trên trang sách Nguyễn Tuân là hình ảnh những chàng trai sôi sục ham muốn, bươn bả đi và viết, từng trải lão luyện trong nghề làm người, và coi việc hưởng thụ hiện tại, hút hết hương thơm và mật ngọt của cuộc đời hôm nay, là lẽ sống. Các tập sách nổi tiếng của Nguyễn Tuân như Tuỳ bút I, Tuỳ bút II, Nguyễn, và cả tiểu thuyết Quê hương – cuốn văn xuôi dài nhất trong đời cầm bút của Nguyễn – xoay đi xoay lại đều là những biến thể khác nhau của cùng một công việc là định hướng vào hiện tại và ghi lại những bước đường trôi nổi của cái con người vừa tìm cách cưỡng lại hoàn cảnh, vừa luôn luôn nhoẻn cười vì sự thích ứng kỳ lạ của mình với mọi đổi thay của hoàn cảnh.

Chủ nghĩa xê dịch

Nói trong các tập sách Nguyễn Tuân viết sau Vang bóng một thời có nhiều nhân vật khác nhau, cũng không hoàn toàn đúng hẳn. Khi mang tên Hoàng, khi được gọi là Nguyễn, là Bạch, song các nhân vật ở đây đều là những hoá thân của cùng một con người, là những biến điệu từ cùng một tính cách. “Lòng kiêu căng… đã xui ta chỉ chơi có một lối độc tấu”. Lời tự thú ấy, không chỉ liên quan đến cái thể tuỳ bút Nguyễn Tuân sử dụng, mà trước hết, là liên quan đến các nhân vật đi về trên các trang sách. Trong cái sự chỉ để cho một con người tính cách ngang ngược như thế nằm ườn ra trong tác phẩm, Nguyễn Tuân như thách thức với văn giới, với các đồng nghiệp, và trước tiên là với bạn đọc:

– Tôi cóc cần gì hết! Chỉ tôi thôi cũng đủ làm nên tính đa dạng muôn màu muôn vẻ của các văn phẩm ký tên tôi.

– Tôi sẽ làm cho các anh không thể chán tôi nổi!

– Nói cho nghiêm chỉnh, tôi muốn chứng minh rằng cái tôi mà các anh bảo là nghèo nàn bé nhỏ ấy vô cùng giàu có: nó là cả một khu mỏ mà người ta đào bới cả đời không hết!

– Và sống đến đâu, tôi sẽ viết đến đấy!

Đâu là nét tính cách chủ yếu làm nên bộ mặt hấp dẫn của cái nhân vật “độc tấu” mà Nguyễn Tuân đã khai thác trong các tập Tuỳ bút, cũng như trong Quê hương và các tập sách in trước 1945?

Người ta sẽ thất vọng nếu như tưởng tượng rằng đó là một con người làm nên những chuyện kinh thiên động địa xoay chuyển cả bánh xe lịch sử hoặc gây ra những vụ bê bối giật gân khiến cho những người chung quanh anh ta phải nhiều phen rắc rối.

Không! Sự đời trong Nguyễn Tuân không ngoắt ngoéo theo kiểu ấy. Như tên gọi của một thiên tuỳ bút đã chỉ rõ, nhân vật ở đây, chỉ có mỗi một căn bệnh duy nhất là Thèm đi. Sau những ngày ngồi một chỗ, để cho trí tưởng tượng bay bổng và thấy hết thi vị của việc đi, con người ấy lại dồn mọi hăm hở và tìm thấy đủ vui buồn trong chuyện xuôi ngược: Khi là chuyến dềnh dàng trên một con thuyền lênh đênh từ Thanh Hoá ra tới vùng biển Quảng Ninh (Chuyếc va ly mới); khi theo đường sắt rong ruổi một cách tuỳ tiện, qua các tỉnh miền Trung (tùy tiện nghĩa là sẵn sàng nghỉ lại ở một vùng nào đó vài ngày, sau đó mới đi tiếp), cứ thế kéo dài cuộc chơi cho tới khi đặt chân tới cái ga cuối cùng trên tuyến đường sắt Bắc-Nam là ga Sài Gòn (Một chuyến đi thăm nhau). Cho tới Quê hương thì Nguyễn Tuân còn cho nhân vật của mình lang thang sang tận châu Âu, châu Mỹ: Bạch ở đây từng là thuỷ thủ xuyên đại dương và những khoái hoạt của sự đi mà Bạch muốn truyền đến cho ta, là có phảng phất cả hơi gió mặn! Cứ thế, bằng vào năng lực ngôn ngữ ma quái của mình, Nguyễn Tuân đã nâng chuyện đi của con người lên tình trạng một thứ kỳ thú siêu việt, đến mức những ai thường phải quanh quẩn trong bốn bức tường gia đình, phải thèm muốn, phải ao ước. Đọc văn Nguyễn Tuân không phải chỉ có niềm vui, một sự sướng tai bởi được nghe một người lẻo khẩu kể chuyện, mà rất có thể người đọc sẽ thấy buồn, thấy ngứa ngáy, thấy đời mình chả ra sao, nếu như người ta ở vào cái tâm trạng của anh chàng Tần ở trong truyện, loại người thê tróc tử phọc ( vợ con bìu ríu ) mà lại không chịu đầu hàng và thỉnh thoảng vẫn bị xao động trước những người bạn giang hồ quen nay đây mai đó. Trêu tức mọi người, với Nguyễn, với Bạch, cũng là một niềm vui lành mạnh bởi chẳng qua cái việc ấy nó tô đậm thêm sự thực chàng sẵn sàng nhắc đi nhắc lại: dù hay dù dở mỗi con người là một nguyên bản độc đáo, không ai thay thế nổi.

