Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đón nhận giải thưởng Nhà nước do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng. Ảnh: Đỗ Hiếu
PV: Việc trao giải thưởng Nhà nước lần này cho Nguyễn Trọng Tạo được nhiều người xem như là tôn vinh con đường dấn thân đổi mới thơ của anh. Vậy nhưng có một thời, anh dường như là người lẻ loi?
Nguyễn Trọng Tạo (NTT): Điều đó không sai. Không chỉ lẻ loi đâu mà còn là tai họa. Khi bài thơ Tản mạn thời tôi sống in ra, tôi còn bị điều chuyển từ Hà Nội vào Quân khu 4, phải bỏ dở chương trình học ở trường viết văn Nguyễn Du và biết bao hệ lụy khác. Nhưng may sao, đó chỉ là ấu trĩ một thời.
PV: Đổi mới thơ đối với anh bắt đầu từ bao giờ? Đó là một nhu cầu tự thân hay có một động lực nào khác?
NTT: Tôi thuộc thế hệ những nhà thơ chống Mỹ. Thời đó thơ đi nhiều vào đời sống kháng chiến, với hình tượng người anh hùng. Hết chiến tranh, dòng thơ tụng ca vẫn còn tiếp diễn. Tôi bắt đầu cảm nhận được thơ tụng ca đã dần xa lạ với cuộc sống lầm lụi của mỗi người. Vì vậy, từ năm 1979 tôi đã chủ trương một lối “thơ đời thường”. Khi chủ trương như thế nghĩa là kéo những cái gì của đời sống về gần với thơ ca, chống lại những gì lý tưởng hoá quá khiến thành viển vông. Trong nhiều bài thơ, tôi đề cập đến những vấn đề gần gũi với đời sống thường nhật. Dịp đi ngược những dòng người chạy giặc, lên Cao Bằng khi chiến tranh biên giới còn nồng nặc thuốc súng và xác chết, tôi đã viết những câu thơ có tính tuyên ngôn thế này:
“Thơ bây giờ không phải ở trên cao
Bay lượn màu mè như bóng thả
Để mỏi mắt em nhìn còn xa lạ
Lúc quay về mưa nắng chẳng gì che.”
Sự làm thơ đời thường đã kéo nhà thơ xích lại gần với con người, gần với sự thật hơn. Và nếu đi đến tận cùng sự thật thì thơ lại có một đời sống trên cả hiện thực. Đó là khi đời sống được nhìn bằng con mắt thứ ba để phát hiện ra bản chất sâu thẳm của hiện thực. Đó cũng chính là đổi mới. Đổi mới tự thân. Không ai có thể bắt nhà thơ đổi mới, trừ khi anh ta tự thấy phải làm mới mình, phải thoát khỏi con đường cũ kỹ chẳng dẫn đến một cái gì sáng sủa. Tất nhiên, đổi mới thế nào, đổi mới từ đâu lại là một vấn đề rất khó. Nhà thơ phải dấn thân tìm đường và phải biết chấp nhận thất bại.
PV: Bài “Tản mạn thời tôi sống” của anh đến bây giờ vẫn được rất nhiều người đọc tâm đắc. Có nhà phê bình đã gọi anh là người tiền trạm của văn học đổi mới. Sự đổi mới trong bài thơ này, nói một cách ngắn gọn nhất là ở khía cạnh nào?
NTT: Ở cách nhìn hiện thực và ở chất liệu trong thơ. Trước đây người ta nhìn hiện thực thiên về khía cạnh tốt. Người ta ca tụng thần tượng. Người ta lý tưởng hóa đời sống. Những năm 80 của thế kỷ trước, đời sống đã có nhiều khó khăn và thất vọng. Bài Tản mạn thời tôi sống là một cách nhìn khác, một sự nhận thức lại đời sống hiện thực của đất nước, một cách nhìn đưa người đọc đến với sự thật và những tâm sự ngổn ngang, không ít hoang mang thời bấy giờ. Bài thơ nói hộ cho nhiều người đương thời những tâm sự và bức xúc mà không dễ nói, thậm chí không được nói. Trong bài thơ cũng có nhiều yếu tố mới mẻ về giọng điệu, nhất là chất liệu thơ. Ở đây người ta không thấy giọng tụng ca hào sảng, người ta thấy giọng tâm tình, một tâm sự về thế cuộc. Còn chất liệu thơ thì gắn với đời thường, với hiện thực bộn bừa của những năm 80 thế kỷ trước.
