NVTPHCM- Vượt qua hàng trăm tác giả, cô gái ba mươi tuổi đến từ Ninh Thuận vừa giành Giải nhất cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Đến với lễ trao giải trang trọng, ngoài những trang văn ắp tràn cảm xúc của những truyện ngắn đã đưa chị lên bục vinh quang Kim Hòa còn mang đến cho những người yêu văn chương Hà Nội một bất ngờ.

Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa – Phó Chủ nhiệm Tổng cục chính trị trao Giải  nhất cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội 2013-2014 cho Nguyễn Thị Kim Hoà

Giàu hai con mắt khó hai bàn tay

Thế rồi Nguyễn Thị Kim Hòa cũng ra Hà Nội nhận ngôi vị quán quân của một cuộc thi văn chương trên đất Bắc. Chị đi cùng mẹ. Những người thân không chỉ là chỗ dựa rất lớn về mặt tinh thần mà còn hỗ trợ cho chị rất nhiều trong cuộc sống. Trước đó, bạn bè văn chương miền Bắc cũng chỉ biết rằng sức khỏe Hòa không tốt. Nhưng đến khi chị xuất hiện trên sân khấu nhận giải, khi chính chị không nâng nổi giải thưởng và bó hoa chúc mừng mình thì cả hội trường mới sững sờ. Những người có mặt tại lễ trao giải cuộc thi truyện ngắn Văn nghệ Quân đội không khỏi băn khoăn trước cô gái không thể tự tay đỡ tấm bằng giải thưởng tôn vinh cho tài năng của chị. Lúc ấy người ta mới biết, có một Nguyễn Thị Kim Hòa khác ẩn trong dòng tên đính dưới mỗi truyện ngắn đã làm nên giải thưởng của chị. Trước đó, hầu hết những người chấm giải không hề biết gì về tác giả ngoài thông tin, đó là một cô giáo 30 tuổi ở Ninh Thuận.

 

Ở thời người người máy tính, nhà nhà máy tính và người ta đang dần bỏ qua vai trò của cây bút, ở thời mà trong giới viết lách người viết tay đếm trên đầu ngón tay thì Hòa cũng là một trong số đó. Những người khác thì có thể là lựa chọn cá nhân nhưng ở Hòa là lý do sức khỏe.

 

Nguyên nhân của việc yếu ớt về thể trạng như hiện tại của Kim Hòa là do ngày nhỏ, một lần sốt cao năm lên hai tuổi đã để lại nơi cơ thể chị di chứng bại liệt. Bây giờ cột sống của Kim Hòa yếu, chị không thể ngồi quá lâu, nhất là ngồi hàng giờ để viết văn. Cùng với đó, tay phải của chị rất yếu, các ngón bị co rút nên dù có ngồi được thì với cách đánh máy không huy động được hết mười ngón chị viết máy không thể theo mạch suy nghĩ. Không ngồi được thì đứng. Không viết máy thì viết tay. Và đó là tư thế tổng hợp cuối cùng khả dĩ để Kim Hòa có thể làm bạn với chữ nghĩa. Gõ phím thì cần mười ngón đủ đầy chứ viết tay thì chỉ cần ba ngón thôi là có thể. Hòa đã viết như thế. Viết xong chị nhờ một người bạn đánh máy bản thảo giúp. Mẹ chị nói rằng, có những hôm chị viết đến hai ba giờ sáng, nhất là thời điểm những ý tưởng căng tràn hay gần đây là khi cuộc thi truyện ngắn Văn nghệ Quân đội đang ở chặng nước rút.

Viết khuya như vậy nhưng hôm sau Hòa vẫn phải đứng lớp.

 

Thực ra cái gọi là cô giáo của Nguyễn Thị Kim Hòa cũng chẳng giống ai. Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Kinh tế đối ngoại TP. Hồ Chí Minh năm 2005, chị đã lựa chọn trở về quê hương, mở lớp dạy học tại nhà. Hòa dạy cả cấp hai và cấp một. Cấp hai thì chị dạy Anh văn, cấp một thì làm “giáo viên chủ nhiệm”. Thi thoảng trên facebook thấy Hòa khoe ảnh chụp với lũ trẻ và thường gọi chúng là “mấy cưng” rất gần gũi.

