Khi chưa đến với văn chương, tôi là kẻ cô độc ngồi sau một cánh cửa khép kín. Văn chương mở cánh cửa đó giúp tôi. Cho tôi thấy đằng sau nó, bao nhiêu con người khác nữa mang trái tim, tâm hồn đồng điệu. Tôi viết văn là để ngày ngày mở rộng thêm cánh cửa ấy, để tìm kiếm và chạm được vào những tâm hồn biết sẻ chia.
Bắt đầu sáng tác từ năm 2009, có truyện đăng rải rác trên báo chí TƯ và địa phương và đã ra hai tập sách, tuy nhiên giữa một rừng các tác giả trẻ xuất hiện rầm rộ thời gian qua, để bạn đọc nhắc nhớ đến mình đòi hỏi nỗ lực rất lớn của mỗi người viết. Điều này có khiến bạn e ngại khi quyết định dấn bước với văn chương?
– Tôi là người ưa thích sự thử thách. Càng có thử thách, càng có quyết tâm dấn bước tới cùng. Để lại dấu ấn trong lòng người đọc, để người đọc nhắc nhớ đến mình giữa lực lượng đông đảo các tác giả trẻ xuất hiện hiện nay, với tôi đó là một thách thức thú vị. Vì vậy, tôi càng có thêm động lực để tiếp tục với văn chương. Với tôi, văn chương không phải một cuộc đua nước rút, mà là một cuộc thi đi bộ đường trường. Và người viết hơn thua nhau là ở độ bền của cảm xúc, đam mê và sức sáng tạo. Tôi không e ngại hay nghĩ ngợi nhiều về việc phải viết thế nào để bứt lên, để nổi bật hay vượt qua một ai đó. Tôi chỉ sợ không giữ được ngọn lửa cảm xúc trong tim mình để theo đuổi văn chương cho đến cuối cùng.
Công việc hiện nay của bạn là gì?
– Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Kinh tế, tôi có làm việc một thời gian ngắn ở TPHCM. Nhưng vì sức khỏe và một số lí do gia đình, tôi về quê và bắt đầu công việc dạy học cho đến giờ. Tuy chỉ là lớp dạy kèm ở nhà, số lượng học sinh hạn chế. Nhưng công việc này cũng cho tôi nhiều niềm vui và sự thanh thản, bình yên để bắt đầu những trang viết đầu tiên của mình.
Nhiều người viết chọn cho mình một lối viết chuyên biệt: ví dụ chuyên viết cho tuổi mới lớn, chuyên viết về đề tài thành thị… Còn bạn thì sao?
– Thực ra loại hình tôi thích viết nhất vẫn là truyện dành cho thiếu nhi. Có lẽ do ảnh hưởng của công việc dạy học, tiếp xúc nhiều với trẻ thơ, bị cuốn vào sự hồn nhiên trong sáng của lứa tuổi chưa lo chưa nghĩ nhiều đó, nên mỗi khi viết cho thiếu nhi tôi đều có một rung cảm rất đặc biệt. Tôi thích nhập vai vào các nhân vật của mình để xem họ nghĩ gì, ứng xử ra sao, giải quyết thế nào trước những tình huống tôi đặt họ vào. Và nhìn bằng con mắt một đứa trẻ luôn là “vai diễn” ưa thích nhất của tôi. Vì vậy mà trong đa số các truyện tôi viết về thế giới người lớn, cũng hay thấp thoáng bóng một nhân vật trẻ con. Tập truyện đầu tay của tôi “Tay chị- Tay em”( NXB Kim Đồng) cũng là một tập truyện dành cho thiếu nhi.
Tuy ưa thích viết về đối tượng thiếu nhi, tôi cũng không thích đóng khung mình vào một đối tượng hay một lối viết chuyên biệt cố định. Tôi cũng mò mẫm, thử nghiệm nhiều cách viết khác nhau như một số những người viết trẻ khác. Hi vọng sẽ định hình được phong cách rõ nét.
Đọc những truyện ngắn thời gian qua của bạn, nhất là tập truyện ngắn Nho đắng (NXB Văn hóa văn nghệ 2012) mới xuất bạn có thể nhận thấy sự quan tâm đặc biệt của bạn dành cho thân phận những người phụ nữ. Có phải bởi bạn là phụ nữ nên dễ đồng cảm, muốn chia sẻ với họ bằng chính trang viết của mình?
– Trước khi là người cầm bút, tôi là người đọc. Tôi từng khóc, từng cười theo số phận những nhân vật nữ trong các truyện ngắn của Dạ Ngân, Y Ban, Nguyễn Ngọc Tư, ,…Sau này, cộng hưởng cùng những câu chuyện đời thực được tận mắt chứng kiến, tôi nhận ra dù xã hội có thay đổi, dù người phụ nữ ở địa vị hay hoàn cảnh nào, họ cũng là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi và thương tổn nhất. Chính vì vậy, sau thiếu nhi, tôi dành nhiều mối quan tâm cho phụ nữ khi viết. Không phải hễ cứ là phụ nữ thì viết về phụ nữ thành công. Sương Nguyệt Minh, một nam nhà văn , nhưng mối đồng cảm và những hình tượng nhân vật phụ nữ trong trang viết của ông cũng đâu thua kém một nữ nhà văn nào. Là phụ nữ, tôi dễ đồng cảm và chia sẻ với thân phận những người phụ nữ. Nhưng từ cảm xúc cảm thông, chia sẻ để biến được thành một truyện ngắn hay đó là một quá trình mà tôi còn phải cố gắng rất dài.
