Tại lễ ra mắt tập chân dung nghệ sĩ “Đi về không điểm đến” – của nhà văn, nhà báo Nguyễn Quỳnh Trang, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ đã phát biểu nói lên những cảm nhận của mình về Nguyễn Quỳnh Trang và bày tỏ sự cảm phục với nữ tác giả thế hệ sau.
39 nhà văn, nhà thơ và các tác giả cầm bút đã được Nguyễn Quỳnh Trang vẽ chân dung và tập hợp trong cuốn sách của chị trong đó có những tác giả lớn tuổi như Nguyên Ngọc, Nguyễn Huy Thiệp, Dương Tường… đến những tác giả ít tuổi hơn như Võ Thị Hảo, Trung Trung Đỉnh,  Hoàng Việt Hằng, Nguyễn Quang Lập, Đỗ Phấn hay trẻ hơn nữa như Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà… và lớp tác giả của ngày hôm nay như Lê Anh Hoài, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Hoàng Anh Tú…
Trang không vẽ theo kiểu “truyền thần” mà là vẽ qua tác phẩm, vẽ bằng bản năng phụ nữ. Tại lễ ra mắt sách, chị chia sẻ rằng, chị viết chân dung một tác giả thông qua chính tác phẩm của họ, qua tác phẩm để soi chiếu, định vị tác giả, bóc tách tác giả dưới những lớp ngôn ngữ để phơi bày những cái bên trong, đọc tư tưởng của tác giả thông qua sách của họ. Bằng cách “hành nghề” như vậy, Trang có thể viết về một người mà không cần thiết phải gặp gỡ, tiếp xúc với người ấy, không cần biết anh là ai, chỉ cần biết anh qua sách của anh.

Ngày ra mắt sách cũng là sinh nhật của Nguyễn Quỳnh Trang. Công ty Văn hóa và truyền thông Phương Đông, đơn vị phát hành tập sách đã tặng hoa và bánh sinh nhật cho tác giả. Ảnh: THIỆN NGUYỄN

Phần lớn cuốn sách là chân dung những người trẻ, những đồng nghiệp đồng thế hệ với tác giả. Theo nhận xét của nhà phê bình Phan Cẩm Thượng là “Trang thích đọc những người đồng thế hệ với mình, gần với mình”. Trong số những tác giả trẻ, Trang cho biết, người “khó vẽ” nhất là Hoàng Anh Tú – anh “Chánh Văn” của Báo Hoa Học Trò –  bởi anh quá hot. Chân dung mà Quỳnh Trang cho là thú vị nhất là về một người cao tuổi nhưng cũng còn… rất trẻ, đó là dịch giả Dương Tường. Bài viết về ông ra đời sau một chuyến Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức đi đảo Quan Lạn (Quảng Ninh) và Quỳnh Trang đã được chứng kiến lão dịch giả với chiếc quần đùi sặc sỡ buộc mình vào dù bay để lướt trên mặt biển với độ cao cỡ năm chục mét. Bài viết có tên “Trẻ như Dương Tường” được Quỳnh Trang hoàn thành trong trạng thái “vừa viết vừa cười”. Bỏ qua cách xưng hô theo giao tiếp thông thường về những ngôi thứ theo quy ước về độ tuổi, Trang kéo nhân vật lại gần mình hơn bằng những từ  như “gã”, “hắn”, “bạn” để gọi họ trong bài viết, cũng có khi chỉ gọi tên của nhân vật. Tên tập sách, “Đi về không điểm đến” được đặt từ gợi ý ở bài viết “Nhà thơ Hoàng Việt Hằng: Đi về, có hoặc không điểm đến…”.

Trang bìa cuốn sách.

