Tôi không bất ngờ khi Nguyễn Thiện Đạo tặng cuốn sách của ông trong cuộc gặp trước khi nhạc sĩ trở về Pháp (19/4/2015), bởi qua mười lăm năm giao du, tôi đã thấy năng lực văn học của nhạc sĩ tài danh này khi ông tinh nhạy, thẩm thơ, am hiểu văn chương Việt Nam từ cổ xưa đến hiện đại, cùng trữ lượng từ vựng tiếng Việt. Những yếu tố này ở nhạc sĩ sống tại Việt Nam có thể xem là tất yếu, còn với người định cư ở Pháp từ 1953 khi mười ba tuổi thì đáng kinh ngạc.

Rời Hà Nội sang Pháp ở tuổi thiếu niên, Đạo phải học tiếng Pháp thật giỏi, chống lại ý cha muốn con làm bác sĩ để theo đuổi âm nhạc tại Nhạc viện Paris. Những tưởng Nguyễn Thiện Đạo chỉ giỏi tiếng Pháp và âm nhạc, ông lại tinh tường và chịu đọc văn học Việt Nam nhiều hơn đa số nhà văn ta lười đọc. Yêu thơ, ông đã đưa thơ mình vào nhiều tác phẩm giao hưởng, gần nhất là Định mệnh bất chợt (opéra phóng tác từ Truyện Kiều của Nguyễn Du), Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam biểu diễn, nghệ sĩ Vành Khuyên vai Kiều, toàn bộ lời thơ của Nguyễn Thiện Đạo, diễn 3/5/2012 tại Nhà hát Lớn Hà Nội và Inori – 11.3 (Kinh cầu nguyện) tối 29/9/2012 tại Tokyo do các nghệ sĩ Nhật thể hiện. Tôi từng nói với ông, nếu anh không theo âm nhạc thì có thể là một nhà văn nổi tiếng đấy. Yêu nước bằng kết nối tâm linh, tâm hồn dân tộc, Nguyễn Thiện Đạo đã nhìn thấy rặng dài lịch sử nước Việt bao trùm lịch sử các thành tựu nghệ thuật có thể tựu lại hai chữ: hào khí và trữ tình. Quan điểm nghệ thuật và tư duy dân tộc trong âm nhạc của Nguyễn Thiện Đạo cũng tương liên ở văn chương. Tính dân tộc ấy thấm sâu vào ông, cùng hấp thụ văn minh châu Âu đã khiến ông sáng tạo những tác phẩm âm nhạc không đặc sệt bản sắc Việt hay Pháp mà là sự giao thoa của dấu ấn tâm hồn hợp lưu mạch chảy “Dân tộc đích thực – Nhân loại tiên phong” – tôn chỉ sáng tạo.

Viết văn, với Nguyễn Thiện Đạo là việc nhất thiết phải làm. Sống lửa là kết quả của tâm nguyện ông hoài thai từ năm đầu đến nước Pháp tới tuổi bảy nhăm mới ra đời. Một sự chín kĩ. Viết từ mùa thu 2014 đến đầu tháng 2/2015, Sống lửa là tích hợp hơn 60 năm Nguyễn Thiện Đạo tư duy về số phận mình trong số phận dân tộc. Sự đa chiều không gian và thời gian trong truyện dài này dựng nên chiều kích lịch sử bằng đan xen dã sử, huyền sử với nhiều thủ pháp nghệ thuật. Những độc giả, trí thức biết tên, tầm cỡ Nguyễn Thiện Đạo trong âm nhạc sẽ vì thế mà đọc văn của ông. Với văn chương thì ông là “lính mới” nhưng độc giả sẽ không thất vọng bởi hơi văn tràn trề, câu văn có thi điệu, trù phú hình ảnh, cảm giác nhà soạn nhạc – chỉ huy Nguyễn Thiện Đạo đã dàn quân chữ như khi làm việc với dàn nhạc giao hưởng, chủ động, tự tin.