PV: Bài thơ “Tản mạn thời tôi sống” đổi mới về cách nhìn hiện thực và chất liệu thơ, nhưng về hình thức câu thơ, kết cấu đoạn thơ thì vẫn dựa trên cái nền truyền thống. Vậy từ khi nào anh nghĩ đến việc cần phải tìm ra một hình thức mới cho thơ?
NTT: Sau 1975 ngoài sự nôn nóng thay đổi về thi pháp, chính tôi là người muốn thay đổi ngay về tư tưởng trong thơ, tất nhiên không phải theo cách áp đặt, anh muốn tư tưởng là có tư tưởng. Từ cuối những năm 70, thơ tôi đã động chạm đến rất nhiều thứ. Khi chủ trương thơ đời thường, tôi đã có độ lùi để xem lại giá trị của cái tháp nước, nếu mở vòi nước ra mà có nước thì đấy mới là cái tháp nước, còn nếu anh mở vòi nước ra mà không có nước thì nó chẳng có ý nghĩa gì, nó không phải là cái tháp nước. Cũng như cả một cơ chế bên trên, chỉ có ý nghĩa khi nó thiết thực với cuộc sống của cộng đồng mà nó đại diện. Tư tưởng này cũng là sự hợp lý, biện chứng thôi, nhưng từ lâu chúng ta đã quá quen một lối nhìn xuôi chiều, bây giờ nhìn ngược lại mới tạo ra được cách nghĩ mới, tư tưởng mới. Hay đến một bài khác: “Tản mạn thời tôi sống”, tôi đã đặt những vấn đề thời đại: “thời tôi sống có bao nhiêu câu hỏi, câu trả lời thật không dễ dàng chi”. Lúc ấy người ta cứ tưởng đã trả lời được hết thảy các câu hỏi của cuộc sống, nhưng câu thơ của tôi xuất hiện, đã lật lại vấn đề hoàn toàn khác. Và đến câu “như con chiên sùng đạo chợt bàng hoàng – nhận ra chúa chỉ ghép bằng đất đá”… thì tư tưởng cảnh báo thần tượng đã thức tỉnh sự u mê của mọi người: các thần tượng hãy coi chừng, thần tượng luôn thay đổi và hãy nhìn lại đời sống thật của mình, hãy biết khát khao đời sống lớn hơn. Đến bài “Nhịp điệu Tây Nguyên”, tôi lại kêu gọi sự phá vỡ khuôn khổ gò bó con người: “Ta thoát khỏi ta – như đứa trẻ thoát áo quần quá chật”… Đến tập “Sóng thuỷ tinh” và tập “Thư trên máy chữ…” là cả một sự trăn trở kinh hoàng để nêu ra tư tưởng phản kháng với loại nghệ thuật mơn trớn sự giả dối một cách mạnh mẽ: “rồi một ngày giả dối sẽ nổ tung – bởi những hạt-sự-thật… và khi ấy những câu hỏi bây giờ – được thay thế bằng những câu hỏi khác“. Đấy là thời thơ tôi không chỉ là cái nhà quê mà còn muốn đưa một đời sống hiện đại, một quan niệm hiện đại vào thơ, vì chúng ta đang sống ở thời hiện đại và thơ chỉ cần mang chất xa xăm của tâm linh nhà quê. Thời ấy làm như vậy cũng là một sự tìm tòi đầy can đảm. Bởi thơ không chỉ thay đổi hình thức cho hiện đại mà chính nội dung của nó cũng phải hiện đại, phải rất mới.
Đổi mới hình thức thơ thì có kiểu đổi mới theo phương Tây, cũng có kiểu đổi mới theo phương Đông. Những đòi hỏi về cách tân hình thức thơ đeo đẳng trong tôi, mọi cánh cửa đều mở rộng cho sự tìm tòi.Sóng thuỷ tinh có nghiêng về đổi mới theo kiểu phương Tây. Nhưng sau đó lại khác, tôi đã có sự “nhận thức lại”: phải làm mới thơ bằng tư duy phương Đông và ngôn ngữ của chính dân tộc mình.
