Nguyễn Tuân (1910 – 1987)

Tôi gọi Nguyễn Tuân là nhà văn của hình dung từ. Khái niệm “hình dung từ” được tôi sử dụng để chỉ một thành phần cú pháp truyện kể. Trong cú pháp truyện kể, nó là vị ngữ, giữ chức năng tương đương một vị từ. Nó có nhiệm vụ gọi tên sự vật, mô tả đặc điểm, trạng thái của chủ thể, chứ không thông tin sự kiện. Vì thế, đây là bộ phận cơ bản làm nên nội dung của hình tượng truyện kể, hình tượng tác phẩm. Từ góc độ tiếp cận như thế, tôi rút ra nhận xét như sau. Đời văn của Nguyễn Tuân trải qua nhiều giai đoạn, ngòi bút của ông từng thử thách nhiều lối viết. Ông sáng tạo ra cả một kho hình dung từ phong phú đa dạng. Có điều, lối viết dù thay đổi thế nào, kho hình dung từ dẫu phong phú đa dạng đến đâu, thì hình tượng truyện kể của Nguyễn Tuân vẫn không vượt ra ngoài trường nghĩa của bốn phạm trù quen thuộc với mĩ học truyền thống phương Đông: kì – quái – chí – tuyệt. Nguyễn Tuân để lại hàng nghìn trang sách. Nhưng hàng nghìn trang sách ấy chỉ là chỉnh thể của bốn văn bản truyện kể. Trước Lột xác (1945), sáng tác của Nguyễn Tuân là sự triển khai của hai hình tượng truyện kể: kì nhân và kì thú. Kì nhân là truyện về nghệ nhân, nghệ sĩ. Kì thú là truyện về nghệ thuật. Sau Lột xác, sáng tác của ông cũng chỉ tập trung kiến tạo hai hình tượng: chúng ta và chúng nó; Tổ quốc và kẻ thù. Hai hình tượng này gắn với hai đề tài chủ chốt của nền văn học cách mạng Việt Nam giai đoạn 1945-1975: chiến tranh và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Với Nguyễn Tuân, kẻ thù là một lũ quái nhân, Tổ quốc ta là một kì quan tuyệt mĩ.

Ý đồ kiến tạo hình tượng Tổ quốc như một kì quan bộc lộ ngay trong cách đặt nhan đề hàng loạt tác phẩm của Nguyễn Tuân: Tháp rùa giữa rừng, Bến Hồ và làng tranh, Làng hoa, Trang hoa, Tờ hoa, Con hồ thủ đô, Đường lên Tây Bắc, Suối quặng, Vẫn cái tiếng dội Cà Mau ấy, Thăng Long cầu mới 15 nhịp, Mỏm Lũng Cú tột Bắc, Cánh B.52 rụng xuống một thôn hoa Ngọc Hà, Đất cùng trời toàn cõi ta từ đây xem như sạch hẳn bóng nó, Đèn điện phố phường Hà Nội vui sáng hơn bất cứ lúc nào…
Nguyễn Tuân thường nói tới chuyện sẽ “quay phim”, vẽ tranh, dựng áp-phích. Chẳng hạn, trong bài kí Người lái đò sông Đà, ông kể về dự định sẽ làm phim truyện, hoặc phim kí sự về sông Đà, và khi làm phim, thể nào “cũng phải đưa ông quay phim lên tàu bay”. Trong bài Đường lên Tây Bắc, ông nói tới cả chuyện quay phim lẫn vẽ áp-phích. Ông viết: “Bây giờ thì khác quá đi rồi. Cuộc đời có tổ chức, có trật tự, công khai có Đảng có kế hoạch, cuộc đời mới đang bén rễ đâm chồi mạnh, và nơi đây đang kết tinh nhiều giống hoa say nồng chưa nở một lần nào trên đồi lũng Thái Mèo. Trong tôi đang hình thành lên một tấm áp-phích đòi tuyên truyền bằng được cho Tây Bắc giàu có sáng tươi và hồn hậu. Tôi mong mỏi một cuộc thi vẽ tem dán thư. Tây Bắc đầy của chìm của nổi, với những con người bao đời chịu đựng thiệt thòi bất công, với những phong cảnh bao la một niềm lãng mạn xã hội chủ nghĩa, Tây Bắc xứng đáng in hình tem lên nhiều lá thư gửi tới ức triệu cánh tay miền ngược miền xuôi đang hào hứng lên đường xây dựng”. Ở một đoạn khác ông viết: “Mây ở đây xốp lên như bông, như len của Tây Bắc trong tương lai gần đây. Lúc này có phim màu đem ra mà quay dăm bảy chục thước ghép vào với một số cảnh sinh hoạt khác mà gửi đi dự thi quốc tế, nếu không được ăn giải thì chí ít cũng hấp dẫn cảm tình người xem đối với cảnh đẹp Tổ quốc ta yên vui lao động hoà bình”.