Sắc thái Phương đông …

Một nét hấp dẫn đễ thấy rõ của chủ nghĩa xê dịch trình bày trong Nguyễn Tuân là ở cái sắc thái phương Đông của nó. Nhân vật Bạch trong Quê hương cũng như chàng Nguyễn trong các tuỳ bút, là một người thấm nhuần văn hoá cổ truyền Trung Hoa, và luôn luôn nghĩ bằng những ý tưởng mà các nhà nho thông thạo thơ văn từ đời Đường, đời Tống thường nghĩ. Nói về mình chàng hay dùng những chữ như hành nhân, lữ khách, du tử, cùng lắm thì là kẻ lưu đãng, các chuyến đi thú vị được gọi bằng những cuộc đăng trình, viễn trình. Và đây, một đoạn trong Quê hương nói về cảnh ly biệt:

“Sương nhìn cái bóng trắng của Tần lâu mãi mà không chịu nhoà với khói than đá, nhớ đến cái thú vị cuộc tiễn đưa về thời xưa cũ, người ta bày một cái đoản đình, một cái trường đình, uống cạn một chén rượu, người ngồi trên ngựa dùng dằng mãi mới ra roi và nối cương, kẻ đứng dưới thì ngậm ngùi vòng hai cửa tay áo rộng lại, lạy một lạy và hướng mãi về phía đám bụi hồng không chịu tan bay sau móng ngựa”

Tương tự như vậy, là một cách tiễn đưa được tả trong Tuỳ bút I:

“Chuyến này anh đi một hơi thấu mãi vào lục tỉnh Nam kỳ lập nghiệp, thân bằng cố hữu đưa tiễn ở sân ga Hà Nội ồn quá. Thiếu một chút nghi lễ và thêm một tí bùi ngùi nữa thì đủ là cảnh tế sống một anh tráng sĩ đời Chiến Quốc tại bờ sông Dịch “một đi không trở về”. Gió xuân cuối mùa chiều nay ở bến ga thế mà cũng lạnh”