PV: Tập “Đồng dao cho người lớn”, cùng với “Trường ca Đồng Lộc” (Con đường của những vì sao) của anh được trao tặng giải thưởng Nhà nước đợt này. Đó là 2 tập thơ tiêu biểu cho phong cách của anh?
NTT: Tôi đi từ truyền thống của thơ chống Mỹ và sau đó hòa vào dòng chảy của công cuộc đổi mới. Hai tập thơ này có thể nói, thể hiện khá rõ những nét đặc trưng trong phong cách thơ tôi. Trường ca Đồng Lộc trữ tình, bi tráng, tiếp tục thi pháp thơ chống Mỹ. Đồng dao cho người lớn là kết quả của sự tòi đổi mới thơ ở cả nội dung và hình thức. Đó là thời tôi ở Huế, tự nhiên trong không gian khói sương của tâm thức Huế, thơ tôi có sự chuyển lớn, ngôn ngữ mờ nhoè đi rất nhiều, dù tư tưởng vẫn quyết liệt như trước, nhưng chạm tới bản chất hơn: “có câu trả lời biến thành câu hỏi“. Thơ giai đoạn này có vẻ “thiền” hơn, nó hướng tới những “trạng thái sống” huyền bí và xa xăm. Và tôi cũng bắt đầu quan tâm tới vấn đề tình dục là một vấn đề rất lớn và rất tế nhị của thơ. Tôi viết về vấn đề này thường kín đáo kiểu phương Đông như: “anh nín thở đến tột cùng máu ứa – cột lửa phun nham thạch phì nhiêu – rồi chết lịm trong vỗ về mơn trớn – mười ngón dài thon của gió chiều”, chứ không viết rõ ràng như lớp trẻ sau này. Có thể nói thế này, nếu người ta nhìn Huế như một kinh thành ánh sáng, thì tôi nhìn nó trong sự bí ẩn của bóng tối. Tôi nhìn từ phía bóng tối, nên thơ tôi thường chứa đựng tinh thần phản kháng, đôi khi xa lạ với dòng thơ chung.
PV: Đến “Đồng dao cho người lớn”, thơ anh có những biến đổi rõ rệt từ giọng điệu đến hình thức thể hiện. Sao anh lại chọn lối đồng dao và hiện đại hóa nó mà không phải là con đường khác?
NTT: Đồng dao là những bài hát của trẻ con. Bản thân nó có tính nhạc rất mạnh, dễ đi vào lòng người và nội dung đồng dao cũng rất phong phú với những trường liên tưởng liên tục được mở rộng. Như đã nói, trong quá trình trăn trở tìm ra một lối thơ mới, dần dần, sau những thể nghiệm, tôi đã chọn hướng về thơ ca phương Đông, mà cụ thể hơn trong tập này là tạo ra những bài thơ mới trên nền tảng truyền thống của đồng dao, lục bát – thơ nhịp chẵn. Tôi thừa kế ở đó cách sử dụng nhịp chẵn, ý thơ và nhạc thơ hoạt. Trên cái nền đó là nội dung cấu trúc mới giàu tính suy tưởng và ấn tượng, đổi mới cách sử dụng từ ngữ, tạo ra độ nhòe mờ của ngôn ngữ thơ hiện đại – thứ ngôn ngữ giàu ẩn dụ và cảm giác.
PV: Khi xuất bản, tập thơ được đánh giá thế nào, thưa anh?
NTT: Khá nhiều các nhà thơ lớp trước, trong đó có Nguyễn Đình Thi, Vũ Cao và các bạn thơ thời chống Mỹ của tôi như Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Thảo… đều đánh giá tốt. Nhiều nhà nghiên cứu coi tập thơ là một tìm tòi độc đáo. Anh Phạm Tiến Duật thì khẳng định: “Tôi tin tập thơ này sẽ đi vào đời sống, và sống lâu với người đọc”.
PV: Tập thơ “Nương thân” sau đó cũng tiếp tục cái đà của “Đồng dao cho người lớn”?
NTT: Tập thơ đó là sự kế tiếp và hoàn thiện những gì đã đặt ra trong các tập thơ trước từ vấn đề đổi mới chất liệu, nhạc điệu và giọng điệu thơ, việc sử dụng nhịp chẵn với một thi pháp riêng.
PV: Anh có một mảng thơ tình rất trẻ trung và phong phú. Việc cách tân trong thơ tình có đặt ra với anh không?