Chao ôi, Nguyễn Tuân hình dung được cả bông và len Tây Bắc trong tương lai cũng sẽ “xốp” như mây Tây Bắc! Việc chuyển đổi từ nhân vật qua cảnh vật, từ kì nhân sang kì quan không đơn giản chỉ là sự chuyển đổi đối tượng của cái nhìn mà là sự chuyển đổi nhãn quan giá trị và nguyên tắc thế giới quan. Khái niệm cảnh quan, kì quan ở đây vì thế không đồng nghĩa với bức tranh phong cảnh thiên nhiên. Nó là một hình dung từ, được sử dụng như một nguyên tắc tạo nghĩa truyện kể về kì quan Tổ quốc. Cấu trúc ngữ nghĩa của hình tượng kì quan Tổ quốc trong sáng tác của Nguyễn Tuân có gì đặc biệt? Đâu là lớp vị ngữ của truyện kể về kì quan Tổ quốc? Xin hãy nhìn vào tấm bản đồ Tổ quốc treo ở đồn biên phòng Tây Trang qua sự hình dung của Nguyễn Tuân: “Tôi nhớ lại cái bản đồ hình thể Tổ quốc Việt Nam treo trên tường đồn chính, ngay trên chỗ để cái đài cho anh em chiều chiều nghe cái tiếng dồn dập đi lên từng bước của Tổ quốc đang chuyển mình và mình mẩy Tổ quốc đang ánh lên cái màu mỡ của các cánh đồng thi đua sinh nở. Trên bản đồ hình thể có ruộng màu nâu non, có núi màu vỏ già, biển màu lam, sông ngòi màu xanh quan lục, đường trục màu đỏ gạch vừa ra lò, thấy cái tầm Tây Trang đây cũng ngang với cái vành khuyên thủ đô Hà Nội, đường bắc vĩ tuyến 21 kéo một vệt qua rừng Tây Trang, qua phố phường Hà Nội, qua những hòn đảo vịnh Hạ Long, qua cái vùng làm cá hộp, thứ cá bể sốt cà chua đóng hộp gửi thẳng lên đây cho anh em và đang xếp ở kho thực phẩm của anh nuôi dưới sân đồn kia. Cái vệt thẳng tắp trên bản đồ ấy từ rừng núi chỗ ta đóng, qua đồng bằng quê hương chúng ta, qua thủ đô rồi ra biển cả, vị chi là dài 600 cây số đường trường đấy các đồng chí ạ. Đủ thấy Tổ quốc ta là rộng, là đẹp, là đủ cả, và chúng ta được tự hào mà giữ gìn và phát triển cái cơ nghiệp mà dân tộc để lại từ bao đời nay” (Tây Trang).
Rất dễ nhận ra, trong ý thức nghệ thuật của Nguyễn Tuân, cấu trúc ngữ nghĩa của hình tượng kì quan Tổ quốc được kiến tạo trên bốn cột trụ: a) địa hình địa vật, b) phong cảnh thiên nhiên, c) tài nguyên khoáng sản, d) truyền thống cách mạng. Đọc tác phẩm của ông ta lại thấy, xoay quanh bốn cột trụ cấu trúc ấy là cả một hệ thống hình dung từ làm nên trường nghĩa của hình tượng: kì địa, kì phong, kì thủy, kì thanh, kì sắc, kì hình, tuyệt đỉnh, tuyệt vời, tuyệt mĩ…

