(Đọc “Năng lượng của sự có mặt” – thơ – NXB Hội Nhà văn, 2016)

Đây là tập thơ thứ 11 của nhà thơ Nguyễn Trọng Hoàn vừa xuất bản. Thơ anh giàu suy tưởng và thấm đẫm chất trữ tình:

Ly rượu uống kèm sự thật

Ước hồn cũng trong như rượu kia.

Đó là trích trong bài “Không đề” anh viết từ cuối thế kỷ trước mà tôi chọn in trong “Nghìn câu thơ tài hoa Việt Nam” (NXB Văn học, 2000 – tái bản bổ sung nhiều lần). Sang thế kỷ mới, thơ anh vừa nối tiếp mạch nguồn ấy lại vừa có những chuyển động mới mẻ rất ấn tượng:

Ly cốc vơi đầy đứng dậy soi gương

Gương xộc xệch nhiều nếp nhàu ẩn dụ.

(Rượu xong)

Cùng đề tài về rượu nhưng bung phá hơn, nhiều giằng xé hơn. (Không ít người, sang thập niên thứ hai của thế kỉ 21 vẫn cố thủ trong lô cốt bút pháp, thi pháp của thế kỷ cũ. Nguyễn Trọng Hoàn không có trong số ấy).

Chất hướng nội của thơ anh vẫn phản ánh sinh động cuộc sống ngoài đời khá tinh tế:

Hát lên hỡi phơ phất nỗi buồn

Vọng về từ mỗi giấc mơ từ mỗi tơi bời kết thúc cuộc vui

Biết ơn nỗi buồn của kiếp đầy vơi.

(Cuối năm, trà một mình)

Ba dòng thơ trên dồn nén và chất chứa nhiều nỗi niềm tâm trạng, không chỉ có vậy, nó còn tràn ra thành dư ba ở ba chữ “kiếp đầy vơi”. Ôi, còn những kiếp nào nữa đây trong cõi luân hồi? Người thưởng ngoạn thơ “sành điệu” thường mong muốn được thưởng thức những câu thơ như thế nhưng có vẻ như càng ngày càng ít, chả biết có đúng không?

Thì cứ nghiêng lòng giao diện các dòng sông

Mỗi xa vắng hẹn lối về quá khứ

(Mỗi vắng)

Đây lại là một lối “thi tại ngôn ngoại” giàu biểu cảm nghiêng về kỷ niệm thường chỉ thấy ở những người có chiều sâu trải nghiệm. Đọc câu thơ như được nhấp môi ly rượu men ủ lâu năm. “Mỗi xa vắng hẹn lối về quá khứ”,đừng cụ thể quá, cứ mơ hồ mà nhiều dư vị đậm đà.

Nghệ thuật thơ là nghệ thuật của ngôn từ và hình tượng, Nguyễn Trọng Hoàn rất coi trọng yếu tố này, anh trăn trở vất vả vì nó:

Những con chữ căng ta ra như sắp đứt dây đàn

lại mê hoặc lại cồn cào cơn khát

Những con chữ vô ưu chứa lửa nồng nàn

cho nghìn tuổi rồi bắt ta trẻ dại.

(Phiêu cùng con chữ)

Văn chương là một thứ đạo, không hề ép uổng mà tín đồ cổ kim đông tây cứ lăn xả vào, đắc đạo chả có là bao mà thiêu thân thì chất thành gò thành đống, người phụ trách môi trường các thế kỷ phải liên tục dọn dẹp. Vậy thì phải có yếu tố gì để người ta mê đắm chứ? Nhiều người đã lý giải điều này nhưng vẫn mơ hồ, ít thuyết phục, may quá, đoạn thơ trên, Nguyễn Trọng Hoàn đã góp phần lý giải, tôi cho là khá thuyết phục, “những con chữ căng ta ra”, “mê hoặc”, bắt ta “cồn cào cơn khát” thì cực nhọc và khổ sở thật; nhưng cuối cùng lại sáng bừng một pháp thuật kỳ diệu: “cho nghìn tuổi rồi bắt ta trẻ dại”. Câu thơ là một khám phá bất ngờ đầy sáng tạo. Nếu “trẻ lại” thì là người hiểu biết bình thường, cũng quý lắm; nhưng ở đây “trẻ dại” thì đúng là nhà thơ, nhà thơ cần có chất “dại” chứ khôn quá thì hết thơ. Ôi, được “nghìn tuổi” rồi được “trẻ dại” thì đã quá còn gì sung sướng bằng. Được như thế, dẫu có chết vì cái đạo này thì cũng đáng lắm chứ! (Điều này thì người ngoại đạo khó hình dung ra).

Và khi những ngôn ngữ, hình ảnh ấy kết thành hình tượng thơ:

Như một lúc tựa vào yếu mềm lại thấy dịu lòng hơn

Ngẩng đầu lên tiễn biệt một nỗi buồn

Đọc câu thơ cho miền hoang đỡ lạnh.

(Phải chi)

Nếu cần một chỗ tựa thì ai cũng tìm một chỗ vững chắc, nhưng nhà thơ lại chọn “tựa vào yếu mềm”, mới nghe thấy phi lý. Nhưng đấy là phi lý hình thức, còn nội dung thì rất thơ và do đó rất hợp lý. Tâm hồn nhà thơ cần nghiêng xuống những nỗi bất hạnh, đớn đau, thua thiệt đặng mà chia sẻ. Thơ nay cần chia sẻ, phản biện thức tỉnh, đó là thiên chức của văn học; “đọc câu thơ cho miền hoang đỡ lạnh” thấy lòng ấm áp và tin cậy hơn. Thì ra “tựa vào yếu mềm” lại thấy vững tâm hơn là tựa vào “cứng rắn”. Thơ hay phải đạt tới sự phi lý là ở cái khúc nhôi này.