Những người có làm quen với văn hoá cổ điển Trung quốc đều biết rằng, bên cạnh hình ảnh nhà nho hành đạo, hoặc các nhà nho ẩn dật chờ thời, thì trong văn thơ từ đời Tiền Hán cho đến Đường Tống luôn luôn thấy xuất hiện loại nhà nho tài tử. Phần lớn họ là những người tài cao học rộng, song càng hiểu lẽ đời, họ càng thấy cuộc đời này quá chật hẹp. Không cam chịu sống theo những ràng buộc sẵn có, họ lấy sự rong chơi làm niềm vui. Để đạo đức sang một bên, cái yếu tố được các nhà tài tử này đặt lên hàng đầu là tài và tình, và trong cuộc vui chơi, càng yêu thêm được những vùng núi non hùng vĩ, biết thêm nhiều cảnh sơn thuỷ kỳ lạ, có thêm nhiều cảm xúc tốt đẹp, từ đó, có thêm được những vần thơ cao quý, họ càng lấy làm bằng lòng với mình. Sang đến Việt Nam cái lẽ sống của người tài tử kiểu ấy, đã trở thành hạt nhân tính cách của hàng loạt văn thi sĩ có tài và bảng danh sách các nhà nho loại này sẽ bao gồm suốt từ Phạm Thái, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát qua Chu Mạnh Trinh, Dương Khuê, và gần với Nguyễn Tuân hơn cả là Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu. Cái đặc tính chính làm nên bộ mặt tinh thần của loại nhân vật tài tử này, tóm lại là ở một chữ phá cách. Song đó là một sự phá cách thông minh hơn người, độc đáo hơn người và cũng tự trọng hơn người. Thoát khỏi vòng danh lợi, thậm chí cũng vứt bỏ luôn cái ảo tưởng của kẻ ẩn dật, muốn toả sáng bằng cách tự tu dưỡng, làm mẫu cho chung quanh, đám tài tử này thật sự sống như leo dây sẵn sàng làm một cuộc thách thức với các giá trị đã ổn định, và không kêu gọi sự an phận như đạo nho thường làm, mà đi đến đâu là khiến cho lòng người ở đó xao xuyến không yên. Rồi người ta sẽ bảo họ ngông, họ kiêu ngạo, sau khi đã không tìm ra lý do gì để bảo họ là không lương thiện, là thiếu đạo đức. Nhưng một khi trong thâm tâm, họ đã tự nhủ là phải luôn luôn vượt lên trên nỗi “lèm đèm lẹt đẹt lờ mờ, luộm thuộm và bằng lòng của tất cả chung quanh” thì cái sự ngông ấy tránh làm sao nổi! Ấy, cái cốt cách của con người tài tử xưa nay độc đáo là vậy, mà cái sự xê dịch đi về của những chàng Nguyễn chàng Bạch trong văn Nguyễn Tuân, sở dĩ làm cho người ta nao lòng, cũng là vì lẽ vậy! Trước mắt chúng ta quả thực là một con người học vấn hơn người, lại tinh tế, từng trải hơn người, biết rung động với từng biến thái nhỏ của đời sống. Có điều nếu chỉ quy sự hấp dẫn của loại nhân vật này vào cốt cách phương Đông thì cũng không đủ. Tuy Nguyễn Tuân là người đã từng đi lại với Tản Đà như đôi bạn vong niên, lại nhiều phen rong chơi bên cạnh nhà thơ nổi tiếng bởi những bài thơ giang hồ ngất ngưởng là Lưu Trọng Lư, song ở ông chất tài tử vẫn có những chỗ hơi khác: Ông tỉnh táo. Ông có ý thức về mọi hành động mình làm. Trong khi vẫn say vẫn bốc, ông không quên sự tự suy xét, tự đánh giá. Kiến thức ông vững vàng, ngón nghề của ông hiện đại, không quê mùa, mà cũng không hề âm lịch, chẳng những thế, dường như ông cố ý làm cho các hành động của mình có được cái ý nghĩa kỳ cục để gây ấn tượng. Bảo Nguyễn Tuân tây hơn hết trong cái chất tài tử phương Đông của mình cũng không phải quá, mặc dù, như về sau, chúng ta sẽ thấy, cái cốt cách phương Đông kia lại nằm ở một tầng rất sâu trong tâm thức ông. Và nó sẽ là yếu tố níu kéo ông lại, khiến cho con người thái quá nơi ông nửa vời, dang dở.


