Tôi gặp Nguyễn Trung Đức lần đầu tiên tại Tạp chí “Văn nghệ Quân đội” đầu năm 1981. Qua mọi người, Trung Đức gặp tôi bắt tay vồn vã: “Mày là tác giả bài thơ “Với Alejo Carpentier” à?”.
Tôi vui một cách ngỡ ngàng vì chẳng biết người có thịnh tình với mình là ai cả. Nhạy cảm trước ngỡ ngàng của tôi, anh cười và nói: “Tao là Nguyễn Trung Đức, nghiên cứu văn học Châu Mỹ Latin ở Viện Văn học”. Tôi “à” lên một tiếng! Vậy là biết tên nhau mà chưa gặp mặt. Không đọc “Sự tráo trở của phương pháp” qua bản dịch của anh thì làm sao có được bài thơ “Với Alejo Carpentier”. Tuần nào tôi cũng ghé qua Trung Đức uống rượu. Khi thì gặp Vũ Duy Thông – bạn học của anh hồi Tổng hợp Văn, cũng làm thơ như tôi. Khi thì tôi và Trần Vũ Mai mò đến lúc đã say khướt quấy phá anh vì anh và Mai cũng là dân Tổng hợp Văn cả. Trung Đức khoe đang dịch một quyển cực hay của G. Marquez “Trăm năm cô đơn”. Thế thì tuyệt vời quá! Trung Đức cười phá lên. Anh có nụ cười thật hồn nhiên với giọng cười trầm ấm. Dân Phú Thọ nhưng nhiều năm học Văn học Châu Mỹ Latin ở Cuba, khiến anh luôn có một ứng xử vừa thân thiện, vừa lịch sự. Vợ anh – cô Thanh – lại làm ở Viện Quân y 108. Hai đứa con gái bé lít nhít vui đùa tung tăng trên sàn nhà gỗ ở căn gác số 8 Tràng Tiền. Láng giềng của anh, anh Si làm công an, tính tình cũng cực tếu. Vài ba chén rượu là bay bổng cả lũ. Biết tôi ở cùng chung cư Hàng Bông với nhà phê bình văn học Ngô Thảo, anh cũng hay ghé qua chơi. Khi thì trên nóc gác nhà tôi, khi thì ở nhà Ngô Thảo. Vô tư là vậy nhưng Trung Đức hay nói với anh em những câu dịch của anh. Cái này nghĩa nguyên bản thế này, tao dịch thế này có sát không, có Việt hóa không. Có lẽ đấy là phẩm chất dịch thật của một dịch giả chân chính.
Ảnh: Nguyễn Đình Toán.
Mùa hè 1982, Hà Nội nóng như thiêu. Anh em thì mải mê vụ World Cup ở Tây Ban Nha. Thế mà Trung Đức thì cứ áo may ô trần thân lọ mọ với “Trăm năm cô đơn”. Một hôm anh đưa cho tôi tập bản thảo đánh máy trên giấy đen nhờ nhờ. “Mày đọc rồi trao đổi với tao nhé”. Thú thực, ở tuổi trẻ lúc ấy, tôi đọc bản dịch của anh mà lúc nào cũng thấy thèm uống rượu và làm chuyện chăn gối. Chỉ có bà vợ trẻ của tôi là sung sướng vì thấy chồng liên tục quan tâm, chả kể thời gian sáng tối. Đọc đi thì thế, đọc lại thì thấy nhờ Trung Đức mà càng kính trọng tầm tư tưởng của G. Marquez. Cảm giác rất giống như khi đọc “Chuông nguyện hồn ai” của E. Hemingway, “Miền đất hung bạo” của G. Amado… Sau “Chủ nghĩa hiện thực vô bờ bến” của Garaudy, thấp ngợp với “Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo” của Châu Mỹ La tinh. Quan trọng hơn là Trung Đức còn từng nói với tôi về “Thơ đồng hiện” của Octavio Paz. Bài thơ “Những giọt mưa đồng hành” của tôi được viết và sau đó được giải thưởng báo “Văn Nghệ” là nhờ thấm thủ pháp đồng hiện này. Và tôi vẫn theo đuổi nó đến tận bây giờ.
