Hội thảo ”Nguyễn Triệu Luật – con người và tác phẩm” chứng thực một con người đã sống – viết, đồng thời ghi nhận những đóng góp của ông trong lĩnh vực tiểu thuyết lịch sử qua những tác phẩm có giá trị như ‘Bà Chúa Chè’, ”Ngược đường Trường thi”, ”Loạn kiêu binh”, ”Chúa Trịnh Khải”…

Hội thảo ”Nguyễn Triệu Luật – con người và tác phẩm” do Hội nhà văn Hà Nội tổ chức hôm 23/8 như một buổi cấp lại giấy khai sinh cho một con người, một nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử gần như bị quên lãng. Sự kiện giúp nhiều người biết được Nguyễn Triệu Luật là ai và giá trị những tác phẩm văn chương của ông.

Nổi tiếng trên văn đàn Việt Nam những năm 1930 của thế kỷ trước nhưng tên tuổi Nguyễn Triệu Luật không được nhắc tới suốt thời gian dài sau đó. Hội thảo khai mở những câu chuyện thú vị về một con người mà đến cả cái chết cũng chưa được làm rõ và còn rất nhiều khoảng trống bị bỏ ngỏ về cuộc đời sáng tác của ông.

Nguyễn Triệu Luật (1903-1946) sinh tại làng Du Lâm, huyện Đông Ngàn, Phủ Từ Sơn, Bắc Ninh (nay thuộc Đông Anh, Hà Nội). Ông sinh trưởng trong một gia đình khoa bảng truyền thống, ông nội là Hoàng Giáp Nguyễn Tư Giản, một đại nho đồng thời là một tác giả văn học lớn của thế kỷ 19, một đại thần triều Tự Đức. Nguyễn Triệu Luật cũng là cháu 5 đời của danh sĩ Nguyễn Án, tác giả tập ”Tang thương ngẫu lục” (cùng soạn với Phạm Đình Hổ). Sau khi học xong trường Sư phạm Hà Nội, ông đi dạy học tại các tỉnh Tuyên Quang, Hải Phòng, Hà Nội, tham gia Việt Nam quốc dân Đảng. Khởi nghĩa Yên Bái thất bại, ông bị Pháp bắt đi tù, rồi bị quản thúc ở quê, sau đó bị đuổi, không cho dạy ở các trường công. Để kiếm sống, ông phải đi dạy học tư tại trường Lễ Văn – Nghệ An. Khởi đầu là một nhà giáo dạy môn lịch sử mô phạm và uyên bác, nhưng bằng tinh thần yêu nước, ông chọn con đường trở thành nhà văn, nhà viết tiểu thuyết lịch sử để ký thác tình cảm và ý chí yêu nước của mình.

Nhà văn Nguyễn Triệu Luật.

Với hơn 10 tham luận, hội thảo làm rõ về nhà văn Nguyễn Triệu Luật lần lượt ở hai góc độ con người và tác phẩm. Phần con người, hội thảo đặt vấn đề khai mở những góc khuất, những khúc quanh trong cuộc đời nhà văn mà đến cả vợ con trong gia đình đều không biết rõ. Thông tin về Nguyễn Triệu Luật ở góc độ văn học sử rất ít. Ông tham gia sáng lập Việt Nam quốc dân Đảng nhưng không rõ vai trò, quá trình hoạt động, bị bắt và kết án ra sao? Nguyễn Triệu Luật đi dạy học ở nhiều nơi nhưng không cụ thể địa chỉ, ngày tháng năm nào. Năm 1945, Nguyễn Triệu Luật được cho là bị bắt giam và đưa đi an trí. Năm 1946, ông qua đời ở tuổi 43 nhưng không rõ ở đâu, vì lý do gì và như thế nào. Cái chết của ông cho đến hiện tại vẫn nằm trong bóng tối như trường hợp của Lan Khai và Khái Hưng, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội Phạm Xuân Nguyên cho biết.

Các tham luận hé mở những thông tin thú vị trong cuộc đời nhà văn Nguyễn Triệu Luật. Nhà nghiên cứu Hữu Ngọc nhớ lại người anh, đồng nghiệp từng dạy học cùng ông tại trường tư thục ở Vinh: ”Đó là một người tầm thước, đi nghiêng trái, hay nháy mắt phải, đứng đắn, diện comple tím và cà vạt đen, luôn đúng giờ, không sai một phút”. Hữu Ngọc đánh giá Nguyễn Triệu Luật ở hai khía cạnh: Một nhà Nho yêu nước hiện đại và một nhà sử học viết tiểu thuyết. Theo Hữu Ngọc, Nguyễn Triệu Luật là hậu duệ của nhà Lý 1000 năm, bén rễ gốc Nho gia và mang trong mình cái tích cực của Nho học, đó là Đạo làm người. Chính vì thế, Nguyễn Triệu Luật sống có lý tưởng rõ ràng: yêu nước một cách chân chính và nghiêm túc. Tuy nhiên, khuynh hướng của Nguyễn Triệu Luật không như các nhà Nho cũ mà ông mang ánh sáng của phương Tây soi sáng văn hóa cũ. Hữu Ngọc cho rằng, đó là những tác phẩm tốt cho thanh niên ngày nay đọc để hiểu, yêu và tự hào về lịch sử dân tộc.