NTT: Việc đổi mới cảm xúc, quan niệm về tình yêu, nhìn tình yêu một cách toàn diện hơn, vượt thoát những cấm kỵ, những thành kiến cũ là điều tôi vẫn thường quan tâm thể hiện trong mảng thơ tình. Tập thơ Em đàn bà thể hiện khá rõ điều đó.
PV: Ngoài việc đổi mới chất liệu, đổi mới hình thức thơ, anh còn là một nhà thơ cổ vũ quá trình cách tân thơ Việt Nam. Nhiều người nói rằng, thời kỳ đầu làm thơ của họ đã được anh động viên rất nhiều.
NTT: Đổi mới là con đường sống của thơ. Đổi mới luôn khó khăn, có thành có bại, nhưng không thể không đổi mới. Thời kỳ những năm 90 của thế kỷ trước, đã xuất hiện những cây bút có cá tính như Văn Cầm Hải, Ly Hoàng Ly, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh… Là một người đi trước, tôi đã nhận ra khả năng mạnh mẽ của các cây bút trẻ này, và cổ vũ họ. và. Tôi rất vui khi phát hiện ra tài năng của họ. Những nhà thơ trẻ ấy nay đã trở thành những tên tuổi, đóng góp cho nền văn học nước nhà.
PV: Thơ Việt Nam ngày càng phong phú, đa dạng. Có thể nói, đến bây giờ đã xuất hiện một dòng thơ mới với những dấu hiệu nghệ thuật khác trước. Nhưng hình như, thơ đổi mới còn nhiều bất cập, tiềm ẩn những nguy cơ vượt quá những ranh giới cần thiết và xa lạ với công chúng. Anh nghĩ sao về vấn đề này?
NTT: Thơ đổi mới có thành tựu của nó. Điều đó không thể phủ nhận. Tuy nhiên, một số tác giả có nguy cơ hạ thấp tính thẩm mỹ trong thơ, một số khác đi quá vào con đường rắc rối, bí hiểm, lại có số khác nhân danh đổi mới nhưng thực ra không nắm vững căn bản, chưa thoát được tính nghiệp dư. Vì thế, thơ đổi mới hiện nay đang bừa bộn, đứng trên nhiều ngả đường và không ít sai lầm, thậm chí có xu hướng nhầm lẫn, đánh mất vẻ đẹp của ngôn ngữ Việt. Nhưng chúng ta vẫn phải tin, thơ vẫn đang chuyển động, đang thoát hiểm khỏi sự bế tắc để mở ra với thế giới rộng lớn.
PV: Xin cảm ơn anh về cuộc trao đổi thú vị này!
Tập “Đồng dao cho người lớn” là một nỗ lực lớn của Nguyễn Trọng Tạo trong việc xác lập giọng điệu và thi pháp thơ của riêng mình. Người ta thấy cảm xúc của nhà thơ lặn sâu vào bên trong, câu thơ hoạt, chủ yếu sử dụng nhịp chẵn, ngắn và biến hóa liên tục, thủ pháp điệp và đảo ngữ sử dụng tự nhiên, điêu luyện, nhiều lúc đạt đến độ thần tình. Dù sự cách tân này dựa trên các loại thể đồng dao dân gian, song cái đặc biệt của nó là ở chỗ tác giả một mặt vẫn giữ được nhạc tính tràn đầy, sự hồn nhiên trong biểu đạt, đồng thời vươn tới chiều sâu triết lý, gợi mở nhiều vấn đề nhân sinh thời hiện đại và mở ra những liên tưởng bao la với những câu thơ bừng lóe ánh sáng của một tâm hồn sáng tạo. Kỹ thuật sử dụng đảo ngữ biến đổi nhạc thơ, làm mới hình ảnh và ý tưởng thơ đã trở thành một đặc sản riêng của Nguyễn Trọng Tạo trong tập thơ này. Và đúng như một số nhà nghiên cứu đã nói, đến “Đồng dao cho người lớn” Nguyễn Trọng Tạo đã hiện rõ một phong cách độc đáo trong bản đồ thơ Việt cuối thế kỷ hai mươi. Sự sáng tạo này còn được tiếp tục trong tập “Nương thân” sau đó. |
2 tác phẩm đoạt giải Nhà nước của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo
Thiên Sơn thực hiện
Nguồn: vanvn.net.