…Và tinh thần văn hoá phương tây

Từ mẫu hình xã hội phong kiến chuyển sang mẫu hình xã hội tư sản theo kiểu phương Tây, nếu như có một đặc điểm thấy rõ nhất là cần lưu ý nhất của văn hoá Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, thì đó là sự biến chuyển nhanh chóng của nó. Sau giai đoạn giao thời đầu thế kỷ XX, nền văn hoá mới chỉ hiện ra đúng là mình vào khoảng từ 1925-1930 trở đi. Song từ đó, cho đến 1945 – nghĩa là trong chưa đầy hai chục năm tiếp theo, nó phải diễn lại gần hết những bước đi mà văn hoá phương Tây đã trải qua trong vài trăm năm. Bởi vậy, nên mới có tình trạng cướp đường mà biến chuyển. Nhìn lại hình ảnh con người hiện lên qua các sáng tác văn chương nghệ thuật người ta có thể ghi nhận một cuộc chạy tiếp sức liên tục: Đại khái ở văn xuôi của Phạm Duy Tốn, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, đấy là những con người rành mạch, góc cạnh, và mối quan hệ của mỗi cá nhân với hoàn cảnh xã hội thì thật chặt chẽ. Đến Thanh Tịnh, Hồ Dzếnh, nhất là trong Phấn thông vàng của Xuân Diệu và những truyện ngắn in trong Gió đầu mùa, Sợi tóc của Thạch Lam, trước mắt ta đã là những con người khá hiện đại. Nét đặc biệt của các nhân vật lúc này – nhất là nhân vật chính, tức hình ảnh tác giả – là chỉ có mối quan hệ lỏng lẻo với xã hội. Ngược lại, mỗi cá nhân là cả một thế giới phiền phức mặc dù thế giới đó thường không bao giờ hoàn chỉnh. Bảo mỗi cá nhân đều nhạy cảm mau mắn cũng đúng, mà bảo họ vẩn vơ yếu đuối lại càng đúng. Sự định hướng là quá khó khăn: hầu như họ cứ để cho mình trôi nổi mà không thật sự biết mình muốn gì, và đứng ngoài mà nhìn thì thấy ranh giới của mỗi cá nhân là không xác định rõ rệt. Đến lượt mình, Nguyễn Tuân cũng sẽ thẩm thấu những ảnh hưởng xa lạ kia theo cái cách riêng ông mới. Từ A. Gide và đám người cùng chí hướng, nghĩa là từ những ngòi bút mở đầu cho nền văn học giàu chất triết học hiện đại ở Pháp, ông cũng như nhiều thanh niên trí thức Việt Nam đương thời tìm thấy sự gợi ý cho một cách sống, và trong khi không quên những nền nếp mà ông đã miêu tả một cách thần tình trong Vang bóng một thời, con người ấy lại bắt ngay sang những thói quen, những cách nói cách nghĩ mà ai người có đọc văn học Pháp lúc này sẽ nhận ra là có một sự “đồng thanh tương ứng” kỳ lạ để rồi Việt hoá khá thành thục , tạo nên một loại lãng tử hiện đại. Nhân vật của ông nhìn kỹ đều là những con người lửng lơ vượt thoát ra ngoài mối quan hệ bình thường với xã hội. Họ như không đi mà chỉ bay là là trên mặt đất, không đậu hẳn vào đâu, gì cũng biết, mà hoá ra không ràng buộc với cái gì cả. Nghề nghiệp, không xác định. Gia đình nhà cửa, không thiết tha. Cho đến cả tiền tài, sự nghiệp cũng không phải là điều họ quan tâm đuổi bắt. Thế thì loại người này đã trở thành hư vô chăng? Không hẳn. Niềm say mê mà nhân vật Nguyễn Tuân và chính ông để cả đời theo đuổi, là say mê tìm hiểu chính mình và khắc hoạ bức chân dung tinh thần khác người của mình trước đồng loại.

Đứng đằng sau chủ nghĩa xê dịch là một ý tưởng quan trọng hơn: ý niệm về sự tự do của con người, tự do không giống một ai, tự do đến mức dám đi ngược mọi thành kiến thông thường, thói quen thông thường miễn sao nó tạo ra niềm khoái lạc, và trúng với ý thích cá nhân của con người trong cuộc, còn có vì thế mà gây ra khó chịu với người chung quanh thì cũng không ngại: Tôi vẫn lương thiện cơ mà! Tôi có ăn cắp ăn trộm của các ông bà đâu? Tôi sống trong phạm vi luật pháp đấy chứ?! Còn việc tôi bạn bè với ai, tiêu tiền như thế nào, ăn mặc ra sao, cái đó kệ tôi, các người càng khó chịu thì tôi lại càng phô ra cho các người bực mình nhân thể! Trước con mắt dòm hành xét nét của chung quanh, nhân vật con người tự do ở đây đã đủ lý lẽ để cãi lại, và anh ta sung sướng mà chắc chắn rằng, về lý mà xét, không ai làm gì được mình. ấy bao nhiêu chuyện xê dịch của Bạch – tức chuyện bỏ nhà lang thang, rồi tuần nào cũng ra ga để rình rập quan sát cảnh mọi người lên đường, rồi trốn vợ, trốn con thuê một chỗ ở riêng để bày biện ra một khung cảnh viễn du – tức là tự tình hâm nóng niềm hứng thú xê dịch của mình – bấy nhiêu “trò nỡm” mà nhân vật Bạch phô ra trước bạn đọc chỉ là những cách khác nhau để nhà văn ở đây nói cho hết nói đến cùng nói một cách cặn kẽ, về sự thiết yếu của nhu cầu tự do ở con người. Tiếp theo các tuỳ bút, đến Quê hương một lần nữa Nguyễn Tuân muốn làm sống lại một vài ý niệm ông tiếp nhận từ A. Gide, toàn bộ cuốn truyện dài này là một thứ minh hoạ đẹp đẽ cho cái mệnh đề mà các nhà nghiên cứu thường rút ra khi nói về Gide: “Sự khẳng định cái Mình đó trước hết là một sự tìm kiếm, là quyền tuyệt đối được lang thang, là một cuộc săn lùng tự do”[1]