Vậy có khi nào viết về những người phụ nữ mà bạn cảm thấy bất lực trước những điều muốn viết mà không thể viết?
– Khi viết về phụ nữ, điều làm tôi bất lực nhất vẫn là nỗi đau. Tôi luôn tự hỏi mình có chuyển tải đủ chưa những nỗi đau của nhân vật. Tôi là một người ít trải nghiệm về tình yêu, hôn nhân cũng như va chạm cuộc sống. Chính vì vậy, khi bước vào nỗi đau, đối mặt với những giằng xé nội tâm của nhân vật, sắm vai họ để cất lên tiếng nói, tôi luôn sợ mình làm chưa tới. Tưởng tượng là yếu tố quan trọng trong viết văn. Nhưng tưởng tượng đó cũng phải đi ra từ thực tế và đời sống. Những mảnh đời phụ nữ tôi đưa vào trang viết đau những nỗi đau rất đỗi đời thường. Nhưng bao giờ cũng khiến tôi mỗi lần cầm bút đều khắc khoải ý nghĩ mình đã làm hết chưa nhiệm vụ của một người lên tiếng. Mình đã cất dùm được chưa tiếng lòng của những số phận, những cuộc đời chông chênh với nỗi đau. Hay tôi chỉ đơn giản ráng kết nối từ sự không may của mình để khóc lên cùng họ vài ba lời buồn than hời hợt. Viễn cảnh một nhân vật đứng trước mình và nói: “Này cô gái, cô hiểu gì về cuộc đời mà đòi thấu được hết tâm trạng tôi?”. Điều ấy cũng đáng sợ lắm, đúng không?
Sau tập truyện ngắn Nho đắng , bạn có nghĩ rằng sẽ cần phải thay đổi một hướng viết mới, để tạo dấu ấn Nguyễn Thị Kim Hòa khác hơn trong lòng bạn đọc?
– Nho đắng là tập truyện tôi viết về phụ nữ cùng những bi kịch phát xuất từ khao khát hạnh phúc của họ. Ở Nho đắng, tôi cũng sử dụng cách viết lồng ghép vào câu chuyện và bi kịch nhân vật yếu tố đặc điểm vùng miền. Cảnh trong truyện gắn liền với nhân vật, thay nhân vật phản ánh nội tâm và biến đổi theo dòng nội tâm đó. Dụng cảnh tả tình, tuy cách viết cũ nhưng tôi vẫn rất ưa thích. Nho đắng đánh dấu một cách viết tôi chọn lựa. Tất nhiên, tôi không thể cứ sử dụng mãi cách viết này trong những sáng tác sau sau nữa. Người đọc không phải ai cũng dõi theo một người viết duy nhất từ đầu đến cuối để nhận ra họ thay đổi ra sao, họ có lặp lại mình không. Nhưng việc giẫm lại mình, với bản thân tôi và có lẽ với nhiều người viết khác, là một điều khó chịu lớn. Vì vậy, sau Nho đắng tôi sẽ thay đổi và thử một hướng viết mới. Có thể tạo những bối cảnh truyện hiện đại hơn, đi sâu vào những mối quan hệ, những mất mát, cô đơn vì “vết thương thị thành”. Hi vọng sẽ tạo được ấn tượng nhất định.
Viết văn có khiến cho cuộc sống của bạn thay đổi?
– Văn chương giống như một cơn gió mới thổi vào cuộc sống vốn đều đều buồn tẻ của tôi những cảm xúc nhiều khi rất mãnh liệt. Có những rung động, những niềm vui, và cả nỗi buồn mà chỉ khi bắt đầu dấn thân vào trang viết tôi mới trải nghiệm và tìm thấy. Khi chưa đến với văn chương, tôi là kẻ cô độc ngồi sau một cánh cửa khép kín. Văn chương mở cánh cửa đó giúp tôi. Cho tôi thấy đằng sau nó, bao nhiêu con người khác nữa mang trái tim, tâm hồn đồng điệu. Tôi viết văn là để ngày ngày mở rộng thêm cánh cửa ấy, để tìm kiếm và chạm được vào những tâm hồn biết sẻ chia. Văn chương, dù nhiều người nói với tôi bản chất là một con đường đơn độc, nhưng nhiều con đường đơn độc chạy song song bên nhau thì vẫn vui. Viết văn cho tôi những người bạn. Viết văn để thế giới khép kín của tôi trở thành một thế giới mở. Và tôi hạnh phúc, vì là người cầm bút.
Cảm ơn bạn đã chia sẻ.
Nguyễn Thị Kim Hòa, sinh năm 1984 tại Phan Rang, Ninh Thuận. Hiện đang sống và làm việc tại Ninh Thuận.
Bắt đầu sáng tác từ cuối năm 2009 với những truyện ngắn đầu tiên đăng trên báo Áo trắng, đến nay Nguyễn Thị Kim Hòa đã có hai tập sách: Tay chị tay em (NXB Kim Đồng 2011) và Nho đắng (NXB Văn hóa – Văn nghệ 2012). Nhiều truyện ngắn của Nguyễn Thị Kim Hòa đã được đăng tải trên Văn nghệ Trẻ.
Nguồn: Vannghetre