Nguyễn Chí Tình, con của Nguyễn Đức Bính, hiệu trưởng trường Lễ Văn năm xưa có bài tưởng nhớ xúc động về Nguyễn Triệu Luật. Hình ảnh người thầy “mặc bộ comple màu tím thẫm, chiếc áo khoác dài màu cà phê sữa quen thuộc và đôi mắt sâu, hiền và đượm buồn”, vẽ thêm một nét chân dung của nhà văn. Nguyễn Chí Tình kể, khi bố ông, Nguyễn Đức Bính, hỏi: ”Tại sao anh lại chọn những giai đoạn đất nước đầy những chuyện đau thương, hỗn loạn, rối ren mà viết”, Nguyễn Triệu Luật trả lời:  ”Tôi cứ thấy mình bị cuốn hút về những chuyện u ám trong lịch sử. Mà nói cho cùng, chính trong những thời kỳ lắm cái đau, cái khổ ấy, lịch sử và dân tộc mới để lộ hết thực chất, hết muôn mặt có thực của nó, và chúng ta cũng rút ra được nhiều bài học hơn”.

Con trai nhà văn Nguyễn Triệu Luật, ông Nguyễn Triệu Căn, xúc động khi tưởng nhớ về cha mình. Nguyễn Triệu Căn cho biết, ông đã quên đi để mà sống – quên nỗi đau cha mất mà không biết cả ngày để làm giỗ, nhưng lúc cần nhớ thì lại được nhiều người giúp nhớ nhanh hơn. Gia đình cũng không khỏi xúc động khi biết trong TP HCM có một con đường mang tên Nguyễn Triệu Luật.

Một phần quan trọng của hội thảo là nói về tác phẩm và bút pháp viết tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Triệu Luật. Ông để lại 8 cuốn tiểu thuyết lịch sử hoàn thiện, lấy bối cảnh chính là giai đoạn vua Lê chúa Trịnh. Nhà giáo Phạm Toàn cho biết, tác phẩm của Nguyễn Triệu Luật giúp ông nhìn ra một định nghĩa về tiểu thuyết lịch sử: ”…viết tiểu thuyết lịch sử không cần theo phép Sử học. Tác giả chỉ phải tưởng tượng ra một ”truyện có thể có” ở một thời đại, rồi đem chuyện ấy lồng vào khung thời đại ấy. Mục đích là lấy một chuyện không đâu mà làm sống một thời đại” (Tựa ”Hòm đựng người”).

Theo Phạm Toàn, lịch sử là một dòng chảy, sử gia chỉ là những người câm và nhà văn viết lịch sử là người góp phần gợi nỗi niềm cho người đời về những sự thật của lịch sử. Khác với các sử gia, người viết tiểu thuyết lịch sử tham gia vào tâm lý của nhân vật. Nguyễn Triệu Luật đã viết tiểu thuyết lịch sử với tinh thần như thế chứ không phải một sử gia chép sử.


Chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội Phạm Xuân Nguyên chủ trì hội thảo.

Nguyễn Xuân Khánh – một ”hậu duệ” của Nguyễn Triệu Luật trong dòng tiểu thuyết lịch sử nhắc tới ba bài tựa “Hòm đựng người” (1937), “Bà Chúa Chè” (1938) và “Ngược đường Trường thi” (1939), nêu rõ 3 quan điểm của Nguyễn Triệu Luật về tiểu thuyết lịch sử: có thể hư cấu hoàn toàn, có thể dựa trên sự kiện có thật 100% nhưng phải bằng đánh giá khách quan và có thể trộn lẫn giữa cái hư, cái thực.

Theo Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Triệu Luật là người phổ biến quan niệm tiểu thuyết lịch sử phương Tây vào Việt Nam, khác với Nguyễn Huy Tưởng – một người gần thời và cũng viết tiểu thuyết lịch sử – không trực tiếp đưa ra quan niệm. Nguyễn Xuân Khánh cho rằng, ông đã học được nhiều điều trong cách viết tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Triệu Luật mà điều quan trọng nhất là hư cấu – hư cấu là một đặc quyền của tiểu thuyết và không ngoại lệ với tiểu thuyết lịch sử.

Đánh giá về hệ thống tác phẩm của Nguyễn Triệu Luật, nhiều tham luận cho rằng, không chỉ dừng lại ở phạm vi 8 cuốn tiểu thuyết lịch sử. Theo nhà nghiên cứu Lại Nguyễn Ân, còn nhiều khoảng trống hoặc không có thông tin, hoặc thiếu tư liệu về Nguyễn Triệu Luật, cần được tìm lại và bổ sung. Ông đề xuất tìm lại trong mọi ấn phẩm in năm từ năm 1920 đến 1946 để thấy được sự đa dạng trong thể tài sáng tác của Nguyễn Triệu Luật. Lại Nguyên Ân viện dẫn, Nguyễn Triệu Luật từng có loạt bài khoa học xã hội, phổ biến tâm lý học cổ điển của phương Tây trên tạp chí Nam Phong, các tác phẩm dịch thuật, ngôn ngữ học… trên tạp chí Tao Đàn (1939)… Nhà nghiên cứu Trần Thị Băng Thanh góp bài tham luận đề cập tới những bài viết về văn hóa, giáo dục của Nguyễn Triệu Luật.

Dù những góc ẩn khuất trong cuộc đời và tác phẩm của Nguyễn Triệu Luật chưa thể được khai phá, hội thảo làm sống lại một con người, ghi nhận những đóng góp không thể phủ nhận của Nguyễn Triệu Luật đối với dòng tiểu thuyết lịch sử và văn học Việt Nam những năm 1930 của thế kỷ 20.

Nguồn: Evan

 

Exit mobile version