Người đàn ông thấp nhỏ trí tuệ khác thường ấy có sự nghiệp âm nhạc đáng nể tầm quốc tế, song hàng trăm tác phẩm âm nhạc như chưa đủ cho tình tự dân tộc của ông. Ông viết văn trước hết để thỏa mãn đam mê đã thành mối lương duyên, cách giải phóng năng lượng sáng tác dồi dào, để thỏa việc biểu tỏ tình yêu Việt Nam. Sống lửa là tác phẩm văn chương đầu tiên, cuốn sách cá nhân đầu tiên của Nguyễn Thiện Đạo xuất bản lần đầu tại Việt Nam. Và ngay lần xuất chiêu đầu ở lĩnh vực khó nhất, ông đã tự tin bung tỏa như thể làm nhạc bằng kí tự tiếng Việt. Xương sống câu chuyện về phả hệ được chạy trong không gian huyền bí vừa lịch sử, dã sử vừa là những hiện tượng tác giả tỏ ra khá nhuyễn trong việc sắp xếp chi tiết, tạo không khí truyện nên đọc 138 trang liên tục không mệt, chán. Nguyễn Thiện Đạo lạ của âm nhạc vẫn tạo được lạ trong văn chương. Sáng tạo đồng nghĩa tạo ra cái mới, nhưng người không lặp lại mình, không giống người khác tạo ra cái lạ ấn tượng riêng biệt cực ít. Điều này đòi hỏi bản lĩnh, tài năng và năng lượng đổi mới. Phức cảm xuyên suốt Sống lửa được giải quyết trên câu chuyện thoạt trông tưởng là số phận cụ thể của một phả hệ nhân vật, đã kham chứa tính thế sự và tâm lí kì vọng quyết liệt muốn lí giải số phận của dân tộc Việt Nam.

Tính siêu thực đan quyện với những danh nhân, sự kiện, lịch sử lôi cuốn người đọc, cách đặt nhan đề chương thể hiện cách viết thống nhất toàn vẹn: tính động. Bởi thế, dù không gian cổ xưa, hơi văn vẫn hiện đại bởi nhịp văn không rề rà. Nguyễn Thiện Đạo tỏ ra trẻ trung khi dùng ngôn ngữ thời nay hoà quyện ngôn ngữ cổ, nhiều chú thích hóm hỉnh ở phần mở ngoặc đơn là dấu ấn riêng. Ông dẫn người đọc thành đối tượng chứng kiến, nhập cuộc bằng ngôn ngữ thời thượng, câu hỏi và bình luận như đối thoại với người xem. Tính morderne (hiện đại) càng rõ khi ông đưa những nhân vật, dữ liệu văn hoá châu Âu vào truyện. Do vậy, tính dân tộc thuần Việt mà Nguyễn Thiện Đạo vẫn nhấn mạnh trong sáng tạo âm nhạc càng nét hơn ở văn chương. Đó không phải miêu tả khung cảnh, đồ vật, lối sống, bê y nguyên người Việt cổ hay Việt Nam truyền thống mà là tinh lọc những gì đẹp nhất để đưa vào văn như cách tôn vinh bằng sự hiểu biết về dân tộc Kinh, Chăm, Mường, Tày,  Nùng. Nhạc tính trong một số đoạn đẹp như thơ: “Cây cầu gỗ sơn son dẫn đến một nhà sàn dựng lại bằng gỗ quý giữa hồ sen lớn dùng để thưởng ngoạn, các nghệ nhân đàn hát. Từ núi nhân tạo, ngọn thác xa xuống chảy ra hồ sen làm vang lên bản nhạc thiên nhiên phức điệu. Các loài chim quý hiếm như chào mào, hoạ mi, vàng anh, đại bàng, diệc xám, chim công bay nhảy ríu rít hót hoạ cùng thác đổ thành một bản concerto mà chim là nhạc công chính (solo) còn thác và hồ sen là dàn nhạc”.

Các scène (cảnh) miêu tả ái ân nóng bỏng, táo bạo nhưng không hề dung tục. Với những đoạn này, Nguyễn Thiện Đạo là một hoạ sĩ dùng ánh sáng điệu nghệ: “Loan, gái Kinh Bắc, mặt trái xoan, mắt bồ câu lúng liếng, lông mày lá răm, da trắng nõn nà, khéo léo chiều Chí Bằng. Có làn da thơm mới, hơi thở nhẹ hồng mới, tiếng nói trong thỏ thẻ mới, Chí Bằng quên hết”. “Âm nhạc thanh nhạc, văn từ, vũ đạo mỗi lúc mỗi dâng lên rực nóng cùng tâm linh tập thể hòa quện bốc lửa xoáy vút ngây ngất, đê mê. Cô gái từ từ mở mắt rồi nhẹ nhàng uyển chuyển bắt đầu một điệu múa chưa từng thấy ở đâu… Nàng múa mỗi lúc thôi thúc, vừa ái dục, vừa thần tiên lên đến tận cùng điên dại rồi gục ngã bất tỉnh. Cùng lúc bé gái ngưng múa như vũ nữ Apsara… tỏa xung quanh toà thiên nhiên trong muốt”.