Sự phân thân

Đứng ở góc độ tâm lý học mà xét toàn bộ văn chương Nguyễn Tuân thời tiền chiến dường như được xây dựng trên một định đề thông thường: mối bận tâm lớn nhất của con người, chỉ là bận tâm về chính mình. Niềm say mê muốn trở thành một cá nhân độc đáo có thể giải phóng ở con người một năng lượng lớn lao và làm nên cả một khung cảnh tưng bừng là bức tranh tâm lý nhiều khi khá sặc sỡ.

Đó là những định hướng mà chỉ con người (kể cả con người phương Tây) những thế kỷ gần đây mới có.

Tính hiện đại của văn Nguyễn Tuân bắt nguồn từ ở chỗ ấy.

Nhưng tâm lý học cũng đồng thời cảnh cáo: sự tự biểu hiện cá nhân không đơn giản chỉ khuôn vào một hình ảnh như cá nhân đó vẫn tưởng. Ngược lại, khi cá nhân đó thông báo về mình như anh ta muốn, thì đồng thời lại xuất hiện những yếu tố ngoài sự kiểm soát của anh ta, và một hình ảnh thực sự về cá nhân được thông báo phải bao gồm cả hai bộ phận nói trên.

Cố nhiên là trường hợp của Nguyễn Tuân cũng không ra ngoài cái thông lệ ấy.

Trong một tuỳ bút mang tên Một giấc ngủ (in ở Tuỳ bút ), Nguyễn Tuân từng kể về cái tình trạng éo le khó xử ông thường vẫn gặp phải khi ngồi trước trang giấy trắng: vừa muốn viết vừa không muốn viết. Cầm bút không nổi mà không cầm lấy bút cũng không xong. Ông bộc bạch:

“Cái gì mà lúc nào trong người tôi cũng hình như có một thằng người thứ hai cứ xục xặc sống để mà xét nét từng ly từng tí. Khó chịu nghẹn lên đến cổ. Nếu tôi cần mẫn thì ích cho thần xác tôi; nếu tôi lười thì tôi bị hại: can chi đến thằng người thứ hai đó cứ suốt ngày sa sả như một người đàn bà lắm nhời, hở trời! Chớp mắt thì thôi không nói làm gì, nhưng hễ mở mắt ra là y như rằng, cái thằng người đạo đức đó đã lẻn vào lòng tôi để làm khổ tôi.

Thật là đủ trò. Hết mắng, hết dè bỉu, mỉa mai, hắn lại dằn vặt, doạ ruồng bỏ tôi. Chán chẳng ăn thua gì, hắn lại xoay ra nịnh tôi và có giây lát hắn còn an ủi tôi là khác nữa. Thế có sốt ruột không? Cái thằng người thứ hai đó thực là ồn quá”.