Trong bài kí Đường lên Tây Bắc, Nguyễn Tuân kể thế này: “Đời sống Tây Bắc ngày nay là một tấm lòng tin tưởng không bờ bến, tin mình, tin người, mấy chục dân miền cao và đồng bằng tin cậy lẫn nhau và nhất là tin chắc vào cái chế độ đẹp sáng do tay mình đắp cao mãi lên trên chỗ cao nguyên tiềm tàng sức sống này”. Người Tây Bắc tin mình, tin người, yêu cuộc sống mới, chế độ mới như thế, vì nơi đây có một truyền thống cách mạng tuyệt vời. Trong Người lái đò sông Đà, Nguyễn Tuân rưng rưng một niềm tự hào: “Gặp lại những đồng chí Tây Bắc cũ lúc này đang làm kế hoạch, đang làm công trường, làm ruộng, làm nương xã hội chủ nghĩa ở Tây Bắc, tôi đi sâu vào một số tiểu sử cuộc đời hoạt động ở Tây Bắc mà tôi cứ nghĩ rằng đấy là những thỏi vàng của một khối vàng xã hội chủ nghĩa Đảng ta đem đầu tư vào Tây Bắc”.
Cũng như vậy, những trang văn của Nguyễn Tuân làm nổi lên một hình tượng Tổ quốc Việt Nam giàu có tuyệt đỉnh. Đọc văn ông, thấy khoáng sản nước ta chỗ nào cũng lộ thiên, đâu đâu cũng đầy những vàng nổi, vàng chìm, khai thác muôn đời không hết. Ông kể: “Nhiều người bảo tôi rằng dọc sông Đà, cứ bờ sông từ Mường Tè đến Vạn Yên, chỗ nào cũng có vàng cốm, nhỏ thì bằng gạo tấm, to thì bằng hạt ngô; có con vịt bầu mổ ra là lấy được trong mề mấy đồng cân vàng…” (Người lái đò sông Đà).
Những trang văn bay bổng nhất của Nguyễn Tuân là những trang mô tả kì quan đất nước từ góc độ địa hình, địa vật và phong cảnh thiên nhiên.

Trong sáng tác của ông, kì quan nào cũng là kì địa. Cà Mau là một kì địa. Nguyễn Tuân gọi đó là “ngón chân cái Tổ quốc chưa khô bùn vạn dặm” (Vẫn cái tiếng dội Cà Mau ấy). Cheo leo ở địa đầu phía bắc Tổ quốc, Lũng Cú là kì địa. Quỳnh Nhai, Than Uyên, Tây Trang đều là những kì địa. Ta nhận ra đó là kì địa, trước hết vì chỗ nào cũng được nhà văn mô tả như những “hiểm địa”, có thể gọi là “cực hiểm”, “chí hiểm”. Than Uyên ở vào vị thế “chí hiểm”, nó là một vùng “u uất quẩn gió”, gió cũng không có đường, chẳng biết đi lối nào. Chỉ cần nghe tên mấy cái đèo được Nguyễn Tuân nhắc tới trong Suối quặng, ta biết ngay Hà Giang là một kì địa: đèo “cổng giời Long Bánh Chè”, hoặc đèo “Con Ngựa Trụy Thai”… Người lái đò sông Đà được mở ra bằng câu đề từ: “Chúng thủy gia Đông tẩu. Đà giang độc Bắc lưu” – “Mọi dòng sông đổ về phía Đông. Riêng sông Đà chảy ở phía Bắc”. Câu đề từ tự nó đã giới thiệu về dòng sông như một kì địa. Hai bên bờ sông Đà vách núi dựng đứng, lòng sông có những quãng rất hẹp. Trên sông Đà có đến mấy trăm thác nước, riêng đoạn đầu nguồn, từ chỗ dòng sông đổ vào Việt Nam, thác nào cũng hung hiểm. Sau thác nước và những cái hút nước khủng khiếp chết người là “thạch trận” với đủ “cửa sinh”, “cửa tử” và các ngón “võ”, nào “đòn âm”, “đòn gió”, “đánh vỗ mặt”, “đánh vu hồi”, “túm thắt lưng”, “thúc hạ bộ”… giăng ra khắp nơi, rình rập sự sống của con người.

Nguyễn Tuân thường “mượn oai” của thần gió và thần nước để mô tả các kì địa như những hiểm địa. Âm thanh thác nước trong bài kí Người lái đò sông Đà thực sự là một thứ kì thanh, kì âm: “… Còn xa lắm mới đến cái thác dưới. Nhưng đã thấy tiếng nước réo gần mãi lại réo to mãi lên. Tiếng nước thác nghe như là oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo. Thế rồi nó rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu rừng tre nứa nổ lửa, đang phá tung rừng lửa, rừng lửa cũng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng…” (Người lái đò sông Đà). Gió bão ngoài Cô Tô (Cô Tô), gió Lào ở Thanh Hoá (Gió Lào), hay gió ở Than Uyên (Gió Than Uyên) thực sự là những kì phong.