Nhân vật chính của truyện khởi đầu là Chế Bùng (sau đổi là Trần Chí Bằng) – chàng thành niên Chàm yêu Nga My – cung nữ của Huyền Trân công chúa – hoàng hậu Chế Bân của vương quốc Chiêm Thành từ trang đầu tiên của phần Khai minh đã lộ ra phần nổi của ý tưởng tác phẩm trong độ lùi về quá khứ. Đêm tình của Chế Bùng và Nga My khởi sự những hoan lạc và bi kịch, sinh sôi và li tán: “Hai bóng quyện nhau quyện nhau trong đêm thổn thức, luyến ái tột cùng của cuộc tình kì diệu trong cung điện Đồ Bàn của vua Chế Bân”. Dòng chảy của cuộc tình kì diệu ấy đã xuyên suốt 700 năm đến thập niên 40 của thế kỉ XX, hội thụ tinh thần Chàm – Việt cho người nghệ sĩ bị giời đày ra đời. Sức mạnh phi thường để Chế Bùng thôi thúc tiến vào con đường Đau thương và Ánh sáng nhờ mách bảo của thần linh chính là hành trình ngõ hầu lí giải những nổi nênh, phức hợp trong quá trình hình thành, xây dựng nước Việt.

Sự hoà trộn lịch sử và tính siêu thực, huyền sử khiến người đọc phải tập trung mới nắm bắt được và cũng cho họ việc hoà nhập không khí tác phẩm như hiện ra trước mắt bằng ngôn ngữ uyển chuyển và những hiểu biết (đông y, ẩm thực) được diễn đạt bằng tiết tấu hiện đại. Sống lửa là một rừng lửa nóng bỏng cũng là cuộc đời của những nhân vật trải qua binh đao chiến tranh, chém giết hận thù theo hành trình dân tộc nhiều biến cố thù trong giặc ngoài, phe phái, hờn ghen, đố kị, mưu mô, hiểm ác. Bằng ảo giác của thân phận là hoà huyết của dòng máu Chàm – Việt, lí giải về sự lưu lạc trầm luân phả hệ, Nguyễn Thiện Đạo đưa ra những cái nhìn về lịch sử còn bằng những đánh giá phân tích qua ánh sáng nhân văn, nghệ thuật, chất chứa tình yêu và khát vọng muốn xây dựng, đắp bồi bản sắc văn hoá Việt Nam: “Chế Bùng nghĩ làm sao đem văn minh Chàm hoà vào văn hiến sông Cái…”. Chế Bùng (Chí Bằng) qua ánh sáng văn học (Nguyễn Thiện Kỷ)… đến ánh sáng thi ca Nguyễn Thiện Thanh là bao lưu lạc, máu và nước mắt, đổi họ, đổi chỗ ở qua những cuộc kiếm tìm trong dịch chuyển cơ học.

Thứ ánh sáng thần linh cứu rỗi giá trị của lịch sử đọng lại là ở văn hoá. Các địa danh cụ thể Thăng Long, Nam Định, Sơn La, các vị vua Trần Anh Tông, Trần Nhân Tông, hoàng hậu, danh tướng có thật đều được cứu rỗi chở che và định vị nhờ ánh sáng văn hoá. Luôn thấy mắc nợ dân tộc, Nguyễn Thiện Đạo vẫn ấm ức về nền văn hoá Việt chịu sự chi phối của văn hoá Hán. Ông muốn xoá bỏ nhược điểm bằng việc xây dựng các nhân vật tài hoa, hào hoa, anh hùng, siêu thường. Nguyễn Thiện Kỷ, con của Chí Bằng và Nga My từ một vị quan thành rồi lưu lạc xin quét chùa Quảng Nghiêm Tự, trao con trai Thiện Chi cho trụ trì. Tới đời Thiện Thanh, hậu duệ chót trong thiên truyện, “Khắc khoải trăn trở nhất vẫn là lí tưởng khai phá một dòng thi ca thuần Việt không dập khuôn Hán, một dòng thi ca đi từ sâu thẳm tâm hồn Việt. Thiện Thanh ngán ngẩm trước thái độ ươn hèn của bọn hủ nho sính Hán. Chúng hô hào đề cao dân tộc tính nhưng vẫn tôn sùng văn minh Thiên triều như khuôn mẫu của nhân loại. Thiện Thanh đã lãng du đến huyện Cẩm Thủy, Thanh Hoá tìm dân tộc Mường, xuất thân người Việt cổ có 70% tiếng Việt”.