Đọc “Trăm năm cô đơn” thì thấy hay như thế, nhưng làm sao xuất bản được đấy là cả một vấn đề lớn lúc đó. Dần dà, các bạn tôi như Thanh Thảo, Thái Bá Lợi ở miền Trung ra. Gặp nhau là thấy thân thiết ngay. Trung Đức đặc biệt thân với Thanh Thảo. May sao lúc đó, Nhà xuất bản Đà Nẵng ra đời. Một cuộc họp cộng tác viên được Nhà xuất bản tổ chức sang trọng ở khách sạn Dân chủ do kế toán trưởng Nguyễn Đức Hùng cân đối kinh phí. (Nguyễn Đức Hùng sau đấy ít thời gian đi học trường Báo chí xuất bản nên đã bỏ cái bằng Kinh tế tài chính mà theo nghiệp viết văn trở thành nhà văn Đà Linh). “Trăm năm cô đơn” là mẻ sách đầu tiên của Nhà xuất bản Đà Nẵng vừa thành lập. Sách in bằng giấy đen nhưng quý vô cùng. Chuyên tâm của Trung Đức đã thực sự được khơi nguồn. Ngay trong năm ấy, Nhà xuất bản Mũi Cà Mau cũng ấn hành cuốn “Pedro Paramo” của Juan Ruflo do anh dịch. Một cuốn sách độc đáo của một tác giả độc đáo và chỉ viết độc nhất một cuốn tiểu thuyết mà ở đấy sự huyền ảo đan chéo, kén dày đến mức đọc hay tới tức thở. Đọc xong cuốn ấy thì cũng vừa đón World Cup 1986 tại Mexico.
Lúc này, nhà Ngô Thảo đã có ti vi màu. Vừa cuồng nhiệt với những trận cầu, vừa ngả mũ kính chào đất nước Trung Mỹ đã sinh ra một văn tài “số dzách”. Nhưng quan trọng hơn đấy là năm khép lại thời quan liêu bao cấp và mở ra thời kỳ đổi mới. Các nhà xuất bản địa phương đua nhau ra đời. Trung Đức làm việc dịch thuật vừa sung sướng và bơ phờ. Khi ấy, nhà tôi và nhà anh là nơi tụ quần những anh em Việt kiều tâm huyết và yêu văn chương như Lương Châu Phước, Bùi Văn Nam Sơn, Bạch Thái Quốc, Nam Dao… Hăng hái đổi mới đã khiến chúng tôi gạt bỏ hẳn sự sợ hãi vốn bao trùm suốt thời bao cấp. Những phát ngôn về “Chủ nghĩa hiện thực phải đạo” của Hoàng Ngọc Hiến, “Một nửa cái bánh mỳ là bánh mỳ, nhưng một nửa sự thật là sự giả dối” của Ngô Thảo và đặc biệt là bài “Lời ai điếu cho một nền văn chương minh họa” của nhà văn Nguyễn Minh Châu đã hòa điệu cùng với những bản dịch mới mẻ của Nguyễn Trung Đức tấu lên bản nhạc cho thời kỳ văn học mới với sự xuất hiện của Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài… và sau đó là “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh, “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của Nguyễn Khắc Trường, “Bến không chồng” của Dương Hướng… Những ngày đại hội Nhà văn cuối năm 1989, nhà Trung Đức là nơi tập trung nhiều anh em cùng chí hướng đổi mới, lúc nào cũng người ra người vào tấp nập khiến Thanh Thảo phải đặt tên là “Khách sạn Thanh Thanh”. Ông chủ lúc nào cũng cười sảng khoái, còn bà chủ thì tối mắt tối mũi phục vụ cơm nước đám bạn “bất hảo” của chồng. Chính ở đây, Trúc Thông đã xuất thần hai câu thơ cực hay: “Linh hồn là giọt rượu/ Văng quay trong tiếng đàn”. Chính ở đây, Thanh Thảo và tôi cùng anh Phạm Vĩnh Cư (lúc ấy nhà anh Cư ở đối diện nhà Trung Đức) đã hoàn thành bản dịch thơ B. Pasternak đầy ngẫu hứng và bay bổng: “Khi cảm xúc bức ta viết một dòng thơ/ Là khi nó ném lên đấu trường một tên nô lệ/ Chính ở đấy sự sống tắt bất ngờ – Chỉ còn số phận và đất thở”. Chính ở đây, Nguyễn Duy đọc to bài thơ viết rất hài hước về Đại hội Nhà văn lần thứ 4… Kỷ niệm cứ dày lên, cứ xen chất căn nhà nhỏ bé của một trái tim nhân hậu như Trung Đức. Những tác phẩm dịch của Trung Đức cứ ào ạt được ấn hành. Đấy là hạnh phúc lớn lao mà không phải nhà dịch thuật nào cũng có được. Bè bạn trong vòng tay anh và anh trong bàn tay bè bạn.