 

Người ta vẫn nói “giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”, với người khác khó một thì với Kim Hòa còn khó năm khó bảy. Nhưng chị đã vượt qua tất cả để “làm giàu” từ chính đôi bàn tay không hoàn thiện ấy. Sự “giàu có” của một người viết không còn quá trẻ nhưng mới chỉ đến với văn chương chừng dăm năm như Kim Hòa là 4 tập sách chị đã xuất bản (“Tay chị tay em”, truyện dài thiếu nhi; “Nho Đắng”, tập truyện ngắn; “Cơn lũ vẫn chưa qua”, truyện dài; “Thần Cupid có nhầm không”, tập truyện teen). Hiện tại, Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ đang in tập sách thứ 5 của Nguyễn Thị Kim Hòa có tên gọi “Đỉnh khói”, tên một trong 3 truyện ngắn được Văn nghệ Quân đội lựa chọn để trao giải của chị. Và với giải thưởng mới nhất này nữa, Hòa đã có một vốn liếng kha khá để lận lưng đi tiếp trên đường văn phía trước.

 

Tìm trong chữ nghĩa nhặt ra nụ cười

Về công việc viết văn, Nguyễn Thị Kim Hòa quan niệm, viết để sống được nhiều cuộc đời trong một kiếp người.

 

Đọc văn của Hòa thấy dào dạt một tình yêu với chữ nghĩa, với nhân vật, với đời, với người. Những câu chữ trong truyện của chị như rung rinh theo một điệu nhạc của những say mê. Gặp Hòa, tiếp xúc với chị cũng cảm nhận thấy cái dạt dào yêu đời, yêu người ấy trong đời thường, chỉ thấy những lảnh lót trong tiếng nói câu cười, chẳng thể bắt gặp một gợn sóng của ưu tư. Giọng nói ấy, nụ cười ấy luôn tràn ngập tình yêu sống, luôn ủ một mặt trời của khát vọng và yêu thương. Hòa không còn quá trẻ để vô tâm với cái gọi là số phận hay những may rủi ở mỗi cuộc đời. Cũng chẳng có ai thả mình trôi tự do đến mức vô lo như thế, nhất là ở người đã đào trong chữ nghĩa đi kiếm tìm bản thể. Nhưng chị đã chọn cho mình một tâm thế khi trình mình ra với đời.

 

Văn chương với chị không còn như một liều thuốc mà là một liệu pháp tinh thần. Cảm giác như Hòa không viết mà bay trên chữ nghĩa với một niềm hân hoan vô bờ bến. Cảm giác cuộc thi này chỉ như một khơi gợi để mạch ngầm văn chương nơi chị như những lớp trầm tích đã đến độ ứ đầy nay có dịp bung tuôn. Đúng như những gì chị chia sẻ: “Có thể nói cuộc thi lần này của Văn nghệ Quân đội đã giúp tôi thấy rõ hơn sức mình”.

 

Văn chương đã tìm được Hòa hay Hòa đã tìm được văn chương?

Văn chương đã tìm thấy chị, và chị cũng đang tìm mình trong văn chương, đôi bạn tri âm ấy đã bước đầu nhận ra nhau để cùng nhìn về một con đường dài đang hiện ra trước mặt.

 

Như trong bối cảnh của truyện ngắn “Thôi mùa cỏ cháy” (một trong ba truyện ngắn đã vinh danh chị), nhà Kim Hòa có nuôi một bầy cừu. Những công việc chăm sóc bầy cừu ấy chắc cũng không đến tay chị, nhưng tôi vẫn cứ hình dung bầy chữ nghĩa dưới tay Kim Hòa như một bầy cừu chen chúc và chị là bà chủ cầm trên tay cây roi quyền năng có tên gọi văn chương một cách tự tin để điều khiển chúng bằng một tình thương mến. Để mỗi con cừu chữ ấy được chị gọi tên đều hân hoan cất tiếng reo vui như những thanh âm trong mỗi truyện ngắn của chị.

 

Bây giờ thì cô gái ấy đã trở lại với vùng đất có những chùm nho buông mình trên những khô cằn nắng gió, nơi có những bầy cừu thân thuộc gặm mòn những gốc cỏ xác xơ. Và bầy cừu chữ của Kim Hòa đâu đó vẫn đang nhảy nhót reo vui, khích lệ chủ nhân nó cũng như mong mỏi được điểm danh trong những tác phẩm mới.

 

Lần ra Hà Nội nhận giải này có lẽ là chuyến đi xa nhất của Nguyễn Thị Kim Hòa nhưng thực ra chị đã đi rất xa bằng trí tưởng tượng và những con chữ ngay từ khi đôi chân còn đang đứng trên mảnh đất quê nhà. Đây là lần đầu tiên Hòa ra Hà Nội, và tôi tin rằng sẽ còn những lần khác nữa, bởi chị còn nhiều hò hẹn với văn chương và với bạn bè trên đất Thủ đô. Và còn bởi, với chị, văn chương đã trở thành niềm yêu sống.

 

Nguyễn Xuân Thủy – Nhavantphcm.com.vn