Đọc văn Nguyễn Tuân, thấy kì quan, một mặt là kì địa, hiểm địa, mặt khác lại là những công trình mĩ thuật tuyệt đỉnh, tuyệt vời. Có một thời, Chế Lan Viên nghe thấy Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát, Tố Hữu nhìn thấy Nước non mình đâu cũng đẹp như tranh. Trong cái nhìn của Nguyễn Tuân, “hoa” và “thơ Đường”, một công trình nghệ thuật tuyệt đỉnh của tạo hoá và một công trình nghệ thuật tuyệt đỉnh của con người, trở thành biểu tượng của trạng thái nhân sinh. Đó là những hình dung từ thường xuyên được ông sử dụng để tạo nghĩa cho hình tượng kì quan Tổ quốc. Với Nguyễn Tuân, một cánh đồng muối, một người phụ nữ cho con bú trong nhà hộ sinh, màu vôi trắng của nhà ở hoà quyện với màu xanh phủ khắp đất nước cũng làm thành một Trang hoa. Ông gọi con đường mới mở ở Tây Bắc là Một bài thơ Đường. Ông thấy màu nước sông Đà ánh lên “màu nắng tháng ba Đường thi”. Trên những trang văn của ông, đất nước ta, mỗi con người là một “bông hoa”, đâu đâu cũng là những “làng hoa”, “tờ hoa”, “trang hoa”, “vườn hoa”… Tây Bắc là một Tờ hoa và “Việt Nam là cái vườn đẹp trên đó nở rất nhiều hoa, ra rất nhiều trái”. “Tây Bắc cũng là một cái vườn hoa trong đó mỗi dân tộc của mấy mươi dân tộc ít người là một giống hoa đượm nhiều màu sắc. Và chế độ cộng hoà dân chủ chúng ta giống như một người làm vườn khổng lồ vô cùng nhân ái đang ra công vun xới cho khu vườn Tây Bắc nở thêm nhiều hoa và hoa Tây Bắc phải kết nhiều trái quả” (Xoè).
Nguyễn Tuân sử dụng điêu luyện các “ngón nghề” của điện ảnh, hội hoạ, tạo ra những cảnh tượng kì hình, kì sắc để lột tả vẻ đẹp tuyệt đỉnh, tuyệt vời của các công trình mĩ thuật mà tạo hoá ban tặng cho con người. Qua con mắt hội hoạ của ông, “Con sông Đà tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban, hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân” (Người lái đò sông Đà). Ông nhìn thấy màu nước sông Đà thay đổi theo mùa: “Mùa xuân dòng xanh ngọc bích, chứ nước sông Đà không xanh màu xanh canh hến của sông Gâm, sông Lô. Mùa thu nước sông Đà lừ lừ chín đỏ như da một người bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bực bội vì mỗi độ thu về…” Trên trang văn của Nguyễn Tuân, sông Đà không chỉ là vùng kì địa, là thế giới kì sắc, kì thanh, mà còn là dòng chảy của những bước nhịp kì thú, khi thì gấp gáp, cuồn cuộn, sôi réo, lúc êm ả, chậm rãi, thong dong: “Thuyền tôi trôi trên dòng sông Đà. Cảnh ven sông ở đây lặng lờ. Hình như từ đời Lý đời Trần đời Lê, quãng sông này cũng lặng lờ đến thế mà thôi. Thuyền tôi trôi qua một nương ngô nhú lên mấy lá ngô non đầu mùa. Mà tịnh không một bóng người. Cỏ tranh đồi núi đang ra những nõn búp. Một đàn hươu cúi đầu ngốn búp cỏ tranh đẫm sương đêm. Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa…”

Theo tôi, nhiều nét phong cách của Nguyễn Tuân là sản phẩm của cách mạng và phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa. Không tựa vào sức mạnh của phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa, ông khó có thể viết những trang văn tài hoa như thế

 

Theo Lã Nguyên – VNQĐ

Exit mobile version