Tôi rất thú vị ở cách biểu đạt tình ý của Nguyễn Trọng Hoàn:

Vội lướt qua nhau nợ một bàn tay vẫy

Nắng khép lối bên này gió mở lối bên kia

Nghiêng chặng sông đầy nghe ngơ ngác vườn khuya

Run rẩy tiếng giao mùa lặng lẽ.

(Và biểu cảm phút rành rang sống chậm)

Hình ảnh hai người đi xe máy ngược chiều nhau, ai cũng vội cả, nhìn thấy nhau mà chả kịp vẫy chào. Những tưởng câu sau anh tiếp cái mạch về món “nợ” ấy, nhưng không, mỗi câu rẽ sang một hướng khác. Ôi cuộc sống bề bộn gấp gáp quá và thơ cũng phải “nhảy cóc” để lại nhiều khoảng trống mỹ cảm để bạn đọc liên tưởng, liên tưởng thế nào là tùy ở mỗi hoàn cảnh, mỗi cá thể. Cái sự không liền mạch là một đặc điểm của thơ hiện đại, những khoảng trống không nói mà nói được nhiều hơn.

Anh phát triển thủ pháp này ở bài “Liên hệ 2”:

Chim rúc mỏ buồn trong ổ cánh…

Sóng nén cồn cào dưới đáy sông…

Nắng gửi nồng nàn sau giá lạnh…

Người âm thầm cười nói như không…

Bài thơ chỉ có bốn câu nhưng sau mỗi câu đều có dấu chấm lửng với những cảnh huống chả ăn nhập gì với nhau: chim trên trời, sóng dưới đáy sông, nắng nồng nàn, người cười nói như không. Bài thơ nói lên điều gì? Câu hỏi này cũ lắm rồi. Bài thơ ngắn nhưng có độ mở vô hạn, hãy thưởng ngoạn vẻ đẹp của ngôn ngữ và hình tượng thơ, sẽ thấy đằng sau đó lung linh một điều gì giúp ta tiếp cận chân trời Chân Thiện Mỹ.

Đặc biệt trong tập thơ này, Nguyễn Trọng Hoàn sử dụng nhiều hình ảnh làng quê truyền thống đan xen thế giới thời @:

Thế giới ao làng những ăn thì ở xổi

Giật tít câu view cái thời gió thổi

Cái thời sóng ảo wifi…

(Phẳng và nhanh)

Anh đảo lại thành ngữ “ăn xổi ở thì” phải chăng có dụng ý? Đi kèm với hai câu dưới có thể tạo ra không khí chuyển động “làng lên phố” với nhiều trăn trở và ẩn chứa không ít phập phồng bất an?

Vui buồn không thể khác

Click thời gian đuổi bắt chính mình.

(Lẩn thẩn với @)

Đây là cố gắng bước đầu trong việc phản ánh hiện thực đời sống, cùng với một số bài thơ khác, nó cần thời gian và lao động nghệ thuật để chín. Chín được như câu thơ dưới đây chắc không dễ chút nào:

Gió xanh mơ tí tách những giọt đò.

(Sinh nhật ở Berlin)

Hình ảnh con đò trong thơ văn kim cổ quá nhiều, Nguyễn Trọng Hoàn vẫn tìm ra cách thể hiện mới mẻ, độc đáo. Anh cũng là một phu chữ, nhưng nhìn chung, anh gồng gánh chữ nghĩa khá tự nhiên thanh thoát nhẹ nhàng chứ không còng lưng đỏ mặt như nhiều trường hợp khác. Anh là tiến sĩ Ngữ văn, (…) lĩnh vực tu từ quá quen thuộc đối với anh, nhưng từ thủ pháp tu từ đến sáng tạo trong thơ ca là cả một đoạn trường gian nan bất khả giải, chỉ có thi tài mới thể hiện được tự nhiên như không, non tay lộ ngay dễ trở thành thô vụng. “Tí tách những giọt đò” âm thanh và hội họa lồng trong tâm tưởng rất điêu luyện là minh chứng cho điều ấy.

Tuy nhiên lại cần đề phòng cái sự lưu luyến tình xưa, nhiều khi nó chỉ thoáng qua thôi, phải tinh ý mới nhận thấy:

Ta đã giữ khoảng cách nào im lặng

Trăng qua môi mưa gió trút qua lòng

Ta đã quyết gối đầu vào đêm trắng

Để mọi điều cứ ngỡ thế là xong.

(Thăm thẳm gụi gần)

Câu thứ hai hơi bị sáo và cũ; chữ “ta đã quyết” trong câu ba hơi bị “phô”.

Thơ Nguyễn Trọng Hoàn còn nhiều năng lượng tiềm ẩn, anh phát huy thi pháp thơ hiện đại truyền thống kết hợp đổi mới mạnh mẽ, nhiều bài trong tập này gây được ấn tượng tốt là một thành công đáng ghi nhận.

TP. Hồ Chí Minh, mùa khai giảng 2016

N.V.T

(Nguyễn Vũ Tiềm – Vanvn.net)