Rất nhiều các vị khách mời, trong đó chủ yếu là những đồng nghiệp văn chương, báo chí của Nguyễn Quỳnh Trang đã đến chúc mừng cuốn sách mới của chị. Nhà phê bình Phan Cẩm Thượng, người viết lời giới thiệu cho tập sách cũng đã có mặt, một lần nữa ông đã nói lên những cảm nhận của mình, ông cho rằng những bức chân dung của Trang nhẹ hàng mà thú vị, và “rất may, đó không phải là những bài viết phê bình văn học”. “Có lẽ càng gian khó Nguyễn Quỳnh Trang viết càng đáng để đọc hơn”, Phan Cẩm Thượng nói. Còn dịch giả Dương Tường, khi được nhà văn Di Li (MC của buổi ra mắt sách) hỏi, “nếu chỉ dùng 3 từ để nói về Nguyễn Quỳnh Trang thì ông sẽ nói gì?”, Dương Tường đã trả lời rằng 3 từ quá ít để nói về Nguyễn Quỳnh Trang, ông nói rằng hiểu biết về văn chương của Nguyễn Quỳnh Trang rất “phì nhiêu”; dịch giả cao tuổi cũng hài hước nói về chủ nhân buổi ra mắt sách rằng “khuyết điểm lớn nhất của Nguyễn Quỳnh Trang là… không có khuyết điểm gì”.

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ phát biểu tại lễ ra mắt sách. Ảnh: THIỆN NGUYỄN

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ cho biết, chị đã phải bỏ một cuộc họp quan trọng để đến chia vui cùng nữ tác giả. Đúng hôm ra mắt sách, ngày 12/8 cũng là sinh nhật của Nguyễn Quỳnh Trang, đồng thời cũng là sinh nhật của nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ. Trao đổi với VNQĐ Online,  Nguyễn Thị Thu Huệ cho biết, chị nhìn thấy hình bóng mình trong Nguyễn Quỳnh Trang.  Chị cũng nhìn thấy ở Trang ngoài nghị lực vươn lên trong cuộc sống còn là sự hồn nhiên, vẻ vô lo, luôn vui vẻ bên ngoài và khả năng lao động miệt mài. Vượt lên những lận đận trong đời tư và bươn trải trong cuộc sống, Trang vẫn nuôi dưỡng niềm đam mê văn chương. Ấn tượng của vị nữ ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam về Nguyễn Quỳnh Trang là sự chăm đọc, ham đọc, chuyển nhà lần nào cũng là một đống sách mang theo. Một cái tên mà phần nhiều những người tham dự lễ ra mắt sách của Trang có lẽ đều nghĩ đến nhưng không ai nhắc đến thì Nguyễn Thị Thu Huệ đã nhắc đến: Cao Việt Dũng. Anh cũng xuất hiện trong tập sách với vai trò là nhân vật của Nguyễn Quỳnh Trang, bài viết được Trang thực hiện vào năm 2007 với tên gọi: “Nhà nghiên cứu Cao Việt Dũng: Thất bại là một mặt của thành công”.

Nhận hoa chúc mừng từ bạn bè, đồng nghiệp. Ảnh: THIỆN NGUYỄN

Tất cả những chân dung trong tập sách đã xuất hiện trên Báo Thể thao & Văn hóa trong chuyên mục “Sách và Người”, tuy nhiên, như Phan Cẩm Thượng nhận xét, “Nguyễn Quỳnh Trang không đọc hộ sách cho bạn đọc, cô chỉ trình bày cách đọc của mình và nhân đó viết rộng hơn cảm nhận về nhà văn trước tiên như một con người”.

Nguyễn Quỳnh Trang hiện là biên tập viên của báo “Thể thao & Văn hóa”. Đã ra các tập sách: “1981” (Tiểu thuyết),  “Nhiều cách sống” (Tiểu thuyết), “Mất ký ức” (Tiểu thuyết), “Cho một hành trình” (Tập truyện ngắn); “24 giờ” (Tập truyện ngắn). Cùng với sự ra mắt “Đi về không điểm đến, Công ty Văn hóa và Truyền thông Phương Đông cũng phát hành ebook của cuốn sách.

DƯƠNG TỬ THÀNH

Nguồn: Vannghequandoi

Exit mobile version