Câu chuyện Nguyễn Tuân nói ở đây không chỉ liên quan đến sự chăm và lười của ngòi bút, mà thực ra, đã động tới một vấn đề lớn của con người hiện đại: sự phân thân. Khi nói về tính nhiều vẻ, cũng tức là sự phân tán của cái tôi trong con người nói chung, nhà văn ý hiện đại là L. Pirandello từng nhận xét đại ý: “Mỗi người chúng ta thường uổng công tưởng tượng mình là một cái gì nguyên vẹn, nhất trí, một thực thể duy nhất trên đời. Có biết đâu là trong mỗi chúng ta có thể có hàng trăm hàng nghìn dáng vẻ khác nhau, và cái sự mâu thuẫn “đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”, nhiều khi không phải là vấn đề đạo đức mà là vấn đề bản năng, nghĩa là nó cứ bộc lộ ngoài ý muốn của ta, ta không sao kiểm soát nổi”. Những nhận xét này được viết ra dường như để dành riêng cho nhiều nhân vật của Nguyễn Tuân nói chung và Bạch của Quê hương nói riêng. Vâng Bạch ở đây thất thường quá, lạ lùng quá, Bạch vừa từng trải, vừa khờ khạo, Bạch khá sâu sắc song cũng khá nông nổi, Bạch cứng cỏi có nhiều phen đến sắt đá, song Bạch lại cũng là con người thật mềm yếu và dễ bị thương. Và thế là trong mọi hoạt động, trong cư xử, trong thái độ đối với bản thân và chung quanh , trước mắt chúng ta dường như có hai con người song song tồn tại: Một mặt, Bạch ham sống và thèm khát được sống hết mình, sống một cách thực cá nhân, không muốn quanh mình luẩn quẩn có ai. Mặt khác Bạch lại rất nhạy cảm với hạnh phúc gia đình và luôn luôn hiện ra như một con người được giáo dục kỹ lưỡng trong quan hệ với cha mẹ vợ con. Những lúc say sưa, cố nhiên Bạch tưởng chàng chỉ tha thiết trước hết với những vui buồn bản thân. Song chàng đã nhầm. Lúc tỉnh táo trở lại, Bạch biết rất rõ rằng chung quanh mình những người thân ấy có lẽ sống riêng của họ, và họ đều đáng yêu, đáng mến đến mức Bạch không quên tự nhủ là nên cư xử cho biết điều, đừng vì mình mà để cho họ phiền muộn. Vả chăng, chỉ ngay trong chuyện đi thôi thì ở Bạch cũng đã đầy những suy nghĩ tiền hậu bất nhất. Đúng là có lúc Bạch bảo đi chỉ để mà đi, đi để quên nơi vừa đi mà nhớ tới những nơi chưa tới, song chẳng qua đấy là những lúc hứng bất tử lên Bạch nói cho sướng miệng, bởi sau đó ngay giữa sân ga chàng lại rền rẫm lên rằng thật ra nếu đi không mục đích thì buồn lắm, người lãng tử thật sự chỉ đẹp trong những chuyến đi có mục đích trong lành! Bởi biết rõ Bạch chỉ là hoá thân của Nguyễn Tuân nên đọc đến đây, người ta có thể tự hỏi: thế thì trong Nguyễn Tuân giữa con người phóng túng cực đoan với con người biết điều nhạy cảm nghe được từng vui buồn thoáng qua trong một cái nhìn, một giọng nói , và luôn luôn biết tự điều chỉnh cho hợp với chung quanh, đâu là con người chân thực? Thưa: Nguyễn Tuân là cả hai con người ấy cộng lại, Nguyễn Tuân là cả sự thái quá, lẫn sự do dự của Bạch. Cái sợi dây làm nên mối quan hệ của Nguyễn Tuân với hoàn cảnh quanh ông thật dài, thật quanh co, nhưng bao giờ cũng là có, những chàng Nguyễn chàng Bạch của ông chưa bao giờ bứt ra khỏi nó, ngược lại phải nhận nó đã là một bộ phận của con người ông, đến mức thiếu nó đi, ông lại cảm thấy trống vắng. Chính cái cách quan hệ của Nguyễn Tuân với chung quanh như thế này sẽ là một nét tính cách đặc sắc quán xuyến trong con người ông, nó khiến cho nhà văn thường xuyên đầu hàng, do dự nhưng cũng chính nhờ có nó mà ông có chút gì đó gần với mọi người, và từ sau 1945 trở đi, trong một hoàn cảnh xã hội đổi khác, thì ông lại có thể trở thành một người viết văn cho khắp cả bạn đọc đông đảo, và bên cạnh đó, trong một thời gian dài, là một cán bộ văn nghệ vững chãi. Nhưng đấy là chuyện về sau. Trước mắt đặt trong hoàn cảnh văn chương tiền chiến, người ta thấy Nguyễn Tuân trong Tuỳ bút cũng như trong Quê hương đã đi được khá xa trong việc miêu tả con người đương thời. Bản thân ông là một hợp thể quy tụ khá nhiều ảnh hưởng. Và muốn lý giải con người ông được thấu đáo, không thể không viện dẫn đến những chuẩn mực văn hoá mà ông đã tiếp nhận.