Tác giả dành cả chương Trăng tròn lẻ tôn vinh đại thi hào Nguyễn Trãi và cuộc đối thoại của Nguyễn Du với Kiều. Yêu nước, tác giả mở không gian xuyên Việt khi Thiện Thanh từ Nam Định qua Hà Tĩnh cảm thán Truyện Kiều, vào Huế gặp Phan Bội Châu, vào Quy Nhơn viếng mộ Hàn Mặc Tử, ngồi uống rượu với Nguyễn Bính; là một tay chơi ở đất Sài Gòn, cuối cùng Thiện Thanh trở về Hà Nội là cuồng sĩ. Tư tưởng sáng tạo của Thiện Thanh là của Nguyễn Thiện Đạo: “Khắp thế giới cuộc chiến mới cũ có từ khi có văn học nghệ thuật. Người đời không cảm nhận được cái mới ngay. Chế độ bất kì thời đại nào cũng không chấp nhận bất cứ sáng tạo nào ngoài khuôn mẫu. Họ không lĩnh hội được cái mới luôn mang bất ngờ tự nhiên đôi khi bất an; nhưng nếu cái mới mang cái đẹp cái thiện thì với thời gian, nó sẽ thành cái cũ tuyệt mĩ. Họ tự ru ngủ mình bằng bảo thủ, quen thuộc, dễ dãi và nghi kị rồi xu thời nịnh bợ và vu khống để hãm hại người khác chẳng khác gì ngọn gió mạnh thổi lôi cuốn tâm đen bọn bất tài ném đá giấu tay ngậm máu phun người”.

Nhạc sĩ tỏ ra am tường các vùng đất, đưa vào nhiều dấu hiệu văn hoá Việt Nam: cầu ao, món ăn, hiểu biết về các danh nhân. Từ đầu đến cuối nhân vật của ông luôn muốn thoát khỏi “óc nông dân, văn minh, làng xã nông thôn”. Cũng bởi tâm nguyện ấy mà Nguyễn Thiện Đạo – người đi từ thuộc địa đến nước Pháp thực dân thống trị đạt vị thế đẳng cấp để không phải mặc cảm mà còn được kiêu hãnh khi nhắc đến hai tiếng Việt Nam trên đất Pháp. Các yếu tố cá nhân được hé lộ ở trang 136 – 138 khép lại thiên truyện càng nhấn mạnh tính chủ đề xuyên suốt. Sự sống và nghệ thuật có thể thay đổi số phận và tác động đến lịch sử khi Thiện Thanh bị mật vụ thực dân bỏ tù vì đã làm một trường ca ẩn dụ lời kêu gọi thoát Hán, thoát ngoại bang, ẩn dụ kêu gọi thanh niên phải giữ từng tấc đất, từng giọt biển.

Đoạn kết là sự kết nối thơ – nhạc giữa Thiện Thanh và con nhỏ như một tuyên ngôn âm nhạc và dấu ấn tài ba của nhạc sĩ: “Thi sĩ tài hoa lỗi lạc Thiện Thanh không bao giờ ra khỏi nhà nữa và tuyệt thực. Chàng gọi con đến bên giường và trao cho con viên thiên thạch màu đen sẫm hình trái tim, bên trong có mắt thần là âm nhạc Thế rồi hồn thi sĩ bay lên cúi lạy hồn Nguyễn Du và Kiều”. Các nhân vật của Nguyễn Thiện Đạo đã sống lửa trong sự sống lửa của tác giả. Đau thương và Ánh sáng đồng điệu, đồng hiện trên tất cả cảnh huống cung bậc làm nên sự thần diệu mà tác phẩm đã tạo dựng được bằng việc tôn ca sự bi mĩ của nghệ thuật với tâm linh. Những so sánh liên tưởng với thời đại tương đồng mở thêm vùng không gian và đối tượng độc giả. Trong lá thư mới nhất viết cho tôi, nhạc sĩ chia sẻ: “Sáng tác để đóng góp khiêm tốn cho nền văn hoá Việt Nam là mục đích duy nhất của tất cả chúng ta. Sách bán được nhiều ít là thứ yếu. Hãy tìm ánh sáng thiên thần cho tác phẩm…”

Sống lửa đang được dịch ra tiếng Pháp. Ánh sáng thần linh qua bao biến động, chiến tranh, máu chảy, chết chóc truyền ngọn lửa thần kì của cái đẹp và niềm tin vào tâm hồn dân tộc. Thứ ánh sáng thần linh chiếu xuyên tim mà người nhạc sĩ đã có được qua biểu tượng sáng tạo “viên thiên thạch màu đen sẫm hình trái tim, bên trong có mắt thần màu hồng tím” vẫn lấp lánh với đời, vẫn vang linh hồn âm nhạc.

Theo Vi Thùy Linh (Văn nghệ quân đội)