L. Borges nói: “Thời gian khác đồng tiền là ở chỗ, đồng tiền nào cũng giống nhau, nhưng thời gian thì khác nhau từng khoảnh khắc”. Không chỉ khác, thời gian còn có sức tàn phá lớn hơn cả bom nguyên tử. Biến một hoa khôi thành một “bà còng đi chợ đường xa” thì chỉ có thời gian mới làm nổi. Làm với tất cả, không chừa ai, nhưng làm với Trung Đức thì sớm quá. Sớm đến nhói lòng. Không thể ngờ anh vừa tươi vui khi đi dự hội thảo quốc tế về văn học Châu Mỹ Latin ở Colombia về ít lâu, bạo bệnh đã ngấm dần trong anh khiến anh yếu hắn. Sức khỏe thì giảm sút nhưng sức kiên cường chống đỡ của Trung Đức thì thật đáng nể phục. Anh vừa xạ trị, vừa điều trị bằng thuốc nam do bạn bè mách bảo rất kiên trì. Mùa thu 1998, tôi và Đà Linh còn đưa anh tới tận Kiến Thụy – Hải Phòng cắt thuốc. Cũng là cố gắng hết mức thôi. Ai cũng thừa biết “chữa được bệnh chứ không chữa được mệnh”. Di chứng ủ từ những ngày chiến tranh dấn thân ở Trường Sơn với tư cách phóng viên Thông tấn xã đã bắt đầu nhe nanh, nhe vuốt với dịch giả “Tình yêu thời thổ tả” nổi tiếng của G. Marquez.
Có bạn bè vây quanh, Trung Đức không sợ chết. Anh cảm thấy đã mãn nguyện về những ngày tháng cống hiến hết mình để bắc một cây cầu văn học giữa Việt Nam với Châu Mỹ Latin. Nhà văn Trần Hoàng Bách chạy đua với thời gian để có thể ấn hành cuốn tuyển tập của L. Borges cho Trung Đức được nhìn thấy công trình cuối cùng của anh để lại cho đời.
Những ngày cuối của Trung Đức quả là những ngày dài đến ghê rợn trong cơn đau u ác tính. Giữa tháng 12.1999, Thanh Thảo kịp ra thăm anh từ Quảng Ngãi. Cuộc chia tay thật xót xa. Tất cả đều im lặng nghẹn ngào. Có vết đau nào đó chợt xé ra tận đáy lòng. “Tuyển tập L. Borges” vẫn chưa thể nào in xong.
Chiều cuối năm 2000, tôi và Nguyễn Thế Khoa đến thăm anh. Không ngờ đấy là lần gặp nhau cuối cùng. Nắm chặt bàn tay xương xẩu của anh, tôi nói: “Cứ sống đến tận cùng nhé”. Trung Đức nhìn tôi rất lâu và nhoẻn một nụ cười nhẹ nhàng. Sáng hôm sau, sáng 1.1.2001, bước sang thế kỷ mới và thiên kỷ mới, “Thần thái chuyển ngữ” Nguyễn Trung Đức đã bay về cõi Thiên Thai. Anh thường nói: “Chỉ khi nào đóng nắp ván thiên, cuộc đời mới biết người ở dưới nắp ván thiên chính xác thế nào”. Nhưng với bạn bè chẳng cần đến khi đó. Trung Đức mãi mãi là Nguyễn Trung Đức – một dịch giả dịch thật.
Theo Nguyễn Thụy Kha – Lao động cuối tuần