Dưới ánh sáng của văn hoá

Sau các tập Tuỳ bút I và II và truyện dài Quê hương, Nguyễn Tuân còn tự trình bày về mình trong một sáng tác gần một trăm trang lúc đầu gọi là tiểu thuyết, sau chỉ để trống, thực chất cũng là một tuỳ bút kéo dài, ấy là Nhà Nguyễn. Như tên gọi của nó đã chỉ rõ, tác phẩm này dành để nói cuộc quay trở về của đứa con lưu lạc. Song, cái chuyện làm nhà ở đây, chỉ là một cái cớ để Nguyễn Tuân phác ra cái khung cho câu chuyện dễ theo dõi. Phần hấp dẫn nhất của Nhà Nguyễn là những đoạn Nguyễn Tuân trình bày một số nhận xét ngang ngược về người đời (như đoạn văn nổi tiếng giễu những kẻ ấm đầu chỉ thích được khen là có tài). Và điều thú vị hơn là ở cái hướng phát triển của tình thế: mặc dù đến cuối tác phẩm, nhân vật Nguyễn, có trở thành chủ nhân chính thức của ngôi nhà nhưng sự thực là chàng chẳng hề mang vợ con về đó sum họp và cuối cùng thì cái cơ ngơi mới được làm đó, lại sử dụng phí hoài là mang cho thuê. Còn nhớ, khi bắt buộc Nguyễn làm nhà, ông Tú Quán, thân sinh ra Nguyễn, đã đi tới một nhận định khá cơ bản về người con trai “thường sống một cách vô thường ngoài gia đình”, ông Tú “biết rằng mình vốn sinh ra nó nhưng thời đại mới chính là người định cho nó tất cả những tính nết kia”. Cái mà ông Tú kêu bằng thời đại ở đây, chính là lối sống mới, cách sống mới, sản phẩm của một nền văn hoá đang ồ ạt gây ảnh hưởng hồi ấy: văn hoá phương Tây. Khi đã buộc được Nguyễn trở về làm nhà, tức ông Tú đã qua mặt được thời đại, buộc thời đại phải khuất phục trước những truyền thống. Ngược lại, trong cái việc Nguyễn mặc xác cái nhà mới làm vẫn tiếp tục sống dông dài, lại có thể đọc ra một thông điệp ngược lại: cuối cùng thì nền nếp lại ở vào thế thất bại, không đủ sức đóng cương vào con ngựa đã đi hoang ấy nữa. Và gộp cả Quê hương lẫn Nhà Nguyễn lại, đã có thể rút ra một sơ đồ nhất quán về nhân vật chính trong Nguyễn Tuân: Luôn luôn tâm hồn chàng là bãi chiến trường, ở đó, hai khuynh hướng văn hoá trái ngược giao chiến với nhau, cuộc giao chiến ấy mãi mãi kịch liệt, tuy rằng phần thắng lợi bao giờ cũng thuộc về cái nền văn hoá đã hình thành nên trong lịch sử lâu dài của xứ sở, và đã hoá thành phần vô thức trong mỗi con người. Khi cái con người rất mực cá nhân chủ nghĩa ấy đã phải thống thiết mà kêu lên rằng “cái thân của mình đã không hẳn là của mình” tức chàng đã “tự đánh dấu” về cái nguồn gốc văn hoá sâu xa mà chàng hấp thụ từ nhỏ, còn cái khao khát tự do mà chàng học được ở phía trời tây chỉ là nằm ngoài tay với. Có điều lý do của sự dằng xé và bất lực của Bạch không phải nằm ở nhân cách chàng , mà xem ra là ở mối quan hệ phức tạp giữa kẻ trí thức này với hoàn cảnh, và suy cho cùng, trong sự đa đoan rắc rối của chính hoàn cảnh. Có lúc, hai nền văn hoá Đông và Tây đã gặp nhau, đã có một cuộc hôn phối tốt đẹp để rồi tạo nên một thứ con lai khoẻ mạnh, kết hợp nhuần nhị những ưu thế của mỗi bên. Song suy cho cùng giữa hai nền văn hoá xa lạ, vẫn chưa bao giờ có sự đồng nhất hoàn toàn, và những cá nhân đi tiên phong trong việc du nhập cái mới lạ của phương Tây vào với cái xã hội đậm chất phương Đông này, sẽ chỉ trở thành vật hy sinh cho những thể nghiệm phiêu lưu của họ. Không phải ngẫu nhiên, thoạt kỳ thuỷ, khi mới đăng báo, cuốn truyện có số trang dày dặn nhất này của Nguyễn Tuân, lại có cái tên là Thiếu quê hương. Quê hương đây không phải chỉ là bạn bè, gia đình, nhà cửa, quê hương đây, nên được hiểu là cả cái hoàn cảnh rộng rãi, nó cho phép cả những cá tính độc đáo nhất có dịp nảy nở. Nếu thiếu đi một hoàn cảnh cởi mở như thế tức không có một trường hoạt động khác đi về chất, thì mọi sự đổi mới và du nhập ảnh hưởng qua những tính cách lẻ tẻ rút cục trong chừng mực nào đó đều dẫn tới bi kịch. Và cái bi kịch đầu tiên ở một người quyết liệt như Nguyễn Tuân chính là là một sự dang dở. Nguyễn không bao giờ đi đến cùng trên con đường đã lựa chọn. Nguyễn nửa đường đứt gánh. Hiềm một nỗi nhìn cho rộng ra thì thấy tác giả Quê hương đâu có đơn độc trong sự dang dở đó. Người ta kể rằng W.Faulkner và M.Proust là hai nhà văn lớn có nhiều đóng góp vào việc hiện đại hoá văn xuôi. Tuy nhiên, đó là một người Mỹ, và một người Pháp. Cốt cách hai dân tộc này khác hẳn nhau, nên hai nhà văn lớn và có nhiều nét gần gũi trong tìm tòi cũng khác hẳn nhau. Nói như Sartre: “Faulkner là một gã tuyệt vọng và chính bởi y tuyệt vọng nên y liều, y đi đến cùng trong mọi suy tưởng của mình. Proust là một tay cổ điển và một người Pháp: bọn Pháp chỉ liều mình một cách tạm bợ và thế nào cũng tỉnh táo trở lại”.[1] Một sự biết điều lắm khi hoá ra nửa vời luôn luôn chi phối Nguyễn Tuân cũng có những lý do tương tự: Trước sau, ông vẫn là một hiện tượng của dân tộc này, ông thuộc về cái xứ sở chôn rau cắt rốn của ông chứ không thể và không bao giờ là một hiện tượng ngoại nhập! Vả chăng bao giờ cũng vậy, sự phân định ảnh hưởng không có nghĩa là đánh giá, trong nghệ thuật mỗi sắc độ có thể có một vẻ đẹp riêng, chỉ cần một ngòi bút biết mình ở vào sắc độ nào rồi tự tìm tòi, tự khai khai thác, để chín đẹp trong cái – sắc độ vốn có, ngòi bút ấy sẽ có được những sáng tác độc đáo không gì có thể thay thế. Quê hương chính là một trường hợp như thế. Sự dây dưa tình nghĩa có gây ra một chút nửa vời trong nhân vật Bạch, song về cấu trúc mà xét, chính nó làm nên giường mối chính của cuốn tiểu thuyết. Phải nhận Nguyễn Tuân đã thực là tài, khi, chỉ dựa vào sự dùng dằng lui tới của Bạch, mà đã kéo được liền liền mấy trăm trang sách, trong đó có những trang rất đẹp, và rất thực nữa. Người đọc Quê hương thường không bao giờ quên những đoạn Nguyễn Tuân tả một đêm gió ở vùng mỏ, hoặc những buổi chia tay ở sân ga, hoặc khung cảnh một huyện miền núi Thanh Hoá. Dưới con mắt của Bạch, cảnh vật hiện ra sinh động lạ lùng. Hoá ra, không ít thành kiến về Nguyễn Tuân xưa nay là lầm, con mắt ông không chỉ có màu khinh bạc, mà thực ra, là một cái nhìn quyến luyến với người, tha thiết với cảnh, kèm theo đó, là những ý nghĩ chân thành muốn cho chung quanh ngày một đẹp hơn, tốt hơn. Con người mỗi nhà văn nổi tiếng thường vẫn phong phú hơn nhiều so với những huyền thoại về họ mà người đời vẫn truyền tụng ./.

1996 


Vương Trí Nhàn – Lời giới thiệu viết cho Quê hương , truyện dài của Nguyễn Tuân , NXB Hải Phòng , 1996